Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bỏ nghề sản xuất vũ khí để đi cứu mạng

Bỏ nghề sản xuất vũ khí để đi cứu mạng

Tự truyện

Bỏ nghề sản xuất vũ khí để đi cứu mạng

DO ISIDOROS ISMAILIDIS KỂ LẠI

Nước mắt tuôn đầm đìa trên má, tôi quỳ gối và cầu nguyện: “Lạy Chúa, lương tâm không cho phép con tiếp tục công việc sản xuất vũ khí nữa. Con đã hết sức cố gắng tìm một việc khác, nhưng chưa được. Ngày mai, con sẽ nghỉ việc. Xin Đức Giê-hô-va, đừng để bốn con nhỏ của con phải đói khổ”. Làm sao tôi lại ra nông nỗi này?

KHI tôi ra đời năm 1932, cuộc sống ở Drama, thuộc miền bắc Hy Lạp, thật bình an và đơn giản. Cha tôi thường hay nói với tôi những gì ông mong mỏi nơi tôi. Cha khuyến khích tôi sang Mỹ học. Sau khi bị cướp bóc trong Thế Chiến II, khẩu hiệu thịnh hành của Hy Lạp bấy giờ là: “Các người có thể tước đoạt của cải, nhưng đừng hòng tước đoạt được tư duy chúng tôi”. Tôi đã quyết định học lên cao và đạt đến một cái gì đó mà không ai có thể tước đoạt được.

Ngay từ khi còn trẻ, tôi đã gia nhập nhiều đoàn thanh niên do Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp bảo trợ. Tại đây, chúng tôi được dặn bảo phải tránh xa những giáo phái nguy hiểm. Tôi nhớ rất rõ một nhóm—Nhân Chứng Giê-hô-va—đã được nhắc đến, vì họ đã bị xem như những kẻ nghịch lại Đấng Christ.

Năm 1953, sau khi tốt nghiệp trường kỹ thuật tại A-thên, tôi sang Đức để tìm việc làm đồng thời đi học thêm. Nhưng dự định không thành, vì thế tôi lại tìm đến những xứ khác. Sau vài tuần, tại một cảng ở nước Bỉ, tôi bỗng thấy mình rỗng túi. Tôi còn nhớ đã bước vào một nhà thờ, ngồi xuống và khóc thảm thiết đến độ nước mắt rơi cả xuống sàn nhà. Tôi đã cầu nguyện rằng nếu Đức Chúa Trời giúp tôi đến được nước Mỹ, tôi sẽ không theo đuổi vật chất nữa, nhưng sẽ cố học và phấn đấu để trở thành một tín đồ Đấng Christ tốt và một công dân tốt. Rốt cuộc, vào năm 1957, tôi đã đặt chân lên nước Mỹ.

Đời sống mới trên đất Mỹ

Đời sống tại Mỹ quả là khó khăn đối với một người nhập cư không thông thạo ngôn ngữ bản xứ và không một xu dính túi. Tôi nhận hai việc làm ban đêm và ráng phấn đấu để ban ngày đi học. Tôi đã theo học tại nhiều trường cao đẳng và đậu bằng tổng hợp. Kế tiếp, tôi theo học trường Đại Học thuộc tiểu bang California tại Los Angeles và đậu bằng cử nhân khoa học trong ngành vật lý ứng dụng. Lời cha dặn dò theo đuổi việc học hành đã luôn giúp tôi vươn lên trong suốt những năm khó khăn này.

Dạo ấy, tôi gặp Ekaterini, một cô gái Hy Lạp xinh đẹp, và chúng tôi kết hôn vào năm 1964. Ba năm sau, đứa con trai đầu tiên của chúng tôi ra đời, và không đầy bốn năm sau, chúng tôi lại có thêm hai bé trai và một bé gái nữa. Vừa theo học đại học, vừa gồng gánh gia đình quả là khó khăn.

Lúc ấy, tôi đang làm việc cho Không Quân Mỹ tại hãng chế tạo tên lửa không gian ở Sunnyvale, California. Tôi đã tham gia đủ loại công trình nghiên cứu về hàng không và không gian, trong đó có chương trình Agena và Apollo. Tôi còn nhận được huy chương tưởng thưởng vì đã có phần giúp sức cho đợt bay của phi thuyền Apollo 8 và 11. Sau đó, tôi lại tiếp tục học và ngày càng tham gia nhiều hơn vào các công trình không gian có tính cách quân sự khác. Tại thời điểm này, tôi nghĩ mình đã đạt được tất cả—một người vợ đáng yêu, một việc làm đầy uy tín và một ngôi nhà xinh đẹp.

Một bạn đồng nghiệp kiên trì

Vào đầu năm 1967, tại nơi làm việc, tôi đã gặp Jim, một người vô cùng khiêm nhường và tử tế. Jim lúc nào dường như cũng tươi cười, và chẳng bao giờ từ chối uống cà phê giải lao với tôi. Anh thường hay lợi dụng dịp này để chia sẻ kiến thức Kinh Thánh với tôi. Jim cho tôi biết anh học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va.

Lúc đó, tôi rất kinh ngạc khi biết rằng Jim có quan hệ với nhóm tôn giáo này. Một người tốt như anh làm sao có thể là nạn nhân của giáo phái nghịch lại Đấng Christ? Dẫu vậy, tôi cũng khó lòng từ chối được sự quan tâm và lòng tử tế của Jim đối với tôi. Dường như mỗi ngày anh đều có vài điều khác lạ đưa cho tôi đọc. Chẳng hạn, một hôm anh đến văn phòng tôi và nói: “Isidoros, bài này trong Tháp Canh nói về cách củng cố đời sống gia đình. Anh đem về cùng xem với vợ”. Tôi bảo sẽ đọc bài báo ấy, nhưng sau đó lại đem vào nhà vệ sinh, xé nát ra và bỏ vào giỏ rác.

Trong suốt ba năm, tôi hủy mọi sách báo mà Jim đưa. Mặc dù có thành kiến với Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi vẫn muốn làm bạn với Jim, và nghĩ rằng tốt nhất là cứ nghe anh nói và rồi quên ngay đi.

Tuy nhiên, qua những cuộc thảo luận này, tôi nhận ra rằng phần lớn những điều tôi tin và thực hành đều không dựa trên Kinh Thánh. Tôi nhận thức được rằng sự dạy dỗ về Chúa Ba Ngôi, địa ngục và linh hồn bất tử đều không có trong Kinh Thánh. (Truyền-đạo 9:10; Ê-xê-chi-ên 18:4; Giăng 20:17) Tự hào là một tín đồ Chính Thống Giáo, tôi không muốn công khai nhìn nhận là Jim có lý. Nhưng vì anh luôn sử dụng Kinh Thánh và chẳng hề đưa ra ý riêng của mình, rốt cuộc tôi đành phải nhận rằng thông điệp Kinh Thánh mà anh ta đã đem đến cho tôi thật quý giá.

Vợ tôi linh cảm có điều gì đã xảy ra, nàng thắc mắc không biết tôi có trò chuyện với anh bạn có liên hệ với các Nhân Chứng không. Khi tôi trả lời có, nàng nói: “Anh muốn chúng mình đi nhà thờ nào cũng được, nhưng đừng đi với Nhân Chứng Giê-hô-va”. Tuy thế, ít lâu sau, vợ chồng tôi và các con đã đều đặn tham dự các buổi họp của Nhân Chứng Giê-hô-va.

Một quyết định gay go

Khi nghiên cứu Kinh Thánh, tôi tình cờ đọc được câu này của nhà tiên tri Ê-sai: “Họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi-cày, lấy giáo rèn lưỡi-liềm. Nước nầy chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng nước khác, người ta chẳng còn tập sự chiến-tranh”. (Ê-sai 2:4) Tôi tự hỏi: ‘Làm thế nào một tôi tớ của Đức Chúa Trời yêu chuộng hòa bình lại phục vụ cho việc thiết kế và sản xuất các vũ khí tiêu diệt?’ (Thi-thiên 46:9) Tôi chẳng tốn nhiều thời gian để quyết định đổi việc làm.

Thật dễ hiểu thay, đấy chính là một thử thách trọng đại. Tôi có một việc làm đầy uy tín. Tôi đã cật lực làm việc, học hành, và hy sinh trong suốt bao nhiêu năm để đạt được danh vọng này. Tôi đã leo lên nấc thang danh vọng, và giờ đây sắp phải từ bỏ sự nghiệp. Dẫu vậy, tình yêu thương sâu đậm của tôi với Đức Giê-hô-va và lòng ao ước nhiệt thành làm theo ý muốn Ngài rốt cuộc đã chiến thắng.—Ma-thi-ơ 7:21.

Tôi quyết định làm việc với một công ty tại Seattle, Washington. Tuy nhiên, thật thất vọng biết bao, chẳng bao lâu tôi ý thức rằng lần này tôi lại càng vướng vào công việc đi ngược lại Ê-sai 2:4 còn hơn lúc trước. Nỗ lực chỉ làm việc cho các dự án khác đã thất bại, và một lần nữa, tôi lại bị lương tâm cắn rứt. Tôi hiểu rõ rằng không thể có được lương tâm trong sạch nếu cứ tiếp tục công việc này.—1 Phi-e-rơ 3:21.

Rõ ràng là chúng tôi sắp phải thực hiện nhiều thay đổi quan trọng. Chưa đầy sáu tháng, chúng tôi đã thay đổi lối sống, giảm thiểu phân nửa mức chi tiêu gia đình. Kế đó, chúng tôi bán căn nhà sang trọng, mua lại một căn khác nhỏ hơn tại Denver, Colorado. Giờ đây, tôi đã sẵn sàng thực hiện nốt bước cuối cùng—nghỉ làm. Tôi đánh đơn xin thôi việc vì lý do lương tâm. Đêm ấy, sau khi con cái đã đi ngủ hết, vợ chồng tôi cùng quỳ gối cầu nguyện Đức Giê-hô-va, như đã tả nơi phần đầu của bài này.

Chưa đầy một tháng, chúng tôi dọn đến Denver, và hai tuần sau, vào tháng 7 năm 1975, vợ chồng tôi làm báp têm. Trong suốt sáu tháng, tôi không tìm được việc làm, và chúng tôi dần dà tiêu hết số tiền dành dụm. Đến tháng thứ bảy, số tiền còn lại trong tài khoản tiết kiệm của chúng tôi đã không đủ trả tiền nhà hàng tháng. Tôi bắt đầu đi tìm bất kỳ việc làm lặt vặt nào, nhưng ngay sau đó, tôi được việc làm trong ngành kỹ sư. Tiền lương chỉ bằng nửa khi trước; dẫu vậy, số lương đó vẫn vượt quá mức lương mà tôi cầu xin Đức Giê-hô-va. Tôi thật vui mừng biết bao vì đã đặt lợi ích thiêng liêng lên hàng đầu!—Ma-thi-ơ 6:33.

Dạy dỗ con cái yêu mến Đức Giê-hô-va

Trong thời gian đó, Ekaterini và tôi bận rộn với công việc khó khăn là nuôi dạy bốn đứa con theo nguyên tắc Kinh Thánh. Hạnh phúc thay, với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng tôi đã được thấy các con mình trở thành những tín đồ Đấng Christ thành thục dâng hiến hoàn toàn đời sống chúng cho công việc quan trọng là rao giảng Nước Trời. Ba con trai của chúng tôi, Christos, Lakes và Gregory đều đã tốt nghiệp trường Huấn Luyện Thánh Chức và hiện đang đảm nhiệm nhiều trách nhiệm khác nhau, viếng thăm và củng cố các hội thánh. Toula, con gái chúng tôi, phục vụ tình nguyện tại trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va tại New York. Chúng tôi thật xúc động khi thấy các con đều hy sinh sự nghiệp đầy hứa hẹn và những công việc đem lại lợi tức cao để phụng sự Đức Giê-hô-va.

Rất nhiều người hỏi chúng tôi về bí quyết thành công trong việc nuôi dạy con cái. Đương nhiên, chẳng có một công thức cố định nào cả trong việc dạy dỗ con cái; chúng tôi chỉ ráng siêng năng khắc ghi lòng yêu mến Đức Giê-hô-va và người lân cận vào lòng chúng. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7; Ma-thi-ơ 22:37-39) Bọn trẻ học biết rằng chúng ta không thể nói yêu Đức Giê-hô-va nếu không hành động phù hợp với lời nói đó.

Mỗi tuần một lần, thường là vào ngày Thứ Bảy, cả gia đình tôi cùng tham gia rao giảng chung với nhau. Cả nhà đều đặn cùng học Kinh Thánh vào ngày Thứ Hai, sau bữa ăn tối, và đồng thời, chúng tôi cũng học hỏi Kinh Thánh với riêng từng đứa. Khi chúng còn nhỏ, chúng tôi học riêng với mỗi đứa nhiều lần trong tuần, trong thời gian ngắn, và khi chúng lớn hơn, chúng tôi học mỗi tuần một lần, nhưng thời gian lâu hơn. Trong suốt các buổi học này, chúng tâm sự và tự do thảo luận các vấn đề với chúng tôi.

Cả gia đình chúng tôi cũng cùng giải trí lành mạnh. Chúng tôi thích cùng nhau chơi nhạc, và mỗi đứa con tôi đều thích hát hoặc chơi bài ruột của mình. Đôi khi vào cuối tuần, chúng tôi mời những gia đình khác đến để thêm tình thân hữu. Gia đình tôi cũng cùng đi nghỉ hè chung. Một trong những chuyến đi chơi này, chúng tôi dành hai tuần để thám hiểm rặng núi Colorado, và rao giảng chung với hội thánh địa phương. Bọn trẻ thích nhớ lại lúc làm việc trong nhiều ban khác nhau tại đại hội địa hạt và giúp xây cất Phòng Nước Trời tại nhiều địa điểm khác nhau. Khi chúng tôi đưa các con về Hy Lạp để thăm họ hàng, chúng cũng đã gặp gỡ nhiều anh chị Nhân Chứng đã bị giam giữ vì lòng trung thành của họ. Điều này đã gây tác động sâu sắc, giúp chúng quyết tâm dũng cảm đứng vững trong lẽ thật.

Dĩ nhiên, đôi lúc một vài đứa có thể cư xử thiếu sót, hoặc kết bạn không tốt. Lại có lúc chúng tôi gây khó khăn cho chúng vì có lẽ đã quá nghiêm ngặt trong một số lãnh vực. Nhưng nhờ nương tựa nơi “sự khuyên-bảo của Chúa” trong Kinh Thánh, đã giúp tất cả chúng tôi giải quyết đúng các vấn đề.—Ê-phê-sô 6:4; 2 Ti-mô-thê 3:16, 17.

Thời gian hạnh phúc nhất trong đời

Sau khi các con đã làm thánh chức trọn thời gian, Ekaterini và tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc đến việc dành thêm thì giờ cho công việc cứu người này. Vì thế, vào năm 1994, sau khi về hưu non, cả hai chúng tôi đều phụng sự với tư cách tiên phong đều đều. Thánh chức rao giảng của chúng tôi bao gồm việc viếng thăm các trường cao đẳng và đại học địa phương, nơi chúng tôi làm chứng cho các sinh viên và hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh với một số người trong họ. Vì cách đây nhiều năm, tôi đã ở trong hoàn cảnh họ, nên tôi có thể đồng cảm với các khó khăn của họ. Nhờ đó tôi dễ giúp họ học biết về Đức Giê-hô-va. Thật vui sướng được học với những sinh viên đến từ Ai Cập, Bolivia, Brazil, Chile, Ê-thi-ô-bi, Mexico, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc! Tôi cũng rất thích làm chứng qua điện thoại, đặc biệt là với những người nói tiếng Hy Lạp.

Dẫu khả năng bị hạn chế do giọng Hy Lạp của tôi còn quá nặng và vì đã lớn tuổi, tôi vẫn luôn sẵn sàng nắm lấy mọi cơ hội phục vụ và noi theo tinh thần của Ê-sai, người đã tuyên bố: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi”. (Ê-sai 6:8) Chúng tôi sung sướng được giúp trên sáu người dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va. Đây quả thật là thời kỳ hạnh phúc nhất của chúng tôi.

Xưa kia, cả cuộc sống tôi cứ xoay quanh việc chế tạo những vũ khí giết người ghê tởm. Tuy nhiên, nhờ ân điển Đức Giê-hô-va, Ngài đã mở đường cho gia đình tôi trở thành những tôi tớ dâng mình và dành trọn đời mình đem tin mừng về sự sống đời đời trong địa đàng đến cho mọi người. Khi ngẫm lại những quyết định khó khăn mà tôi đã phải trải qua, những lời của Ma-la-chi 3:10 lại hiện ra trong trí tôi: “Các ngươi khá lấy điều nầy mà thử ta, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán, xem ta có mở các cửa-sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng”. Ngài quả đã ban ân phước—đầy lòng chúng tôi!

[Khung/​Hình nơi trang 27]

Lakes: Cha tôi ghét sự giả hình. Cha đã hết sức cố gắng để tránh điều đó, nhất là trong việc nêu gương tốt cho cả gia đình. Cha thường nói với chúng tôi: “Việc các con dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va có nghĩa là các con phải luôn sẵn sàng hy sinh cho Ngài. Đó là tất cả những gì đòi hỏi nơi người tín đồ Đấng Christ”. Những lời này đã khắc ghi trong trí tôi và giúp tôi noi theo gương cha trong việc hy sinh cho Đức Giê-hô-va.

[Khung/​Hình nơi trang 27]

Christos: Tôi vô cùng quý trọng việc cha mẹ tôi hết lòng trung kiên đối với Đức Giê-hô-va và thực thi nghiêm túc trách nhiệm làm cha mẹ của họ. Là một gia đình, chúng tôi chung sức làm mọi việc—từ việc rao giảng cho đến chuyện nghỉ hè. Mặc dầu có thể bị lôi cuốn vào nhiều việc khác, cha mẹ tôi giữ cuộc sống họ đơn giản và đặt trọng tâm vào thánh chức. Ngày nay, tôi hiểu rằng mình chỉ thật sự vui sướng nhất khi dốc lòng phụng sự Đức Giê-hô-va.

[Khung/​Hình nơi trang 28]

Gregory: Gương mẫu và niềm vui sướng mà cha mẹ bày tỏ trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va còn hiệu quả hơn cả những lời họ khích lệ tôi gia tăng thánh chức, khiến tôi phải thẩm định lại hoàn cảnh của mình, đẩy lui mọi lo lắng liên quan đến việc khởi sự làm thánh chức trọn thời gian, và chuyên tâm hơn nữa trong công việc của Đức Giê-hô-va. Tôi cám ơn cha mẹ đã giúp tôi tìm được niềm vui trong các nỗ lực bản thân.

[Khung/​Hình nơi trang 28]

Toula: Cha mẹ tôi luôn luôn nhấn mạnh rằng mối quan hệ của chúng tôi với Đức Giê-hô-va là điều quý báu nhất mà chúng tôi có thể có, và cách duy nhất mà chúng tôi có thể thật sự hạnh phúc là cống hiến cho Ngài những điều tốt nhất của mình. Nhờ cha mẹ mà Đức Giê-hô-va đã có thật đối với chúng tôi. Cha tôi thường hay nói buổi tối khi lên giường với một lương tâm trong sạch, chúng ta sẽ có được một cảm xúc khó tả vì biết rằng chúng ta đã cố làm hết sức mình để làm vui lòng Đức Giê-hô-va.

[Hình nơi trang 25]

Khi tôi còn trong quân đội tại Hy Lạp, năm 1951

[Hình nơi trang 25]

Với Ekaterini năm 1966

[Hình nơi trang 26]

Gia đình tôi vào năm 1996: (từ trái qua phải, phía sau) Gregory, Christos, Toula; (phía trước) Lakes, Ekaterini và tôi