Sự kiêu ngạo dẫn đến sỉ nhục
Sự kiêu ngạo dẫn đến sỉ nhục
“Khi kiêu-ngạo đến, sỉ-nhục cũng đến nữa; nhưng sự khôn-ngoan vẫn ở với người khiêm-nhượng”.—CHÂM-NGÔN 11:2.
1, 2. Sự kiêu ngạo là gì, và nó đã dẫn đến tai họa như thế nào?
MỘT người Lê-vi đầy đố kỵ dẫn đầu một đám đông phản nghịch chống lại những người có quyền hành do Đức Giê-hô-va bổ nhiệm. Một hoàng tử đầy tham vọng âm mưu cướp đoạt ngôi cha. Một ông vua thiếu kiên nhẫn đã bất chấp những chỉ thị rõ ràng của nhà tiên tri Đức Chúa Trời. Ba người Y-sơ-ra-ên này có cùng một đặc tính: kiêu ngạo.
2 Sự kiêu ngạo là một tính gây ra đe dọa nghiêm trọng cho mọi người. (Thi-thiên 19:13, NW) Người kiêu ngạo thường cả gan tự ý làm những điều mình muốn dù không có quyền làm thế. Thường thì điều này dẫn đến tai họa. Thật vậy, sự kiêu ngạo đã hủy hoại nhiều vua và làm tan tành nhiều đế quốc. (Giê-rê-mi 50:29, 31, 32; Đa-ni-ên 5:20) Thậm chí tính này đã khiến cho một số tôi tớ của Đức Giê-hô-va rơi vào cạm bẫy và đưa họ đến sự hủy hoại.
3. Chúng ta học được sự nguy hiểm của việc kiêu ngạo như thế nào?
3 Vì lý do chính đáng Kinh Thánh nói: “Khi kiêu-ngạo đến, sỉ-nhục cũng đến nữa; nhưng sự khôn-ngoan vẫn ở với người khiêm-nhượng”. (Châm-ngôn 11:2) Kinh Thánh cho chúng ta những gương để khẳng định lời châm ngôn này là đúng với sự thật. Xem xét một số gương này sẽ giúp chúng ta thấy sự nguy hiểm của việc đi quá quyền hạn của mình. Vì vậy, chúng ta hãy xem xét làm thế nào sự đố kỵ, tham vọng và thiếu kiên nhẫn khiến cho ba người nói trên có hành động kiêu ngạo để rồi phải chịu sỉ nhục.
Cô-rê—Một kẻ phản nghịch đầy đố kỵ
4. (a) Cô-rê là ai, và chắc chắn ông đã có phần trong biến cố lịch sử nào? (b) Trong những năm sau, Cô-rê đã xúi giục những người khác làm gì?
4 Cô-rê là một người Lê-vi dòng Kê-hát, anh em họ của Môi-se và A-rôn. Hẳn là Cô-rê đã trung thành với Đức Giê-hô-va nhiều thập niên. Cô-rê có đặc ân ở trong số những người được cứu qua Biển Đỏ bằng phép lạ, và hẳn đã góp phần thi hành sự phán quyết của Đức Giê-hô-va đối với những người Y-sơ-ra-ên thờ bò vàng tại Núi Si-na-i. (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:26) Tuy nhiên, cuối cùng Cô-rê lại cầm đầu cuộc nổi loạn chống lại Môi-se và A-rôn, trong đó có những người Ru-bên là Đa-than, A-bi-ram và Ôn, cùng với 250 quan tướng Y-sơ-ra-ên. * Họ nói với Môi-se và A-rôn: “Thôi đủ rồi! vì cả hội-chúng đều là thánh, và Đức Giê-hô-va ngự ở trong; vậy sao các ngươi tự cao trên hội-chúng của Đức Giê-hô-va?”—Dân-số Ký 16:1-3.
5, 6. (a) Tại sao Cô-rê nổi loạn chống Môi-se và A-rôn? (b) Tại sao có thể nói rằng Cô-rê dường như xem nhẹ địa vị của mình trong sự sắp đặt của Đức Chúa Trời?
5 Sau nhiều năm trung thành, tại sao Cô-rê lại nổi loạn? Chắc chắn Môi-se không áp chế dân Y-sơ-ra-ên, vì ông “là người rất khiêm-hòa hơn mọi người trên thế-gian”. (Dân-số Ký 12:3) Nhưng dường như Cô-rê ganh tị với Môi-se và A-rôn đồng thời bực tức về địa vị họ có, điều này đã khiến cho Cô-rê nói sai là họ độc đoán và ích kỷ, nâng mình lên cao hơn những người khác trong hội chúng.—Thi-thiên 106:16.
6 Một phần lỗi lầm của Cô-rê rất có thể là ông không quý chuộng đặc ân mình có trong sự sắp đặt của Đức Chúa Trời. Đành rằng những người Lê-vi dòng Kê-hát không phải là thầy tế lễ, nhưng họ là người giảng dạy Luật Pháp Đức Chúa Trời. Họ cũng khiêng vác đồ đạc, khí dụng của đền tạm khi cần phải dời chỗ. Công việc này chẳng phải là không quan trọng vì chỉ những người thanh sạch về luân lý và tôn giáo mới được đụng vào những khí dụng thánh. (Ê-sai 52:11) Vì vậy, khi Môi-se đối chất với Cô-rê, như thể là Môi-se đã hỏi: Có phải ngươi xem thường công việc mình đến độ ngươi cũng muốn kiếm chức tế lễ hay sao? (Dân-số Ký 16:9, 10) Cô-rê đã không nhận thức rằng niềm vinh dự lớn nhất là phụng sự Đức Giê-hô-va một cách trung thành theo sự sắp đặt của Ngài, chứ không phải là đạt được một địa vị, chức tước đặc biệt nào đó.—Thi-thiên 84:10.
7. (a) Môi-se đối phó với Cô-rê và bè đảng của hắn như thế nào? (b) Sự nổi loạn của Cô-rê đã đem lại hậu quả thảm thương nào?
7 Môi-se bảo Cô-rê cùng bè đảng hắn nhóm lại sáng hôm sau tại cửa hội mạc cầm lư hương. Cô-rê và bè đảng mình không được quyền dâng hương, vì họ không phải là thầy tế lễ. Nếu họ cầm lư hương đến, thì điều này chứng tỏ rõ ràng là họ vẫn cảm thấy mình có quyền để hành động như thầy tế lễ—thậm chí họ có cả đêm để xét lại vấn đề này. Khi họ ra mắt sáng hôm sau, Đức Giê-hô-va có lý do chính đáng để tỏ cơn giận của Ngài. Về phần con cháu Ru-bên thì ‘đất hả miệng nuốt họ’. Những người còn lại, kể cả Cô-rê, đã bị lửa của Đức Chúa Trời thiêu nuốt. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:6; Dân-số Ký 16:16-35; 26:10) Sự kiêu ngạo của Cô-rê đã dẫn đến một điều vô cùng sỉ nhục—bị Đức Chúa Trời lên án!
Kháng cự “khuynh hướng ghen ghét”
8. “Khuynh hướng ghen ghét” có thể biểu lộ trong vòng tín đồ Đấng Christ như thế nào?
8 Lời tường thuật về Cô-rê là một lời cảnh cáo cho chúng ta. Vì “khuynh hướng ghen ghét” ở trong con người bất toàn, tính này có thể biểu lộ thậm chí trong hội thánh tín đồ Đấng Christ. (Gia-cơ 4:5, NW) Thí dụ, chúng ta có thể chú trọng đến địa vị. Như Cô-rê, chúng ta có thể ganh tị với những người có được đặc ân mà chúng ta thèm muốn. Hay là chúng ta có thể giống như một tín đồ trong thế kỷ thứ nhất tên là Đi-ô-trép. Hắn hay chỉ trích quyền hành của các sứ đồ, chắc hẳn là vì hắn muốn được nắm quyền. Quả thật, Giăng viết về Đi-ô-trép “là kẻ ưng đứng đầu Hội-thánh”.—3 Giăng 9.
9. (a) Chúng ta cần tránh thái độ nào đối với những trách nhiệm trong hội thánh? (b) Chúng ta nên xem địa vị mình trong sự sắp đặt của Đức Chúa Trời theo quan điểm đúng nào?
9 Dĩ nhiên, một nam tín đồ Đấng Christ muốn gánh vác trách nhiệm trong hội thánh thì không phải là sai trái. Phao-lô cũng khuyến khích họ làm như thế. (1 Ti-mô-thê 3:1) Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ nên xem những đặc ân mình có như là dấu hiệu chỉ công trạng mình, như là đạt được nó thì chúng ta được leo lên nấc thang danh vọng nào đó. Hãy nhớ Chúa Giê-su nói: “Trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy-tớ các ngươi; còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi-mọi các ngươi”. (Ma-thi-ơ 20:26, 27) Rõ ràng là ganh tị với những người có trách nhiệm lớn hơn mình là sai, làm thế cũng như là cho rằng Đức Chúa Trời định giá trị của chúng ta tùy theo “cấp bậc” mình có trong tổ chức của Ngài. Chúa Giê-su nói: “Các ngươi hết thảy đều là anh em”. (Ma-thi-ơ 23:8) Đúng vậy, dù là người công bố hay tiên phong, mới báp têm hay là đã giữ lòng trung kiên từ lâu—tất cả những người phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng đều có một địa vị quí giá trong sự sắp đặt của Ngài. (Lu-ca 10:27; 12:6, 7; Ga-la-ti 3:28; Hê-bơ-rơ 6:10) Quả thật là một ân phước được làm việc vai kề vai với hàng triệu người đang cố gắng áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh: “Hết thảy đối-đãi với nhau phải trang-sức bằng khiêm-nhường”.—1 Phi-e-rơ 5:5.
Áp-sa-lôm—Kẻ nhiều tham vọng đã lợi dụng thời cơ
10. Áp-sa-lôm là ai, và hắn đã cố nịnh hót như thế nào để lấy lòng những người đến xin vua xét xử?
10 Lối sống của Áp-sa-lôm, con trai thứ ba của Vua Đa-vít, cho chúng ta một bài học thực tế về bản tính tham vọng. Hắn lợi dụng thời cơ và cố lấy lòng người bằng cách nịnh hót những người đến xin vua xét xử. Trước hết, hắn ám chỉ rằng Vua Đa-vít thờ ơ trước những nhu cầu của họ. Rồi hắn nói thẳng không tế nhị nữa. Hắn vênh vang: “Ồ! chớ chi người ta lập ta làm quan xét trong xứ! Phàm người nào có việc tranh-tụng hay kiện-cáo gì cần đoán-xét, sẽ đến ta, thì ta sẽ xử-đoán công-bình cho họ”. Âm mưu xảo quyệt của Áp-sa-lôm không có giới hạn. Kinh Thánh nói: “Nếu có ai đến gần đặng lạy người, Áp-sa-lôm giơ tay ra đỡ lấy người và hôn. Áp-sa-lôm làm như vậy đối cùng hết thảy những người Y-sơ-ra-ên đi đến tìm vua, đặng 2 Sa-mu-ên 15:1-6.
cầu đoán-xét”. Hậu quả là gì? “Áp-sa-lôm dụ lấy lòng người Y-sơ-ra-ên vậy”.—11. Áp-sa-lôm cố tước đoạt ngôi của Đa-vít như thế nào?
11 Áp-sa-lôm quyết tâm tước đoạt ngôi vua cha. Năm năm trước, hắn cho người giết Am-nôn, con trưởng nam của Đa-vít, có vẻ là để trả thù việc Am-nôn hãm hiếp Ta-ma, em của Áp-sa-lôm. (2 Sa-mu-ên 13:28, 29) Tuy nhiên, rất có thể là lúc đó Áp-sa-lôm đã có ý đoạt ngôi rồi, và xem việc giết Am-nôn là một cách thuận lợi để loại trừ một thù địch. * Dù thế nào đi nữa, khi thời gian chín muồi, Áp-sa-lôm đã chụp lấy. Hắn cho tuyên bố khắp nước việc mình làm vua.—2 Sa-mu-ên 15:10.
12. Hãy giải thích tính kiêu ngạo khiến Áp-sa-lôm chịu sỉ nhục như thế nào.
12 Trong một thời gian ngắn, Áp-sa-lôm được thành công, vì “sự phản-nghịch trở nên mạnh, và đoàn dân đi theo Áp-sa-lôm càng ngày càng đông”. Rồi đến lúc Vua Đa-vít buộc lòng phải chạy trốn để giữ mạng sống mình. (2 Sa-mu-ên 15:12-17) Nhưng chẳng lâu sau, mộng của Áp-sa-lôm tan tành khi hắn bị Giô-áp giết, quăng vào một cái hố và lấp đá lại. Hãy thử tưởng tượng: Con người đầy tham vọng này muốn làm vua mà lúc chết lại không được chôn cất đàng hoàng! * Đúng là tính kiêu ngạo đã khiến Áp-sa-lôm phải chịu sỉ nhục.—2 Sa-mu-ên 18:9-17.
Tránh tham vọng ích kỷ
13. Tinh thần đầy tham vọng có thể mọc rễ trong lòng tín đồ Đấng Christ như thế nào?
13 Sự kiện Áp-sa-lôm dấy lên nắm quyền rồi lại thất bại dạy cho chúng ta một bài học. Trong thế gian ác độc ngày nay, thông thường người ta nịnh bợ cấp trên, cố được lòng cấp trên chỉ để gây ấn tượng hay là có lẽ muốn được loại đặc ân nào đó hoặc để được thăng chức. Đồng thời, họ có thể khoe khoang với những người cấp dưới, mong lấy lòng và sự ủng hộ của những người đó. Nếu chúng ta không thận trọng, tinh thần đầy tham vọng này có thể mọc rễ trong lòng chúng ta. Rõ ràng là điều này đã xảy ra cho một số người ở thế kỷ thứ nhất, khiến cho các sứ đồ cần phải mạnh mẽ cảnh cáo đề phòng những người đó.—Ga-la-ti 4:17; 3 Giăng 9, 10.
14. Tại sao chúng ta nên tránh có tinh thần đầy tham vọng tự nâng mình lên?
14 Tổ chức của Đức Giê-hô-va không có chỗ cho những người âm mưu nâng cao địa vị của mình, cố “cầu-kiếm vinh-hiển cho mình”. (Châm-ngôn 25:27) Quả thật, Kinh Thánh cảnh cáo: “Đức Giê-hô-va sẽ diệt hết thảy các môi dua-nịnh, và lưỡi hay nói cách kiêu-ngạo”. (Thi-thiên 12:3) Áp-sa-lôm có môi dua nịnh. Hắn nịnh hót những người mà hắn cần lấy lòng, làm vậy để chiếm được một địa vị quyền thế mà hắn thèm muốn. Trái lại, chúng ta được ân phước biết bao ở trong vòng những anh em làm theo lời khuyên của Phao-lô: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh-cạnh hoặc vì hư-vinh, nhưng hãy khiêm-nhường, coi người khác như tôn-trọng hơn mình”.—Phi-líp 2:3.
Sau-lơ—Một vua thiếu kiên nhẫn
15. Có thời Sau-lơ tỏ ra là khiêm tốn như thế nào?
15 Trước khi trở thành vua Y-sơ-ra-ên, có thời Sau-lơ là người khiêm tốn. Thí dụ, hãy xem qua điều gì xảy ra trong những năm ông còn trẻ. Khi tiên tri của Đức Chúa Trời là Sa-mu-ên khen ông, Sau-lơ đã khiêm nhường đáp: “Tôi chỉ là một người Bên-gia-min, là một chi-phái nhỏ hơn hết trong Y-sơ-ra-ên; nhà tôi lại là hèn-mọn hơn hết các nhà của chi-phái Bên-gia-min. Nhân sao ông nói với tôi giọng như vậy”?—1 Sa-mu-ên 9:21.
16. Sau-lơ tỏ thái độ thiếu kiên nhẫn bằng cách nào?
16 Tuy nhiên, sau đó, Sau-lơ không còn khiêm tốn nữa. Trong lúc tranh chiến với dân Phi-li-tin, ông rút lui về Ghinh-ganh, nơi mà ông phải đợi Sa-mu-ên đến và dâng của-lễ nài xin với Đức Chúa Trời. Khi Sa-mu-ên không đến đúng hẹn, Sau-lơ tự phụ đem dâng của-lễ thiêu. 1 Sa-mu-ên 13:8-12.
Vừa làm xong thì Sa-mu-ên đến. Sa-mu-ên hỏi: “Ngươi đã làm chi?” Sau-lơ đáp: “Khi tôi thấy dân-sự tan đi, ông không đến theo ngày đã định,... tôi miễn-cưỡng dâng của-lễ thiêu”.—17. (a) Mới xem qua, tại sao hành động của Sau-lơ có vẻ chính đáng? (b) Tại sao Đức Giê-hô-va khiển trách Sau-lơ về hành động thiếu kiên nhẫn của ông?
17 Mới xem qua thì hành động của Sau-lơ có vẻ chính đáng. Nói cho cùng, dân của Đức Chúa Trời “thấy mình nguy-cấp”, bị “theo riết gần”, và run sợ bởi vì tình huống tuyệt vọng của họ. (1 Sa-mu-ên 13:6, 7) Chắc chắn chủ động làm điều nào đó khi hoàn cảnh đòi hỏi thì không có gì sai. * Nhưng hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va có thể đọc được lòng và thấy được động lực sâu kín nhất của chúng ta. (1 Sa-mu-ên 16:7) Vì vậy, Ngài chắc hẳn đã thấy một số yếu tố về Sau-lơ mà lời tường thuật của Kinh Thánh không nói thẳng ra. Thí dụ, Đức Giê-hô-va có thể đã thấy Sau-lơ thiếu kiên nhẫn vì ông kiêu ngạo. Có lẽ Sau-lơ đã rất bực tức vì nghĩ rằng mình là vua của cả Y-sơ-ra-ên mà lại phải đợi một ông già tiên tri hay trì hoãn! Bất kỳ tình huống nào, Sau-lơ cũng cảm thấy rằng sự trễ nải của Sa-mu-ên đã cho ông quyền tự làm theo ý mình và bất chấp những chỉ thị rõ ràng mà ông đã nhận được. Hậu quả là gì? Sa-mu-ên đã không khen sự chủ động của Sau-lơ mà ngược lại còn quở trách Sau-lơ, ông nói: “Nước ngươi sẽ không bền-lâu... bởi vì ngươi không giữ theo mạng-lịnh của Đức Giê-hô-va”. (1 Sa-mu-ên 13:13, 14) Lần nữa, tính kiêu ngạo dẫn đến sự sỉ nhục.
Đề phòng tính thiếu kiên nhẫn
18, 19. (a) Hãy miêu tả cách mà tính thiếu kiên nhẫn có thể khiến cho tôi tớ thời nay của Đức Chúa Trời hành động kiêu ngạo. (b) Chúng ta nên nhớ gì về hoạt động của hội thánh tín đồ Đấng Christ?
18 Sự tường thuật về hành động kiêu ngạo của Sau-lơ đã được ghi lại trong Lời Đức Chúa Trời vì lợi ích của chúng ta. (1 Cô-rinh-tô 10:11) Rất dễ cho chúng ta bực tức khi thấy sự bất toàn của anh em mình. Như Sau-lơ, chúng ta có thể đâm ra thiếu kiên nhẫn, nghĩ rằng nếu muốn xử lý vấn đề cho đúng thì chính mình phải nhúng tay vào. Thí dụ, giả sử một anh rất giỏi trong lãnh vực tổ chức nào đó, anh rất đúng giờ và cập nhật trong các thủ tục của hội thánh, và cũng khéo nói năng và dạy dỗ. Đồng thời anh cảm thấy rằng người khác không làm được theo tiêu chuẩn tỉ mỉ của anh, và họ không hữu hiệu như ý anh muốn. Điều này có cho anh lý do chính đáng để bộc lộ tính thiếu kiên nhẫn không? Anh có nên chỉ trích anh em, có lẽ ám chỉ rằng nếu không nhờ vào sự cố gắng của anh thì không có gì làm xong và hội thánh sẽ không đứng vững? Làm vậy tức là kiêu ngạo!
19 Thật ra, điều gì giúp cho hội thánh đứng vững? Có phải là khả năng quản lý? Hiệu lực? Trình độ hiểu biết sâu rộng? Những điều này có lợi cho sự hoạt động trôi chảy trong hội thánh. (1 Cô-rinh-tô 14:40; Phi-líp 3:16, NW; 2 Phi-e-rơ 3:18) Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói rằng môn đồ ngài được nhận biết chủ yếu nhờ tình yêu thương của họ. (Giăng 13:35) Vì vậy, dù theo thứ tự, các trưởng lão có lòng quan tâm nhận biết rằng hội thánh không phải là công việc làm ăn cần có sự quản lý cứng rắn; thay vì thế, hội thánh hợp thành một bầy cần sự chăm sóc dịu dàng. (Ê-sai 32:1, 2; 40:11) Kiêu ngạo bất chấp những nguyên tắc đó thường đưa đến sự tranh chấp. Ngược lại, thứ tự theo Đức Chúa Trời sinh ra bình an.—1 Cô-rinh-tô 14:33; Ga-la-ti 6:16, NW.
20. Những gì sẽ được xem xét trong bài tới?
Châm-ngôn 11:2 nói. Tuy nhiên, câu này của Kinh Thánh thêm: “Sự khôn-ngoan vẫn ở với người khiêm-nhượng [“khiêm tốn”, NW]”. Khiêm tốn là gì? Gương mẫu nào trong Kinh Thánh có thể giúp chúng ta hiểu rõ đức tính này và chúng ta có thể bày tỏ tính khiêm tốn ngày nay như thế nào? Bài tới sẽ xem xét những câu hỏi này.
20 Những lời tường thuật của Kinh Thánh về Cô-rê, Áp-sa-lôm và Sau-lơ cho thấy rõ rằng tính kiêu ngạo dẫn đến sự sỉ nhục, như[Chú thích]
^ đ. 4 Vì Ru-bên là con đầu lòng của Gia-cốp, những con cháu của Ru-bên đã nghe Cô-rê làm loạn có lẽ đã oán hận Môi-se—một người Lê-vi—có quyền lãnh đạo họ.
^ đ. 11 Ki-lê-áp, con thứ hai của Đa-vít, không được nói đến sau khi chào đời, có thể là đã chết trước khi Áp-sa-lôm dấy nghịch.
^ đ. 12 Vào thời Kinh Thánh được viết ra, việc chôn cất thi hài của người chết là một hành động khá quan trọng. Vì vậy, không được chôn cất là một sự thiệt hại và thường cho biết Đức Chúa Trời không chấp nhận người đó.—Giê-rê-mi 25:32, 33.
^ đ. 17 Thí dụ, Phi-nê-a đã nhanh chóng hành động để ngăn chặn lại tai họa mà đã giết hàng chục ngàn người Y-sơ-ra-ên, và Đa-vít đã khuyến khích quân lính đang đói cùng ông ăn bánh trần thiết trong “đền Đức Chúa Trời”. Không trường hợp nào bị Đức Chúa Trời lên án là kiêu ngạo.—Ma-thi-ơ 12:2-4; Dân-số Ký 25:7-9; 1 Sa-mu-ên 21:1-6.
Bạn có nhớ không?
• Kiêu ngạo là gì?
• Sự đố kỵ đã khiến cho Cô-rê hành động kiêu ngạo như thế nào?
• Chúng ta học được gì qua lời tường thuật về Áp-sa-lôm đầy tham vọng?
• Chúng ta có thể tránh tinh thần thiếu kiên nhẫn mà Sau-lơ bày tỏ như thế nào?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 10]
Sau-lơ tỏ ra thiếu kiên nhẫn và hành động kiêu ngạo