Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Được ban phước với một di sản đặc biệt

Được ban phước với một di sản đặc biệt

Tự truyện

Được ban phước với một di sản đặc biệt

DO CAROL ALLEN KỂ LẠI

Một mình ôm chặt cuốn sách mới xinh xắn trong tay. Nỗi lo sợ bao trùm lấy tôi, và nước mắt lăn tròn trên má tôi. Nói cho cùng, tôi chỉ là một đứa bé mới lên bảy bị thất lạc cha mẹ tại một thành phố xa lạ, giữa hàng chục ngàn người bao quanh!

GẦN ĐÂY, ngót 60 năm sau, những kỷ niệm sống động của thời thơ ấu ấy lại cuồn cuộn hiện về mồn một trong trí tôi, nhân khi cùng anh Paul, chồng tôi, đi thăm Trung Tâm Giáo Dục Watchtower mỹ miều ở Patterson, bang New York. Anh ấy đã được mời tham dự khóa thứ hai trường huấn luyện giám thị lưu động của Nhân Chứng Giê-hô-va.

Khi chúng tôi nhìn quanh tiền sảnh chan hòa ánh nắng, bất chợt tôi để ý một tấm biển lớn trên đó có ghi “ĐẠI HỘI”. Gần chính giữa tấm biển có một tấm ảnh trắng đen cũ chụp đám con nít hứng chí giơ cao cuốn sách mà tôi đã nhận được thời thơ ấu! Tôi nhanh chóng đọc phớt qua lời ghi chú cho tấm ảnh: “Năm 1941—Tại St. Louis, bang Missouri, khi đại hội buổi sáng khai mạc, 15.000 trẻ em—tuổi từ 5 đến 18–nhóm lại nơi khán đài chính ngay trước bục giảng... Anh Rutherford thông báo ra mắt sách mới Children (Trẻ em)”.

Mỗi em nhận được một cuốn. Rồi tất cả đều trở lại chỗ cha mẹ ngồi—trừ tôi. Tôi đã đi lạc! Một anh dẫn chỗ thân thiện bế tôi lên và để tôi đứng trên một hộp đóng góp cao và bảo tôi nhìn quanh xem có thấy ai quen không. Tôi lo âu đảo mắt nhìn đám đông lũ lượt đi xuống cầu thang rộng. Bỗng nhiên, có một khuôn mặt quen thuộc! “Chú Bob! Chú Bob!” Tôi hết bị lạc rồi! Chú Bob Rainer bế tôi đến tận chỗ cha mẹ tôi đang lo lắng đợi tôi về.

Những sự kiện ban đầu uốn nắn đời tôi

Nhìn tấm biển trưng bày đã gợi lại cho tôi cả khối ký ức—những sự kiện đã uốn nắn đời tôi và dẫn đến việc chúng tôi có mặt tại cơ sở Patterson đáng yêu ấy. Tâm trí tôi quay trở lại những sự kiện xảy ra hơn một trăm năm trước, những sự kiện mà tôi đã nghe kể lại, đặc biệt từ ông bà và cha mẹ tôi.

Vào tháng 12 năm 1894, một người truyền giáo trọn thời gian của Học Viên Kinh Thánh, tên gọi Nhân Chứng Giê-hô-va thời bấy giờ, đến gõ cửa nhà ông nội tôi, Clayton J. Woodworth, lúc đó sống ở Scranton, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Ông nội vừa mới lập gia đình. Ông viết cho Charles Taze Russell, chủ tịch Hội Tháp Canh, một bức thư và thư ấy đã được đăng trong Tháp Canh, số ra ngày 15-6-1895. Ông giải thích:

“Chúng tôi là hai vợ chồng trẻ đã theo giáo hội Tin Lành được mười năm, nhưng bây giờ chúng tôi tin rằng mình đã bước ra khỏi sự tối tăm để nhìn thấy ánh sáng của ngày mới ló dạng nơi chân trời dành cho con cái đã dâng mình của Đấng Chí Cao... Từ lâu trước khi gặp nhau, hai chúng tôi đều ao ước hết sức có thể phụng sự Chúa với tư cách giáo sĩ ở hải ngoại, nếu đó là ý muốn của Ngài”.

Sau đó, vào năm 1903, Sebastian và Catherine Kresge, tức là ông bà cố ngoại tôi, sung sướng nghe thông điệp của Kinh Thánh do hai người đại diện Hội Tháp Canh rao giảng cho họ ở nông trại rộng lớn của họ, trong rặng Núi Pocono hùng vĩ thuộc bang Pennsylvania. Hai người con gái của họ là Cora và Mary cũng sống ở đó với chồng là Washington và Edmund Howell. Hai người đại diện cho Hội Tháp Canh, một người tên là Carl Hammerle, còn người kia tên là Ray Ratcliffe, lưu lại với họ suốt một tuần, dạy họ nhiều điều. Tất cả sáu người trong gia đình này đều đã lắng nghe, học hỏi và chẳng bao lâu sau trở thành Học Viên Kinh Thánh sốt sắng.

Cũng trong cùng năm ấy, tức năm 1903, bà ngoại Cora và ông ngoại Washington Howell sinh hạ một con gái tên là Catherine. Làm sao mà cuối cùng Catherine lấy cha tôi, Clayton J. Woodworth, Jr., lại là một chuyện thú vị và tôi dám tin là đầy ý nghĩa nữa kìa. Chuyện đó cho thấy ông nội Clayton J. Woodworth, Sr., quả là một người cha thông sáng đầy yêu thương và quan tâm.

Cha tôi nhận được sự giúp đỡ đầy yêu thương

Cha tôi, Clayton con, sinh ra ở Scranton năm 1906 cách nông trại của gia đình Howell khoảng 80 kilômét. Dạo ấy, ông nội Woodworth rất thân với đại gia đình Howell, và thường nhận được sự tiếp đãi nồng hậu theo truyền thống của họ. Ông cũng giúp đỡ rất nhiều cho hội thánh Học Viên Kinh Thánh ở trong vùng. Với thời gian, ông nội được mời cử hành hôn lễ cho ba người con trai nhà Howell, và vì nghĩ đến hạnh phúc của con trai mình, nên lần nào ông cũng dẫn con trai theo dự lễ cưới bên nhà Howell.

Dạo đó cha không tích cực tham gia vào thánh chức của Học Viên Kinh Thánh. Đành rằng cha có lái xe đưa ông nội đi rao giảng, nhưng bất kể sự khuyến khích của ông nội, cha không tích cực tham gia. Thời ấy cha mê âm nhạc hơn bất cứ điều gì khác, và cha có hoài bão lấy âm nhạc làm sự nghiệp.

Catherine, con gái của bà Cora và ông Washington Howell, cũng đã trở thành một nhạc sĩ điêu luyện, chơi và dạy dương cầm. Nhưng khi đứng trước một sự nghiệp đầy hứa hẹn, Catherine bỏ hết chuyện đó và bắt đầu tham gia vào thánh chức trọn thời gian. Ông nội đã không thể nghĩ ra một người bạn đời nào tốt hơn cho con trai ông—ít ra theo quan điểm của tôi! Thế là cha đã làm báp têm, và thành hôn với mẹ sáu tháng sau, vào tháng 6 năm 1931.

Ông nội luôn hãnh diện về khiếu chơi nhạc của con trai mình. Ông rất sung sướng khi cha tôi được yêu cầu huấn luyện cho nhóm nòng cốt của dàn nhạc hòa tấu lớn phục vụ cho đại hội quốc tế ở Cleveland, bang Ohio, vào năm 1946. Những năm sau, cha điều khiển dàn nhạc ở một số đại hội khác của Nhân Chứng Giê-hô-va.

Thử thách của ông nội và đời sống trong tù

Tại tiền sảnh ở Patterson, tôi và anh Paul cũng tình cờ nhìn thấy chỗ trưng bày bức ảnh ở trang bên. Tôi nhận ra ảnh đó ngay, vì ông nội đã gửi cho tôi một tấm giống thế cách nay trên 50 năm. Trong ảnh ông nội là người đứng ở rìa phải.

Trong thời Thế Chiến I, khi làn sóng ái quốc sùng sục dâng cao, tám Học Viên Kinh Thánh này—kể cả Joseph F. Rutherford (ngồi giữa), chủ tịch Hội Tháp Canh—đã bị bắt oan và bị giam không được nộp tiền bảo lãnh tại ngoại. Họ đã bị buộc tội vì những lời phát biểu đăng trong tập 7 của bộ Studies in the Scriptures (Khảo cứu Kinh Thánh) nhan đề là The Finished Mystery (Sự mầu nhiệm đã nên trọn). Người ta đã hiểu lầm là những lời phát biểu đó làm Hoa Kỳ nhụt chí tham gia vào Thế Chiến I.

Qua nhiều năm, anh Charles Taze Russell đã viết sáu tập đầu của bộ Studies in the Scriptures, nhưng anh đã qua đời trước khi viết tập 7. Vì vậy bản viết tay của anh đã được giao cho ông nội và một Học Viên Kinh Thánh khác để viết tập 7. Tập này được ra mắt năm 1917, trước khi chiến tranh kết thúc. Trong phiên xử, ông nội và hầu hết những người khác đều bị tuyên án 20 năm tù.

Phụ chú cho bức ảnh tại tiền sảnh ở Patterson giải thích: “Chín tháng sau khi anh Rutherford và đồng sự bị tuyên án, thì vào ngày 21-3-1919—sau khi chiến tranh chấm dứt–Tòa Kháng Án quyết định cho phép tất cả tám bị cáo được đóng tiền bảo lãnh tại ngoại, và vào ngày 26 tháng 3, họ được trả tự do ở Brooklyn sau khi mỗi người đã đóng 10.000 đô la. Vào ngày 5-5-1920, anh J. F. Rutherford và những người khác được xử trắng án”.

Sau khi bị tuyên án, trong mấy ngày đầu tám anh đã bị giam ở nhà giam đường Raymond ở Brooklyn, New York. Tại đó, ông nội đã viết thư tả là đang ở trong một xà lim dài 2,4 mét, rộng 1,8 mét “giữa sự bẩn thỉu và hỗn độn khủng khiếp”. Ông nhận xét: “Trước mặt chúng tôi là một chồng nhật báo, và nếu có ai coi thường những thứ này lúc đầu ắt phải nghĩ lại vì phương tiện duy nhất để giữ vệ sinh và lòng tự trọng là dùng giấy báo đó cùng với xà phòng và một cái giẻ rách”. Rồi sau đó họ bị đưa đi nhà giam ở Atlanta, bang Georgia.

Thế nhưng, ông nội đã giữ được tính khôi hài, gọi nhà tù là “Hôtel de Raymondie” và nói: “Tôi sẽ rời khỏi đây khi mãn nhiệm kỳ”. Ông cũng tả các chuyến đi dạo trong sân tù. Có lần ông dừng lại để được chải đầu, bỗng có một kẻ móc túi giật lấy đồng hồ quả quít của ông, nhưng như ông viết, “dây đồng hồ bị đứt nhưng đồng hồ không mất”. Khi tôi đi thăm nhà Bê-tên ở Brooklyn vào năm 1958, anh Grant Suiter, nguyên thư ký kiêm thủ quỹ của Hội Tháp Canh, gọi tôi vào văn phòng anh và trao chiếc đồng hồ ấy lại cho tôi. Tôi vẫn nâng niu gìn giữ nó.

Ảnh hưởng đối với cha tôi

Khi ông nội bị tù oan vào năm 1918, cha tôi chỉ mới 12 tuổi. Bà nội đóng cửa nhà lại và dẫn cha về ở nhà bà cố cùng với ba bà dì. Trước khi lấy chồng, bà nội mang họ Arthur, và gia đình bà nội hãnh diện cho rằng một trong những người thuộc dòng họ bà là Chester Alan Arthur, đã từng làm tổng thống thứ 21 của Hoa Kỳ.

Sau khi ông nội Woodworth bị đổ cho tội chống lại Hoa Kỳ phải lãnh án ngồi tù lâu năm, dòng họ Arthur rõ ràng nghĩ ông nội đã làm ô danh gia đình. Thời gian đó cha tôi rất đau khổ về tinh thần. Có lẽ vì thái độ đó của bên ngoại nên lúc đầu cha thấy ngại đi rao giảng.

Khi ra khỏi tù, ông nội đưa cả gia đình về ở trong một ngôi nhà lớn trét bằng vữa trên đường Quincy ở Scranton. Hồi còn nhỏ tôi biết rõ ngôi nhà đó—cũng như bộ đồ sứ quí của bà nội. Chúng tôi gọi bộ đồ sứ ấy là những đĩa thánh của nội vì không ai được phép rửa chúng, trừ bà nội. Sau khi bà nội mất năm 1943, mẹ tôi thường đem đồ sứ đẹp ấy ra đãi khách.

Bận rộn trong công việc Nước Trời

Một hôm khác ở khuôn viên trường Patterson, tôi tình cờ nhìn thấy tấm ảnh anh Rutherford nói diễn văn ở đại hội Cedar Point, bang Ohio, vào năm 1919. Lần đó, anh thúc giục mọi người sốt sắng tham gia loan báo về Nước Đức Chúa Trời và sử dụng công cụ mới được ra mắt tại đại hội, đó là tạp chí The Golden Age (Thời Đại Hoàng Kim). Ông nội đã được bổ nhiệm làm biên tập cho tạp chí đó, và ông đã viết bài cho báo đó mãi cho đến hết thập kỷ 1940, ít lâu trước khi ông mất. Vào năm 1937, tạp chí được đổi tên lại thành Consolation (An Ủi) và vào năm 1946 thành Tỉnh Thức!

Ông nội vừa viết báo tại nhà riêng ở Scranton vừa tại trụ sở trung ương của Hội Tháp Canh ở Brooklyn cách nhà khoảng 240 kilômét. Ông sống hai tuần ở mỗi nơi. Cha tôi còn nhớ máy đánh chữ của ông nội gõ lúc 5 giờ sáng nhiều hôm liền. Thế nhưng, ông nội cũng xem trọng trách nhiệm tham gia rao giảng cho công chúng. Thật thế, ông nội đã thiết kế một áo gi-lê đàn ông có túi rộng để bỏ ấn phẩm giải thích Kinh Thánh vào. Mợ Naomi Howell, nay được 94 tuổi, vẫn còn giữ một cái áo như thế. Ông nội cũng đã thiết kế một cặp đựng sách cho phụ nữ.

Có lần, sau một cuộc thảo luận Kinh Thánh sôi nổi, bạn cùng rao giảng với ông nội nói: “Này, anh Clayton, anh quên một điều”.

Ông nội hỏi: “Điều gì?” Ông nhìn lại áo gi-lê của mình. Cả hai túi đều trống rỗng.

“Anh đã quên mời người ta nhận dài hạn báo The Golden Age mất rồi”. Họ cười phá lên vì người biên tập lại quên mời tạp chí của mình.

Ký ức thời lớn lên

Tôi nhớ hồi còn nhỏ hay ngồi vào lòng ông nội, đặt bàn tay bé bỏng của tôi vào bàn tay ông khi ông kể “Chuyện ngón tay”. Ông bắt đầu kể từ “ngón cái Tommy” rồi đến “ngón trỏ Peter”; mỗi ngón đều được ông gán cho một câu chuyện đặc biệt. Rồi ông cẩn thận nắm hết các ngón tay lại rồi đưa ra bài học: “Cả năm ngón hợp lại làm việc tốt hơn hết, ngón này giúp các ngón kia”.

Sau khi thành hôn, cha mẹ tôi dọn về ở Cleveland, bang Ohio, và trở thành bạn thân của chú Ed và thím Mary Hooper. Gia đình họ là Học Viên Kinh Thánh từ đầu thế kỷ 20. Cha mẹ tôi, chú Ed và thím Mary, như tôi đã quen miệng gọi, không thể rời nhau được. Chú thím Hooper đã mất đứa con một của họ, một bé gái, bởi vậy cho nên khi tôi ra đời vào năm 1934, tôi thành “con gái” đặc biệt của họ. Nhờ lớn lên trong một môi trường thiêng liêng phong phú dường ấy, tôi đã dâng mình cho Đức Chúa Trời và làm báp têm lúc chưa tròn tám tuổi.

Thuở thơ ấu tôi đã thường đọc Kinh Thánh. Tôi thích nhất là Ê-sai 11:6-9 miêu tả đời sống trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. Nỗ lực đầu tiên của tôi nhằm đọc Kinh Thánh từ đầu đến cuối là vào năm 1944, sau khi nhận được riêng một cuốn Kinh Thánh American Standard Version, ấn bản đặc biệt được ra mắt tại đại hội ở Buffalo, bang New York. Tôi thật thích thú khi đọc bản dịch này vì trong đó danh Đức Chúa Trời, Giê-hô-va, đã được khôi phục đúng chỗ và được dùng gần 7.000 lần trong “Cựu Ước”!

Các ngày cuối tuần là thời gian đầy hạnh phúc. Cha mẹ tôi cùng chú thím Hooper dẫn tôi theo rao giảng ở miền quê. Chúng tôi đem theo thức ăn trưa và ăn ngay ngoài trời cạnh một dòng suối. Rồi chúng tôi đi đến một nông trại của ai đó để nói một bài giảng dựa trên Kinh Thánh ở ngoài trời; tất cả những người sống gần đó đều được mời đến dự. Hồi ấy cuộc sống thật giản dị. Gia đình nào cũng vui vẻ cả. Một số bạn của gia đình thuở ban đầu ấy sau này đã thành giám thị lưu động, kể cả chú Ed Hooper, chú Bob Rainer và hai con trai chú ấy. Anh Richard Rainer vẫn còn làm công việc lưu động này với chị Linda, vợ anh.

Mùa hè đặc biệt là những ngày hạnh phúc. Tôi ở lại nông trại của gia đình Howell với hai người chị em họ. Vào năm 1949 người chị họ Grace của tôi kết hôn với anh Malcolm Allen. Tôi nào có ngờ rằng vài năm sau tôi kết hôn với em trai anh ấy. Còn cô em họ Marion của tôi từng là giáo sĩ ở Uruguay, kết hôn với anh Howard Hilborn vào năm 1966. Cả hai chị em họ này đã cùng chồng phụng sự ở trụ sở trung ương Brooklyn trong nhiều năm.

Ông nội và lễ tốt nghiệp của tôi

Trong thời gian tôi học ở trung học, ông nội rất siêng trao đổi thư từ với tôi. Thư của ông nội kèm theo nhiều tấm ảnh cũ của gia đình với lời chú thích chi tiết đánh máy ở mặt sau, kể lại chuyện cũ của gia đình. Chính vì vậy mà tôi mới có được tấm ảnh của ông nội và những người khác đã bị tù oan.

Vào cuối năm 1951 ông nội bị tắt tiếng vì ung thư thanh quản. Trí óc ông vẫn còn sáng suốt như thuở nào nhưng lại không nói được thành lời, phải viết ra cuốn sổ tay ông luôn đem theo bên mình. Vào tháng 1 năm 1952 lớp trung học của tôi tốt nghiệp ở giữa niên học. Vào đầu tháng 12, tôi gửi cho ông nội bản nháp bài phát biểu cho buổi lễ tốt nghiệp của tôi. Ông nội ghi thêm một số nhận xét về lối hành văn và rồi ở trang chót ông chỉ viết có hai chữ mà lại khiến lòng tôi rộn lên: “Hay tuyệt”. Vào ngày 18-12-1951, ông nội đã kết thúc cuộc đời trên đất lúc 81 tuổi. * Tôi vẫn giữ bản nháp cũ kỹ của bài phát biểu tốt nghiệp của tôi với hai chữ ấy ở trang chót.

Ngay sau khi tốt nghiệp, tôi bắt đầu công việc tiên phong, danh từ mà Nhân Chứng Giê-hô-va gọi công việc rao giảng trọn thời gian. Vào năm 1958, tôi tham dự đại hội khổng lồ ở thành phố New York, nơi có tổng số những người tham dự lên tới 253.922 người đến từ 123 nước và ngồi chật hai sân vận động Yankee Stadium và Polo Grounds. Ở đại hội đó, một ngày nọ tôi gặp một đại biểu từ Phi Châu đến, đeo phù hiệu trên đó có ghi “Woodworth Mills”. Trước đó chừng 30 năm, anh ấy đã được đặt theo tên ông nội!

Hạnh phúc vì di sản của tôi

Khi tôi lên 14, mẹ bắt đầu làm tiên phong trở lại. Mẹ vẫn làm tiên phong 40 năm sau đó cho đến khi mẹ mất năm 1988. Cha tham gia công việc tiên phong mỗi khi có thể được. Cha mất trước mẹ chín tháng. Những người học hỏi Kinh Thánh với chúng tôi đều đã trở thành bạn thân suốt đời. Một số các con trai của họ đã đi làm việc ở trụ sở trung ương ở Brooklyn, và những người khác thì làm tiên phong.

Đối với tôi thì năm 1959 rất đặc biệt. Năm ấy tôi được giới thiệu với Paul Allen. Anh đã được bổ nhiệm làm giám thị lưu động vào năm 1946 khi tốt nghiệp khóa thứ bảy trường Ga-la-át, trường đào tạo giáo sĩ của Nhân Chứng Giê-hô-va. Khi hai chúng tôi gặp nhau, không ai trong chúng tôi biết trước nhiệm sở kế tiếp của anh Paul sẽ là Cleveland, bang Ohio, nơi tôi làm tiên phong. Cha thương anh ấy, và mẹ cũng thế. Chúng tôi thành hôn vào tháng 7 năm 1963 tại nông trại gia đình Howell, dưới sự chứng giám của gia đình đôi bên và do chú Ed Hooper chủ tọa. Thế là một giấc mơ đã thành hiện thực.

Anh Paul chưa hề có xe hơi. Khi rời Cleveland để nhận nhiệm sở mới của anh, toàn bộ tài sản của chúng tôi chỉ gói gọn trong chiếc xe con rệp Volkswagen của tôi. Anh chị em Nhân Chứng thường ghé qua vào Thứ Hai, ngày chúng tôi chuyển hội thánh, để nhìn chúng tôi chất hành lý lên xe. Thật giống như một màn diễn xiếc khi thấy nào là va li, nào là cặp táp, hộp đựng hồ sơ, máy đánh chữ, v.v... nằm gọn bên trong chiếc xe tí hon ấy.

Cả anh Paul và tôi đã đi đây đi đó không biết bao nhiêu là cây số, cùng vui hưởng và chịu đựng những thăng trầm của cuộc sống hiện tại—làm mọi sự nhờ sức lực mà chỉ Đức Giê-hô-va mới có thể cung cấp. Những năm tháng trôi qua thật hạnh phúc, đầy dẫy tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va, đối với nhau và với bạn bè cũ và mới. Đến nay thì hai tháng trôi qua ở Patterson khi anh Paul được huấn luyện quả là cao điểm của cuộc đời chúng tôi. Việc quan sát cận cảnh tổ chức trên đất của Đức Giê-hô-va đã xác nhận một lần nữa niềm tin mà tôi đã nhận được như một phần di sản thiêng liêng quí báu: Đây quả thật là tổ chức Đức Chúa Trời. Thật là một niềm vui được làm thành viên dù nhỏ bé của tổ chức đó.

[Chú thích]

^ đ. 44 Xem Tháp Canh (Anh ngữ) số ra ngày 15-2-1952, trang 128.

[Hình nơi trang 25]

Ảnh chụp chung với chú Ed Hooper ít lâu trước đại hội ở St. Louis vào năm 1941, nơi tôi nhận được cuốn sách “Children”

[Hình nơi trang 26]

Ông nội vào năm 1948

[Hình nơi trang 26]

Ở nông trại gia đình Howell khi cha mẹ tôi (được khoanh tròn) thành hôn

[Hình nơi trang 27]

Tám học viên Kinh Thánh bị tù oan vào năm 1918 (Ông nội đứng ở rìa phải)

[Hình nơi trang 29]

Toàn bộ tài sản chúng tôi gói gọn trong xe Volkswagen

[Hình nơi trang 29]

Ảnh chụp với anh Paul, chồng tôi