Đời sống bạn có thể có thêm ý nghĩa bằng cách nào
Đời sống bạn có thể có thêm ý nghĩa bằng cách nào
MỘT câu châm ngôn xưa nói: “Con chớ chịu vật-vã đặng làm giàu; khá thôi nhờ-cậy khôn-ngoan riêng của con. Con há liếc mắt vào sự giàu có sao? Nó đã chẳng còn nữa rồi; vì nó quả hẳn có mọc cánh, và bay lên trên trời như chim ưng vậy”. (Châm-ngôn 23:4, 5) Nói cách khác, cố làm giàu mà làm sức khỏe hao mòn thì thật không khôn ngoan, vì của cải có thể mọc cánh bay như chim ưng.
Như Kinh Thánh cho thấy, của cải vật chất có thể nhanh chóng biến mất. Nó có thể tan biến trong chốc lát vì thiên tai, kinh tế suy thoái, hoặc những tình huống bất ngờ. Hơn nữa, ngay cả những người thành đạt về vật chất cũng thường vỡ mộng. Hãy xem trường hợp của John. Công việc của anh là cung cấp dịch vụ giải trí cho các chính khách, nhân vật thể thao nổi tiếng và giới hoàng tộc.
Anh John nói: “Tôi đã dốc toàn lực cho nghề nghiệp. Tôi thành công về mặt tài chính, ngụ tại những khách sạn đắt tiền và đôi khi còn đi làm bằng phi cơ phản lực riêng nữa. Thoạt tiên, tôi thích cuộc sống này, nhưng dần dần tôi bắt đầu thấy chán. Những người mà tôi muốn lấy lòng có vẻ hời hợt. Đời tôi thật vô vị”.
Như anh John đã nhận thấy, một đời sống mà thiếu các giá trị thiêng liêng thì không thỏa đáng. Qua Bài Giảng nổi tiếng trên Núi, Chúa Giê-su Christ cho thấy cách hưởng được hạnh phúc trường cửu. Ngài nói: “Phước cho những người ý thức nhu cầu thiêng liêng vì nước thiên đàng thuộc những người đó”. (Ma-thi-ơ 5:3, NW) Vậy rõ ràng việc đặt những vấn đề thiêng liêng lên hàng đầu là điều khôn ngoan. Tuy nhiên, những yếu tố khác cũng có thể thêm ý nghĩa cho đời sống.
Gia đình và bạn bè thật quan trọng
Không có liên lạc với gia đình và không bạn bè thân thiết, bạn có vui sống không? Dĩ nhiên là không. Đấng Tạo Hóa đã tạo ra chúng ta với nhu cầu yêu thương và được yêu thương. Đó là một trong những lý do tại sao Chúa Giê-su nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ‘yêu-thương người lân-cận như chính mình’. (Ma-thi-ơ 22:39) Gia đình là sự ban cho của Đức Chúa Trời—một môi trường lý tưởng để biểu lộ tình yêu thương vị tha.—Ê-phê-sô 3:14, 15.
Gia đình có thể thêm ý nghĩa cho đời sống chúng ta như thế nào? Một gia đình đoàn kết có thể ví như một cảnh vườn xinh đẹp, nơi nghỉ ngơi mát mẻ để tránh những căng thẳng của đời sống hàng ngày. Cũng thế, trong phạm vi gia đình, chúng ta có thể tìm thấy tình thân ái tươi mát và sự nồng ấm, là những điều xua đuổi cảm giác cô đơn. Dĩ nhiên, không phải tự nhiên mà gia đình trở thành nơi nghỉ ngơi tốt như thế. Tuy nhiên, khi củng cố mối quan hệ gia đình, chúng ta gần gũi nhau hơn và đời sống trở nên phong phú. Chẳng hạn, dành thì giờ và sự chú ý để biểu lộ tình yêu thương và tôn trọng người hôn phối là một sự đầu tư hàng ngày cuối cùng có thể đem lại nhiều lợi lớn.—Ê-phê-sô 5:33.
Nếu có con cái, chúng ta nên cố gắng tạo môi trường tốt để nuôi nấng chúng. Dành thì giờ cho con cái, giữ một mối liên lạc cởi mở, và dạy dỗ chúng về thiêng liêng có thể đòi hỏi nhiều nỗ lực. Song thời gian và nỗ lực đó có thể đem lại cho chúng ta nhiều mãn nguyện. Những bậc cha mẹ thành công xem con cái là một ân phước, là cơ nghiệp do Đức Chúa Trời ban cho, nên phải được chăm sóc chu đáo.—Thi-thiên 127:3.
Những người bạn tốt cũng góp phần đem lại đời sống toại nguyện và đầy ý nghĩa. (Châm-ngôn 27:9) Chúng ta có thể dễ kết bạn nếu biết biểu lộ tình tương thân tương ái. (1 Phi-e-rơ 3:8) Bạn chân thật nâng chúng ta dậy khi chúng ta vấp ngã. (Truyền-đạo 4:9, 10) Ngoài ra, “bằng-hữu [chân thật là]... anh em sanh ra để giúp-đỡ trong lúc hoạn-nạn”.—Châm-ngôn 17:17.
Tình bạn chân thật có thể khiến chúng ta mãn nguyện biết bao! Cảnh hoàng hôn sẽ ngoạn mục hơn, bữa ăn sẽ thơm ngon hơn và âm nhạc sẽ du dương hơn khi có bạn cùng chia sẻ. Dĩ nhiên, một gia đình khắng khít và những người bạn đáng tin cậy chỉ là hai trong nhiều khía cạnh của một đời sống đầy ý nghĩa. Đức Chúa Trời còn cung cấp những điều nào khác có thể thêm ý nghĩa cho đời sống chúng ta?
Thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng
Như đã nói trên, Chúa Giê-su Christ liên kết hạnh phúc với việc ý thức nhu cầu thiêng liêng của chúng ta. Chúng ta đã được tạo ra với khả năng thiêng liêng và đạo đức. Bởi vậy, Kinh Thánh nhắc đến “người có tánh thiêng-liêng” và người “bề trong giấu ở trong lòng”.—1 Cô-rinh-tô 2:15; 1 Phi-e-rơ 3:3, 4.
Theo cuốn An Expository Dictionary of New Testament Words, do W. E. Vine viết, lòng tượng trưng cho “toàn bộ hoạt động trí tuệ và đạo đức của con người, cả các yếu tố lý trí lẫn tình cảm”. Ông Vine giải thích thêm: “Nói cách khác, lòng theo nghĩa bóng dùng để chỉ nguồn sâu kín của đời sống nội tâm”. Cuốn sách trên cũng lưu ý rằng “lòng dạ nằm sâu thẳm ở bên trong, chứa đựng ‘con người ẩn giấu’,... con người thật”.
Làm sao chúng ta có thể thỏa mãn nhu cầu của “người có tánh thiêng-liêng”, hay “con người ẩn giấu”, tức người “bề trong giấu ở trong lòng”? Chúng ta tiến tới một bước quan trọng và thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng của chúng ta, khi thừa nhận điều mà người viết Thi-thiên được soi dẫn đã hát: “Phải biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời. Chính Ngài đã dựng-nên chúng tôi, chúng tôi thuộc về Ngài; chúng tôi là dân-sự Ngài, là bầy chiên của đồng cỏ Ngài”. (Thi-thiên 100:3) Thừa nhận điều này buộc chúng ta phải kết luận rằng mình có trách nhiệm khai trình với Đức Chúa Trời. Nếu muốn được kể vào hàng “dân-sự Ngài, là bầy chiên của đồng cỏ Ngài”, chúng ta phải hành động phù hợp với Lời Ngài là Kinh Thánh.
Chịu trách nhiệm trước Đức Chúa Trời có thiệt thòi gì không? Không. Vì ý thức rằng Đức Chúa Trời quan tâm đến hạnh kiểm của chúng ta khiến đời sống chúng ta có thêm ý nghĩa. Điều này khuyến khích chúng ta trở nên những người tốt hơn—đây chắc chắn là một mục tiêu xứng đáng. Thi-thiên 112:1 nói: “Phước cho người nào kính-sợ Đức Giê-hô-va, rất ưa-thích điều-răn Ngài!” Sự kính sợ sâu xa đối với Đức Chúa Trời và hết lòng vâng lời Ngài có thể thêm ý nghĩa cho đời sống chúng ta.
Tại sao việc vâng lời Đức Chúa Trời khiến chúng ta mãn nguyện? Bởi vì chúng ta có lương tâm, một sự ban cho của Đức Chúa Trời đối với toàn thể nhân loại. Lương tâm xem xét hành vi đạo đức, chấp nhận hoặc không chấp nhận những gì chúng ta đã làm hoặc định làm. Tất cả chúng ta đều đã từng bị lương tâm cắn rứt. (Rô-ma 2:15) Nhưng lương tâm cũng có thể thưởng công chúng ta. Khi chúng ta hành động một cách bất vị kỷ đối với Đức Chúa Trời và người đồng loại, chúng ta cảm thấy hài lòng và mãn nguyện. Chúng ta cảm nghiệm được rằng “ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”. (Công-vụ 20:35) Có một lý do quan trọng cho điều này.
Vì cách mà Đấng Tạo Hóa đã tạo ra chúng ta, nên những ước vọng và nhu cầu của người khác ảnh hưởng đến chúng ta. Giúp người khác đem lại sự vui sướng trong lòng chúng ta. Ngoài ra, Kinh Thánh cam kết rằng khi chúng ta giúp đỡ những người cần được giúp, Đức Chúa Trời xem như là chúng ta làm ơn cho Ngài.—Châm-ngôn 19:17.
Ngoài việc tạo cho chúng ta một cảm giác mãn nguyện nội tâm, việc chú ý đến nhu cầu thiêng liêng của mình có thể giúp chúng ta một cách thực tiễn không? Một doanh nhân ở Trung Đông tên Raymond tin là có. Ông nói: “Mục tiêu duy nhất của tôi là kiếm tiền. Nhưng kể từ khi tôi chấp nhận trong lòng rằng có một Đức Chúa Trời, và Kinh Thánh cho biết ý muốn của Ngài, tôi trở thành một người khác hẳn. Bây giờ việc kiếm sống đứng hàng nhì trong đời sống tôi. Nhờ cố gắng làm hài lòng Đức Chúa Trời tôi thoát được những ý nghĩ thù hận có hại cho bản thân. Dù cha tôi đã chết trong một cuộc xung đột, nhưng tôi không muốn trả thù những người đã gây ra cái chết của cha tôi”.
Như Raymond đã nhận ra, việc chăm sóc kỹ cho nhu cầu của “người có tánh thiêng-liêng” có thể hàn gắn những vết thương lòng sâu thẳm. Tuy nhiên, chúng ta phải đối phó với những vấn đề xảy ra mỗi ngày, nếu không, đời sống của chúng ta không hoàn toàn mãn nguyện.
Chúng ta có thể có được “sự bình-an của Đức Chúa Trời”
Trong thế giới nhiều sôi động này, ít có ngày nào trôi qua êm ả. Tai nạn xảy ra, các dự định không thành, và người ta làm chúng ta thất vọng. Những việc này có thể cướp mất hạnh phúc của chúng ta. Nhưng Kinh Thánh hứa rằng những ai phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ có niềm mãn nguyện nội tâm—“sự bình-an của Đức Chúa Trời”. Làm sao chúng ta có thể tìm được sự bình an này?
Sứ đồ Phao-lô viết: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. (Phi-líp 4:6, 7) Thay vì cố gánh chịu những vấn đề khó khăn một mình, chúng ta cần tha thiết cầu nguyện, trao các gánh nặng hàng ngày của mình cho Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 55:22) Tin rằng Ngài đáp lại những lời nài xin của chúng ta qua Con Ngài, Chúa Giê-su Christ, thì niềm tin đó sẽ gia tăng khi chúng ta tăng trưởng về thiêng liêng và nhận ra cách Đức Chúa Trời giúp chúng ta.—Giăng 14:6, 14; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:3.
Sau khi xây dựng niềm tin tưởng nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời, “Đấng nghe lời cầu-nguyện”, chúng ta được trang bị tốt hơn để đối phó với thử thách, chẳng hạn như bệnh tật kinh niên, tuổi già hoặc người thân chết. (Thi-thiên 65:2) Tuy nhiên, muốn đời sống thật sự có ý nghĩa, chúng ta cần phải lưu ý đến tương lai.
Vui mừng trong hy vọng trước mặt
Kinh Thánh hứa sẽ có “trời mới đất mới”, một chính phủ trên trời công bình, đầy quan tâm, cai trị trên gia đình nhân loại biết vâng lời. (2 Phi-e-rơ 3:13) Trong thế giới mới mà Đức Chúa Trời hứa, hòa bình và công lý sẽ thay thế chiến tranh và sự bất công. Đây không chỉ là một mong ước thoáng qua mà là một niềm tin chắc ngày càng mãnh liệt hơn. Quả thật đây là tin mừng và chắc chắn là một lý do vững chắc để hớn hở.—Rô-ma 12:12; Tít 1:2.
John, người được nói đến ở đầu bài, nay cảm thấy đời anh có nhiều ý nghĩa hơn. Anh nói: “Tôi luôn tin nơi Đức Chúa Trời, dù rằng trước đây tôi không phải là người rất sùng đạo. Nhưng tôi đã không hành động theo niềm tin đó cho đến khi hai Nhân Chứng Giê-hô-va gõ cửa nhà tôi. Tôi dồn dập hỏi họ những câu như: ‘Tại sao chúng ta hiện hữu trên trái đất? Tương lai chúng ta sẽ ra sao?’ Lần đầu tiên trong đời tôi, những câu trả lời thỏa đáng của họ dựa trên Kinh Thánh đã làm cho tôi nhận ra mục đích của đời sống. Nhưng chưa hết. Lòng tôi nảy sinh niềm khao khát lẽ thật, khiến tôi thay đổi toàn bộ các giá trị của tôi. Dù tôi không còn giàu có về vật chất nữa, tôi cảm thấy mình là một triệu phú thiêng liêng”.
Giống như anh John, có lẽ bạn đã để cho khả năng thiêng liêng của bạn ngủ yên qua nhiều năm. Tuy nhiên, bằng cách phát triển tấm “lòng khôn-ngoan”, bạn có thể đánh thức nó. (Thi-thiên 90:12). Nếu cương quyết và cố gắng, bạn có thể có được niềm vui, sự bình an và hy vọng chân chính. (Rô-ma 15:13) Đúng vậy; và đời sống bạn có thể có thêm ý nghĩa.
[Hình nơi trang 6]
Lời cầu nguyện có thể đem lại cho chúng ta “sự bình-an của Đức Chúa Trời”
[Các hình nơi trang 7]
Bạn có biết điều gì khiến đời sống gia đình mãn nguyện hơn không?