Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Ôi, một đức tin sẽ không lay chuyển”!

“Ôi, một đức tin sẽ không lay chuyển”!

Tự truyện

“Ôi, một đức tin sẽ không lay chuyển”!

DO HERBERT MÜLLER KỂ LẠI

Vài tháng sau khi quân đội Hitler xâm lấn Hà Lan, Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm chỉ. Chẳng bao lâu, tên tôi xuất hiện trên danh sách những người bị truy nã của Quốc Xã, và tôi bị lùng bắt như một con thú.

CÓ LẦN tôi quá kiệt sức vì trốn chạy mãi nên tôi nói với vợ tôi rằng thà bị bọn lính bắt còn đỡ khổ hơn. Rồi lời một bài hát văng vẳng trong tâm trí: “Ôi, một đức tin sẽ không lay chuyển, dù bị kẻ thù áp chế”. * Nghĩ đến bài hát đó làm tôi hồi sức và gợi lên trong lòng kỷ niệm về cha mẹ tôi ở Đức và ngày bạn bè hát bài đó tiễn tôi. Tôi xin kể lại kỷ niệm này với các bạn.

Gương của cha mẹ

Khi tôi sinh ra năm 1913 ở thị xã Copitz, Đức, cha mẹ tôi thuộc Giáo Hội Phúc Âm. * Bảy năm sau, năm 1920, cha từ bỏ nhà thờ. Vào ngày 6 tháng 4, cha hỏi xin tờ Kirchenaustrittsbescheinigung (Tuyên bố rút tên khỏi Giáo Hội). Ông chưởng khế thị xã điền vào một tờ. Tuy nhiên, một tuần sau cha trở lại văn phòng giải thích rằng tờ giấy đó không có tên đứa con gái. Ông ta điền thêm tờ thứ hai, nói rằng Martha Margaretha Müller cũng rút tên ra. Lúc đó Margaretha, em gái tôi, mới một tuổi rưỡi. Vì tính cha như thế nên khi phụng sự Đức Giê-hô-va, cha không chịu chỉ làm nửa chừng!

Cùng năm đó, cha mẹ tôi được Học Viên Kinh Thánh, tên gọi Nhân Chứng Giê-hô-va lúc bấy giờ, làm báp têm. Cha dạy chúng tôi rất nghiêm nhặt, nhưng lòng trung thành của cha đối với Đức Giê-hô-va làm chúng tôi dễ chấp nhận sự hướng dẫn của cha. Lòng trung thành cũng khiến cha mẹ điều chỉnh tư tưởng. Chẳng hạn trước kia các con không được ra ngoài chơi vào Chủ Nhật. Tuy nhiên, một Chủ Nhật năm 1925, cha mẹ nói rằng chúng tôi được đi bách bộ ở ngoài. Chúng tôi đem theo ít đồ ăn chơi và có một buổi vui chơi thích thú—quả khác hẳn với cảnh suốt ngày chỉ tù túng trong nhà! Cha nói rằng nhờ học được một số điểm tại hội nghị mới đây nên cha đã điều chỉnh quan điểm về những sinh hoạt ngày Chủ Nhật. Vào những lúc khác, cha cũng tỏ tinh thần sẵn sàng điều chỉnh giống như vậy.

Dù sức khỏe kém, cha mẹ không ngần ngại rao giảng. Thí dụ, để phân phát giấy nhỏ Ecclesiastics Indicted (Buộc tội hàng giáo phẩm), chúng tôi cùng cả hội thánh một tối đáp xe lửa đến thị trấn Regensburg, cách Dresden khoảng 300 kilômét. Ngày hôm sau, chúng tôi phân phát những giấy nhỏ khắp thị trấn, và khi làm xong, chúng tôi đón xe lửa về. Đến lúc về đến nhà là gần 24 tiếng đồng hồ.

Rời nhà

Kết hợp với Jugendgruppe (Nhóm Trẻ) trong hội thánh cũng giúp tôi lớn lên về thiêng liêng. Mỗi tuần, những người trẻ 14 tuổi trở lên gặp gỡ một số anh lớn tuổi hơn trong trong hội thánh. Chúng tôi chơi những trò chơi và nhạc cụ, học hỏi Kinh Thánh, và thảo luận về sự sáng tạo và khoa học. Tuy nhiên vào năm 1932, khi được 19 tuổi, tôi ngưng kết hợp với nhóm.

Vào tháng 4 năm đó, Cha nhận một thư của văn phòng Hội Tháp Canh ở Magdeburg. Tổ chức đang tìm một người có thể lái xe và muốn làm tiên phong. Tôi biết cha mẹ muốn tôi làm tiên phong, nhưng tôi cảm thấy không thể làm được. Vì cha mẹ tôi nghèo, tôi bắt đầu sửa xe đạp, máy may, cũng như máy đánh chữ và những dụng cụ văn phòng từ lúc 14 tuổi. Làm sao tôi có thể rời gia đình? Họ cần tôi giúp đỡ. Hơn nữa, tôi chưa báp têm. Cha ngồi xuống với tôi và hỏi tôi một số câu hỏi để xem tôi có hiểu phép báp têm bao hàm điều gì hay không. Khi câu trả lời của tôi làm cha tin rằng tôi đã đủ tiến bộ về thiêng liêng để làm báp têm, cha nói: “Con nên xin đảm nhận công việc này”. Vì vậy, tôi đã xin.

Một tuần sau, tôi nhận được thư mời đến Magdeburg. Khi tôi nói với bạn bè trong Nhóm Trẻ, họ muốn hát một bài hát vui để tiễn tôi. Họ ngạc nhiên về bài tôi chọn vì cho là nghiêm túc quá. Nhưng rồi một số lấy đàn vi-ô-lông, măng-đô-lin và ghi-ta ra chơi và tất cả đều hát: “Ôi, một đức tin sẽ không lay chuyển, dù bị kẻ thù áp chế; sẽ không rúng động trước bất cứ gian khổ nào trên đất”. Ngày đó, tôi không nhận biết những lời đó sẽ giúp tôi nhiều lần đứng vững trong những năm sắp đến.

Một khởi đầu gian nan

Sau khi những anh ở Magdeburg thử khả năng lái xe của tôi, họ giao cho tôi và bốn anh tiên phong khác một chiếc xe, và chúng tôi nhắm hướng Schneifel, một vùng gần nước Bỉ. Chẳng bao lâu sau chúng tôi biết rằng xe mình rất cần thiết. Nhà Thờ Công Giáo trong vùng đó phẫn nộ trước sự hiện diện của chúng tôi, và những dân làng, do các linh mục xui giục, thường đợi để đuổi chúng tôi đi. Nhiều lần, chiếc xe giúp chúng tôi chạy thoát những cáng cuốc và cái chĩa của dân làng.

Sau Lễ Tưởng Niệm năm 1933, anh giám thị vùng, anh Paul Grossmann, cho chúng tôi biết rằng hoạt động của Hội ở Đức đã bị cấm đoán. Chẳng lâu sau, văn phòng chi nhánh bảo tôi đem xe đến Magdeburg chở ấn phẩm từ đó đến bang Saxony, cách Magdeburg chừng 100 kilômét. Tuy nhiên, khi tôi đến Magdeburg thì bọn Gestapo (mật thám Quốc Xã) đã đóng cửa văn phòng của Hội. Tôi bỏ xe lại cho một anh ở Leipzig rồi trở về nhà—nhưng không được bao lâu.

Văn phòng của Hội ở Thụy Sĩ mời tôi làm tiên phong ở Hà Lan. Tôi dự định đi trong vòng một hoặc hai tuần. Tuy nhiên, cha khuyên tôi nên dọn đi ngay. Tôi nghe theo lời khuyên đó, và trong khoảng vài tiếng đồng hồ, tôi ra khỏi nhà. Ngày hôm sau, cảnh sát đến nhà cha tôi để bắt tôi về tội bỏ trốn. Nhưng đã quá trễ.

Bắt đầu ở Hà Lan

Ngày 15-8-1933, tôi đến nhà một người tiên phong ở Heemstede, một thị trấn cách Amsterdam 25 kilômét. Ngày hôm sau, tôi đi rao giảng mà không biết một chữ Hà Lan nào. Với thẻ làm chứng có in bài giảng sẵn, tôi bắt đầu công việc. Quả là khích lệ khi một bà Công Giáo nhận sách Sự hòa giải! Cùng ngày đó, tôi cũng phát 27 sách nhỏ. Cuối ngày đầu tiên đó, tôi cảm thấy phấn chấn vì được rao giảng tự do lần nữa.

Vào thời ấy, những người tiên phong không có nguồn lợi tức nào ngoài sự đóng góp nhận được khi để lại sách báo. Số tiền đó được dùng để mua thức ăn và những thứ cần dùng khác. Nếu cuối tháng còn một ít tiền, thì những người tiên phong chia nhau để trả những phí tổn cá nhân. Dù có ít vật chất, nhưng Đức Giê-hô-va cung cấp rất đầy đủ cho chúng tôi nên vào năm 1934, tôi có thể dự đại hội ở Thụy Sĩ.

Một bạn đồng hành trung thành

Tại đại hội, tôi gặp Erika Finke, 18 tuổi. Tôi biết cô lúc còn ở nhà. Cô là bạn của em gái tôi, Margaretha, và tôi luôn luôn cảm phục lập trường kiên quyết của Erika về lẽ thật. Chẳng lâu sau khi Erika báp têm năm 1932, có người báo cho bọn Gestapo rằng Erika không chịu nói: “Hitler muôn năm!” Bọn Gestapo chất vấn muốn biết tại sao Erika không chịu nói. Erika đọc Công-vụ 17:3 cho một sĩ quan ở sở cảnh sát và giải thích rằng Đức Chúa Trời bổ nhiệm chỉ một người làm Cứu Chúa, Giê-su Christ. Ông ta hỏi: “Có ai khác tin giống mày không?” Erika không chịu nói tên ai ra cả. Khi ông ta hăm dọa bắt giữ, Erika nói rằng mình thà chết chứ không cung cấp tên. Ông ta chằm chằm nhìn cô rồi quát: “Cút về đi. Hitler muôn năm!”

Sau đại hội, tôi trở về Hà Lan trong khi Erika ở Thụy Sĩ. Nhưng cả hai chúng tôi đều cảm thấy tình cảm nẩy nở. Trong khi còn ở Thụy Sĩ, Erika nghe bọn Gestapo ở nhà đang lùng cô. Cô quyết định ở lại Thụy Sĩ làm tiên phong. Vài tháng sau, Hội mời cô qua Tây Ban Nha. Cô làm tiên phong ở Madrid, rồi Bilbao, và sau đó San Sebastián, nơi mà cô và người bạn tiên phong bị vào tù do giới tu sĩ giật dây. Vào năm 1935, họ được lệnh phải rời Tây Ban Nha. Erika đến Hà Lan và cùng năm ấy chúng tôi kết hôn.

Nguy cơ chiến tranh ló dạng

Sau lễ cưới, chúng tôi làm tiên phong ở Heemstede, và sau đó dọn đến Rotterdam nơi con trai chúng tôi, Wolfgang, ra đời vào năm 1937. Một năm sau chúng tôi dọn về Groningen, một thành phố ở bắc Hà Lan, nơi chúng tôi trọ chung nhà với một cặp tiên phong người Đức, Ferdinand và Helga Holtorf cùng với con gái họ. Vào tháng 7 năm 1938, Hội cho biết rằng chính phủ Hà Lan ra lệnh cấm Nhân Chứng người Đức rao giảng. Cùng thời gian đó, tôi được bổ nhiệm làm tôi tớ vùng (giám thị vòng quanh), và gia đình chúng tôi dọn vào ở trên Lichtdrager, chiếc tàu của Tổ Chức được dùng làm căn cứ cho những người tiên phong rao giảng ở miền bắc Hà Lan. Phần lớn thời gian tôi sống xa gia đình, đạp xe từ hội thánh này qua hội thánh khác để khuyến khích anh em tiếp tục rao giảng. Các anh em làm y theo thế. Một số còn gia tăng hoạt động. Wim Kettelari là một gương tốt.

Khi gặp Wim, một chàng trai trẻ nhận biết lẽ thật nhưng rất bận rộn trong việc tá điền, tôi khuyên anh: “Nếu anh muốn phụng sự Đức Giê-hô-va, anh nên tìm việc khác”. Anh làm theo lời tôi. Sau đó chúng tôi gặp lại nhau, tôi khuyến khích anh làm tiên phong. Anh đáp: “Nhưng tôi phải làm việc để kiếm ăn”. “Đừng lo, anh sẽ có miếng ăn. Đức Giê-hô-va sẽ chăm sóc anh”, tôi đoan chắc với anh như thế. Anh Wim bắt đầu tiên phong. Sau đó, ngay cả trong Thế Chiến II, anh phụng sự với tư cách giám thị lưu động. Hiện nay, dù đã ngoài 80, anh Wim vẫn còn là một Nhân Chứng sốt sắng. Đức Giê-hô-va quả thật đã chăm sóc anh.

Bị cấm đoán và truy nã

Vào tháng năm 1940, khoảng một năm sau khi con thứ hai của chúng tôi, Reina, ra đời, quân đội Hà Lan đầu hàng và Quốc Xã chiếm đóng Hà Lan. Vào tháng 7, bọn Gestapo tịch thu văn phòng và nhà in của Hội. Năm sau, có làn sóng bắt giữ Nhân Chứng, và tôi bị bắt. Là một Nhân Chứng và một người dân Đức trong tuổi quân dịch, không khó tưởng tượng bọn Gestapo sẽ xử với tôi ra sao. Tôi đành cam chấp nhận ý nghĩ là mình sẽ không bao giờ thấy gia đình nữa.

Rồi vào tháng 5 năm 1941, bọn Gestapo phóng thích tôi và ra lệnh cho tôi trình diện nhập ngũ. Tôi không thể ngờ được. Cùng ngày đó, tôi bắt đầu hoạt động ngầm và cùng tháng đó tôi trở lại công việc vòng quanh. Bọn Gestapo cho tên tôi vào danh sách những kẻ bị truy nã.

Gia đình đương đầu ra sao

Vợ tôi cùng con cái đã dọn đến làng Vorden ở miền đông. Tuy nhiên, để giảm thiểu mối nguy cơ cho họ, tôi phải giới hạn rất nhiều những chuyến về thăm nhà. (Ma-thi-ơ 10:16) Vì lý do an ninh, các anh không dùng tên thật của tôi, chỉ dùng tên giả Duitse Jan (John Đức). Ngay cả đứa con trai bốn tuổi của tôi, Wolfgang, cũng không được phép nói về “Ba” nhưng chỉ được nói về “Ome Jan” (Chú John). Điều này rất khó cho nó về mặt tình cảm.

Trong khi tôi nay đây mai đó lẩn tránh để không bị bắt, Erika chăm sóc các con và tiếp tục rao giảng. Khi Reina được hai tuổi, Erika đặt bé trên giá để hành lý trên xe đạp và đem bé theo rao giảng vùng quê. Dù khó kiếm thực phẩm, Erika không bao giờ để gia đình thiếu ăn trầm trọng. (Ma-thi-ơ 6:33) Một nông gia Công Giáo, mà có lần tôi sửa máy may cho ông, đã cho Erika khoai tây. Ông cũng chuyển lời tôi nhắn cho Erika. Có lần, Erika trả một đồng cho món hàng ở tiệm thuốc. Người chủ tiệm biết Erika đang sống lẩn tránh và không thể xin thẻ thực phẩm, nên đã cho Erika món hàng và thêm hai đồng nữa. Những hành động cảm thông như thế giúp Erika sống qua ngày.—Hê-bơ-rơ 13:5.

Chung vai sát cánh với những anh gan dạ

Trong thời gian đó, tôi tiếp tục thăm những hội thánh—mặc dù tôi chỉ liên lạc với những anh có trách nhiệm trong hội thánh. Vì bọn Gestapo cứ theo tôi ráo riết, tôi không bao giờ ở chỗ nào hơn vài tiếng đồng hồ. Phần đông anh em không được phép gặp tôi. Họ chỉ quen biết những Nhân Chứng thuộc nhóm nhỏ học Kinh Thánh của họ. Vì vậy, chỉ sau Thế Chiến II, hai chị em ruột ở hai nơi khác nhau trong cùng một thành phố, mới biết cả hai trở thành Nhân Chứng vào thời chiến.

Công việc khác của tôi là tìm chỗ giấu ấn phẩm của Hội. Chúng tôi cũng giấu giấy, máy stencil và máy đánh chữ để sản xuất Tháp Canh, trong trường hợp cần. Đôi khi chúng tôi phải dời những sách của Hội từ chỗ này sang chỗ nọ. Tôi nhớ có lần chở 30 thùng đầy sách trong khi phải làm sao cho người ta không để ý—một việc rất căng thẳng tinh thần!

Hơn nữa, chúng tôi sắp đặt chuyên chở thực phẩm từ nông trại ở miền đông Hà Lan đến những thành phố miền tây, dù điều này bị cấm. Chúng tôi chở thực phẩm trên chiếc xe thổ mộ và tiến về miền tây. Khi đến con sông, chúng tôi không thể băng qua cầu vì có lính gác. Vì thế chúng tôi dỡ hàng xuống những thuyền nhỏ, đưa qua sông và rồi chất hàng lên một xe khác. Khi đến thành phố, chúng tôi đợi trời tối, mang vớ vào móng ngựa, và lặng lẽ đưa đến kho chứa thực phẩm bí mật của hội thánh. Từ đấy, thực phẩm được phân phối cho anh em nghèo.

Nếu quân Đức khám phá ra một kho thực phẩm như thế thì có thể mất mạng. Tuy nhiên, vài anh em tình nguyện giúp. Chẳng hạn, gia đình Bloemink ở Amersfoort để phòng khách dùng làm nơi chứa thực phẩm, dù nhà họ không xa đồn lính Đức là bao! Những Nhân Chứng gan dạ như thế đã liều mạng vì anh em mình.

Đức Giê-hô-va giúp vợ tôi và tôi giữ lòng trung thành suốt những năm cấm đoán. Vào tháng 5 năm 1945, quân Đức bị bại trận, và cuộc sống trốn chạy của tôi cuối cùng đã kết thúc. Hội yêu cầu tôi tiếp tục phụng sự với tư cách giám thị lưu động đến khi những anh khác có thể làm được. Vào năm 1947, Bertus van der Bil làm thế cho tôi. * Đến lúc đó, đứa con thứ ba ra đời và chúng tôi định cư ở miền đông Hà Lan.

Buồn vui lẫn lộn

Sau chiến tranh, tôi mới biết rằng khoảng một năm sau khi tôi rời nhà đi Hà Lan thì cha bị vào tù. Cha được thả ra hai lần vì sức khỏe kém, nhưng rồi lần nào cũng bị tù lại. Vào tháng 2 năm 1938, cha bị đưa vào trại tập trung Buchenwald và rồi đến Dachau. Tại đó cha mất vào ngày 14-5-1942. Cha giữ lòng trung thành kiên quyết cho đến cùng.

Mẹ cũng bị đưa đến trại Dachau và ở đó cho đến khi được thả vào năm 1945. Vì gương kiên trì của cha mẹ góp phần rất nhiều vào những ân phước tôi có, nên quả là đặc ân được mẹ đến ở với chúng tôi vào năm 1954. Em tôi, Margaretha—đã làm tiên phong tại nước Cộng Sản Đông Đức kể từ năm 1945—cũng đến nữa. Dù bệnh và không nói tiếng Hà Lan, mẹ tiếp tục tham gia vào việc rao giảng, trung thành đến khi kết thúc đời sống trên đất vào tháng 10 năm 1957.

Đại hội năm 1955 ở Nuremberg, Đức, rất đặc biệt. Sau khi chúng tôi đến đó, anh em ở Dresden nói cho Erika biết là mẹ Erika cũng có mặt tại đó. Vì Dresden lúc ấy nằm dưới sự thống trị của Đông Đức, Erika đã không gặp mẹ mình suốt 21 năm. Cuộc hội ngộ diễn ra, mẹ con ôm chầm lấy nhau. Thật là một ngày đoàn tụ mừng vui biết bao!

Với thời gian, gia đình chúng tôi đông hơn, với tám đứa con. Điều thảm thương là một con trai bị chết vì tai nạn xe hơi. Tuy nhiên, thấy tất cả những con còn lại của mình phụng sự Đức Giê-hô-va là một nguồn vui sâu đậm. Chúng tôi vui mừng là con trai Wolfgang cùng với vợ làm công việc vòng quanh và con trai chúng cũng làm giám thị vòng quanh.

Tôi biết ơn là mình được chứng kiến sự tiến triển của công việc Đức Giê-hô-va ở Hà Lan. Khi tôi bắt đầu tiên phong vào năm 1933, có khoảng một trăm Nhân Chứng. Ngày nay có hơn 30.000. Mặc dù giờ đây sức yếu, Erika và tôi vẫn cương quyết sống theo lời bài ca của thời quá khứ: “Ôi, một đức tin sẽ không lay chuyển”.

[Chú thích]

^ đ. 5 Bài 194.—Bài hát ca ngợi Đức Giê-hô-va (1928).

^ đ. 7 Thị trấn Copitz, nay gọi là Pirna, ở cạnh Sông Elbe, cách thành phố Dresden 18 kilômét.

^ đ. 38 Xin xem Tháp Canh ngày 1-1-1998 nói về cuộc đời anh Van der Bil trong bài “Không có điều gì tốt hơn lẽ thật”.

[Hình nơi trang 23]

Nhóm “Jugendgruppe” trong giờ nghỉ sau khi rao giảng

[Hình nơi trang 24]

Những người bạn tiên phong và tôi rao giảng khắp khu vực Schneifel. Tôi được 20 tuổi

[Hình nơi trang 25]

Với Erika và Wolfgang năm 1940

[Hình nơi trang 26]

Trái sang phải: Cháu nội tôi Jonathan và vợ, Mirjam; Erika, tôi, con trai tôi Wolfgang và vợ, Julia

[Hình nơi trang 26]

Một anh trong tù với cha tôi vẽ hình cha năm 1941