Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao giải quyết những bất đồng?

Làm sao giải quyết những bất đồng?

Làm sao giải quyết những bất đồng?

HÀNG ngày chúng ta giao tiếp với những người có những cá tính khác nhau. Điều này thường đem lại cho chúng ta niềm vui và quan điểm mới. Thỉnh thoảng nó cũng gây ra những bất đồng. Một số thì nghiêm trọng, còn một số khác chỉ là những va chạm nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Dù lớn hay nhỏ, cách chúng ta giải quyết những bất đồng đều ảnh hưởng đến chúng ta về phương diện tinh thần, tình cảm và thiêng liêng.

Cố hết sức mình để giải quyết ổn thỏa các sự bất đồng sẽ giúp chúng ta vui hưởng một cuộc sống khỏe mạnh hơn và có được những mối quan hệ hòa hảo hơn với người khác. Một câu châm ngôn xưa nói: “Lòng bình-tịnh là sự sống của thân-thể”.—Châm-ngôn 14:30.

Tương phản rõ ràng với câu châm ngôn trên là chân lý này: “Người nào chẳng chế-trị lòng mình, khác nào một cái thành hư-nát, không có vách-ngăn”. (Châm-ngôn 25:28) Có ai trong chúng ta lại muốn mình dễ bị các tư tưởng xấu lấn át, khiến chúng ta hành động sai lầm, gây thiệt hại cho chính mình và người khác không? Những phản ứng giận dữ, thiếu kiềm chế có thể gây ra chính điều đó. Trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-su khuyên chúng ta nên xem xét thái độ của mình; nó có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta giải quyết những bất đồng với người khác. (Ma-thi-ơ 7:3-5) Thay vì phê phán người khác, chúng ta nên suy nghĩ làm sao mình có thể vun trồng và duy trì tình bạn với những người có quan điểm và gia cảnh khác mình.

Thái độ của chúng ta

Bước đầu tiên để giải quyết một bất đồng có thật hoặc chỉ ngộ nhận là ý thức rằng chúng ta dễ có những tư tưởng và thái độ sai. Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta rằng hết thảy chúng ta đều phạm tội “thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời”. (Rô-ma 3:23) Ngoài ra, sự sáng suốt có thể cho thấy căn nguyên của vấn đề không phải là do tại người kia. Về mặt này, chúng ta hãy xem xét kinh nghiệm của Giô-na.

Theo chỉ thị của Đức Giê-hô-va, Giô-na đi đến thành Ni-ni-ve để rao truyền sự phán xét của Đức Chúa Trời sắp giáng xuống dân cư trong thành. Kết quả đáng mừng là toàn thành Ni-ni-ve đã ăn năn và đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời thật. (Giô-na 3:5-10) Đức Giê-hô-va cảm thấy thái độ ăn năn của họ đáng được tha thứ, vì thế Ngài không hủy diệt họ. Nhưng “bấy giờ Giô-na rất không đẹp lòng, và giận-dữ”. (Giô-na 4:1) Phản ứng của Giô-na trước lòng thương xót của Đức Giê-hô-va thật đáng ngạc nhiên. Tại sao Giô-na lại giận Đức Giê-hô-va? Giô-na có vẻ như quá chú tâm đến cảm xúc riêng của mình, nghĩ rằng ông đã bị mất mặt với dân thành Ni-ni-ve. Ông không nhận ra được lòng thương xót của Đức Giê-hô-va. Một cách nhân từ, Đức Giê-hô-va đã dạy ông một bài học thực tế để giúp ông thay đổi thái độ và nhận ra được giá trị vượt bực của lòng thương xót của Đức Chúa Trời. (Giô-na 4:7-11) Rõ ràng là chính Giô-na cần thay đổi thái độ của mình, chứ không phải Đức Giê-hô-va.

Cũng vậy, đôi khi có lẽ chính chúng ta cần thay đổi thái độ của mình đối với một vấn đề nào đó chăng? Sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta: “Hãy lấy lẽ kính-nhường nhau”. (Rô-ma 12:10) Ông muốn nói gì? Một mặt, ông khuyến khích chúng ta nên có thái độ phải lẽ và đối xử với các anh em tín đồ Đấng Christ với sự kính trọng sâu xa. Điều này bao gồm việc nhìn nhận rằng mỗi người đều có quyền tự do lựa chọn. Sứ đồ Phao-lô cũng nhắc nhở chúng ta là: “Ai sẽ gánh lấy riêng phần nấy”. (Ga-la-ti 6:5) Do đó, thật khôn ngoan hơn biết bao là tự xem xét thái độ của chính mình trước khi sự bất đồng gây nên sự chia rẽ! Chúng ta cần cố gắng hết sức phản ánh ý của Đức Giê-hô-va và duy trì sự hòa thuận với những người thật sự yêu mến Đức Chúa Trời.—Ê-sai 55:8, 9.

Cách giải quyết của chúng ta

Hãy hình dung cảnh hai đứa trẻ giằng co nhau một món đồ chơi, đứa nào cũng ráng hết sức giành cho được món đồ. Chúng vừa giằng vừa giận dữ la lối nhau cho đến khi một đứa buông tay hoặc có người can thiệp.

Sách Sáng-thế Ký tường thuật rằng khi Áp-ra-ham nghe nói có sự tranh cãi giữa những người chăn chiên của ông và của cháu ông là Lót, Áp-ra-ham liền chủ động đến nói chuyện với Lót: “Đừng nên có sự tranh chấp giữa bác và cháu, giữa những người chăn đoàn vật của bác và của cháu vì chúng ta là anh em họ hàng với nhau”. Áp-ra-ham đã nhất quyết không để bất kỳ sự xung đột nào làm hại đến mối quan hệ của họ. Với giá nào? Ông đã sẵn sàng hy sinh quyền được chọn trước dù vai vế cao hơn; ông sẵn lòng nhường nhịn. Áp-ra-ham để cho Lót chọn nơi ông muốn đưa gia đình và gia súc mình đến ở. Lót sau đó đã chọn vùng đất xanh tươi ở Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Áp-ra-ham và Lót đã chia tay trong hòa bình.—Sáng-thế Ký 13:5-12, NW.

Để duy trì sự hòa thuận với người khác, chúng ta có sẵn lòng hành động với tinh thần như Áp-ra-ham không? Câu truyện Kinh Thánh trên cho chúng ta một gương mẫu thật tuyệt vời để noi theo khi giải quyết sự bất đồng. Áp-ra-ham thành khẩn: “Đừng nên có sự tranh chấp”. Áp-ra-ham thành thật mong muốn sự việc được giải quyết êm thấm. Chắc chắn lời kêu gọi như thế để gìn giữ sự hòa thuận sẽ giúp loại bỏ bất cứ sự hiểu lầm nào. Sau đó, Áp-ra-ham kết thúc bằng những lời này: “Vì chúng ta là anh em họ hàng với nhau”. Tại sao lại hy sinh một mối quan hệ quí báu như thế chỉ vì lòng tự ái hoặc sở thích cá nhân? Áp-ra-ham thấy rõ điều gì là quan trọng. Ông đã cư xử cao thượng và với lòng tự trọng, đồng thời vẫn tôn trọng cháu mình.

Có những tình huống khi có thể cần người ngoài cuộc giúp giải quyết mối bất đồng, nhưng thật tốt hơn biết bao khi có thể giải quyết vấn đề riêng với nhau! Chúa Giê-su khuyến khích chúng ta chủ động làm hòa với anh em mình, xin lỗi nếu cần thiết. * (Ma-thi-ơ 5:23, 24) Điều đó đòi hỏi phải có sự khiêm nhường, nhưng Phi-e-rơ đã viết: “Hết thảy đối-đãi với nhau phải trang-sức bằng khiêm-nhường; vì Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm-nhường”. (1 Phi-e-rơ 5:5) Cách chúng ta cư xử với anh em cùng đức tin có ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời.—1 Giăng 4:20.

Trong hội thánh tín đồ Đấng Christ, chúng ta có thể phải bỏ một quyền lợi nào đó để duy trì sự hòa thuận. Trong số những người hiện đang kết hợp với Nhân Chứng Giê-hô-va, rất nhiều người đã gia nhập gia đình những người thờ phượng thật của Đức Chúa Trời trong năm năm qua. Lòng chúng ta thật vui sướng biết bao về điều đó! Cách chúng ta xử sự chắc chắn ảnh hưởng đến những người này và nhiều người khác nữa trong hội thánh. Đây là lý do tốt cho thấy tại sao chúng ta nên cẩn thận lựa chọn trò giải trí, sở thích, sinh hoạt xã hội, hay nghề nghiệp, cân nhắc xem người khác có thể nghĩ gì về chúng ta. Chúng ta có hành động hay lời nói nào có thể bị hiểu lầm và vì thế gây vấp phạm cho người khác không?

Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở chúng ta: “Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt. Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác”. (1 Cô-rinh-tô 10:23, 24) Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta thành thật quan tâm đến việc xây dựng tình yêu thương và sự hợp nhất trong vòng anh em tín đồ Đấng Christ.—Thi-thiên 133:1; Giăng 13:34, 35.

Những lời lành

Lời nói có thể có tác động mạnh mẽ lâu dài. “Lời lành giống như tàng ong, ngon-ngọt cho tâm-hồn, và khỏe-mạnh cho xương-cốt”. (Châm-ngôn 16:24) Lời tường thuật về cách Ghê-đê-ôn tránh được một sự xung đột có thể xảy ra với người Ép-ra-im chứng minh lẽ thật trong câu châm ngôn này.

Khi giao tranh kịch liệt với người Ma-đi-an, Ghê-đê-ôn kêu gọi sự giúp đỡ của chi phái Ép-ra-im. Thế nhưng, sau khi trận chiến kết thúc, người Ép-ra-im lại quay ra gay gắt chỉ trích Ghê-đê-ôn là đã không nhờ họ giúp ngay từ đầu cuộc chiến. Lời tường thuật ghi lại: “Chúng cãi cùng người cách dữ-dội”. Ghê-đê-ôn trả lời họ rằng: “Sánh với anh em, tôi há có làm được điều chi? Sự mót nho của Ép-ra-im há chẳng hơn mùa gặt nho của A-bi-ê-xe sao? Đức Chúa Trời đã phó Ô-rép và Xê-ép là hai quan-trưởng dân Ma-đi-an, vào tay anh em. Đem sánh với anh em, tôi nào có làm được điều gì?” (Các Quan Xét 8:1-3) Bằng những lời bình tĩnh và khéo chọn, Ghê-đê-ôn đã tránh được một cuộc chiến thảm khốc giữa các chi phái. Những người thuộc chi phái Ép-ra-im có lẽ đã kiêu ngạo, cho mình là quan trọng. Tuy nhiên, điều đó đã không ngăn cản Ghê-đê-ôn cố gắng dàn xếp sự việc một cách hòa bình. Chúng ta có thể hành động tương tự không?

Người khác có thể tức giận và gây sự với chúng ta. Hãy thừa nhận cảm xúc của họ, và cố gắng hiểu quan điểm của họ. Có thể bằng cách nào đó chúng ta đã góp phần khiến họ có cảm nghĩ như thế chăng? Nếu vậy, tại sao không nhìn nhận phần lỗi của mình trong việc gây ra vấn đề và bày tỏ sự xin lỗi. Một vài lời khéo cân nhắc có thể giúp phục hồi mối quan hệ đang bị tổn thương. (Gia-cơ 3:4) Một số người đang bực tức có thể chỉ cần nhận được lời trấn an tử tế. Kinh Thánh lưu ý rằng “lửa tắt tại thiếu củi”. (Châm-ngôn 26:20) Thật vậy, những lời nói được cân nhắc cẩn thận và được bày tỏ với tinh thần thích hợp có thể “làm nguôi cơn-giận” và có tác dụng chữa lành.—Châm-ngôn 15:1.

Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người”. (Rô-ma 12:18) Đành rằng chúng ta không thể kiềm chế cảm xúc của người khác, nhưng chúng ta có thể làm phần mình để góp phần vun đắp sự hòa bình. Thay vì chịu khuất phục trước phản ứng bất toàn của chúng ta hay của người khác, chúng ta có thể hành động ngay từ bây giờ để áp dụng những nguyên tắc dựa trên Kinh Thánh. Giải quyết những bất đồng theo cách Đức Giê-hô-va dạy dỗ, thì chúng ta sẽ tìm được bình an và hạnh phúc lâu dài.—Ê-sai 48:17.

[Chú thích]

^ đ. 13 Xin xem các bài “Hết lòng tha thứ” và “Bạn có thể được lại anh em”, đăng trong Tháp Canh, ngày 15-10-1999.

[Hình nơi trang 24]

Chúng ta có khăng khăng đòi mọi việc phải đúng theo ý mình không?

[Hình nơi trang 25]

Áp-ra-ham đã nêu gương mẫu tốt trong việc nhường nhịn để giải quyết sự bất đồng