Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao họ không có con?

Tại sao họ không có con?

Tại sao họ không có con?

DELE và Fola * là cặp vợ chồng sống và làm việc tại văn phòng chi nhánh Hội Tháp Canh ở Nigeria. Một thời gian ngắn sau khi họ bắt đầu phụng sự tại đấy, mẹ của Fola đến thăm. Bà vượt đường xa đến để thảo luận một vấn đề khiến bà rất quan tâm, một vấn đề đã làm bà mất ngủ nhiều đêm.

Bà bảo họ: “Các con làm nhiều điều tốt cho mẹ. Các con đã gửi quà và thăm viếng mẹ. Đối với mẹ những biểu hiện của tình yêu thương đó thật quý báu. Nhưng chính những điều này cũng khiến mẹ lo lắng vì mẹ luôn tự hỏi không biết ai sẽ làm những việc đó cho các con khi các con đến tuổi già như mẹ? Các con đã lấy nhau cho đến nay là được hai năm rồi, nhưng vẫn chưa có con. Các con không nghĩ rằng đã đến lúc rời Bê-tên và bắt đầu một gia đình riêng sao?”

Người mẹ lý luận thế này: Dele và Fola ở Bê-tên bấy lâu là đủ rồi. Giờ đây đã đến lúc họ phải nghĩ về tương lai mình. Chắc chắn những người khác có thể đảm trách công việc của họ. Dele và Fola không nhất thiết phải bỏ thánh chức trọn thời gian, nhưng họ có thể chọn một hình thức phụng sự khác, một con đường cho phép họ có con và trải nghiệm được niềm vui làm cha mẹ.

Mối quan tâm của người mẹ

Mối quan tâm của người mẹ cũng dễ hiểu. Ước muốn có con là phổ biến và ăn sâu vào mọi nền văn hóa và mọi thời đại. Việc có con cái khơi dậy những cảm giác vui mừng và hy vọng sâu thẳm. Kinh Thánh nói: “Bông-trái của tử-cung là phần thưởng”. Đúng vậy, khả năng sinh sản là phần thưởng quý giá đến từ Đấng Tạo Hóa yêu thương.—Thi-thiên 127:3.

Trong nhiều xã hội, các cặp vợ chồng phải đối mặt với áp lực nặng nề của xã hội buộc họ có con. Thí dụ, tại Nigeria, trung bình một người phụ nữ có sáu con. Tại tiệc cưới, người ta thường chúc đôi tân hôn: “Chín tháng nữa, chúng tôi mong được nghe tiếng trẻ con khóc trong nhà anh chị”. Người ta có thể tặng một cái giường cũi cho em bé làm quà cưới cho cô dâu và chú rể. Hai bà thông gia cẩn thận dò xem lịch. Nếu trong vòng một năm, cô dâu chưa có thai, hai bà dò hỏi xem có vấn đề gì mà họ có thể giúp giải quyết không.

Đối với các bà mẹ, lý do khiến đôi lứa thành hôn là để sinh con và nối dõi tông đường. Mẹ của Fola nói với chị: “Nếu không muốn có con thì kết hôn làm gì? Mẹ sinh ra con; đến lượt con cũng phải có con”.

Ngoài lý do trên, cũng còn nhiều vấn đề thực tế cần xem xét. Tại nhiều nước Phi Châu, trợ cấp chính phủ dành cho người già rất ít. Theo phong tục thì chính con cái chăm sóc cha mẹ già yếu, y như trước kia cha mẹ đã chăm sóc con cái khi chúng còn nhỏ. Vì thế mẹ của Fola lý luận rằng chỉ khi con cái của bà có con, sau này mới không bị cô đơn, ruồng bỏ, rơi vào cảnh nghèo túng, không người chôn cất lúc qua đời.

Tại nhiều nước Phi Châu, người ta xem việc hiếm muộn như một sự nguyền rủa. Tại một số vùng, người ta muốn phụ nữ ngay cả chứng tỏ khả năng sinh nở trước khi lấy chồng. Những người không có khả năng thụ thai cuống cuồng tìm cách chạy chữa bệnh hiếm muộn.

Vì những thái độ này, những cặp vợ chồng cố ý không có con bị xem như mất ưu thế. Họ thường bị xem là kỳ quặc, thiển cận và đáng thương hại.

Niềm vui và trách nhiệm

Dân sự Đức Giê-hô-va nhìn nhận rằng niềm vui nuôi dạy con cái gắn liền với trách nhiệm. Kinh Thánh nói nơi 1 Ti-mô-thê 5:8: “Ví bằng có ai không săn-sóc đến bà-con mình, nhất là không săn-sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa”.

Cha mẹ phải chu cấp đầy đủ cho gia đình mình cả về vật chất lẫn thiêng liêng, và điều này đòi hỏi khá nhiều thì giờ và nỗ lực. Họ không nghĩ rằng vì con cái là sự ban cho của Đức Chúa Trời, nên hãy để Ngài chăm sóc chúng. Họ hiểu rằng việc nuôi dạy con cái theo nguyên tắc Kinh Thánh là trách nhiệm trọn thời gian mà Đức Chúa Trời đã giao phó cho cha mẹ; họ không được giao trách nhiệm này cho người khác.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7.

Phận sự nuôi dạy con cái đặc biệt khó khăn trong “ngày sau-rốt” của “thời-kỳ khó-khăn” này. (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Ngoài tình trạng kinh tế ngày càng xấu, xã hội ngày càng vô thần khiến việc nuôi dạy con cái ngày nay khó khăn. Dầu vậy, trên khắp thế giới vô số cặp vợ chồng tín đồ Đấng Christ đã chấp nhận thử thách này và thành công trong việc nuôi dạy con cái biết kính sợ Đức Chúa Trời trong “sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa”. (Ê-phê-sô 6:4) Đức Giê-hô-va yêu mến và ban phước cho công lao khó nhọc của các bậc cha mẹ này.

Tại sao một số người không có con

Mặt khác, nhiều cặp vợ chồng tín đồ Đấng Christ không có con. Một số tuy hiếm muộn nhưng vẫn không nhận con nuôi. Những cặp khác dù có khả năng sinh sản nhưng lại quyết định không có con. Những cặp vợ chồng này không muốn có con không phải vì lẩn tránh trách nhiệm hoặc sợ phải đương đầu với khó khăn của việc làm cha mẹ. Đúng hơn, họ nhất quyết tập trung chú ý đến những khía cạnh khác nhau của thánh chức trọn thời gian, những khía cạnh mà họ không thể thực hiện nếu phải nuôi dạy con cái. Một số phụng sự với tư cách giáo sĩ. Những người khác phụng sự Đức Giê-hô-va trong công việc lưu động hay tại nhà Bê-tên.

Như mọi tín đồ Đấng Christ, họ biết có một việc khẩn cấp phải làm. Chúa Giê-su nói: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”. Công việc này ngày nay đang thực hiện. Đó là một việc trọng yếu, vì “sự cuối-cùng” có nghĩa là những ai không nghe theo tin mừng sẽ bị hủy diệt.—Ma-thi-ơ 24:14; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:7, 8.

Thời của chúng ta tương tự thời kỳ khi Nô-ê và gia đình ông đóng chiếc tàu khổng lồ để được bảo toàn mạng sống của họ qua khỏi trận Nước Lụt. (Sáng-thế Ký 6:13-16; Ma-thi-ơ 24:37) Dù cả ba con trai của Nô-ê đã lập gia đình, nhưng không người nào có con trước trận Nước Lụt. Một lý do là có thể những cặp vợ chồng này muốn dành trọn tâm trí và năng lực vào công việc ngay trước mắt. Lý do khác có lẽ là họ không muốn có con trong một thế gian bại hoại và hung bạo, vì “sự hung-ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý-tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn”.—Sáng-thế Ký 6:5.

Dù điều này không hàm ý rằng ngày nay việc có con là sai, nhiều cặp vợ chồng tín đồ Đấng Christ không muốn sinh con vì muốn dành hết tâm trí vào công việc khẩn cấp mà Đức Giê-hô-va đã giao cho dân sự của Ngài. Một số tạm hoãn lại việc có con trong một thời gian; số khác quyết định không sinh con cho đến khi vào thế giới mới công bình của Đức Giê-hô-va. Như thế có thiển cận không? Đời sống họ có mất vui không? Họ có đáng thương hại không?

Cuộc sống an toàn và vui mừng

Dele và Fola, cặp vợ chồng nói đến ở trên, hiện nay đã lấy nhau hơn mười năm, và họ vẫn nhất quyết không có con. Dele nói: “Bà con thân thuộc vẫn ép chúng tôi có con. Mối quan tâm chính của họ là chúng tôi có tương lai bền vững. Chúng tôi luôn bày tỏ lòng cảm kích trước sự quan tâm của họ, đồng thời khéo léo giải thích rằng chúng tôi hiện rất hạnh phúc trong công việc của mình. Còn về tương lai bền vững, chúng tôi nói rõ chúng tôi đặt sự tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, là Đấng chăm nom lợi ích của tất cả những ai giữ lòng trung thành và trung kiên đối với Ngài. Chúng tôi cũng giải thích việc có con chưa hẳn đảm bảo cha mẹ sẽ được chăm sóc khi về già. Một số người ít chăm sóc đến cha mẹ, những người khác thì không có khả năng giúp đỡ, và còn một số khác nữa thì lại chết trước cha mẹ. Mặt khác, tương lai chúng ta chỉ chắc chắn nhờ Đức Giê-hô-va mà thôi”.

Dele và những người khác giống như anh tin cậy chắc chắn nơi lời Đức Giê-hô-va hứa với các tôi tớ trung thành của Ngài: “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu”. (Hê-bơ-rơ 13:5) Họ cũng tin rằng “tay Đức Giê-hô-va chẳng trở nên ngắn mà không cứu được; tai Ngài cũng chẳng nặng-nề mà không nghe được đâu”.—Ê-sai 59:1.

Lý do khác để tin cậy là xét xem Đức Giê-hô-va nâng đỡ những tôi tớ trung thành của Ngài như thế nào. Vua Đa-vít đã viết: “Trước tôi trẻ, rày đã già, nhưng chẳng hề thấy người công-bình bị bỏ”. Hãy suy nghĩ về điều ấy. Bạn có biết tôi tớ trung thành nào của Đức Giê-hô-va “bị bỏ” không?—Thi-thiên 37:25.

Thay vì nhìn lại quá khứ với lòng nuối tiếc, những người hiến đời mình phụng sự Đức Giê-hô-va và phục vụ anh em tín đồ Đấng Christ hồi tưởng lại với lòng mãn nguyện. Anh Iro Umah phụng sự trọn thời gian trong 45 năm và hiện nay là giám thị lưu động ở Nigeria. Anh nói: “Dù vợ chồng tôi không con, nhưng vẫn nhớ rằng Đức Giê-hô-va luôn luôn chăm sóc chúng tôi về mặt thiêng liêng lẫn vật chất. Chúng tôi không thiếu thốn thứ gì. Ngài sẽ không bỏ rơi khi chúng tôi về già. Những năm phụng sự trọn thời gian này đã tỏ ra là thời kỳ hạnh phúc nhất trong đời của chúng tôi. Chúng tôi cảm ơn về việc có thể phục vụ anh em mình, và họ quý trọng công việc chúng tôi làm, và hết lòng giúp đỡ chúng tôi”.

Tuy nhiều cặp vợ chồng không có con ruột, họ sinh sản nhiều con khác: những môn đồ Đấng Christ thờ phượng Đức Giê-hô-va. Sứ đồ Giăng khoảng 100 tuổi khi ông viết: “Tôi nghe con-cái tôi làm theo lẽ thật, thì không còn có sự gì vui-mừng hơn nữa”. (3 Giăng 4) Sự trung thành của các “con-cái” Giăng—những người ông đưa vào “lẽ thật”—mang lại cho ông niềm vui lớn.

Nhiều người ngày nay cũng có sự vui mừng tương tự. Bernice, người Nigeria, đã lập gia đình được 19 năm nhưng quyết định không có con. Trong 14 năm qua, chị phục vụ với tư cách một người tiên phong. Dù gần đến thời kỳ không thể sinh nở được nữa, chị vẫn không cảm thấy hối tiếc về việc hiến đời mình cho công việc đào tạo môn đồ. Chị nói: “Tôi thấy hạnh phúc khi nhìn thấy các con thiêng liêng của tôi trưởng thành. Dù tôi có con ruột đi nữa, tôi không tin là chúng sẽ thân thiết với tôi hơn những người con mà tôi đã giúp học lẽ thật. Họ xem tôi như mẹ ruột vậy. Họ nói cho tôi nghe niềm vui và các vấn đề riêng của họ và xin ý kiến giúp đỡ. Họ biên thư, và chúng tôi thăm viếng lẫn nhau.

“Một số người quan niệm rằng không con là một sự nguyền rủa. Họ nói rằng bạn sẽ khổ sở lúc về già. Nhưng tôi không nghĩ thế. Tôi biết rằng cho đến chừng nào tôi còn phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng, Ngài sẽ ban thưởng và chăm sóc tôi. Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi tôi khi tôi trở về già”.

Được Đức Chúa Trời yêu thương và quý trọng

Những ai sinh con và nuôi dạy chúng “làm theo lẽ thật” có nhiều lý do để tạ ơn. Không lạ gì khi Kinh Thánh nói: “Cha người công-bình sẽ có sự vui-vẻ lớn, và người nào sanh con khôn-ngoan sẽ khoái-lạc nơi nó. Ước gì cha và mẹ con được hớn-hở, và người đã sanh con lấy làm vui-mừng”.—Châm-ngôn 23:24, 25.

Những tín đồ Đấng Christ không có niềm vui sinh con cái được ban phước qua nhiều cách khác. Nhiều cặp vợ chồng này đã đóng vai trò trọng yếu trong việc phát huy quyền lợi Nước Trời một cách rộng lớn. Qua nhiều năm, họ thu thập được kinh nghiệm, sự khôn ngoan và tài năng khiến họ góp phần quý giá vào công việc Nước Trời. Nhiều người dẫn đầu công việc.

Dù họ tiếp tục không con vì quyền lợi Nước Trời, Đức Giê-hô-va ban phước cho họ bằng một gia đình thiêng liêng đầy yêu thương, gia đình ấy biết ơn một cách sâu đậm về những điều họ đã hy sinh. Như Chúa Giê-su đã nói: “Chẳng một người nào vì ta và Tin-lành từ-bỏ nhà-cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con-cái, đất-ruộng, mà chẳng lãnh được đương bây giờ, trong đời nầy, trăm lần hơn về những nhà-cửa, anh em, chị em, mẹ con, đất-ruộng,... và sự sống đời đời trong đời sau”.—Mác 10:29, 30.

Đối với Đức Giê-hô-va, tất cả những người trung thành đều quý giá biết bao! Tất cả những người trung kiên, kể cả những người có con và không con đều được sứ đồ Phao-lô cam đoan: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài, trong khi hầu việc các thánh-đồ và hiện nay đương còn hầu việc nữa”.—Hê-bơ-rơ 6:10.

[Chú thích]

^ đ. 2 Không phải tên thật.

[Các hình nơi trang 23]

Những cặp vợ chồng không con được ban phước bằng một gia đình thiêng liêng đầy yêu thương