Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao để đến gần Đức Chúa Trời

Làm sao để đến gần Đức Chúa Trời

Làm sao để đến gần Đức Chúa Trời

Gia-cơ 4:8 nói: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”. Giê-hô-va Đức Chúa Trời rất muốn con người có mối quan hệ thân thiết với Ngài nên Ngài ban Con Ngài cho chúng ta.

ĐỂ ĐÁP LẠI tấm lòng yêu thương đó, sứ đồ Giăng viết: “Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước”. (1 Giăng 4:19) Nhưng để chính mình đến gần Đức Chúa Trời, chúng ta phải theo những bước đề ra. Chúng tương tự với bốn cách mà chúng ta cần để đến gần người khác, như được đề cập ở bài trước. Chúng ta hãy xem xét những bước này.

Quan sát những đức tính tuyệt diệu của Đức Chúa Trời

Đức Chúa Trời có nhiều đức tính tuyệt diệu, một số đức tính nổi bật nhất là yêu thương, khôn ngoan, công bình và quyền năng. Sự khôn ngoan và quyền năng Ngài được biểu dương đầy dẫy trong vũ trụ bao la và trên thế giới chung quanh chúng ta, từ thiên hà vĩ đại tới những nguyên tử bé tí ti. Người viết Thi-thiên viết: “Các từng trời rao-truyền sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giãi-tỏ công-việc tay Ngài làm”.—Thi-thiên 19:1; Rô-ma 1:20.

Sự sáng tạo cũng phản ảnh tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Thí dụ, cách chúng ta được tạo nên chứng tỏ Đức Chúa Trời muốn chúng ta vui hưởng sự sống. Ngài cho chúng ta khả năng nhìn thấy đủ màu sắc, nếm và ngửi, thích âm nhạc, cười, biết thưởng thức vẻ đẹp và cũng cho nhiều tài năng cùng tính nết không tuyệt đối thiết yếu cho sự sống. Đúng vậy, Đức Chúa Trời quả là rộng lượng, nhân từ và yêu thương—những đức tính chắc chắn góp phần làm Ngài trở thành “Đức Chúa Trời hạnh-phước”.—1 Ti-mô-thê 1:11; Công-vụ 20:35.

Đức Giê-hô-va hãnh diện về việc Ngài sử dụng quyền thống trị căn cứ trên sự yêu thương cũng như những tạo vật thông minh ủng hộ quyền thống trị của Ngài vì lòng yêu thương đối với Ngài. (1 Giăng 4:8) Đành rằng Đức Giê-hô-va là Đấng Thống Trị Hoàn Vũ, nhưng Ngài đối xử với loài người, nhất là những tôi tớ trung thành, như người cha yêu thương đối với con cái mình. (Ma-thi-ơ 5:45) Ngài không tiếc mà không ban cho điều gì có lợi cho họ. (Rô-ma 8:38, 39) Như đã đề cập, Ngài còn cho Con độc sanh của Ngài hy sinh ngay cả mạng sống vì chúng ta. Thật vậy, nhờ tình thương của Đức Chúa Trời mà chúng ta hiện hữu và có triển vọng sống đời đời.—Giăng 3:16.

Chúa Giê-su cho chúng ta hiểu sâu xa cá tính Đức Chúa Trời vì ngài hoàn toàn noi theo Cha ngài. (Giăng 14:9-11) Ngài hoàn toàn vô vị kỷ, ân cần và quan tâm đến người khác. Có lần người ta đem đến Chúa Giê-su một người đàn ông điếc và ngọng. Bạn có thể mường tượng được là ông ta ngại ở giữa đám đông. Điều đáng chú ý là Chúa Giê-su đem ông đến một chỗ riêng và chữa lành ông. (Mác 7:32-35) Bạn có biết ơn những người nhạy cảm đối với những cảm nghĩ của bạn và tôn trọng phẩm giá bạn không? Nếu có thì chắc chắn bạn sẽ dễ đến gần Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su khi bạn học biết thêm về hai Đấng ấy.

Nghĩ về những đức tính của Đức Chúa Trời

Một người có thể có những đức tính tuyệt vời, nhưng chúng ta cần nghĩ về người đó để cảm thấy gần gũi với người. Nói về Đức Giê-hô-va cũng vậy. Suy ngẫm về những đức tính của Ngài là bước thiết yếu thứ hai để gần gũi với Ngài. Vua Đa-vít, người đã thật sự yêu thương Đức Giê-hô-va, và là người “vừa lòng” Đức Giê-hô-va, đã nói: “Tôi nhớ lại các ngày xưa, tưởng đến mọi việc Chúa đã làm, và suy-gẫm công-việc của tay Chúa”.—Công-vụ 13:22; Thi-thiên 143:5.

Khi ngắm nhìn kỳ quan sáng tạo hoặc đọc Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh, bạn có giống Đa-vít, suy ngẫm về những gì bạn thấy và đọc không? Giả sử một con trai vừa mới nhận được thư người cha yêu dấu. Anh nghĩ gì về lá thư? Chắc chắn anh không chỉ đọc sơ nội dung và quăng vào ngăn kéo. Trái lại, anh đọc kỹ, rút ra từng chi tiết và sắc thái của ý nghĩa trong thư. Cũng vậy, Lời Đức Chúa Trời phải quý báu đối với chúng ta, cũng như đối với người viết Thi-thiên: “Tôi yêu-mến luật-pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy-gẫm luật-pháp ấy”.—Thi-thiên 119:97.

Duy trì việc trò chuyện cởi mở

Sự trò chuyện cởi mở là huyết mạch của bất cứ mối quan hệ nào. Nó bao hàm việc nói lắng nghe—và không phải chỉ bằng trí tuệ mà còn bằng con tim nữa. Chúng ta nói với Đấng Tạo Hóa qua lời cầu nguyện, kính cẩn thưa chuyện với Ngài. Đức Giê-hô-va vui thích nghe lời cầu nguyện của những người yêu thương, phụng sự Ngài và nhận biết Chúa Giê-su Christ là đấng đại diện chính của Ngài.—Thi-thiên 65:2; Giăng 14:6, 14.

Trong quá khứ, Đức Chúa Trời phán cùng loài người qua nhiều cách, kể cả sự hiện thấy, chiêm bao và qua thiên sứ. Tuy nhiên, ngày nay Ngài dùng Lời được ghi lại của Ngài, tức Kinh Thánh. (2 Ti-mô-thê 3:16) Sách này có nhiều lợi ích. Chúng ta có thể tra cứu Kinh Thánh bất cứ lúc nào. Như một lá thư, chúng ta có thể xem đi xem lại nhiều lần. Và nó không bị bóp méo như thường thấy trong sự truyền miệng. Vậy hãy nghĩ đến Kinh Thánh như một sưu tập gồm nhiều lá thư của Cha yêu thương trên trời, và khi đọc những lá thư này hàng ngày, chúng ta để Ngài nói với mình.—Ma-thi-ơ 4:4.

Thí dụ, Kinh Thánh nêu ra quan điểm của Đức Giê-hô-va về điều thiện và điều ác, giải thích ý định của Ngài đối với loài người và trái đất. Và Kinh Thánh cho biết cách Ngài đối xử với nhiều dân và nhiều nước, từ những người thờ phượng Ngài cho đến kẻ thù nghịch. Bằng cách cho ghi lại những tác động của Ngài với loài người, Đức Giê-hô-va đã miêu tả cho chúng ta biết rất chi tiết về cá tính của Ngài. Ngài cho biết tình yêu thương, sự vui mừng, buồn rầu, thất vọng, giận, thương xót, quan tâm của Ngài—đúng vậy, đủ các ý tưởng và cảm xúc của Ngài và những lý do bên trong—tất cả theo cách mà loài người có thể hiểu được ngay.—Thi-thiên 78:3-7.

Sau khi đọc một phần Lời Đức Chúa Trời, bạn có thể gặt được lợi ích nào? Và đặc biệt là làm sao bạn đến gần Đức Chúa Trời? Thứ nhất, hãy nghĩ về những gì bạn đã đọc và biết về những đức tính của Đức Chúa Trời, hãy để những điểm này động đến lòng bạn. Rồi trong lời cầu nguyện, nói cho Đức Giê-hô-va biết ý nghĩ và cảm xúc sâu kín của bạn về tài liệu bạn đã xem xét và cách bạn sẽ cố gắng rút tỉa lợi ích trong đó. Đó là sự trò chuyện giao tiếp. Dĩ nhiên, nếu nghĩ đến những điều khác, bạn có thể bao hàm trong lời cầu nguyện.

Đồng đi với Đức Chúa Trời

Kinh Thánh nói về những người trung thành ngày xưa đã đồng đi cùng Đức Chúa Trời thật. (Sáng-thế Ký 6:9; 1 Các Vua 8:25) Như vậy nghĩa là gì? Nói chung mỗi ngày họ sống như thể Đức Chúa Trời ở cạnh họ. Đành rằng là người tội lỗi, nhưng họ yêu mến luật pháp và nguyên tắc Đức Chúa Trời và sống phù hợp với ý định Ngài. Đức Giê-hô-va đến gần những người như thế và Ngài chăm sóc họ, như được thấy trong Thi-thiên 32:8: “Ta sẽ dạy-dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi; mắt ta sẽ chăm-chú ngươi mà khuyên-dạy ngươi”.

Bạn cũng có thể làm bạn thân thiết với Đức Giê-hô-va. Ngài đồng đi với bạn, chăm sóc bạn và cho bạn lời khuyên như một người cha. Tiên tri Ê-sai miêu tả Đức Giê-hô-va là “Đấng dạy cho ngươi được ích, và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi”. (Ê-sai 48:17) Khi cảm nghiệm được những lợi ích này, giống như Đa-vít, chúng ta cảm thấy như Đức Giê-hô-va đang hiện diện “ở bên hữu” chúng ta.—Thi-thiên 16:8.

Danh Đức Chúa Trời—Trọng tâm của những đức tính Ngài

Nhiều tôn giáo và cũng như ngày càng nhiều bản dịch Kinh Thánh không dùng và không muốn người ta biết đến danh riêng của Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 83:18) Nhưng trong bản gốc tiếng Hê-bơ-rơ, danh Đức Giê-hô-va xuất hiện khoảng 7.000 lần! (Điều trái ngược là trong khi loại bỏ danh Đức Chúa Trời thì hầu hết những người dịch Kinh Thánh lại giữ danh của những thần giả được nhắc đến trong bản gốc, chẳng hạn như Ba-anh, Bên, Mê-rô-đác và ngay cả Sa-tan!)

Một số người cảm thấy việc loại bỏ danh Đức Chúa Trời không đáng kể. Nhưng hãy suy nghĩ: Phát triển mối quan hệ gần gũi, sáng suốt với một người vô danh là dễ hơn hay khó hơn? Những tước hiệu như Đức Chúa Trời và Chúa (cũng được dùng cho những thần giả) có thể gợi cho người ta chú ý đến sức mạnh, uy quyền hoặc địa vị Đức Giê-hô-va, nhưng chỉ có danh riêng mới làm Ngài nổi bật một cách rõ rệt. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:15; 1 Cô-rinh-tô 8:5, 6) Danh riêng của Đức Chúa Trời thật nói lên các đức tính và tính tình Ngài. Nhà thần học Walter Lowrie nói rất đúng: “Người không biết danh Đức Chúa Trời là không thật sự biết cá tính Ngài”.

Hãy xem trường hợp của Maria, một người Công Giáo mộ đạo ở Úc. Khi Nhân Chứng Giê-hô-va mới gặp chị, họ chỉ cho chị danh Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Chị phản ứng thế nào? “Lần đầu khi thấy danh Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, tôi khóc. Tôi rất xúc động vì được biết và dùng danh riêng của Đức Chúa Trời”. Maria tiếp tục học hỏi Kinh Thánh, và lần đầu tiên trong đời, chị biết cá tính Đức Giê-hô-va đồng thời có thể xây đắp một mối quan hệ lâu bền với Ngài.

Đúng vậy, chúng ta có thể “đến gần Đức Chúa Trời” mặc dù không thể thấy Ngài bằng mắt phàm. Chúng ta có thể “thấy” cá tính tuyệt vời của Ngài trong tâm trí mình và nhờ đó tình yêu thương của chúng ta đối với Ngài ngày càng tăng thêm. Tình yêu thương đó chính là “dây liên-lạc của sự trọn-lành”.—Cô-lô-se 3:14.

[Khung/​Hình nơi trang 6]

Đức Giê-hô-va đáp lại tình yêu thương của bạn

MỐI quan hệ là sự trao đổi giữa hai bên. Khi chúng ta đến gần Đức Chúa Trời, Ngài đáp lại bằng cách đến gần chúng ta. Hãy xem Ngài nghĩ thế nào về cụ Si-mê-ôn và An-ne, cả hai đều được Kinh Thánh đặc biệt nói đến. Người viết Phúc Âm Lu-ca cho chúng ta biết Si-mê-ôn là “người công-bình đạo-đức”, đang trông đợi Đấng Mê-si. Đức Giê-hô-va thấy những đức tính tốt này của Si-mê-ôn và tỏ lòng yêu thương bằng cách tiết lộ cho cụ biết rằng cụ “sẽ không chết trước khi thấy Đấng Christ”. Đức Giê-hô-va giữ lời hứa và hướng dẫn Si-mê-ôn đến con trẻ Giê-su, lúc ấy được cha mẹ đem đến đền thờ Giê-ru-sa-lem. Mừng rỡ và biết ơn sâu đậm, Si-mê-ôn bồng con trẻ và cầu nguyện: “Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho tôi-tớ Chúa được qua đời bình-an, theo như lời Ngài; vì con mắt tôi đã thấy sự cứu-vớt của Ngài”.—­Lu-ca 2:25-35.

“Chính giờ đó”, Đức Giê-hô-va cũng tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với bà An-ne 84 tuổi bằng cách hướng dẫn bà đến con trẻ Giê-su. Kinh Thánh cho chúng ta biết bà góa đáng quý này lúc nào cũng ở đền thờ “phục vụ” Đức Giê-hô-va. Lòng tràn trề biết ơn, bà cũng như Si-mê-ôn, cảm tạ Đức Giê-hô-va về lòng nhân từ phi thường của Ngài, sau đó bà nói về con trẻ “cho mọi người đang trông đợi sự giải cứu Giê-ru-sa-lem”.—Lu-ca 2:36-38, Bản Dịch Mới.

Đúng vậy, Đức Giê-hô-va chú ý thấy Si-mê-ôn và An-ne yêu thương và kính sợ Ngài sâu đậm đến độ nào và họ quan tâm đến cách ý định Ngài được thực hiện. Những sự tường thuật đó trong Kinh Thánh chẳng khiến bạn muốn đến gần Đức Giê-hô-va sao?

Giống như Cha, Chúa Giê-su cũng thấy rõ con người bề trong. Đang lúc giảng dạy ở đền thờ, ngài chú ý thấy một “mụ góa nghèo” dâng chỉ “hai đồng tiền”. Đối với những người khác thấy bà, tiền dâng đó không giá trị nhưng với Chúa Giê-su thì lại khác. Ngài khen bà vì bà cho tất cả tiền mình có. (Lu-ca 21:1-4) Vì thế, chúng ta có thể an tâm là Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su quý trọng chúng ta nếu mình cho Ngài những gì tốt nhất mình có, dù nhiều hay ít.

Trong khi Đức Chúa Trời hãnh diện về những người yêu thương Ngài, Ngài cảm thấy đau lòng khi người ta bỏ Ngài và đi theo đường lối sai trái. Sáng-thế Ký 6:6 cho chúng ta biết Đức Giê-hô-va “buồn-rầu trong lòng” vì sự gian ác của con người trước Nước Lụt thời Nô-ê. Sau đó, Thi-thiên 78:41 nói dân Y-sơ-ra-ên bất tuân đã nhiều lần “thử Đức Chúa Trời, trêu-chọc [“làm đau lòng”, NW] Đấng thánh của Y-sơ-ra-ên”. Đúng vậy, Đức Chúa Trời không phải là một Đấng Tạo Hóa xa cách, lạnh lùng. Ngài quả là Đấng có cá tính rõ rệt, Đấng có cảm giác thăng bằng, không bị sự bất toàn ảnh hưởng.

[Các hình nơi trang 7]

Suy nghĩ về sự sáng tạo của Đức Giê-hô-va là một cách để đến gần Ngài