Hiện tượng thiếu tôn trọng uy quyền—Tại sao?
Hiện tượng thiếu tôn trọng uy quyền—Tại sao?
“Chống đối uy quyền chính đáng, dù là uy quyền tôn giáo và thế tục, hay xã hội và chính trị, là một hiện tượng diễn ra khắp thế giới, một ngày kia rất có thể nó sẽ được xem là một sự kiện nổi bật nhất của thập kỷ vừa qua”.
NHIỀU năm đã trôi qua kể từ thập kỷ 1960, thập kỷ được sử gia kiêm triết gia Hannah Arendt nhắc đến ở trên. Ngày nay xu hướng khinh khi uy quyền mạnh hơn bao giờ hết.
Chẳng hạn, một thiên phóng sự gần đây trên báo The Times ở Luân Đôn viết: “Một số cha mẹ không chấp nhận thầy cô có quyền đối với con cái họ; khi con cái họ bị sửa trị thì họ phàn nàn”. Thậm chí nhiều phụ huynh đến trường không chỉ đe dọa mà còn hành hung thầy cô khi con cái họ bị phạt trong lớp.
Một phát ngôn nhân của Hiệp Hội Giáo Viên Toàn Quốc ở Anh nói: “Công chúng luôn nói ‘tôi có quyền’, thay vì ‘tôi có trách nhiệm’ ”. Đã không khắc ghi vào lòng con cái sự kính trọng đúng đắn đối với uy quyền, một số cha mẹ lại còn không sửa trị con trẻ—cũng không để cho ai khác sửa trị. Người ta để trẻ em khinh thường uy quyền của cả cha mẹ lẫn thầy cô vì chúng khăng khăng cho là mình có “quyền”. Và có thể tiên đoán được hậu quả—đó là “một thế hệ mới không tôn trọng uy quyền và hầu như không phân biệt phải trái”, nhà báo Margarette Driscoll viết.
Trong bài “Thế hệ lạc lõng”, tạp chí Time đã vạch đúng nỗi thất vọng của nhiều thanh thiếu niên Nga khi trích lời một nhạc sĩ rap nổi tiếng: “Sinh ra trong một thế gian không có gì bền vững và công bằng, ai lại có thể tin tưởng nơi xã hội được chứ?” Nhà xã hội học Mikhail Topalov tán thành cảm nghĩ này: “Mấy đứa trẻ này không ngu đâu. Chúng đã nhìn thấy cha mẹ bị nhà nước lừa dối, chúng đã thấy cha mẹ mất tiền dành dụm và việc làm. Chúng ta có thể nào trông đợi chúng kính trọng uy quyền không?”
Tuy nhiên, nếu như kết luận rằng chỉ có thế hệ trẻ mới mất tín nhiệm nơi uy quyền thì lại sai. Ngày nay, người người từ mọi lứa tuổi đều mất tín nhiệm nơi bất cứ loại uy quyền nào, thậm chí còn khinh tởm uy quyền nữa. Phải chăng điều này có nghĩa là không có uy quyền nào đáng tin cậy? Nếu được hành sử đúng đắn, uy quyền, được định nghĩa là “quyền lực hoặc quyền kiểm soát, phán xét, hoặc ngăn cấm những hành động của người khác”, có thể là một quyền lực tốt. Uy quyền có thể giúp ích cho cá nhân lẫn cộng đồng. Bài kế tiếp sẽ xem xét điều này.