Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao phải thể hiện tinh thần hy sinh?

Tại sao phải thể hiện tinh thần hy sinh?

Tại sao phải thể hiện tinh thần hy sinh?

Bill là chủ gia đình, 50 tuổi, hiện đang dạy về kỹ thuật xây cất. Trong suốt năm, anh dành ra nhiều tuần để giúp hoạch định sơ đồ và xây cất Phòng Nước Trời cho các hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh tự lo liệu chi phí của mình cho những tuần nghỉ việc này. Emma là một cô gái 22 tuổi độc thân, có học thức cao và có khả năng. Thay vì theo đuổi thú vui và những mục tiêu vị kỷ, chị dành trên 70 giờ trong thánh chức rao giảng mỗi tháng để giúp người khác hiểu biết Kinh Thánh. Maurice và Betty đều đã hưu trí. Thay vì sống nhàn hạ, họ lại dọn đến một xứ khác để giúp người ta học biết về ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất.

NHỮNG anh chị nêu trên không tự xem mình là đặc biệt và khác biệt hơn người khác. Họ chỉ là những người bình thường, làm những điều mà họ nghĩ là mình nên làm. Tại sao họ lại dùng thời giờ, năng lực, khả năng và của cải của mình để phục vụ người khác? Chính tình yêu thương sâu đậm của họ đối với Đức Chúa Trời và người lân cận đã thúc đẩy họ hành động. Tình yêu thương ấy đã làm nảy sinh nơi mỗi cá nhân này một tinh thần hy sinh chân thật.

Chúng ta hiểu thế nào về tinh thần hy sinh? Việc thể hiện tinh thần hy sinh không đòi hỏi phải sống khổ hạnh. Điều này cũng không đòi hỏi phải xả thân quá đáng đến độ tước bỏ mọi niềm vui thú hoặc thỏa lòng. Như cuốn The Shorter Oxford English Dictionary có giải thích, hy sinh chỉ đơn thuần mang ý nghĩa “bỏ qua lợi ích, hạnh phúc, và mong muốn cá nhân vì bổn phận hoặc nhằm đem lại hạnh phúc cho người khác”.

Chúa Giê-su Christ​—Gương mẫu tuyệt hảo

Chúa Giê-su Christ, Con độc sanh của Đức Chúa Trời, là gương mẫu tuyệt hảo về tinh thần hy sinh. Trước khi làm người, đời sống ngài chắc hẳn vô cùng thú vị. Ngài có được liên hệ mật thiết, gần gũi với Cha ngài và các tạo vật thần linh khác. Hơn thế nữa, Con Đức Chúa Trời đã dùng các khả năng mình để hoàn thành các công việc khó khăn và lý thú với tư cách “thợ cái”. (Châm-ngôn 8:30, 31) Ngài đã thực sự sống trong những điều kiện tuyệt diệu hơn bất cứ người giàu nhất thế giới nào có thể có được. Vị thế ngài bên cạnh Giê-hô-va Đức Chúa Trời là đặc ân cao trọng trên trời.

Tuy nhiên, Con Đức Chúa Trời “đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi-tớ và trở nên giống như loài người”. (Phi-líp 2:7) Ngài đã sẵn sàng từ bỏ mọi ưu thế cá nhân để xuống thế làm người và dâng sự sống mình làm giá chuộc nhằm vô hiệu hóa các tổn hại do Sa-tan gây nên. (Sáng-thế Ký 3:1-7; Mác 10:45) Điều đó có nghĩa là ngài phải sống giữa nhân loại tội lỗi, trong một thế gian phục dưới quyền lực của Sa-tan Ma-quỉ. (1 Giăng 5:19) Điều đó cũng có nghĩa là ngài phải từ bỏ mọi tiện nghi và thuận lợi cá nhân. Dù khó khăn đến đâu, Chúa Giê-su vẫn kiên quyết làm theo ý muốn Cha ngài. (Ma-thi-ơ 26:39; Giăng 5:30; 6:38) Lòng yêu thương và trung thành của Chúa Giê-su đã bị thử thách đến cùng. Ngài sẵn sàng hy sinh đến mức độ nào? Theo sứ đồ Phao-lô, ngài đã “tự hạ mình xuống, vâng-phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập-tự”.—Phi-líp 2:8.

“Hãy có đồng một tâm-tình”

Chúng ta được khuyến khích noi theo gương mẫu của Chúa Giê-su. Sứ đồ Phao-lô khuyến giục chúng ta “hãy có đồng một tâm-tình như Đấng Christ đã có”. (Phi-líp 2:5) Bằng cách nào chúng ta có thể thực hiện được điều này? Một trong những phương cách đó là “chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa”. (Phi-líp 2:4) Tình yêu thương thật “chẳng kiếm tư-lợi”.—1 Cô-rinh-tô 13:5.

Những người có đức tính quan tâm đến người khác thường hay thể hiện qua việc xả thân phục vụ cách vô vị kỷ. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người có khuynh hướng vị kỷ. Thế gian thường hay có thái độ chỉ nghĩ đến mình. Chúng ta cần tránh tinh thần thế gian vì nếu không nó có thể ảnh hưởng đến quan điểm và thái độ của chúng ta, chẳng hạn như khiến những ham muốn của chúng ta trở thành tối quan trọng. Thế là tất cả những gì chúng ta làm—cách dùng thời giờ, năng lực và của cải—đều sẽ bị chi phối bởi quan điểm vị kỷ. Vì thế, chúng ta cần phải cố gắng chống lại ảnh hưởng này.

Ngay cả những lời khuyên dù có ý tốt đôi khi có thể làm giảm đi tinh thần hy sinh của chúng ta. Nhận thức đường lối hy sinh của Chúa Giê-su sẽ khiến ngài phải làm gì, sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy”. (Ma-thi-ơ 16:22) Hiển nhiên, Phi-e-rơ thấy khó chấp nhận việc Chúa Giê-su sẵn lòng chịu chết vì quyền lợi thống trị của Cha ngài, và để cứu rỗi nhân loại. Vì thế, ông đã cố gắng khuyên ngăn Chúa Giê-su trong việc theo đuổi đường lối này.

“Phải liều mình”

Chúa Giê-su đã phản ứng ra sao? Kinh Thánh tường thuật lại: “Đức Chúa Jêsus xây lại ngó môn-đồ, và quở Phi-e-rơ rằng: Hỡi quỉ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta”. Kế đó, Chúa Giê-su gọi đám đông cùng các môn đồ đến gần ngài và phán: “Nếu ai muốn theo ta, phải liều mình, vác thập-tự-giá [“cây khổ hình”, NW] mình mà theo ta”.—Mác 8:33, 34.

Khoảng 30 năm sau khi đã tìm cách can ngăn Chúa Giê-su, Phi-e-rơ giờ đây cho thấy ông đã hiểu thế nào là lòng hy sinh. Ông không khuyến khích các bạn đồng đức tin giảm cố gắng và dễ dãi với bản thân mình. Thay vì thế, Phi-e-rơ khuyến giục họ hết lòng làm việc và đừng buông theo những ham muốn thế gian trước đây. Mặc dầu bị thử thách, họ vẫn nên đặt ý muốn Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống họ.—1 Phi-e-rơ 1:6, 13, 14; 4:1, 2.

Đường lối thỏa mãn nhất mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể theo đuổi là dâng chính mình cho Đức Giê-hô-va, trung thành noi dấu Chúa Giê-su và để Đức Chúa Trời hướng dẫn mọi hoạt động của chúng ta. Về phương diện này, sứ đồ Phao-lô đã nêu gương tốt. Tinh thần khẩn cấp và lòng biết ơn của ông đối với Đức Giê-hô-va đã thúc đẩy ông từ bỏ những mong ước hay triển vọng thế gian mà có thể khiến ông quên lãng việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Ông nói: “Về phần tôi, tôi rất vui lòng phí của và phí trọn cả mình tôi” vì lợi ích của người khác. (2 Cô-rinh-tô 12:15) Phao-lô sử dụng các khả năng của ông để đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời, thay vì quyền lợi của chính ông.—Công-vụ 20:24; Phi-líp 3:8.

Làm thế nào có thể xem xét lại bản thân mình để biết chúng ta có cùng quan điểm với sứ đồ Phao-lô không? Chúng ta có thể tự vấn mình bằng những câu hỏi sau: Tôi đã sử dụng thời giờ, năng lực, và của cải mình như thế nào? Phải chăng tôi chỉ sử dụng những điều này và những sự ban cho khác để đẩy mạnh quyền lợi của chính mình, hay nhằm giúp đỡ những người khác? Tôi đã suy nghĩ về việc dành thêm nhiều thời giờ hơn trong công việc cứu người bằng cách rao giảng tin mừng, có lẽ trở thành người công bố Nước Trời trọn thời gian chưa? Tôi có thể nào tham gia nhiều hơn nữa trong những hoạt động như xây dựng hoặc bảo trì Phòng Nước Trời không? Tôi có tận dụng cơ hội để giúp đỡ những người có nhu cầu không? Tôi có dâng cho Đức Giê-hô-va những gì tốt đẹp nhất không?—Châm-ngôn 3:9.

“Ban cho có phước hơn nhận-lãnh”

Tuy nhiên, việc hy sinh có thật sự khôn ngoan không? Quả đúng như thế! Qua kinh nghiệm cá nhân, Phao-lô hiểu rằng tinh thần này đem lại phần thưởng lớn. Điều này đem lại cho ông niềm vui và sự thỏa lòng lớn lao. Ông giải thích điều này cho các trưởng lão ở thành Ê-phê-sô khi gặp gỡ họ tại Mi-lê. Sứ đồ Phao-lô nói: “Tôi từng bày-bảo luôn cho anh em rằng phải chịu khó làm việc [với tinh thần hy sinh] như vậy, để giúp-đỡ người yếu-đuối, và nhớ lại lời chính Đức Chúa Giê-su có phán rằng: Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”. (Công-vụ 20:35) Hàng triệu người đã nhận ra rằng việc thể hiện tinh thần này đem lại niềm hạnh phúc lớn lao ngay từ bây giờ. Điều này cũng đem lại niềm vui trong tương lai, khi Đức Giê-hô-va thưởng cho những ai đặt lợi ích của Ngài và của người khác lên hàng đầu.—1 Ti-mô-thê 4:8-10.

Khi được hỏi vì sao anh lại cố gắng giúp đỡ những người khác trong việc xây cất Phòng Nước Trời, Bill bình luận: “Tôi rất vui thích khi giúp đỡ những hội thánh nhỏ theo cách này. Tôi thích dùng kỷ năng và nghề chuyên môn của tôi vì lợi ích của những người khác”. Tại sao Emma lại chọn dành trọn năng lực và khả năng để giúp những người khác học biết lẽ thật về Kinh Thánh? “Tôi không hề nghĩ rằng lại có thể làm gì khác hơn. Hiện đang vẫn còn trẻ và có sức lực, tôi chỉ muốn làm hết khả năng mình để làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va và giúp người khác. Hy sinh một vài ưu thế vật chất không có gì là quá đáng cả. Khi thấy những gì mà Đức Giê-hô-va đã làm cho tôi, thì thật ra tôi chỉ làm những điều mà tôi nên làm”.

Maurice và Betty không hối tiếc đã từ bỏ cuộc sống thảnh thơi sau nhiều năm làm việc cực nhọc nhằm nuôi sống gia đình. Giờ đây khi về hưu, họ muốn tiếp tục làm những điều hữu dụng và ý nghĩa trong đời sống. Họ cho biết: “Chúng tôi không muốn ngồi hưởng thụ trong lúc này. Giúp những người khác học biết về Đức Giê-hô-va tại một xứ khác cho chúng tôi cơ hội tiếp tục thực hiện những điều có ý nghĩa”.

Bạn có quyết tâm thể hiện tinh thần hy sinh không? Điều này không dễ dàng. Giữa các ham muốn của con người bất toàn với các mong ước chân thật làm đẹp lòng Đức Chúa Trời luôn có sự tranh chiến. (Rô-ma 7:21-23) Tuy nhiên, nếu để Đức Giê-hô-va hướng dẫn trong cuộc sống, chúng ta có thể thắng được cuộc chiến này. (Ga-la-ti 5:16, 17) Chắc chắn Ngài sẽ không quên tinh thần hy sinh của chúng ta trong việc phụng sự Ngài và sẽ ban ân phước dư dật cho chúng ta. Đúng vậy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ ‘mở các cửa-sổ trên trời cho chúng ta, đổ phước xuống cho chúng ta đến nỗi không chỗ chứa!’—Ma-la-chi 3:10; Hê-bơ-rơ 6:10.

[Hình nơi trang 23]

Chúa Giê-su đã thể hiện tinh thần hy sinh. Thế còn bạn thì sao?

[Các hình nơi trang 24]

Phao-lô tập trung mọi cố gắng vào công việc rao giảng về Nước Trời