Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Quyền lực của niềm hy vọng sống lại

Quyền lực của niềm hy vọng sống lại

Quyền lực của niềm hy vọng sống lại

“Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ... cho đến nỗi tôi được biết [Chúa Giê-su Christ], và quyền-phép sự sống lại của Ngài”.—PHI-LÍP 3:8-10.

1, 2. (a) Nhiều năm trước, một mục sư đã miêu tả thế nào về sự sống lại? (b) Sự sống lại sẽ diễn ra như thế nào?

VÀO đầu thập niên 1890, một tờ báo tường thuật về bài giảng của một mục sư ở Brooklyn, New York, Hoa Kỳ. Ông ta nói rằng sự sống lại sẽ bao gồm việc gom lại những xương thịt đã từng làm thành thể xác con người và cho nó sống lại, dù trước kia nó bị hủy diệt bởi lửa hay là tai nạn, bị thú vật ăn thịt hay đã trở thành phân bón. Ông mục sư này nghĩ rằng trong một ngày 24 giờ, không gian trở nên tối tăm vì đầy những bàn tay, cánh tay, ngón tay, chân, xương, gân và da của hàng tỷ người đã chết. Những bộ phận này sẽ tìm những bộ phận khác trong cùng một thể xác. Rồi linh hồn từ trời và địa ngục sẽ trở lại nhập vào những thể xác được làm sống lại này.

2 Sự sống lại qua việc sắp xếp lại những nguyên tử lúc đầu của thể xác là không hợp lý, và loài người không có một linh hồn bất tử. (Truyền-đạo 9:5, 10; Ê-xê-chi-ên 18:4) Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của sự sống lại, không cần ghép lại những nguyên tử vật chất đã từng kết hợp thành thể xác của một người lúc trước. Ngài có thể làm ra thân thể mới cho những người được sống lại. Đức Giê-hô-va đã ban quyền lực cho Con Ngài, Chúa Giê-su Christ, làm người chết sống lại với triển vọng được sống đời đời. (Giăng 5:26) Vì vậy Chúa Giê-su nói: “Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi”. (Giăng 11:25, 26) Quả là một lời hứa làm ấm lòng! Lời này làm chúng ta vững mạnh để chịu đựng những thử thách và thậm chí đương đầu với cái chết vì làm những Nhân Chứng trung thành của Đức Giê-hô-va.

3. Tại sao Phao-lô cần biện hộ cho sự sống lại?

3 Sự sống lại không phù hợp với giáo lý cho rằng con người có một linh hồn bất tử—quan điểm của triết gia Hy Lạp Plato. Vậy khi sứ đồ Phao-lô làm chứng trước những người Hy Lạp nổi tiếng trên đồi A-rê-ô-ba ở A-thên, ông ám chỉ đến Chúa Giê-su, và nói rằng Đức Chúa Trời đã làm ngài sống lại, sau đó điều gì xảy ra? Lời tường thuật nói: “Khi chúng nghe nói về sự sống lại của kẻ chết,... thì nhạo-báng”. (Công-vụ 17:29-34) Nhiều người sống thời đó từng thấy Chúa Giê-su phục sinh, và bất chấp sự nhạo báng, họ đã làm chứng rằng ngài được sống lại. Nhưng những thầy dạy giả dối kết hợp với hội thánh ở Cô-rinh-tô đã không tin có sự sống lại. Vì vậy Phao-lô biện hộ rất hùng hồn cho sự dạy dỗ này của đạo Đấng Christ nơi 1 Cô-rinh-tô chương 15. Việc nghiên cứu cẩn thận những lý lẽ của ông chắc chắn chứng tỏ sự vững chắc và quyền lực của hy vọng sống lại.

Bằng chứng vững chắc về sự sống lại của Chúa Giê-su

4. Phao-lô đưa ra bằng chứng nào cho thấy có những người đã chứng kiến sự sống lại của Chúa Giê-su?

4 Hãy chú ý cách Phao-lô mở đầu sự biện hộ của ông. (1 Cô-rinh-tô 15:1-11) Người Cô-rinh-tô tin đạo cách hoài công nếu họ không giữ vững tin mừng về sự cứu rỗi. Đấng Christ chết vì tội lỗi chúng ta, được chôn, và được sống lại. Thật vậy, sau đó Chúa Giê-su đã hiện ra cho Sê-pha (Phi-e-rơ), “sau lại hiện ra cho mười hai sứ-đồ”. (Giăng 20:19-23) Ngài đã được khoảng 500 người thấy, có lẽ lúc đó ngài truyền lệnh: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân”. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Gia-cơ cũng như tất cả các sứ đồ trung thành đã thấy ngài. (Công-vụ 1:6-11) Gần thành Đa-mách, Chúa Giê-su hiện ra cho Sau-lơ “như cho một thai sanh non vậy”—như thể là Sau-lơ đã được sống lại trong cõi thần linh. (Công-vụ 9:1-9) Những người Cô-rinh-tô đã trở thành người tin đạo vì Phao-lô giảng cho họ, và họ đã chấp nhận tin mừng.

5. Lập luận của Phao-lô là gì, như được ghi nơi 1 Cô-rinh-tô 15:12-19?

5 Hãy xem cách Phao-lô lập luận. (1 Cô-rinh-tô 15:12-19) Vì có người làm chứng rằng Đấng Christ đã được sống lại, làm sao có thể nói rằng không có sự sống lại? Nếu Chúa Giê-su không được sống lại, việc rao giảng và đức tin của chúng ta sẽ là vô ích, và chúng ta nói dối nghịch lại Đức Chúa Trời vì cho rằng Ngài đã làm Đấng Christ sống lại. Nếu người chết không được sống lại, ‘chúng ta còn ở trong tội-lỗi mình’ và những người ngủ trong Đấng Christ cũng hư mất. Hơn nữa, “nếu chúng ta chỉ có sự trông-cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người chúng ta là kẻ khốn-nạn hơn hết”.

6. (a) Phao-lô nói gì để khẳng định Chúa Giê-su đã được sống lại? (b) ‘Kẻ thù sau cùng’ là gì, và nó sẽ bị hủy diệt như thế nào?

6 Phao-lô khẳng định Chúa Giê-su đã được sống lại. (1 Cô-rinh-tô 15:20-28) Bởi vì Đấng Christ là “trái đầu mùa” trong số những người ngủ trong sự chết, cho nên những người khác cũng sẽ được sống lại. Vì một người, A-đam, không vâng lời nên có sự chết, thì cũng vậy nhờ một người, Chúa Giê-su, mà có sự sống lại. Những người thuộc về ngài sẽ được sống lại trong thời kỳ hiện diện của ngài. Đấng Christ “phá-diệt mọi đế-quốc, mọi quyền cai-trị, và mọi thế-lực” chống nghịch lại quyền thống trị của Đức Chúa Trời và ngài sẽ cai trị với tư cách là Vua cho đến chừng nào Đức Giê-hô-va đặt mọi kẻ thù dưới chân ngài. Thậm chí ‘kẻ thù sau-cùng’—sự chết do A-đam truyền lại—cũng sẽ bị hủy diệt qua giá trị hy sinh của Chúa Giê-su. Rồi Đấng Christ sẽ giao Nước Trời lại cho Cha và Đức Chúa Trời của ngài, đồng thời chính ngài cũng phục “Đấng đã làm cho muôn vật phục mình, hầu cho Đức Chúa Trời làm muôn sự trong muôn sự”.

Báp-têm cho người chết?

7. Ai là người “chịu báp têm để bị chết” và điều này có nghĩa gì cho họ?

7 Phao-lô hỏi những người chống đối sự sống lại: “Những người chịu báp têm để bị chết sẽ làm gì?” (1 Cô-rinh-tô 15:29, NW) Phao-lô không có ý nói rằng người sống sẽ vì kẻ chết chịu báp têm, vì môn đồ của Chúa Giê-su phải tự học, tin và làm báp têm. (Ma-thi-ơ 28:19, 20; Công-vụ 2:41) Những tín đồ Đấng Christ được xức dầu “chịu báp têm để bị chết” bằng cách miệt mài theo một nếp sống mà sẽ dẫn đến sự chết và sống lại. Loại báp têm này bắt đầu khi thánh linh của Đức Chúa Trời đưa hy vọng lên trời vào lòng họ và chấm dứt khi họ được sống lại để có đời sống thần linh bất tử trên trời.—Rô-ma 6:3-5; 8:16, 17; 1 Cô-rinh-tô 6:14.

8. Các tín đồ Đấng Christ có thể chắc chắn điều gì dù cho Sa-tan và thuộc hạ của hắn giết họ?

8 Như lời Phao-lô cho thấy, hy vọng sống lại giúp cho tín đồ Đấng Christ có thể đối diện với sự nguy hiểm và sự chết hằng ngày vì làm công việc rao giảng về Nước Trời. (1 Cô-rinh-tô 15:30, 31) Họ biết rằng Đức Giê-hô-va có thể làm họ sống lại nếu Ngài cho phép Sa-tan và thuộc hạ của hắn giết họ. Chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có thể hủy diệt linh hồn hay là sự sống họ trong Ghê-hen-na, tượng trưng cho sự hủy diệt vĩnh viễn.—Lu-ca 12:5, NW.

Cần phải cảnh giác

9. Nếu muốn niềm hy vọng sống lại có quyền lực giữ vững tinh thần của chúng ta trong cuộc sống, chúng ta phải tránh gì?

9 Niềm hy vọng sống lại đã giữ vững tinh thần của Phao-lô. Trong lúc ông ở Ê-phê-sô, kẻ thù có lẽ đã quăng ông vào đấu trường để đấu với thú dữ. (1 Cô-rinh-tô 15:32) Nếu điều đó xảy ra, ông đã được giải cứu, cũng như Đa-ni-ên đã được giải cứu khỏi sư tử. (Đa-ni-ên 6:16-22; Hê-bơ-rơ 11:32, 33) Vì hy vọng nơi sự sống lại, Phao-lô đã không có thái độ giống như những người bội đạo ở Giu-đa vào thời Ê-sai. Họ nói: “Hãy ăn uống đi, vì ngày mai chúng ta sẽ chết!” (Ê-sai 22:13) Nếu muốn niềm hy vọng sống lại có quyền lực giữ vững tinh thần của chúng ta trong cuộc sống như nó đã giữ vững Phao-lô, chúng ta phải tránh những người có tinh thần không lành mạnh đó. Phao-lô cảnh giác: “Anh em chớ mắc lừa: bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”. (1 Cô-rinh-tô 15:33) Dĩ nhiên, nguyên tắc này cũng áp dụng cho những khía cạnh khác trong đời sống.

10. Chúng ta có thể giữ vững niềm hy vọng sống lại như thế nào?

10 Với những kẻ nghi ngờ sự sống lại, Phao-lô nói: “Hãy tỉnh-biết, theo cách công-bình, và chớ phạm tội; vì có người không biết Đức Chúa Trời chút nào, tôi nói vậy để anh em hổ-thẹn”. (1 Cô-rinh-tô 15:34) Trong “kỳ cuối-cùng” này, chúng ta cần hành động hòa hợp với sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời và Đấng Christ. (Đa-ni-ên 12:4; Giăng 17:3) Điều này sẽ giúp chúng ta giữ vững niềm hy vọng sống lại.

Được sống lại với thể xác nào?

11. Phao-lô minh họa sự sống lại của các tín đồ Đấng Christ được xức dầu như thế nào?

11 Kế tiếp Phao-lô giải đáp vài câu hỏi. (1 Cô-rinh-tô 15:35-41) Có lẽ để làm người ta nghi ngờ về sự sống lại, một người có thể hỏi: “Người chết sống lại thể nào, lấy xác nào mà trở lại?” Như Phao-lô cho thấy, một hạt giống được trồng dưới đất thì cũng như là chết đi khi nó biến đổi để trở thành một cây non. Tương tự như thế, một người được sinh lại bằng thánh linh phải chết. Cũng như một cây mọc lên từ hạt giống có một thân mới, thì khi sống lại, thân thể của người tín đồ Đấng Christ được xức dầu khác với thân thể loài người. Mặc dù có cùng mẫu mực sống như trước khi chết, người được sống lại là một tạo vật mới với thể thần linh để sống trên trời. Dĩ nhiên những người được sống lại trên đất sẽ được sống lại với thể xác con người.

12. Những từ “hình thể thuộc về trời” và “hình thể thuộc về đất” có nghĩa gì?

12 Như Phao-lô nói, thân thể loài người khác với thú vật. Ngay cả thể xác của thú vật cũng khác nhau tùy theo loại. (Sáng-thế Ký 1:20-25) Vinh quang của “hình thể thuộc về trời” của các tạo vật thần linh khác với sự vinh quang của “hình thể thuộc về đất”. Vinh quang của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao cũng khác nhau. Nhưng những người được xức dầu sống lại sẽ được vinh hiển hơn nhiều.

13. Theo 1 Cô-rinh-tô 15:42-44, cái gì đã được gieo ra và cái gì được sống lại?

13 Nói về những sự khác nhau, Phao-lô thêm: “Sự sống lại của kẻ chết cũng như vậy”. (1 Cô-rinh-tô 15:42-44) Ông nói: “Thân-thể đã gieo ra là hay hư-nát, mà sống lại là không hay hư-nát”. Ở đây Phao-lô có lẽ muốn nói đến nhóm người được xức dầu. Khi chết, họ bị hư nát, khi được sống lại họ không bị hư nát, khỏi mọi tội lỗi. Dù không được thế gian tôn trọng, nhưng họ được sống lại lên trời và được vinh hiển với Đấng Christ. (Công-vụ 5:41; Cô-lô-se 3:4) Khi chết, họ gieo ra “thể huyết khí” và sống lại là “thể thiêng liêng”. Vì điều này xảy ra cho những tín đồ Đấng Christ được sinh lại bằng thánh linh, chúng ta có thể chắc chắn rằng những người khác cũng có thể được sống lại trên đất.

14. Phao-lô so sánh Đấng Christ với A-đam như thế nào?

14 Kế đó Phao-lô so sánh Đấng Christ với A-đam. (1 Cô-rinh-tô 15:45-49) A-đam, người thứ nhất, “đã nên linh-hồn sống”. (Sáng-thế Ký 2:7) “A-đam sau hết”—Chúa Giê-su—“là thần ban sự sống”. Ngài dâng mạng sống để hy sinh làm giá chuộc, trước hết là vì những môn đồ được xức dầu của ngài. (Mác 10:45) Là loài người, họ “mang ảnh-tượng của người thuộc về đất”, nhưng khi được sống lại, họ giống như A-đam sau hết. Dĩ nhiên sự hy sinh của Chúa Giê-su sẽ đem lợi ích cho tất cả những người biết vâng lời, kể cả những người được sống lại trên đất.—1 Giăng 2:1, 2.

15. Tại sao tín đồ Đấng Christ được xức dầu không được sống lại trong thể xác thịt, và họ được sống lại như thế nào trong thời gian hiện diện của Đấng Christ?

15 Khi những tín đồ Đấng Christ được xức dầu chết đi, họ không được sống lại trong xác thịt. (1 Cô-rinh-tô 15:50-53) Một thân thể hay hư nát gồm thịt và máu không thể hưởng sự không hay hư nát và Nước trên trời. Có một số người được xức dầu không phải ngủ lâu trong sự chết. Trong sự hiện diện của Chúa Giê-su, khi họ trung thành đến hết cuộc đời trên đất, họ sẽ “biến-hóa, trong giây-phút, trong nháy mắt”. Họ sẽ được sống lại ngay lập tức trong đời sống thần linh không hư nát và đầy vinh hiển. Cuối cùng thì “vợ mới cưới” trên trời của Đấng Christ sẽ gồm có 144.000 người.—Khải-huyền 14:1; 19:7-9; 21:9; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-17.

Thắng được sự chết!

16. Theo Phao-lô và những nhà tiên tri trước ông, cái chết do người tội lỗi A-đam truyền lại sẽ ra sao?

16 Phao-lô đắc thắng tuyên bố rằng sự chết sẽ bị nuốt mất vĩnh viễn. (1 Cô-rinh-tô 15:54-57) Đến lúc những người hư nát và hay chết mặc lấy sự không hay hư nát và bất tử, thì những lời này sẽ được ứng nghiệm: “Sự chết đã bị nuốt mất [“vĩnh viễn”, NW]”. “Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu?” (Ê-sai 25:8; Ô-sê 13:14) Cái nọc gây ra sự chết là tội lỗi, và sức mạnh của tội lỗi là Luật Pháp. Luật Pháp lên án những người có tội phải chết. Nhưng vì sự hy sinh và sống lại của Chúa Giê-su, cái chết do người tội lỗi A-đam truyền lại sẽ không còn thắng được nữa.—Rô-ma 5:12; 6:23.

17. Ngày nay, những lời nơi 1 Cô-rinh-tô 15:58 áp dụng như thế nào?

17 Phao-lô nói: “Vậy, hỡi anh em yêu-dấu của tôi, hãy vững-vàng chớ rúng-động, hãy làm công-việc Chúa cách dư-dật luôn, vì biết rằng công-khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô-ích đâu”. (1 Cô-rinh-tô 15:58) Những lời này áp dụng cho những người được xức dầu còn sót lại và các “chiên khác” dù họ phải chết trong những ngày cuối cùng này. (Giăng 10:16) Công khó của họ để rao truyền Nước Trời không phải là vô ích vì họ sẽ được sống lại. Vậy, là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy bận rộn trong công việc của Chúa trong khi chờ đợi ngày mà chúng ta có thể vui mừng kêu lớn: “Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu?”

Hy vọng sống lại được thực hiện!

18. Niềm hy vọng của Phao-lô về sự sống lại vững như thế nào?

18 Những lời Phao-lô ghi nơi 1 Cô-rinh-tô chương 15 cho thấy rõ rằng niềm hy vọng sống lại có quyền lực trong đời sống ông. Ông tuyệt đối tin chắc rằng Chúa Giê-su đã được sống lại và những người khác cũng sẽ được ra khỏi mồ chung của nhân loại. Bạn có niềm tin vững chắc như thế không? Phao-lô xem những lợi ích tư kỷ như “rơm-rác” và “liều-bỏ mọi điều lợi đó” để ông có thể ‘biết Đấng Christ, và quyền-phép sự sống lại của ngài’. Sứ đồ đã sẵn sàng chịu chết như Đấng Christ với hy vọng nhận được “sự sống lại sớm hơn” [NW]. Đây cũng được gọi là “sự sống lại thứ nhất” mà 144.000 môn đồ được xức dầu của Chúa Giê-su sẽ nhận được. Đúng vậy, họ được sống lại để hưởng đời sống thần linh trên trời, trong khi “những kẻ chết khác” sẽ được sống lại trên đất.—Phi-líp 3:8-11; Khải-huyền 7:4; 20:5, 6.

19, 20. (a) Những người nào trong Kinh Thánh sẽ được sống lại trên đất? (b) Bạn trông mong được thấy ai sống lại?

19 Niềm hy vọng về sự sống lại đã trở thành một thực tại vinh quang cho những người được xức dầu đã trung thành đến chết. (Rô-ma 8:18; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-18; Khải-huyền 2:10) Những người sống sót qua “cơn đại-nạn” sẽ thấy hy vọng về sự sống lại được thực hiện trên đất khi “biển đem trả những người chết mình chứa; sự chết và Âm-phủ cũng đem trả những người chết mình có”. (Khải-huyền 7:9, 13, 14; 20:13) Trong vòng những người được sống lại trên đất sẽ có Gióp, người đã bị mất bảy con trai và ba con gái. Hãy hình dung niềm vui của ông khi đón mừng các con sống lại—và những người con đó sẽ vui mừng biết bao khi thấy mình có thêm bảy em trai và ba em gái xinh đẹp!—Gióp 1:1, 2, 18, 19; 42:12-15.

20 Quả là một ân phước khi Áp-ra-ham và Sa-ra, Y-sác và Rê-bê-ca—đúng vậy, và nhiều người khác nữa, kể cả “hết thảy các đấng tiên-tri”—được sống lại trên đất! (Lu-ca 13:28) Một trong những nhà tiên tri này là Đa-ni-ên, người đã được Đức Chúa Trời hứa cho sống lại dưới sự cai trị của Đấng Mê-si. Khoảng 2.500 năm, Đa-ni-ên đã ngủ yên trong mồ, nhưng nhờ quyền lực của sự sống lại, ông sắp sửa “đứng trong sản nghiệp mình” như là một “quan-trưởng trong khắp thế-gian”. (Đa-ni-ên 12:13; Thi-thiên 45:16) Quả là hứng thú khi bạn sẽ đón mừng, không chỉ những người trung thành ngày xưa mà còn có cha, mẹ, con trai, con gái hoặc những người thân khác của chính chúng ta đã bị sự chết cướp mất mạng sống!

21. Tại sao chúng ta không nên chậm trễ làm điều thiện cho người khác?

21 Một số bạn bè và người thân chúng ta có lẽ đã phụng sự Đức Chúa Trời nhiều thập niên và nay đã già. Tuổi già có thể làm họ khó đương đầu với những thử thách trong cuộc sống. Quả là điều yêu thương nếu ngay bây giờ chúng ta có thể làm bất cứ điều gì để giúp họ! Rồi chúng ta sẽ không ân hận nếu họ phải trở thành nạn nhân của sự chết. (Truyền-đạo 9:11; 12:1-7; 1 Ti-mô-thê 5:3, 8) Chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va sẽ không quên điều thiện chúng ta làm cho người khác, bất kể tuổi tác và hoàn cảnh của họ. Phao-lô viết: “Đương lúc có dịp-tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức-tin”.—Ga-la-ti 6:10; Hê-bơ-rơ 6:10.

22. Từ nay đến ngày thực hiện hy vọng về sự sống lại, chúng ta nên cương quyết làm gì?

22 Đức Giê-hô-va là “Cha hay thương-xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi”. (2 Cô-rinh-tô 1:3, 4) Lời Ngài an ủi chúng ta và giúp chúng ta an ủi người khác với quyền lực của hy vọng sống lại. Từ nay đến ngày chúng ta chứng kiến niềm hy vọng này được thực hiện, khi những người chết sẽ được sống lại trên đất, chúng ta hãy giống như Phao-lô có đức tin nơi sự sống lại. Mong rằng chúng ta đặc biệt noi theo gương của Chúa Giê-su, hy vọng của ngài nơi quyền lực của Đức Chúa Trời làm ngài sống lại đã được thực hiện. Những người nằm trong mồ sắp sửa nghe tiếng của Đấng Christ và ra khỏi. Mong rằng điều này đem lại cho chúng ta sự an ủi và vui mừng. Nhưng trên hết mọi sự, mong rằng chúng ta cảm tạ Đức Giê-hô-va, Đấng đã làm cho thắng được sự chết qua Chúa Giê-su Christ!

Bạn trả lời thế nào?

• Phao-lô đưa ra bằng chứng nào cho thấy có những người đã chứng kiến sự sống lại của Chúa Giê-su?

• “Kẻ thù sau cùng” là gì, và nó sẽ bị hủy diệt như thế nào?

• Trong trường hợp những tín đồ Đấng Christ được xức dầu, cái gì đã gieo ra và cái gì được sống lại?

• Những người nào được nêu trong Kinh Thánh mà bạn muốn gặp khi họ được sống lại trên đất?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 16]

Sứ đồ Phao-lô biện hộ hùng hồn cho sự sống lại

[Các hình nơi trang 20]

Sự sống lại của Gióp, gia đình ông, và nhiều người khác sẽ là một lý do để vui mừng vô hạn!