Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có biết cách chờ đợi không?

Bạn có biết cách chờ đợi không?

Bạn có biết cách chờ đợi không?

BẠN có thể tưởng tượng người ta mất bao nhiêu thì giờ mỗi năm chỉ vì đợi không? Họ sắp hàng đợi trong tiệm hay là tại trạm xăng. Họ đợi trong tiệm ăn. Họ đợi tại phòng mạch bác sĩ hay nha sĩ. Họ đợi xe buýt, xe lửa. Thật vậy, điều đáng ngạc nhiên là một khoảng thời gian lớn trong đời người là dùng để đợi những chuyện sẽ xảy ra. Theo một ước lượng, riêng người Đức mất 4,7 tỷ giờ một năm chỉ để đợi trong lúc kẹt xe! Có người tính là bấy nhiêu giờ đó bằng với tuổi thọ của khoảng 7.000 người cộng lại.

Chờ đợi có thể rất là bực bội. Ngày nay dường như người ta không bao giờ có đủ thì giờ làm tất cả mọi điều, và khi nghĩ đến những điều khác mình sẽ phải làm lại càng khiến người ta càng khó chờ đợi hơn. Tác giả Alexander Rose có lần đã nói: “Phân nửa sự khổ cực trong cuộc sống là chờ đợi”.

Chính khách Hoa Kỳ là Benjamin Franklin nhận biết rằng chờ đợi cũng có thể rất tốn kém. Cách đây hơn 250 năm, ông lưu ý: “Thì giờ là tiền bạc”. Đó là lý do tại sao các doanh nghiệp tránh những sự chậm trễ không cần thiết trong thủ tục làm việc. Sản xuất càng nhiều hàng hóa trong thời gian càng ngắn thì có thể càng được nhiều lợi tức hơn. Những doanh nghiệp trực tiếp phục vụ công chúng cố gắng phục vụ nhanh hơn, như những tiệm bán đồ ăn liền, ngân hàng phục vụ khách ngay trong xe, và những thứ tương tự khác, bởi vì họ biết rằng làm vừa lòng khách hàng bao hàm việc cắt giảm thời gian chờ đợi.

Làm phí đời sống chúng ta

Có lần thi sĩ Hoa Kỳ thế kỷ thứ 19 là Ralph Waldo Emerson đã than phiền: “Chờ đợi làm phí đời sống người ta biết bao!” Gần đây, tác giả Lance Morrow than phiền về sự buồn chán và khó chịu vì chờ đợi. Nhưng rồi ông nói đến “sự đau khổ ngấm ngầm vì chờ đợi”. Đó là gì? “Là vì thì giờ là nguồn lợi quí báu nhất, khi đã bị cướp mất thì cũng như một phần đời sống bị mất đi, không lấy lại được”. Đây là điều đáng tiếc, nhưng đúng vậy. Thì giờ bị mất vì đợi là mất vĩnh viễn.

Dĩ nhiên, nếu đời sống không quá ngắn ngủi, sự chờ đợi sẽ chẳng đáng cho chúng ta quan tâm mấy. Nhưng đời sống lại ngắn ngủi. Hàng ngàn năm về trước, người viết Thi-thiên bình luận: “Tuổi-tác của chúng tôi đến được bảy mươi, còn nếu mạnh-khỏe thì đến tám mươi; song sự kiêu-căng của nó bất quá là lao-khổ và buồn-thảm, vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi”. (Thi-thiên 90:10) Dù chúng ta là ai và ở đâu chăng nữa, đời sống chúng ta—ngày, giờ, phút ở trước mặt khi mình mở mắt chào đời—có giới hạn. Nhưng chúng ta không thể tránh những trường hợp buộc mình phải mất một ít thì giờ quý báu để đợi những biến cố xảy ra hay là đợi một người nào đó.

Học cách đợi

Phần nhiều người trong chúng ta đều trải qua kinh nghiệm đi chung một xe với người lái mà lúc nào cũng muốn vượt qua mặt những chiếc xe đằng trước. Thường thì không có gì phải gấp cả—người lái không có cái hẹn cấp bách. Nhưng người đó không thể chịu được việc một tài xế xe khác ấn định việc lái nhanh chậm của mình. Sự không kiên nhẫn cho thấy rằng người đó chưa học được cách để đợi. Học ư? Đúng vậy, biết cách đợi là một bài học cần phải học. Không ai mới chào đời mà đã biết đợi. Các em bé muốn được chú ý ngay khi chúng đói hoặc khó chịu. Đến khi lớn lên chúng mới hiểu rằng đôi khi mình phải đợi mới được những gì mình muốn. Quả thật, vì đợi là một phần không thể tránh được trong đời sống, nên biết cách kiên nhẫn đợi khi cần thiết chứng tỏ là một người chín chắn.

Dĩ nhiên, có những trường hợp cấp bách khiến người ta thiếu kiên nhẫn đợi thì cũng dễ hiểu thôi. Chẳng hạn, đối với một người chồng trẻ gấp rút đưa vợ sắp sanh vào bệnh viện thì sự thiếu kiên nhẫn này có nguyên do chính đáng. Các thiên sứ giục Lót ra khỏi thành Sô-đôm đã không sẵn lòng đợi trong lúc Lót trì hoãn. Sự hủy diệt sắp đến và mạng sống của Lót cùng gia đình bị lâm nguy. (Sáng-thế Ký 19:15, 16) Tuy nhiên, trong hầu hết mọi trường hợp, mạng sống không bị lâm nguy khi người ta buộc lòng phải đợi. Trong những trường hợp đó, mọi sự có thể là vui thích hơn nhiều, nếu ai nấy đều tập tính kiên nhẫn—dù cho một người nào đó thiếu khả năng hoặc thiếu quan tâm làm chúng ta phải đợi. Hơn nữa, người ta sẽ dễ kiên nhẫn hơn nếu ai nấy đều học cách dùng thì giờ chờ đợi một cách hữu ích. Khung ở trang 5 có một số đề nghị giúp cho việc chờ đợi không những chịu đựng được mà còn hữu ích nữa.

Chúng ta không thể bỏ qua sự kiện thiếu kiên nhẫn có thể là một thái độ kiêu ngạo, cho rằng mình quá quan trọng không cần phải đợi ai cả. Đối với bất kỳ người nào có thái độ đó, những lời sau đây trong Kinh Thánh đáng để xem xét: “Lòng kiên-nhẫn hơn lòng kiêu-ngạo”. (Truyền-đạo 7:8) Thái độ ngạo mạn, hay kiêu kỳ, là một khuyết điểm nghiêm trọng, và lời châm ngôn trong Kinh Thánh nói: “Phàm ai có lòng kiêu-ngạo lấy làm gớm-ghiếc cho Đức Giê-hô-va”. (Châm-ngôn 16:5) Do đó, tập tính kiên nhẫn—học cách để đợi—có thể đòi hỏi chúng ta phải xem xét kỹ chính mình và mối quan hệ của chúng ta với những người xung quanh.

Sự kiên nhẫn sẽ được thưởng

Thông thường chúng ta thấy dễ đợi hơn nếu mình tin rằng những điều mình đợi là đáng và cuối cùng thế nào nó cũng sẽ đến. Nói về điều này thì ta nên nhớ là tất cả những người thành thật thờ phượng Đức Chúa Trời đang đợi sự ứng nghiệm của những lời hứa tuyệt diệu trong Kinh Thánh. Thí dụ, chúng ta thấy lời này được Đức Chúa Trời soi dẫn trong sách Thi-thiên: “Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời”. Lời hứa này được sứ đồ Giăng nhắc lại khi ông nói: “Ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”. (Thi-thiên 37:29; 1 Giăng 2:17) Rõ ràng là nếu chúng ta có thể sống đời đời thì việc chờ đợi không có gì là khó khăn. Nhưng ngay bây giờ chúng ta không được sống mãi. Vậy thì nói về sự sống đời đời có phải là một điều thực tế không?

Trước khi trả lời, hãy xem xét việc Đức Chúa Trời tạo dựng tổ tiên của chúng ta với triển vọng sống đời đời. Chỉ vì phạm tội mà họ mất đi triển vọng đó cho chính họ và con cháu của họ—kể cả chúng ta. Tuy nhiên, ngay sau khi họ phạm tội, Đức Chúa Trời thông báo ý định làm đảo ngược lại hậu quả của sự không vâng lời. Ngài hứa là một “dòng-dõi” sẽ đến, đó chính là Chúa Giê-su Christ.—Sáng-thế Ký 3:15; Rô-ma 5:18.

Khi Đức Chúa Trời thực hiện lời hứa, chúng ta nhận được lợi ích hay không là quyết định riêng của mình. Muốn nhận được thì cần có sự kiên nhẫn. Để giúp ta tập tính kiên nhẫn này, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta suy ngẫm gương của một nông dân. Người gieo hạt giống và phải kiên nhẫn chờ đợi cho đến mùa gặt, đồng thời làm những gì mình có thể làm để bảo vệ mùa màng. Rồi sự kiên nhẫn của người được thưởng, và người thấy kết quả của công khó mình. (Gia-cơ 5:7) Sứ đồ Phao-lô nêu ra một gương kiên nhẫn khác. Ông nhắc chúng ta đến gương của những người trung thành ngày xưa. Họ trông mong Đức Chúa Trời thực hiện ý định, nhưng họ cần phải đợi đến đúng thời điểm của Đức Chúa Trời. Phao-lô khuyến khích chúng ta noi gương những người này, “những kẻ bởi đức-tin và lòng nhịn-nhục mà được hưởng lời hứa”.—Hê-bơ-rơ 6:11, 12.

Đúng vậy, chờ đợi là một sự kiện không thể tránh được trong đời sống. Nhưng nó không hẳn là một nguyên nhân buồn nản. Đối với những người chờ đợi Đức Chúa Trời thực hiện lời hứa, sự chờ đợi có thể là một nguồn vui. Họ có thể lấp đầy thời gian chờ đợi bằng cách vun trồng một mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời và làm những việc để biểu lộ đức tin. Và bằng cách cầu nguyện, học hỏi, suy ngẫm, họ có thể vun trồng niềm tin không lay chuyển là Đức Chúa Trời sẽ thực hiện lời hứa vào đúng thời điểm của Ngài.

[Khung/​Các hình nơi trang 5]

LÀM GIẢM SỰ KHÓ CHỊU KHI ĐỢI!

Hãy tính trước! Nếu biết mình phải đợi, hãy đọc sách, viết, đan, móc, hay là làm điều gì lợi ích.

Hãy dùng thì giờ suy ngẫm, đây là điều càng ngày càng khó làm trong thế giới đầy hối hả này.

Hãy để ít sách báo gần điện thoại để khi phải đợi người trả lời thì đọc; trong năm, mười phút bạn có thể đọc được vài trang.

Khi đợi trong một nhóm, nếu thích hợp hãy dùng cơ hội để bắt chuyện với người khác và chia sẻ ý tưởng khích lệ với họ.

Hãy giữ sổ tay hoặc sách báo trong xe khi bất ngờ phải ngồi đợi.

Hãy nhắm mắt lại, thư giãn, hay là cầu nguyện.

BIẾT CÁCH ĐỢI CHỦ YẾU LÀ DO Ở THÁI ĐỘ VÀ SUY NGHĨ TRƯỚC ĐÓ.