Trước mắt Đức Giê-hô-va những người yêu mến Ngài thật đáng quý
Những người rao giảng về Nước Trời kể lại
Trước mắt Đức Giê-hô-va những người yêu mến Ngài thật đáng quý
TỪ THỜI Kinh Thánh được viết ra, Lebanon đã nổi tiếng nhờ các nguồn tài nguyên thiên nhiên. (Thi-thiên 72:16; Ê-sai 60:13) Vì cây tuyết tùng hùng vĩ có hương thơm, đẹp và bền nên nó được đặc biệt quý trọng và thường được sử dụng làm vật liệu xây cất. Vào thế kỷ thứ nhất, tại Lebanon còn có một điều khác quý trọng hơn gấp bội. Sách Phúc Âm của Mác tường thuật rằng tại thành Ty-rơ và Si-đôn, thuộc lãnh địa Lebanon xưa, “dân đông lắm, nghe nói mọi việc [Chúa Giê-su] làm, thì đều đến cùng Ngài”.—Mác 3:8.
Ngày nay cũng vậy, dưới mắt Đức Giê-hô-va, Lebanon tiếp tục sản sinh bông trái quý giá. Kinh nghiệm sau đây làm sáng tỏ điều này.
• Một Nhân Chứng trẻ tên Wissam phải làm một bài thuyết trình 30 phút tại lớp học. Em quyết định đây chính là một cơ hội tốt để làm chứng. Vì thế em đã dùng sách Sự sống—Đã xuất hiện thế nào? Do tiến hóa hay do sáng tạo? (Anh ngữ) và chuẩn bị một bài thuyết trình về đề tài sáng tạo. Tuy nhiên, sau khi xem qua tài liệu, thầy của Wissam nói rằng vì đấy thật là một đề tài quan trọng, em có thể khai triển thêm trong vòng 45 phút.
Khi Wissam vừa bắt đầu bài thuyết trình, thầy bảo em dừng lại chờ cô hiệu trưởng đến. Chẳng bao lâu, cô hiệu trưởng đến, và Wissam bắt đầu thuyết trình lại từ đầu. Khi nghe những câu hỏi mà Wissam nêu lên trong phần nhập đề, cô hiệu trưởng rất hứng thú và nói rằng tất cả học sinh cần phải có một bản sao của bài thuyết trình.
Lát sau, một thầy khác đi ngang qua, thấy không khí sôi động của lớp học, đến hỏi thăm. Nghe xong, thầy hỏi không biết Wissam đang lập luận bênh vực thuyết sáng tạo hay tiến hóa. Câu trả lời là “sáng tạo”. Được biết Wissam là một Nhân Chứng Giê-hô-va, thầy nói với cả lớp: “Qua bài thuyết trình này, các em sẽ thấy rằng khoa học ủng hộ sự sáng tạo, chớ không phải sự tiến hóa”.
Hóa ra, thầy này đã có sách Sự sáng tạo và thường dùng sách này để diễn thuyết tại trường đại học! Trước khi đi, thầy hỏi Wissam có thể quay trở lại ngày hôm sau để thuyết trình cho các học sinh của lớp thầy nghe không. Kết quả là một dịp làm chứng tốt khác về danh Đức Giê-hô-va.
• Nina, 22 tuổi, khát khao được biết lẽ thật. Một hôm, cô được người bà con tặng cuốn Kinh Thánh và mời cô đến Nhà Thờ Ngũ Tuần. Nina vui thích đọc Kinh Thánh và nhờ thế cô được biết rằng tín đồ Đấng Christ phải đi rao giảng, thế là cô bắt đầu nói với các người quen biết. Bất cứ người nào nghe cô cũng đều hỏi lại: “Chị có phải là Nhân Chứng Giê-hô-va không?” Điều này khiến cô bối rối.
Sáu năm sau, Nhân Chứng Giê-hô-va gõ cửa nhà Nina và nói cho cô biết về Nước Đức Chúa Trời. Lúc đầu cô cố tìm lỗi trong các dạy dỗ của họ. Tuy nhiên, cô nhận thấy rằng mọi lời giải đáp của họ đều hợp lý và dựa trên Kinh Thánh.
Cuối cùng, những gì Nina học biết được—danh của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va; những ân phước của Nước Trời; v.v...—đã khiến Nina kết luận rằng cô đã tìm ra lẽ thật. Cô dâng mình cho Đức Chúa Trời và làm báp têm. Trong bảy năm qua, Nina đã phục vụ với tư cách người truyền giáo trọn thời gian. Quả thật, Đức Giê-hô-va ban phước cho những ai thực sự yêu mến Ngài.—1 Cô-rinh-tô 2:9.