Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có chịu ảnh hưởng của người đa nghi không?

Bạn có chịu ảnh hưởng của người đa nghi không?

Bạn có chịu ảnh hưởng của người đa nghi không?

“NGƯỜI đa nghi là kẻ luôn nhìn thấy cái xấu thay vì phẩm chất tốt đẹp nơi người khác. Hắn như chim cú, nhìn soi mói trong bóng tối, mù lòa ngoài ánh sáng, rình bắt những con vật nhỏ mọn, nhưng không bao giờ thấy con mồi quý giá”. Câu này đã được quy cho Henry Ward Beecher, một linh mục Hoa Kỳ vào thế kỷ 19. Nhiều người có lẽ nghĩ rằng những lời ấy mô tả chính xác tinh thần đa nghi thời nay. Nhưng từ ngữ “đa nghi” có nguồn gốc từ thời Hy Lạp cổ đại, và vào thời đó nó không chỉ nói về một người có thái độ như vậy. Trong nhiều thế kỷ, nó được dùng để chỉ một trường phái triết học.

Triết học của những người đa nghi đã phát triển như thế nào? Họ dạy điều gì? Tín đồ Đấng Christ có nên bắt chước người theo thuyết đa nghi không?

Những người đa nghi thời xưa​—Nguồn gốc và niềm tin

Hy Lạp cổ đại là môi trường thuận lợi khiến những cuộc thảo luận và tranh cãi sinh sôi, nảy nở. Qua nhiều thế kỷ trước công nguyên, những người như Socrates, Plato và Aristotle đã nổi danh nhờ những triết lý họ đề xuất. Những lời dạy của họ đã tạo ảnh hưởng sâu đậm, và vẫn còn tồn tại đến ngày nay trong nền văn hóa Tây Phương.

Socrates (470-399 TCN) biện luận rằng hạnh phúc lâu dài không thể tìm thấy trong việc theo đuổi vật chất hoặc hưởng những thú vui nhục dục. Ông khẳng định rằng hiến dâng cuộc đời cho việc theo đuổi đạo đức mang lại hạnh phúc thật. Socrates cho rằng đạo đức là cái thiện tối cao. Để đạt mục tiêu này, ông từ chối sự xa hoa vật chất và mọi sự đeo đuổi không cần thiết vì cho rằng những điều này sẽ gây phân tâm. Ông ủng hộ sự điều độ, khắc kỷ, và sống giản dị, tiết kiệm.

Socrates phát huy một phương thức dạy dỗ gọi là phương pháp Socrates. Trong khi phần lớn những nhà tư tưởng trình bày một quan niệm và cung cấp lý lẽ để ủng hộ quan niệm đó thì Socrates làm ngược lại. Ông lắng nghe học thuyết của các triết gia khác và tìm cách nêu ra những khiếm khuyết trong quan niệm của họ. Phương pháp này khuyến khích thái độ phê phán và thiếu tôn trọng người khác.

Trong số các đệ tử của Socrates có một triết gia tên là Antisthenes (khoảng 445-365 TCN). Ông ấy và một số người khác đã phát triển thêm những dạy dỗ căn bản của Socrates bằng cách nói rằng đạo đức là cái thiện duy nhất. Theo họ việc theo đuổi lạc thú không chỉ là điều làm phân tâm mà còn là một hình thức của sự gian ác. Trở nên cực kỳ thù địch với xã hội, họ biểu lộ sự khinh thị đối với người đồng loại. Họ mang tên là những Kẻ Đa Nghi (Cynic). Tên gọi Cynic có thể có gốc là chữ Hy Lạp ky·ni·kos. Từ này diễn tả thái độ khinh khỉnh và ngạo mạn của họ. Nó có nghĩa “giống như chó”. *

Tác động đến lối sống của họ

Mặc dù những yếu tố cơ bản của triết lý đa nghi như sự đối kháng với chủ nghĩa vật chất và lối sống buông thả có lẽ đã được xem như đáng khen, nhưng những người đa nghi lại đẩy quan niệm của họ đến chỗ cực đoan. Điều này được thể hiện rõ ràng qua cuộc đời của triết gia Diogenes—người theo triết lý đa nghi nổi tiếng nhất.

Diogenes sinh năm 412 TCN tại Sinope, một thành phố nằm trên bờ Biển Đen. Theo cha đến Athens, nơi đó ông bắt đầu tiếp cận với sự giảng dạy của thuyết đa nghi. Diogenes là học trò của Antisthenes và trở nên say mê triết lý này. Socrates sống một cuộc đời giản dị, còn Antisthenes sống khắc kỷ. Nhưng Diogenes thì sống khổ hạnh. Người ta tin rằng để nhấn mạnh việc mình bác bỏ tiện nghi vật chất, Diogenes đã sống một thời gian ngắn trong cái vại!

Có lời kể rằng để tìm cái thiện tột đỉnh, Diogenes đã cầm đèn thắp sáng đi khắp thành Athens giữa ban ngày ban mặt hầu kiếm một người đạo đức! Hành vi ấy thu hút sự chú ý, và đó là cách mà Diogenes và những người đa nghi dạy dỗ. Có lời thuật rằng một lần nọ Alexander Đại Đế hỏi Diogenes muốn điều gì nhất. Theo lời thuật, thì Diogenes đáp ông chỉ muốn Alexander đứng sang một bên để không chắn ánh mặt trời!

Diogenes và những người theo thuyết đa nghi sống như những kẻ ăn xin. Họ không dành thời giờ cho các mối quan hệ bình thường của con người và bác bỏ mọi bổn phận công dân. Có lẽ vì chịu ảnh hưởng bởi phương pháp lý luận của Socrates, họ không chút tôn trọng người khác. Diogenes có tiếng là hay mỉa mai cay độc. Những người đa nghi có tiếng là “giống như chó”, riêng Diogenes có biệt danh là Con Chó. Ông mất lúc 90 tuổi, khoảng năm 320 TCN. Một bia kỷ niệm bằng cẩm thạch hình con chó được dựng trên mộ ông.

Vài khía cạnh của triết lý đa nghi cũng thâm nhập vào những trường phái tư tưởng khác. Tuy nhiên, theo thời gian, tính lập dị của Diogenes và của các đệ tử thời sau đó đã làm cho trường phái đa nghi mang tiếng xấu. Cuối cùng nó hoàn toàn biến mất.

Những kẻ đa nghi ngày nay—Bạn có nên bắt chước họ không?

Cuốn từ điển The Oxford English Dictionary miêu tả người đa nghi ngày nay là “người hay nhiếc móc hoặc bắt lỗi... Là người có khuynh hướng không tin rằng người khác có động lực và hành động chân thành hay tốt lành, và có khuynh hướng biểu lộ thái độ ấy qua việc chế nhạo và mỉa mai; là kẻ nhạo báng hay bắt lỗi”. Những đặc tính này thể hiện rõ trong thế giới quanh ta, nhưng dĩ nhiên chúng không thích hợp với nhân cách tín đồ Đấng Christ. Hãy xem xét các dạy dỗ và nguyên tắc Kinh Thánh sau đây.

“Đức Giê-hô-va có lòng thương-xót, hay làm ơn, chậm nóng-giận, và đầy sự nhân-từ. Ngài không bắt tội luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời”. (Thi-thiên 103:8, 9) Tín đồ Đấng Christ được khuyên hãy “trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời”. (Ê-phê-sô 5:1) Nếu như Đức Chúa Trời Toàn Năng biểu lộ lòng thương xót và tình yêu thương vô hạn thay vì “hay nhiếc móc hoặc bắt lỗi”, chắc chắn tín đồ Đấng Christ cũng nên hành động như thế.

Chúa Giê-su Christ, hình ảnh chính xác của Đức Giê-hô-va, đã ‘để lại cho chúng ta một gương, hầu chúng ta noi dấu chân ngài’. (1 Phi-e-rơ 2:21; Hê-bơ-rơ 1:3) Nhiều lần Chúa Giê-su vạch trần những sai lầm tôn giáo và làm chứng về những việc làm gian ác của thế gian. (Giăng 7:7) Song ngài khen ngợi những người thành thật. Thí dụ, ngài nói về Na-tha-na-ên: “Nầy, một người Y-sơ-ra-ên thật, trong người không có điều dối-trá chi hết”. (Giăng 1:47) Khi làm phép lạ, trong vài trường hợp Chúa Giê-su chú ý đến đức tin của người nhận. (Ma-thi-ơ 9:22) Và khi một số người nghĩ rằng món quà biểu lộ lòng biết ơn của người phụ nữ kia là phung phí, Chúa Giê-su đã không nghi ngờ động lực của bà nhưng ngài bảo: “Hễ nơi nào Tin-lành nầy được giảng ra, thì cũng thuật lại việc người ấy đã làm để nhớ đến người”. (Ma-thi-ơ 26:6-13) Chúa Giê-su tin các môn đồ và là người bạn đầy yêu thương, ngài ‘cứ yêu họ cho đến cuối-cùng’.—Giăng 13:1.

Vì Chúa Giê-su hoàn toàn, ngài đã có thể dễ dàng bắt lỗi con người bất toàn. Tuy nhiên, thay vì biểu lộ tinh thần hoài nghi và hay bắt lỗi, ngài tìm cách khích lệ người ta.—Ma-thi-ơ 11:29, 30.

“[Tình yêu thương] tin mọi sự”. (1 Cô-rinh-tô 13:7) Câu này tương phản hẳn với khuynh hướng của người hay nghi ngờ động lực và việc làm của người khác. Dĩ nhiên, thế giới đầy những kẻ có động lực mờ ám; thế nên cần thận trọng. (Châm-ngôn 14:15) Tuy nhiên, tình yêu thương sẵn sàng tin tưởng bởi vì đó là lòng tin người, không ngờ vực quá mức.

Đức Chúa Trời yêu thương và tin cậy các tôi tớ của Ngài. Ngài biết những hạn chế của họ còn rõ hơn chính họ biết. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không bao giờ nghi ngờ dân sự của Ngài và Ngài cũng không đòi hỏi họ quá sức. (Thi-thiên 103:13, 14) Hơn nữa, Đức Chúa Trời tìm kiếm điều tốt nơi loài người và Ngài tin cậy ban đặc ân cũng như quyền hạn cho những tôi tớ trung thành của Ngài dù họ bất toàn.—1 Các Vua 14:13; Thi-thiên 82:6.

“Ta, Đức Giê-hô-va, dò-xét trong trí, thử-nghiệm trong lòng, báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết-quả của việc họ làm”. (Giê-rê-mi 17:10) Đức Giê-hô-va có khả năng đọc được chính xác lòng của một người. Chúng ta thì không. Thế nên chúng ta cần thận trọng khi gán cho người khác những động cơ nào đó.

Để tinh thần hoài nghi bén rễ và cuối cùng để nó thống trị tư tưởng mình có thể tạo sự chia rẽ giữa chúng ta và các anh em đồng đức tin. Điều đó có thể phá vỡ sự bình an của hội thánh tín đồ Đấng Christ. Thế nên chúng ta hãy noi gương Chúa Giê-su, ngài đã cư xử thực tế nhưng tích cực với các môn đồ của ngài. Ngài trở nên người bạn đáng tin cậy của họ.—Giăng 15:11-15.

“Các ngươi muốn người ta làm cho mình thể nào, hãy làm cho người ta thể ấy”. (Lu-ca 6:31) Có nhiều cách để áp dụng lời khuyên này của Chúa Giê-su Christ. Thí dụ, tất cả chúng ta đều thích được tiếp chuyện cách tử tế và tôn trọng. Vậy, chắc chắn chúng ta cũng nên đối xử với người khác tử tế và tôn trọng. Ngay khi Chúa Giê-su mạnh mẽ vạch trần những dạy dỗ sai lầm của các nhà lãnh đạo tôn giáo, ngài cũng không bao giờ làm điều này với tính cách đa nghi.—Ma-thi-ơ 23:13-36.

Phương cách chống lại tinh thần đa nghi

Nếu người khác làm chúng ta thất vọng, có thể tinh thần đa nghi dễ ảnh hưởng đến chúng ta. Chúng ta có thể chống lại khuynh hướng này bằng cách hiểu rằng Đức Giê-hô-va đối xử cách tin cậy với dân sự bất toàn của Ngài. Điều này có thể giúp chúng ta chấp nhận những người cùng thờ phượng Đức Chúa Trời theo bản chất họ—những người bất toàn cố gắng làm điều đúng.

Những kinh nghiệm đau buồn có thể khiến một số người mất lòng tin cậy nơi người khác. Đành rằng đặt trọn lòng tin của chúng ta nơi loài người bất toàn là thiếu khôn ngoan. (Thi-thiên 146:3, 4) Tuy nhiên, trong hội thánh tín đồ Đấng Christ, nhiều người chân thành muốn làm nguồn khích lệ cho người khác. Hãy nghĩ đến hàng ngàn người chẳng khác nào cha mẹ, anh chị em và con cái của những người đã mất gia đình riêng. (Mác 10:30) Hãy nghĩ đến biết bao nhiêu người đã chứng tỏ họ là những người bạn thật trong lúc đau buồn. *Châm-ngôn 18:24.

Môn đồ của Chúa Giê-su được nhận diện qua tình yêu thương anh em chứ không phải qua tính đa nghi, vì ngài nói: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”. (Giăng 13:35) Vậy, chúng ta hãy biểu lộ tình yêu thương, và tập trung vào những đức tính tốt của anh em tín đồ Đấng Christ. Làm thế sẽ giúp chúng ta tránh được những đặc tính của người đa nghi.

[Chú thích]

^ đ. 8 Tên Cynic còn có thể đến từ chữ Ky·noʹsar·ges, một phòng tập thể dục ở Athens nơi Antisthenes giảng dạy.

^ đ. 27 Xin xem bài “Hội thánh tín đồ Đấng Christ—Một nguồn an ủi khích lệ” trong Tháp Canh, ngày 15-5-1999.

[Hình nơi trang 21]

Người đa nghi nổi tiếng nhất, Diogenes

[Nguồn tư liệu]

Lấy từ sách Great Men and Famous Women