Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Dành thì giờ cho việc đọc và học hỏi

Dành thì giờ cho việc đọc và học hỏi

Dành thì giờ cho việc đọc và học hỏi

“Hãy lợi-dụng thì-giờ, vì những ngày là xấu”.—Ê-PHÊ-SÔ 5:16.

1. Tại sao sắp xếp thì giờ là điều khôn ngoan, và cách chúng ta sử dụng thì giờ cho biết gì về chúng ta?

NGƯỜI TA thường nói “lựa chọn thì giờ là tiết kiệm thì giờ”. Ai biết phân định thì giờ cho những việc cần phải làm thường sẽ làm được nhiều việc hơn. Vua khôn ngoan Sa-lô-môn đã viết: “Phàm sự gì có thì-tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định”. (Truyền-đạo 3:1) Tất cả chúng ta có cùng thời lượng như nhau; muốn dùng thế nào tùy ý chúng ta. Cách chúng ta ấn định những việc ưu tiên và phân chia thì giờ của mình cho thấy điều gì lòng ta ưa thích nhất.—Ma-thi-ơ 6:21.

2. (a) Trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-su nói gì về nhu cầu thiêng liêng của chúng ta? (b) Chúng ta nên tự kiểm điểm như thế nào?

2 Chúng ta bắt buộc phải dành thì giờ cho việc ăn và ngủ vì đó là nhu cầu vật chất. Nhưng về nhu cầu thiêng liêng thì sao? Chúng ta biết mình cũng cần thỏa mãn nhu cầu đó. Trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-su tuyên bố: “Phước cho những người ý thức về nhu cầu thiêng liêng”. (Ma-thi-ơ 5:3, NW) Đó là lý do tại sao “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” thường xuyên nhắc nhở chúng ta dành thì giờ cho việc đọc và học hỏi Kinh Thánh là điều quan trọng. (Ma-thi-ơ 24:45) Có thể bạn ý thức việc này quan trọng như thế nào, nhưng bạn cảm thấy mình không có thì giờ để học hỏi hoặc đọc Kinh Thánh. Nếu thế, chúng ta hãy xem xét những phương cách và biện pháp để tranh thủ thời gian cho việc đọc Lời Đức Chúa Trời, học hỏi cá nhân và suy ngẫm.

Tìm kiếm thì giờ để đọc và học hỏi Kinh Thánh

3, 4. (a) Sứ đồ Phao-lô đã cho lời khuyên nào liên quan đến việc sử dụng thì giờ và việc ấy bao gồm điều gì? (b) Phao-lô có ý gì khi khuyên chúng ta “lợi-dụng thì-giờ”?

3 Vào thời điểm chúng ta đang sống, tất cả chúng ta cần để ý đến những lời của sứ đồ Phao-lô: “Hãy giữ cho khéo về sự ăn-ở của anh em, chớ xử mình như người dại-dột, nhưng như người khôn-ngoan. Hãy lợi-dụng thì-giờ, vì những ngày là xấu. Vậy chớ nên như kẻ dại-dột, nhưng phải hiểu rõ ý-muốn của Chúa là thế nào”. (Ê-phê-sô 5:15-17) Dĩ nhiên lời khuyên này bao gồm mọi khía cạnh trong đời sống của tín đồ Đấng Christ đã dâng mình, kể cả việc dành thì giờ để cầu nguyện, học hỏi, nhóm họp và hết lòng trong việc rao giảng “tin-lành... về nước Đức Chúa Trời”.—Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20.

4 Ngày nay, nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va dường như khó thu xếp đời sống để kiếm được thì giờ cho việc đọc và học hỏi sâu về Kinh Thánh. Rõ ràng chúng ta không thể thêm một số giờ trong ngày, thế nên lời khuyên của Phao-lô phải có ý nghĩa khác. Trong tiếng Hy Lạp, câu “lợi-dụng thì-giờ” hàm ý chuộc thì giờ bằng cách phải mất điều gì khác. Trong cuốn Expository Dictionary, W. E. Vine định nghĩa câu này là “tận dụng mỗi cơ hội, khiến mỗi cơ hội thành thuận lợi nhất vì một khi nó qua đi không thể lấy lại được”. Chúng ta có thể lấy ở đâu hoặc đổi điều gì để chuộc lại thì giờ cho việc đọc và học hỏi Kinh Thánh?

Chúng ta phải ấn định những việc ưu tiên

5. Tại sao và bằng cách nào chúng ta nên “nhận rõ những điều quan trọng hơn”?

5 Ngoài những trách nhiệm thế tục chúng ta còn nhiều việc về phương diện thiêng liêng cần chú tâm. Là tôi tớ đã dâng mình của Đức Giê-hô-va, chúng ta có ‘dư dật công-việc để làm cho Chúa’. (1 Cô-rinh-tô 15:58) Vì lý do này Phao-lô khuyên giục tín đồ Đấng Christ ở thành Phi-líp “nhận rõ những điều quan trọng hơn”. (Phi-líp 1:10, NW) Điều này có nghĩa là phải ấn định những việc ưu tiên. Nên luôn luôn đặt lên hàng đầu những việc thuộc về phương diện thiêng liêng, trên cả những gì thuộc vật chất. (Ma-thi-ơ 6:31-33) Tuy thế, sự thăng bằng cũng cần thiết trong việc hoàn thành những trách nhiệm thiêng liêng. Chúng ta đang phân chia thời gian thế nào giữa những khía cạnh khác nhau trong đời sống tín đồ Đấng Christ? Báo cáo của các giám thị lưu động cho biết trong số “những điều quan trọng hơn” mà người tín đồ Đấng Christ nên chu toàn thì việc học hỏi cá nhân và đọc Kinh Thánh thường bị sao lãng.

6. Lợi dụng thì giờ bao hàm điều gì liên quan đến việc làm thế tục hoặc công việc nội trợ?

6 Như chúng ta đã biết, lợi dụng thì giờ bao gồm việc “tận dụng mỗi cơ hội” và “khiến mỗi cơ hội thành thuận lợi nhất”. Vậy nếu chúng ta không có thói quen đọc và học hỏi Kinh Thánh thường xuyên, chúng ta nên tự kiểm điểm xem mình sử dụng thì giờ như thế nào. Nếu công việc thế tục đòi hỏi chúng ta mất quá nhiều thì giờ và năng lực, chúng ta nên nêu vấn đề ấy với Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện. (Thi-thiên 55:22) Chúng ta có thể điều chỉnh, dành nhiều thì giờ hơn cho những việc quan trọng phải làm trong sự thờ phượng Đức Giê-hô-va, kể cả việc học hỏi và đọc Kinh Thánh. Thật đúng khi người ta nói rằng công việc nội trợ không bao giờ hết. Vậy các chị tín đồ Đấng Christ cũng phải ấn định những việc ưu tiên và dành khoản thời gian nhất định cho việc đọc và học hỏi Kinh Thánh cách nghiêm túc.

7, 8. (a) Những hoạt động nào thường chiếm nhiều thì giờ mà chúng ta có thể dành cho việc đọc và học hỏi? (b) Mục đích của giải trí là gì, và làm thế nào ghi nhận điều này giúp chúng ta ấn định những ưu tiên?

7 Nói chung phần lớn chúng ta có thể dành thì giờ cho việc học hỏi bằng cách loại bỏ những hoạt động không cần thiết. Chúng ta nên tự hỏi: ‘Tôi dành bao nhiêu thì giờ cho việc đọc tạp chí thế tục hoặc nhật báo, xem chương trình truyền hình, nghe nhạc hay chơi trò chơi điện tử? Tôi có dành nhiều thì giờ ngồi trước máy vi tính hơn là đọc Kinh Thánh không?’ Phao-lô nói: “Chớ nên như kẻ dại-dột, nhưng phải hiểu rõ ý-muốn của Chúa là thế nào”. (Ê-phê-sô 5:17) Xem truyền hình quá nhiều dường như là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều Nhân Chứng không dành đủ thì giờ để học hỏi cá nhân và đọc Kinh Thánh.—Thi-thiên 101:3; 119:37, 47, 48.

8 Một số người có thể cho rằng họ không thể lúc nào cũng học, họ cần giải trí. Dù điều này đúng nhưng cũng nên xem xét số giờ chúng ta dành cho việc nghỉ ngơi, so sánh với thì giờ thực sự dành cho việc học hỏi hoặc đọc Kinh Thánh. Kết quả có thể làm bạn ngạc nhiên. Dù giải trí và nghỉ ngơi là cần thiết nhưng phải giữ đúng vị trí thích hợp. Mục đích của việc giải trí là làm chúng ta sảng khoái để hồi phục những hoạt động thiêng liêng. Nhiều chương trình truyền hình và trò chơi điện tử khiến người ta kiệt sức trong khi việc đọc và học hỏi Lời Đức Chúa Trời làm sảng khoái và tiếp thêm sinh lực.—Thi-thiên 19:7, 8.

Làm thế nào một số người dành đủ thì giờ cho việc học hỏi

9. Có lợi ích gì khi theo lời khuyên ghi trong sách nhỏ Tra xem Kinh Thánh mỗi ngày—1999?

9 Lời mở đầu sách nhỏ Tra xem Kinh Thánh mỗi ngày, ấn bản cho năm 1999, nói: “Điều tốt nhất là xem xét đoạn Kinh Thánh và lời bình luận mỗi ngày từ cuốn sách nhỏ này vào buổi sáng. Bạn sẽ có cảm tưởng như Đức Giê-hô-va, Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại, đang đánh thức bạn dậy bằng những lời chỉ dẫn của Ngài. Kinh-thánh nói tiên tri về việc Chúa Giê-su Christ đã nhận được lợi ích giáo huấn từ Đức Giê-hô-va vào mỗi buổi sáng: ‘Ngài [Đức Giê-hô-va] đánh thức ta mỗi buổi sớm mai, đánh thức tai ta để nghe lời Ngài dạy, như học-trò vậy’. Sự dạy dỗ như thế đã cho Chúa Giê-su ‘lưỡi của người được dạy-dỗ’ để ngài ‘biết dùng lời nói nâng-đỡ kẻ mệt-mỏi’ (Ê-sai 30:20; 50:4; Ma-thi-ơ 11:28-30). Được đánh thức vào mỗi buổi sáng để tiếp nhận lời khuyên đúng lúc từ Lời Đức Chúa Trời không những sẽ giúp bạn đối phó với các vấn đề riêng của mình mà còn cho bạn ‘lưỡi của người được dạy-dỗ’ để giúp người khác nữa”. *

10. Làm thế nào một số người đã dành đủ thì giờ cho việc đọc và học hỏi Kinh Thánh và họ nhận được những lợi ích nào?

10 Nhiều tín đồ Đấng Christ nghe theo lời khuyên này bằng cách đọc đoạn Kinh Thánh và lời bình luận mỗi ngày và đọc Kinh Thánh hoặc học hỏi vào buổi sáng sớm. Ở Pháp, một tiên phong trung thành thức dậy sớm mỗi buổi sáng và dành ra 30 phút để đọc Kinh Thánh. Điều gì khiến chị có thể làm được việc này trong nhiều năm? Chị nói: “Tôi có động cơ rõ rệt, và tôi theo sát chương trình đọc Kinh Thánh bất kể có chuyện gì xảy ra”. Dù chọn giờ nào, điều quan trọng là chúng ta theo sát chương trình. René Mica làm tiên phong hơn 40 năm ở Âu Châu và Bắc Phi phát biểu: “Từ năm 1950 mục tiêu của tôi là mỗi năm đọc toàn bộ cuốn Kinh Thánh. Giờ đây tôi đã đọc được 49 lần. Tôi cảm nhận việc này là trọng yếu để duy trì mối liên hệ mật thiết giữa tôi và Đấng Tạo Hóa. Suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời là nguồn sức mạnh lạ thường và giúp tôi hiểu sự công bình của Đức Giê-hô-va và những đức tính khác của Ngài nhiều hơn. *

‘Thực phẩm đúng giờ’

11, 12. (a) “Quản gia trung thành” cung cấp ‘thực phẩm’ nào về phương diện thiêng liêng cho chúng ta”? (b) “Thực phẩm” được cung cấp đúng thời điểm như thế nào?

11 Việc đều đặn dùng bữa tốt cho sức khỏe thể chất, cũng thế chương trình học hỏi và đọc Kinh Thánh đều đặn có lợi cho sức khỏe thiêng liêng. Chúng ta đọc lời của Chúa Giê-su trong Phúc Âm Lu-ca: “Ai là quản gia trung thành khôn ngoan, được chủ ủy thác coi sóc người nhà và phân phát thực phẩm cho họ đúng giờ?” (Lu-ca 12:42, Bản Diễn Ý) Giờ đây đã hơn 120 năm, ‘thực phẩm đúng giờ’ về phương diện thiêng liêng đã được cung cấp qua tạp chí Tháp Canh cũng như qua các sách và ấn phẩm khác dựa trên Kinh Thánh.

12 Hãy chú ý cụm từ “đúng giờ”. Qua Con của Ngài và lớp đầy tớ, ‘Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại’ của chúng ta, Đức Giê-hô-va, hướng dẫn dân tộc Ngài trong những vấn đề về giáo lý và hạnh kiểm vào đúng thời điểm thích hợp. Giống như tất cả chúng ta nghe một tiếng nói: “Khi ngươi lưỡng lự không biết quẹo phải hay trái, tai ngươi sẽ được nghe một tiếng nói từ phía sau: ‘Đây là đường, cứ đi theo đó!’” (Ê-sai 30:20, 21, Tòa Tổng Giám Mục) Ngoài ra, những người siêng năng đọc Kinh Thánh và tất cả các ấn phẩm giải thích Kinh Thánh thường cảm thấy ý tưởng diễn đạt trong đó đặc biệt trực tiếp nói với họ. Thật vậy, lời khuyên và sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời sẽ đến với chúng ta đúng thời điểm, giúp chúng ta có thể chống lại cám dỗ hoặc có quyết định khôn ngoan.

Vun trồng thói quen dinh dưỡng tốt

13. Một số thói quen dinh dưỡng thiêng liêng nghèo nàn là gì?

13 Muốn hưởng lợi ích trọn vẹn qua “thực phẩm” được cung cấp đúng giờ, chúng ta cần có thói quen dinh dưỡng tốt. Điều cần thiết là phải có một chương trình đọc Kinh Thánh và học hỏi cá nhân đều đặn và theo sát chương trình ấy. Bạn có thói quen dinh dưỡng tốt về thiêng liêng và có thời gian nhất định để thường xuyên đào sâu khi học hỏi cá nhân không? Hay bạn chỉ đọc lướt qua những ấn phẩm đã được chuẩn bị chu đáo cho chúng ta, có thể nói giống như ăn vội vàng, hoặc thậm chí bỏ qua một số bữa? Thiếu thói quen dinh dưỡng tốt về thiêng liêng dẫn một số người đến tình trạng yếu đức tin—ngay cả sa ngã.—1 Ti-mô-thê 1:19; 4:15, 16.

14. Tại sao có lợi khi đọc kỹ tài liệu dường như quen thuộc?

14 Một số người cảm thấy họ đã biết những giáo lý căn bản rồi và không phải bài nào trong tạp chí cũng có những điều mới mẻ. Thế nên việc học hỏi có hệ thống và tham dự nhóm họp không cần thiết. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho thấy chúng ta cần được nhắc lại những gì đã học. (Thi-thiên 119:95, 99, NW; 2 Phi-e-rơ 3:1; Giu-đe 5) Như một đầu bếp giỏi sửa soạn thực phẩm về cơ bản có thành phần giống nhau nhưng được chế biến theo nhiều khẩu vị cách ngon miệng, lớp đầy tớ cung cấp thức ăn thiêng liêng bổ dưỡng theo nhiều cách khác nhau. Ngay cả trong những bài bàn về những chủ đề thường bình luận trước đây cũng có những điểm tinh tế hơn mà chúng ta không muốn bỏ qua. Sự thật là những gì chúng ta rút tỉa được qua tài liệu tùy thuộc phần lớn lượng thì giờ và nỗ lực mà chúng ta dùng vào việc học hỏi.

Đọc và học hỏi mang lại những lợi ích về thiêng liêng

15. Làm sao việc đọc và học Kinh Thánh giúp chúng ta trở thành những người truyền giảng Lời Đức Chúa Trời tốt hơn?

15 Những lợi ích chúng ta nhận được từ việc đọc và học hỏi Kinh Thánh nhiều vô số. Chúng ta được giúp để làm tròn một trong những trách nhiệm cơ bản của người tín đồ Đấng Christ, ấy là mỗi người có thể trở nên “người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ-thật”. (2 Ti-mô-thê 2:15) Càng đọc và học Kinh Thánh tâm trí chúng ta càng tràn ngập ý tưởng Đức Chúa Trời. Rồi giống như Phao-lô chúng ta có khả năng ‘biện-luận với người ta, lấy Kinh-thánh cắt nghĩa và giải tỏ-tường’ về lẽ thật tuyệt diệu của ý định Đức Giê-hô-va. (Công-vụ 17:2, 3) Kỹ năng dạy dỗ của chúng ta sẽ được nâng cao, và những cuộc nói chuyện, bài giảng, lời khuyên của chúng ta sẽ mang tính xây dựng về thiêng liêng nhiều hơn.—Châm-ngôn 1:5.

16. Cá nhân chúng ta nhận được lợi ích nào qua việc đọc và học hỏi Lời Đức Chúa Trời?

16 Ngoài ra việc dành thì giờ xem xét Lời Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta làm đời sống mình phù hợp với các đường lối của Đức Giê-hô-va nhiều hơn. (Thi-thiên 25:4; 119:9, 10; Châm-ngôn 6:20-23) Việc này sẽ làm vững mạnh những đặc tính thiêng liêng của chúng ta như khiêm nhường, trung thành và hạnh phúc. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:19, 20; Khải-huyền 1:3) Khi áp dụng tri thức nhận được qua việc đọc và học hỏi Kinh Thánh, chúng ta được thánh linh Đức Chúa Trời tràn đầy trong đời sống mình, sinh nhiều bông trái trong mọi việc làm.—Ga-la-ti 5:22, 23.

17. Số lượng và chất lượng của việc đọc và học hỏi Kinh Thánh cá nhân ảnh hưởng thế nào đối với mối quan hệ giữa chúng ta và Đức Giê-hô-va?

17 Điều quan trọng nhất là thời gian tranh thủ được từ những hoạt động khác để dùng vào việc đọc và học hỏi Lời Đức Chúa Trời sẽ mang lại lợi ích lớn về mối quan hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Phao-lô cầu nguyện cho anh em tín đồ Đấng Christ của ông có thể “đầy-dẫy sự hiểu-biết về ý-muốn của Ngài, với mọi thứ khôn-ngoan và hiểu-biết thiêng-liêng nữa, hầu cho anh em ăn-ở cách xứng-đáng với Chúa, đặng đẹp lòng Ngài mọi đường”. (Cô-lô-se 1:9, 10) Tương tự thế, muốn “ăn-ở cách xứng đáng với Chúa”, chúng ta phải “đầy-dẫy sự hiểu-biết về ý-muốn của Ngài, với mọi thứ khôn-ngoan và hiểu-biết thiêng-liêng”. Rõ ràng là việc chúng ta nhận được ân phước và sự chuẩn chấp của Đức Giê-hô-va tùy thuộc phần lớn vào số lượng và chất lượng của việc đọc và học hỏi Kinh Thánh cá nhân.

18. Nếu nghe theo lời Chúa Giê-su ghi nơi Giăng 17:3 chúng ta sẽ nhận được những ân phước nào?

18 “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”. (Giăng 17:3) Đây là một trong những câu Kinh Thánh được Nhân Chứng Giê-hô-va dùng nhiều nhất để giúp người khác nhận thấy tầm quan trọng của việc học hỏi Lời Đức Chúa Trời. Chắc chắn việc này cũng không kém quan trọng đối với mỗi cá nhân chúng ta. Hy vọng sống vĩnh cửu của chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta càng ngày càng hiểu biết thêm về Đức Giê-hô-va và về Con Ngài, Chúa Giê-su Christ. Hãy thử nghĩ xem điều đó có nghĩa gì? Chúng ta sẽ không bao giờ ngưng học hỏi thêm về Đức Giê-hô-va—và sẽ học về Ngài đến vô tận!—Truyền-đạo 3:11; Rô-ma 11:33.

[Chú thích]

^ đ. 9 Do Hội Tháp Canh xuất bản.

^ đ. 10 Xem bài “Họ đọc Kinh-thánh khi nào và được lợi ích gì?” trong Tháp Canh số ra ngày 1-5-1995, trang 20, 21.

Câu hỏi ôn

• Cách chúng ta dùng thì giờ cho thấy điều gì?

• Có thể tranh thủ thời gian từ những hoạt động nào để đọc và học Kinh Thánh?

• Tại sao chúng ta nên canh chừng về thói quen dinh dưỡng thiêng liêng của chúng ta?

• Đọc và học Kinh Thánh mang lại những lợi ích nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 20, 21]

Đều đặn đọc và học hỏi Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta có khả năng “lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ-thật”

[Các hình nơi trang 23]

Giữ thăng bằng giữa những hoạt động khác trong đời sống bận rộn của chúng ta và việc theo đuổi những điều thiêng liêng sẽ mang đến những lợi ích lớn