Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Giờ đã đến”!

“Giờ đã đến”!

“Giờ đã đến”!

“Giờ mình phải lìa thế-gian đặng trở về cùng Đức Chúa Trời đến rồi”.—GIĂNG 13:1.

1. Khi ngày Lễ Vượt Qua năm 33 CN gần kề, thành Giê-ru-sa-lem sống động hẳn lên với sự bàn tán nào, và tại sao?

KHI làm báp têm vào năm 29 CN, Chúa Giê-su bắt đầu một nếp sống dẫn ngài đến “giờ” chết, sống lại và được vinh hiển. Bấy giờ là mùa xuân năm 33 CN. Chỉ mới ít tuần trước đó, Tòa Công Luận, tòa thượng thẩm Do Thái, đã bàn mưu giết Chúa Giê-su. Biết được âm mưu này, có lẽ qua miệng Ni-cô-đem, một thành viên Tòa Công Luận đã tỏ ra thân thiện với ngài, Chúa Giê-su rời Giê-ru-sa-lem băng qua Sông Giô-đanh đi về thôn quê. Khi Lễ Vượt Qua gần kề, nhiều người ở dưới quê lên Giê-ru-sa-lem, và trong thành người ta bàn tán xôn xao về Chúa Giê-su. Người ta hỏi nhau: “Các ngươi tưởng thế nào? Người không đến giữ lễ hay sao?” Các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si làm tăng thêm sự náo động bằng cách ra lệnh cho ai thấy Chúa Giê-su ở đâu thì phải báo cáo cho họ biết.—Giăng 11:47-57.

2. Hành động nào của Ma-ri đã gây ra sự tranh luận, và lời đáp của Chúa Giê-su để bênh vực cô cho thấy ngài ý thức thế nào đến ‘giờ ngài’?

2 Vào ngày 8 Ni-san, sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su trở lại ngoại thành Giê-ru-sa-lem. Ngài đến Bê-tha-ni—quê nhà của ba người bạn thiết của ngài, Ma-thê, Ma-ri và La-xa-rơ—cách Giê-ru-sa-lem chừng ba kilômét. Hôm đó là tối Thứ Sáu, và Chúa Giê-su ở đó trọn ngày Sa-bát. Tối hôm sau khi Ma-ri xức dầu quí cho ngài, môn đồ phản đối. Chúa Giê-su đáp: “Hãy để mặc người, người đã để dành dầu thơm nầy cho ngày chôn xác ta. Vì các ngươi thường có kẻ nghèo ở với mình, còn ta, các ngươi không có ta luôn luôn”. (Giăng 12:1-8; Ma-thi-ơ 26:6-13) Chúa Giê-su biết ‘giờ ngài phải lìa thế-gian đặng trở về cùng Đức Chúa Trời đến rồi’. (Giăng 13:1) Còn năm ngày nữa là ngài sẽ “phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người”. (Mác 10:45) Bởi vậy, ngài làm và dạy dỗ mọi sự với tinh thần khẩn trương. Thật là một gương tuyệt diệu cho chúng ta trong khi chờ đợi sự cuối cùng của hệ thống mọi sự này đến! Hãy xem điều gì xảy ra trong trường hợp của Chúa Giê-su vào ngay ngày hôm sau.

Ngày Chúa Giê-su chiến thắng vào thành

3. (a) Vào Chủ Nhật, ngày 9 Ni-san, Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem như thế nào, và phần đông những người quanh ngài hưởng ứng ra sao? (b) Chúa Giê-su đáp như thế nào trước lời phàn nàn của người Pha-ri-si về đoàn dân đông?

3 Vào Chủ Nhật, ngày 9 Ni-san, Chúa Giê-su chiến thắng vào thành Giê-ru-sa-lem. Khi ngài đến gần thành—cưỡi trên lưng một con lừa con làm ứng nghiệm Xa-cha-ri 9:9—phần đông những người nhóm lại quanh ngài trải áo xống của họ ra trên đường, trong khi những người khác thì chặt nhánh cây để lót đường. Họ reo hò: “Đáng ngợi-khen Vua nhân danh Chúa mà đến!” Một số người Pha-ri-si trong đoàn dân muốn Chúa Giê-su quở trách môn đồ. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đáp: “Ta phán cùng các ngươi, nếu họ nín-lặng thì đá sẽ kêu lên”.—Lu-ca 19:38-40; Ma-thi-ơ 21:6-9.

4. Tại sao cả Giê-ru-sa-lem xôn xao hẳn lên khi Chúa Giê-su vào thành?

4 Chỉ ít tuần trước đó, nhiều người trong đoàn dân đông đã nhìn thấy Chúa Giê-su làm La-xa-rơ sống lại. Bây giờ họ cứ nói cho người khác biết về phép lạ ấy. Vậy khi Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem, cả thành xôn xao hẳn lên. Người ta hỏi: “Người nầy là ai?” Và đoàn dân đông cứ nói mãi: “Ấy là Đấng tiên-tri Jêsus ở thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê”. Thấy vậy, người Pha-ri-si than phiền: “Cả thiên-hạ đều chạy theo người!”—Ma-thi-ơ 21:10, 11; Giăng 12:17-19.

5. Điều gì xảy ra khi Chúa Giê-su vào đền thờ?

5 Chúa Giê-su, Thầy Dạy Lớn, có thói quen là mỗi khi đến viếng Giê-ru-sa-lem đều đi vào đền thờ để dạy dỗ. Ở đó, những người mù và què đến cùng ngài, và ngài chữa lành cho họ. Khi các thầy tế lễ cả và thầy thông giáo thấy vậy và họ nghe con trẻ trong đền thờ reo lên: “Hô-sa-na con vua Đa-vít!” thì tức giận. Họ phản đối: “Thầy có nghe điều những đứa trẻ nầy nói không?” Chúa Giê-su đáp: “Có. Vậy chớ các ngươi chưa hề đọc lời nầy: Chúa đã được ngợi-khen bởi miệng con trẻ và con đương bú, hay sao?” Khi Chúa Giê-su tiếp tục dạy dỗ, ngài chăm chú nhìn xem những gì diễn ra trong đền thờ.—Ma-thi-ơ 21:15, 16; Mác 11:11.

6. Bây giờ phong cách của Chúa Giê-su khác với trước đó như thế nào, và tại sao?

6 Phong cách của Chúa Giê-su giờ đây thật khác biết bao so với sáu tháng trước! Hồi ấy ngài đến dự Lễ Lều Tạm ở Giê-ru-sa-lem “cách kín-giấu, không tố-lộ”. (Giăng 7:10) Và ngài luôn luôn có biện pháp rút lui an toàn khi tính mạng bị lâm nguy. Nay ngài lại công khai đi vào thành nơi người ta đã từng hạ lệnh bắt ngài! Chúa Giê-su cũng không có thói quen tự giới thiệu mình là Đấng Mê-si. (Ê-sai 42:2; Mác 1:40-44) Ngài đã không muốn người ta rêu rao ầm ĩ hoặc đồn từ người này sang người khác những chuyện không xác thực về ngài. Nhưng bấy giờ đoàn dân đông công khai tung hô ngài là Vua và Đấng Cứu Chuộc—Đấng Mê-si—và ngài bác bỏ lời yêu cầu của những nhà lãnh đạo tôn giáo muốn ngài bảo dân chúng phải làm thinh! Tại sao có sự thay đổi này? Vì “giờ đã đến, khi Con người sẽ được vinh-hiển”, như Chúa Giê-su thông báo ngay ngày hôm sau.—Giăng 12:23.

Hành động dạn dĩ​—Rồi những sự dạy dỗ cứu mạng

7, 8. Những hành động của Chúa Giê-su vào ngày 10 Ni-san, năm 33 CN, phản ánh thế nào những gì ngài đã từng làm trong đền thờ vào Lễ Vượt Qua năm 30 CN?

7 Vừa khi đến đền thờ vào Thứ Hai, ngày 10 Ni-san, Chúa Giê-su ra tay hành động để sửa chữa những gì ngài nhìn thấy chiều hôm trước. Ngài bắt đầu “đuổi những kẻ buôn-bán ở đó, lại lật-đổ bàn những người đổi bạc, và ghế những kẻ bán bồ-câu. Ngài cấm không cho ai được đem đồ gì đi ngang qua đền-thờ”. Lên án những kẻ làm quấy, ngài tuyên bố: “Há chẳng có lời chép: Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu-nguyện của muôn dân hay sao? Nhưng các ngươi đã làm thành cái hang trộm-cướp”.—Mác 11:15-17.

8 Hành động của Chúa Giê-su phản ánh những gì ngài đã từng làm ba năm trước đó khi ngài viếng thăm đền thờ vào Lễ Vượt Qua năm 30 CN. Tuy nhiên, lần này lời tố cáo gay gắt hơn. Bây giờ những kẻ buôn bán trong đền thờ bị mệnh danh là “trộm-cướp”. (Lu-ca 19:45, 46; Giăng 2:13-16) Họ là trộm cướp vì đòi hỏi những người cần mua thú vật để dâng của-lễ phải trả giá cắt cổ. Các thầy tế lễ cả, thầy thông giáo và những người có quyền thế trong dân chúng nghe nói về những gì Chúa Giê-su làm và lần nữa họ tìm cách giết ngài. Thế nhưng, họ không biết cách loại trừ Chúa Giê-su, vì hết thảy dân chúng đều bám sát theo ngài để nghe giảng, vì họ thán phục những sự dạy dỗ của ngài.—Mác 11:18; Lu-ca 19:47, 48.

9. Chúa Giê-su dạy bài học nào, và ngài mời những người nghe ngài trong đền thờ làm gì?

9 Khi Chúa Giê-su tiếp tục dạy dỗ trong đền thờ, ngài tuyên bố: “Giờ đã đến, khi Con người sẽ được vinh-hiển”. Đúng vậy, ngài biết mình chỉ còn sống trên đất thêm ít ngày nữa. Sau khi nói về cách một hạt giống lúa mì phải chết để sinh hoa lợi—tương xứng với việc chính ngài phải chết đi mới trở thành một công cụ để ban sự sống đời đời cho người khác—Chúa Giê-su mời người nghe: “Nếu ai hầu việc ta, thì phải theo ta, và ta ở đâu, thì kẻ hầu việc ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc ta, thì Cha ta ắt tôn-quí người”.—Giăng 12:23-26.

10. Chúa Giê-su cảm thấy thế nào về sự chết đau đớn cùng cực chờ đợi ngài?

10 Chỉ còn bốn ngày nữa là Chúa Giê-su phải chết một cách đau đớn cùng cực. Nghĩ đến điều này, ngài nói tiếp: “Hiện nay tâm-thần ta bối-rối; ta sẽ nói gì?... Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ nầy!” Nhưng những gì chờ đợi Chúa Giê-su tất phải xảy ra. Ngài nói: “Nhưng ấy cũng vì sự đó mà Con đến giờ nầy”. Quả thật, Chúa Giê-su đồng ý làm theo tất cả những gì Đức Chúa Trời đã sắp đặt trước. Ngài kiên quyết để cho ý muốn Đức Chúa Trời chi phối những hành động của ngài cho đến lúc chết làm của-lễ hy sinh. (Giăng 12:27) Ngài quả đã nêu gương tốt thay cho chúng ta noi theo—gương triệt để phục tùng ý muốn Đức Chúa Trời!

11. Chúa Giê-su truyền đạt những sự dạy dỗ nào cho đoàn dân đông vừa được nghe tiếng phán từ trời?

11 Rất mực lo lắng là cái chết của ngài sẽ ảnh hưởng đến thanh danh của Cha ngài, Chúa Giê-su cầu nguyện: “Cha ơi, xin làm sáng danh Cha!” Một tiếng từ trên trời phán xuống, làm kinh ngạc đoàn dân đông họp tại đền thờ, tiếng đó nói: “Ta đã làm sáng danh rồi, ta còn làm cho sáng danh nữa!” Thầy Dạy Lớn dùng cơ hội này để nói với đoàn dân đông tại sao có tiếng nói đó và sự chết của ngài sẽ dẫn đến điều gì, và tại sao họ cần phải thực hành đức tin. (Giăng 12:28-36) Chắc chắn hai ngày cuối cùng của Chúa Giê-su đầy biến cố. Nhưng vẫn còn có một ngày trọng đại khác trước mắt.

Ngày tố cáo

12. Vào Thứ Ba, ngày 11 Ni-san, những nhà lãnh đạo tôn giáo tìm cách gài bẫy Chúa Giê-su như thế nào, và kết cuộc ra sao?

12 Vào Thứ Ba, ngày 11 Ni-san, Chúa Giê-su lần nữa đi lên dạy dỗ trong đền thờ. Một cử tọa đối lập đã chực sẵn ở đó rồi. Ám chỉ những hành động hôm trước của Chúa Giê-su, các thầy tế lễ cả và trưởng lão trong dân chúng hỏi ngài: “Bởi quyền-phép nào mà thầy làm những sự nầy, và ai đã cho thầy quyền-phép ấy?” Bậc Thầy Lỗi Lạc khiến họ lúng túng qua câu trả lời của ngài, và ngài kể ba minh họa sống động—hai minh họa nói về một vườn nho và một về tiệc cưới—phơi bày sự gian ác của những kẻ chống đối. Tức tối vì những gì họ nghe, các nhà lãnh đạo tôn giáo muốn bắt ngài. Nhưng họ lại sợ đoàn dân đông, những người xem Chúa Giê-su là một đấng tiên tri. Bởi vậy, họ tìm cách gài bẫy ngài nói một điều gì để họ có thể sai người bắt ngài. Câu trả lời của Chúa Giê-su làm họ cứng họng.—Ma-thi-ơ 21:23–22:46.

13. Chúa Giê-su khuyên thính giả điều gì về các thầy thông giáo và người Pha-ri-si?

13 Vì các thầy thông giáo và người Pha-ri-si tự xưng là thầy dạy Luật Pháp Đức Chúa Trời, bây giờ Chúa Giê-su khuyên thính giả: “Hãy làm và giữ theo mọi điều họ đã bảo các ngươi; nhưng đừng bắt-chước việc làm của họ, vì họ nói mà không làm”. (Ma-thi-ơ 23:1-3) Thật là một lời tố cáo mạnh mẽ trước công chúng! Nhưng Chúa Giê-su chưa tha cho họ đâu. Đây là ngày cuối cùng của ngài trong đền thờ, và ngài dạn dĩ đưa ra một loạt lời tố cáo—hết vố này đến vố kia, rền vang như sấm sét.

14, 15. Chúa Giê-su thốt ra những lời tố cáo gay gắt nào nghịch lại các thầy thông giáo và người Pha-ri-si?

14 Chúa Giê-su tuyên bố sáu lần: “Khốn cho các ngươi, thầy thông-giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả-hình!” Họ bị rủa như vậy là vì, như Chúa Giê-su giải thích, họ đóng Nước Trời trước mặt người ta, không cho ai vào đó dù muốn vào. Những kẻ giả hình đi khắp dưới nước trên bộ để khuyên một người vào đạo mình, nhưng rốt cuộc làm cho người đó mắc phải hình phạt bị hủy diệt đời đời. Trong khi họ xao lãng “điều hệ-trọng hơn hết trong luật-pháp, là sự công-bình, thương-xót và trung-tín”, họ lại đặt nặng vấn đề nộp thuế thập phân. Thật thế, họ “rửa bề ngoài chén và mâm, nhưng ở trong thì đầy-dẫy sự ăn-cướp cùng sự quá-độ” theo nghĩa là họ phủ một dáng vẻ sùng đạo phô trương lên trên sự mục nát và thối rữa trong tâm hồn họ. Hơn nữa, họ sẵn sàng xây và trang trí những nấm mộ cho những nhà tiên tri để gây chú ý đến những việc thiện của mình, ngay dù họ “là con cháu những người giết các đấng tiên-tri”.—Ma-thi-ơ 23:13-15, 23-31.

15 Kết án việc thiếu giá trị thiêng liêng về phía đối phương, Chúa Giê-su nói: “Khốn cho các ngươi, là kẻ mù dẫn đường”. Họ mù về luân lý đạo đức vì xem trọng vàng trong đền thờ hơn giá trị thiêng liêng của nơi thờ phượng ấy. Chúa Giê-su nói thêm những lời tố cáo mạnh mẽ nhất. Ngài nói: “Hỡi loài rắn, dòng-dõi rắn lục kia, thế nào mà tránh khỏi sự đoán-phạt nơi địa-ngục [“Ghê-hen-na”, NW] được?” Đúng vậy, Chúa Giê-su đang nói với họ rằng vì đã theo đuổi đường lối gian ác cho nên sẽ chịu sự hủy diệt đời đời. (Ma-thi-ơ 23:16-22, 33) Mong sao chúng ta cũng có thể tỏ ra can đảm trong việc tuyên bố thông điệp Nước Trời, ngay cả khi phải vạch mặt tôn giáo giả.

16. Đang khi ngồi trên Núi Ô-li-ve, Chúa Giê-su cho các môn đồ biết về lời tiên tri quan trọng nào?

16 Bấy giờ Chúa Giê-su rời đền thờ. Khi ánh nắng xế chiều tàn dần, ngài và các sứ đồ lên Núi Ô-li-ve. Đang khi ngồi trên đó, Chúa Giê-su nói tiên tri về sự hủy diệt đền thờ và điềm về sự hiện diện của ngài và sự kết liễu hệ thống mọi sự. Ý nghĩa của những lời tiên tri này vẫn còn kéo dài cho đến thời chúng ta ngày nay. Tối hôm đó, Chúa Giê-su cũng nói với môn đồ: “Các ngươi biết rằng còn hai ngày nữa thì đến lễ Vượt-qua, và Con người sẽ bị nộp để chịu đóng đinh trên cây thập-tự”.—Ma-thi-ơ 24:1-14; 26:1, 2.

Chúa Giê-su ‘yêu kẻ thuộc về mình cho đến cuối-cùng’

17. (a) Trong Lễ Vượt Qua vào ngày 14 Ni-san, Chúa Giê-su dạy cho 12 sứ đồ bài học nào? (b) Chúa Giê-su thiết lập Lễ Tưởng Niệm nào sau khi đuổi Giu-đa Ích-ca-ri-ốt?

17 Trong hai ngày kế tiếp—ngày 12 và 13 Ni-san—Chúa Giê-su không công khai lộ diện trong đền thờ. Các nhà lãnh đạo tôn giáo đang tìm cách giết ngài, và ngài không muốn điều gì cản trở ngài dự Lễ Vượt Qua với các sứ đồ. Mặt trời lặn ngày Thứ Năm bắt đầu ngày 14 Ni-san—ngày cuối cùng Chúa Giê-su còn làm người trên đất. Tối hôm đó, Chúa Giê-su và các sứ đồ họp mặt tại một ngôi nhà ở Giê-ru-sa-lem nơi đã được chuẩn bị trước để cử hành Lễ Vượt Qua. Khi cùng họ cử hành Lễ Vượt Qua, ngài dạy cho 12 sứ đồ một bài học thấm thía về sự khiêm nhường bằng cách rửa chân họ. Sau khi đuổi Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, là kẻ đã thỏa thuận phản Chúa mình để đổi lấy 30 miếng bạc—công giá một nô lệ theo Luật Pháp Môi-se—Chúa Giê-su thiết lập Lễ Tưởng Niệm sự chết của ngài.—Xuất Ê-díp-tô Ký 21:32; Ma-thi-ơ 26:14, 15, 26-29; Giăng 13:2-30.

18. Chúa Giê-su còn yêu thương truyền đạt những sự dạy dỗ nào khác cho 11 sứ đồ trung thành, và ngài chuẩn bị cho họ thế nào về chuyến ra đi trước mắt của ngài?

18 Sau khi khai mạc Lễ Tưởng Niệm, các sứ đồ bắt đầu tranh luận sôi nổi xem ai là người lớn nhất trong họ. Thay vì quở trách họ, Chúa Giê-su kiên nhẫn dạy họ về giá trị của việc phục vụ người khác. Vì quí trọng việc họ bền lòng theo sát ngài trong thử thách, nên Chúa Giê-su lập một giao ước riêng với họ về một nước. (Lu-ca 22:24-30) Chúa Giê-su cũng bảo họ phải yêu thương nhau cũng như chính ngài yêu thương họ. (Giăng 13:34) Khi ngài nấn ná lại trong phòng ấy, Chúa Giê-su chuẩn bị họ một cách đầy yêu thương trước khi sắp sửa ra đi. Ngài thắt chặt tình bạn với họ, khuyến khích họ thực hành đức tin, và hứa với họ rằng thánh linh sẽ giúp họ. (Giăng 14:1-17; 15:15) Trước khi ra khỏi ngôi nhà đó, Chúa Giê-su cầu xin Cha: “Thưa Cha, giờ đã đến; xin làm vinh-hiển Con, hầu cho Con cũng làm vinh-hiển Cha”. Thật thế, Chúa Giê-su đã chuẩn bị cho các sứ đồ về chuyến ra đi của ngài, và chắc chắn ngài ‘yêu kẻ thuộc về mình cho đến cuối-cùng’.—Giăng 13:1; 17:1.

19. Tại sao Chúa Giê-su đau đớn cùng cực trong vườn Ghết-sê-ma-nê?

19 Có lẽ đã quá nửa đêm rồi khi Chúa Giê-su cùng 11 sứ đồ trung thành đến vườn Ghết-sê-ma-nê. Trước đây Chúa Giê-su thường đến đó với các sứ đồ. (Giăng 18:1, 2) Chỉ còn vài giờ nữa là Chúa Giê-su chết như là một tội nhân đáng khinh. Sự đau đớn cùng cực khi nghĩ đến việc phải trải qua kinh nghiệm này và sự nhục nhã nó có thể đem lại cho Cha ngài khiến mồ hôi của ngài trở nên như những giọt máu rơi xuống đất trong khi ngài cầu nguyện. (Lu-ca 22:41-44) Chúa Giê-su nói với các sứ đồ: “Giờ đã tới rồi;... kìa, đứa phản ta đã đến gần”. Ngài còn đang nói thì Giu-đa Ích-ca-ri-ốt tiến đến gần, theo sau hắn là một toán đông cầm đèn đuốc và vũ khí. Họ đến bắt Chúa Giê-su. Ngài không chống cự. Ngài giải thích: “Nếu vậy, thế nào cho ứng-nghiệm lời Kinh-thánh đã chép rằng việc nầy tất phải xảy đến?”—Mác 14:41-43; Ma-thi-ơ 26:48-54.

Con người được vinh hiển!

20. (a) Sau khi bị bắt, Chúa Giê-su bị đối xử tàn bạo thế nào? (b) Chỉ ít phút trước khi chết, tại sao Chúa Giê-su thốt lên: “Mọi việc đã được trọn”?

20 Sau khi bị bắt, Chúa Giê-su bị những kẻ làm chứng gian tố cáo, bị những quan tòa thiên vị kết án, bị Bôn-xơ Phi-lát tuyên án, bị các thầy tế lễ và quần chúng nhạo báng và bị quân lính chế giễu và tra tấn. (Mác 14:53-65; 15:1, 15; Giăng 19:1-3) Đến trưa Thứ Sáu, Chúa Giê-su bị đóng đinh trên cây khổ hình và chịu đau đớn cùng cực khi sức nặng của thân thể khiến các vết thương nơi tay và chân ngài bị rách ra. (Giăng 19:17, 18) Độ ba giờ chiều, Chúa Giê-su thốt lên: “Mọi việc đã được trọn”. Đúng vậy, ngài đã hoàn thành mọi nhiệm vụ ngài phải làm trên đất. Giao phó thần linh mình cho Đức Chúa Trời, ngài gục đầu và chết. (Giăng 19:28, 30; Ma-thi-ơ 27:45, 46; Lu-ca 23:46) Qua ngày thứ ba, Đức Giê-hô-va làm cho Con Ngài sống lại. (Mác 16:1-6) Bốn mươi ngày sau khi sống lại, Chúa Giê-su lên trời và được vinh hiển.—Giăng 17:5; Công-vụ 1:3, 9-12; Phi-líp 2:8-11.

21. Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su như thế nào?

21 Làm sao chúng ta có thể cẩn thận ‘noi dấu chân Chúa Giê-su’? (1 Phi-e-rơ 2:21) Giống như ngài, chúng ta hãy gắng sức rao giảng Nước Trời và đào tạo môn đồ và dạn dĩ, can đảm nói Lời Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20; Công-vụ 4:29-31; Phi-líp 1:14) Chúng ta chớ bao giờ quên chúng ta đang ở thời điểm nào hoặc chớ ngưng khuyến giục nhau về lòng yêu thương và việc tốt lành. (Mác 13:28-33; Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Mong sao chúng ta nhất nhất để cho ý muốn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời chi phối đời sống mình, luôn luôn ý thức rằng chúng ta đang sống trong “kỳ cuối-cùng”.—Đa-ni-ên 12:4.

Bạn trả lời thế nào?

• Việc biết mình sắp chết ảnh hưởng thế nào đến phần cuối thánh chức của Chúa Giê-su trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem?

• Điều gì cho thấy Chúa Giê-su ‘yêu những kẻ thuộc về Ngài cho đến cuối-cùng’?

• Các biến cố vào những giờ cuối cùng của cuộc đời Chúa Giê-su cho thấy gì về ngài?

• Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su Christ trong thánh chức của chúng ta như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 18]

Chúa Giê-su ‘yêu họ cho đến cuối-cùng’