Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lòng rộng rãi đem lại niềm vui

Lòng rộng rãi đem lại niềm vui

Lòng rộng rãi đem lại niềm vui

TRONG vai trò một giám thị tín đồ Đấng Christ yêu thương, sứ đồ Phao-lô thật sự quan tâm và muốn giúp anh em đồng đức tin. (2 Cô-rinh-tô 11:28) Vì vậy, vào giữa thập niên 50 của thế kỷ thứ nhất Công Nguyên ông đã tổ chức quyên tiền để giúp tín đồ túng thiếu ở Giu-đê, ông dùng cơ hội đó để dạy bài học giá trị về lòng rộng rãi. Phao-lô nhấn mạnh rằng Đức Giê-hô-va quý sự ban cho cách vui lòng: “Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn-nàn hay là vì ép-uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng của cách vui lòng”.—2 Cô-rinh-tô 9:7.

Rất nghèo khó, nhưng rộng rãi

Hầu hết tín đồ Đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất không có địa vị nổi bật trong xã hội. Phao-lô nhận thấy rằng “chẳng nhiều kẻ quyền-thế” ở giữa họ. Họ là “những sự yếu ở thế-gian”, “những sự hèn-hạ... ở thế-gian”. (1 Cô-rinh-tô 1:26-28) Thí dụ, tín đồ Đấng Christ ở Ma-xê-đoan trong “cơn rất nghèo-khó” và “chịu nhiều hoạn-nạn”. Nhưng những anh em người Ma-xê-đoan khiêm nhường xin có đặc ân góp phần “vào sự giùm-giúp các thánh-đồ”; và Phao-lô làm chứng là những gì họ cho còn “quá sức [họ] nữa”.—2 Cô-rinh-tô 8:1-4.

Nhưng không nên xét những sự ban cho rộng rãi đó theo số lượng. Thay vì thế, động lực, sự sẵn lòng chia sẻ và khuynh hướng của lòng là quan trọng. Phao-lô cho tín đồ người Cô-rinh-tô biết rằng việc đóng góp liên quan đến cả lòng lẫn trí. Ông nói: “Tôi biết anh em sẵn lòng, và tôi khoe mình về anh em với người Ma-xê-đoan,... lòng sốt-sắng của anh em lại đã giục lòng nhiều người khác”. Họ “tùy theo lòng mình” mà ban cho rộng rãi.—2 Cô-rinh-tô 9:2, 7.

‘Tâm thần họ thúc đẩy’

Sứ đồ Phao-lô có lẽ nghĩ đến gương dâng hiến rộng rãi ngày xưa diễn ra trong đồng vắng hơn 15 thế kỷ trước thời của ông. Mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên đã được thoát khỏi vòng nô lệ Ai Cập. Bấy giờ họ đang ở chân Núi Si-na-i, và Đức Giê-hô-va truyền họ dựng đền tạm và thiết bị với những dụng cụ dùng trong việc thờ phượng. Việc này cần rất nhiều tài lực và toàn dân được khuyến khích dâng hiến.

Dân Y-sơ-ra-ên đáp ứng thế nào? “Mọi người có lòng cảm-động, và mọi người có lòng thành [“được tâm thần thúc đẩy”, NW], đều đem lễ-vật đến dâng cho Đức Giê-hô-va, để làm công-việc hội-mạc”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 35:21) Dân chúng có dâng hiến rộng rãi không? Chắc chắn! Lời sau đây đã được báo cáo cho Môi-se: “Dân-sự đem đến dư bội-phần đặng làm các công-việc mà Đức Giê-hô-va đã phán dặn”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 36:5.

Tình trạng tài chánh của dân Y-sơ-ra-ên thời đó ra sao? Trước đó không lâu, họ là những nô lệ khốn khổ, “làm xâu khó-nhọc”, có một ‘đời cay-đắng’, một đời sống “cực-khổ”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:11, 14; 3:7; 5:10-18) Vì thế chắc hẳn là họ không thịnh vượng. Đành rằng khi rời khỏi xứ nô lệ, dân Y-sơ-ra-ên dẫn theo bầy chiên và bò, nhưng chắc không có bao nhiêu, vì chẳng bao lâu sau khi rời Ai Cập, họ than là không có thịt hay bánh để ăn.—Xuất Ê-díp-tô Ký 12:32; 16:3.

Thế thì dân Y-sơ-ra-ên lấy đâu ra những đồ quý giá mà dâng hiến cho việc dựng đền tạm? Từ những người chủ Ai Cập trước đó. Kinh Thánh nói: “Dân Y-sơ-ra-ên... xin người Ê-díp-tô những đồ bằng bạc và bằng vàng cùng áo-xống. [Người Ê-díp-tô] bằng lòng cho”. Hành động rộng rãi này của người Ai Cập là ân phước đến từ Đức Giê-hô-va, chứ không phải từ Pha-ra-ôn. Kinh Thánh nói: “Đức Giê-hô-va làm cho dân-sự được ơn trước mắt người Ê-díp-tô, nên họ bằng lòng cho”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 12:35, 36.

Vậy, hãy tưởng tượng dân Y-sơ-ra-ên cảm thấy thế nào. Nhiều thế hệ chịu khốn khổ cay đắng làm nô lệ và thiếu thốn. Giờ đây được tự do và có nhiều của cải. Họ cảm thấy thế nào khi chia bớt một số của cải đó? Họ có thể cảm thấy mình đã kiếm được và có quyền giữ lấy. Tuy nhiên, khi được kêu gọi đóng góp để ủng hộ sự thờ phượng thanh sạch, họ đã làm—không chần chừ hay keo kiệt! Họ không quên là nhờ Đức Giê-hô-va mà họ có được những thứ vật chất đó. Vì vậy, họ dâng nhiều bạc vàng và bầy súc vật. Họ “có lòng thành dâng cho”. ‘Lòng họ cảm-động’, ‘tâm thần họ thúc đẩy’. Quả là họ “dâng cho Đức Giê-hô-va các lễ tình-nguyện”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 25:1-9; 35:4-9, 20-29; 36:3-7.

Sẵn sàng ban cho

Số lượng đóng góp không nhất thiết nói lên được lòng rộng rãi của người cho. Có lần Chúa Giê-su Christ quan sát những người bỏ tiền vào rương đền thờ. Những người giàu bỏ vào nhiều tiền, nhưng Chúa Giê-su đã cảm kích khi thấy một bà góa nghèo khó bỏ vào hai đồng tiền nhỏ không đáng kể. Ngài nói: “Mụ góa nghèo nầy đã bỏ vào nhiều hơn hết mọi người khác... Mụ nầy thiếu-thốn, mà đã dâng hết của mình có để nuôi mình”.—Lu-ca 21:1-4; Mác 12:41-44.

Lời Phao-lô cho người Cô-rinh-tô phù hợp với ý tưởng của Chúa Giê-su. Về việc quyên góp giúp anh em nghèo khó, Phao-lô nhận thấy: “Vì nếu mình lấy lòng tốt mà làm, thì được đẹp ý theo điều mình có, chớ chẳng theo điều mình không có”. (2 Cô-rinh-tô 8:12) Đúng vậy, đóng góp không phải là vấn đề để cạnh tranh hoặc so sánh. Một người cho tùy khả năng và Đức Giê-hô-va vui lòng với tinh thần rộng rãi.

Mặc dù không ai có thể thật sự làm Đức Giê-hô-va thêm phong phú, vì Ngài làm chủ mọi sự, nhưng đóng góp là một đặc ân để những người thờ phượng Ngài có cơ hội tỏ lòng yêu thương đối với Ngài. (1 Sử-ký 29:14-17) Khi đóng góp, không vì khoe khoang hay vì động lực ích kỷ, nhưng với thái độ đúng và để phát huy sự thờ phượng thật, thì chúng ta có được niềm vui và sự ban phước của Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 6:1-4) Chúa Giê-su nói: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”. (Công-vụ 20:35) Chúng ta có thể có phước, hay là vui mừng, bằng cách dùng sức mình để phụng sự Đức Giê-hô-va và bằng cách để dành một phần tài chánh ủng hộ sự thờ phượng thật và giúp những người xứng đáng.—1 Cô-rinh-tô 16:1, 2.

Sẵn sàng ban cho ngày nay

Ngày nay, Nhân Chứng Giê-hô-va vui mừng khi thấy sự tiến triển trong việc rao giảng “tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 24:14) Trong thập niên cuối của thế kỷ 20, hơn 3.000.000 người đã biểu trưng sự dâng mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời bằng phép báp têm, và khoảng 30.000 hội thánh mới được thành lập. Đúng vậy, một phần ba số hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay được thành lập trong vòng mười năm qua! Phần lớn sự gia tăng này là do công khó của các nam nữ tín đồ Đấng Christ đã dùng thì giờ và năng lực để viếng thăm những người lân cận và nói cho họ biết về ý định của Đức Giê-hô-va. Một số gia tăng đến từ công việc của các giáo sĩ, những người đã xa nhà và đi đến những xứ xa để giúp công việc rao giảng. Sự gia tăng dẫn đến việc tổ chức những vòng quanh mới, cho nên cần phải bổ nhiệm những giám thị vòng quanh mới. Hơn nữa, cần có nhiều Kinh Thánh hơn để dùng trong việc rao giảng và học hỏi cá nhân. Cần có thêm nhiều ấn phẩm. Và trong nhiều nước, trụ sở chi nhánh phải được nới rộng hoặc thay thế bằng những trụ sở lớn hơn. Tất cả những nhu cầu này được cung ứng bằng những đóng góp tình nguyện của dân Đức Giê-hô-va.

Cần Phòng Nước Trời

Một nhu cầu nổi bật thấy rõ qua sự gia tăng số Nhân Chứng Giê-hô-va là cần có thêm Phòng Nước Trời. Cuộc nghiên cứu vào đầu năm 2000 cho thấy anh em cần hơn 11.000 Phòng Nước Trời trong những nước đang phát triển, những nơi có tài chánh eo hẹp. Hãy xem nước Angola. Bất kể nhiều năm nội chiến, mỗi năm số người công bố Nước Trời trong nước này gia tăng trung bình 10 phần trăm. Tuy nhiên, trong số 675 hội thánh trong nước Phi Châu rộng lớn này, đa số phải họp ở ngoài trời. Chỉ có 22 Phòng Nước Trời trong nước, và trong số này chỉ 12 phòng có mái che.

Cộng Hòa Dân Chủ Congo cũng gặp tình trạng tương tự. Mặc dù có gần 300 hội thánh ở thủ đô Kinshasa, nhưng chỉ có mười Phòng Nước Trời mà thôi. Ngay bây giờ cả nước cần có hơn 1.500 Phòng Nước Trời. Vì sự gia tăng nhanh chóng ở những nước Đông Âu, Nga và Ukraine cần tổng cộng hàng trăm Phòng Nước Trời. Sự gia tăng nhanh chóng ở Châu Mỹ La-tinh đã được thấy rõ ở Brazil, nơi có hơn nửa triệu Nhân Chứng và rất cần thêm Phòng Nước Trời.

Để đáp ứng nhu cầu cho những nước như thế, Nhân Chứng Giê-hô-va đang thực hiện một chương trình đẩy mạnh việc xây dựng Phòng Nước Trời. Chương trình được đài thọ do sự đóng góp rộng rãi của anh em trên khắp thế giới, để ngay cả những hội thánh nghèo nhất cũng sẽ có được trung tâm thờ phượng xứng đáng.

Như thời Y-sơ-ra-ên xưa, nhiều điều có thể thực hiện vì tín đồ Đấng Christ thành thật ‘lấy tài-vật và huê-lợi của họ mà tôn vinh Đức Giê-hô-va’. (Châm-ngôn 3:9, 10) Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương của Nhân Chứng Giê-hô-va muốn dùng cơ hội này để nói lên lòng biết ơn sâu đậm đối với những người có lòng tình nguyện đóng góp. Và chúng ta có thể tin tưởng rằng thánh linh Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục động đến lòng dân Ngài để ủng hộ nhu cầu của công việc Nước Trời ngày càng lớn rộng.

Trong lúc công việc tiến mạnh trên khắp đất, mong rằng chúng ta tiếp tục tìm cơ hội tỏ lòng vui mừng và sẵn sàng dùng sức lực, thì giờ và tài lợi của mình. Và mong rằng chúng ta trải nghiệm được niềm vui thật đến từ tinh thần ban cho.

[Khung nơi trang 29]

‘HÃY KHÉO DÙNG!’

“Em được mười tuổi, và em gởi các anh món tiền này để mua giấy hay là bất cứ thứ gì khác để in sách”.—Cindy.

“Em muốn gởi các anh số tiền này để in thêm sách cho chúng em. Em để dành được số tiền này nhờ giúp ba. Vậy xin các anh khéo dùng nhé!”—Pam, bảy tuổi.

“Nghe có bão em buồn quá. Em hy vọng anh chị được an toàn. Đây [2 đô la] là trọn số tiền để dành trong con heo của em”.—Allison, bốn tuổi.

“Em tên là Rudy, 11 tuổi. Em trai em là Ralph, sáu tuổi, và em gái Judith hai tuổi rưỡi. Chúng em để dành tiền ba mẹ cho trong ba tháng để giúp anh chị trong [vùng chiến tranh]. Chúng em để dành được 20 đô la nên gởi kèm theo đây”.

“Em thương các anh chị [gặp bão] lắm. Em làm việc cho ba được 17 đô la. Em gởi tiền này cho các anh mua bất cứ cái gì, cho các anh quyết định nhé”.—Maclean, tám tuổi.

[Khung nơi trang 31]

Những cách mà một số người chọn

ĐÓNG GÓP CHO CÔNG VIỆC TRÊN KHẮP THẾ GIỚI

Nhiều người để riêng, hoặc dành ra một số tiền, để bỏ vào hộp có ghi “Đóng góp cho công việc rao giảng của Hội trên khắp thế giới—Ma-thi-ơ 24:14”. Mỗi tháng các hội thánh gửi những món tiền này đến trụ sở trung ương ở Brooklyn, New York hoặc đến văn phòng chi nhánh địa phương.

Những món tiền tặng Hội Tháp Canh một cách tình nguyện cũng có thể gửi thẳng đến Treasurer’s Office, Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania, 25 Columbia Heights, Brooklyn, New York 11201-2483, hay đến chi nhánh của Hội tại xứ của bạn. Cũng có thể gửi tặng cho Hội những đồ nữ trang hay những vật quí giá khác. Nên kèm theo một lá thư vắn tắt nói rõ đây là một tặng phẩm cho luôn.

TẶNG CÓ ĐIỀU KIỆN

Có thể ký thác tiền cho Hội Tháp Canh giữ với sự thỏa thuận đặc biệt, theo đó nếu người cho cần đến, thì tiền sẽ được hoàn lại. Muốn biết thêm chi tiết, xin vui lòng viết thư cho Treasurer’s Office tại địa chỉ trên.

KẾ HOẠCH TỪ THIỆN

Ngoài việc biếu luôn tiền mặt và tặng có điều kiện, có những cách tặng khác để hỗ trợ công việc Nước Trời khắp thế giới. Những cách này bao gồm:

Bảo hiểm: Có thể ký giấy cho biết Hội Tháp Canh được thừa hưởng tiền bảo hiểm nhân mạng hoặc tiền của quỹ hưu trí.

Trương mục ngân hàng: Có thể ký thác trương mục ngân hàng, chứng chỉ gửi tiền trong ngân hàng, hoặc trương mục hưu trí cá nhân cho Hội Tháp Canh, hoặc sắp đặt để ngân hàng trả cho Hội Tháp Canh trong trường hợp người tặng chết, sao cho phù hợp với những thể lệ của ngân hàng địa phương.

Chứng khoán và trái phiếu: Chứng khoán và trái phiếu cũng có thể biếu hẳn cho Hội Tháp Canh.

Bất động sản: Bất động sản bán được có thể biếu Hội Tháp Canh bằng cách tặng luôn, hoặc biếu với điều kiện người tặng có thể tiếp tục ở đấy trong lúc còn sống. Nên liên lạc với Hội Tháp Canh trước khi làm giấy tờ tặng bất động sản nào cho Hội.

Di chúc và tờ ủy thác: Tài sản hay ngân khoản có thể để lại cho Hội Tháp Canh bằng cách làm một di chúc hợp pháp, hoặc có thể nêu rõ Hội Tháp Canh là cơ quan thừa hưởng trong hợp đồng ủy thác. Tờ ủy thác nhằm giúp ích cho một tổ chức tôn giáo có thể có lợi khi khai thuế.

Như hàm ý trong nhóm từ “kế hoạch từ thiện”, những sự đóng góp này nói chung đòi hỏi phần nào dự tính ở người tặng. Để giúp những ai muốn đóng góp cho Hội qua một kế hoạch từ thiện nào đó, Hội đã soạn ra một sách mỏng bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha tựa đề Charitable Planning to Benefit Kingdom Service Worldwide. Sách mỏng này viết ra để giải đáp nhiều thắc mắc Hội đã nhận được liên quan đến tặng vật, di chúc, và chứng thư ủy thác. Sách này cũng có thêm những thông tin có ích về kế hoạch hóa bất động sản, tài chánh, thuế vụ. Sách này được viết ra cho những người sống ở Hoa Kỳ đang dự định biếu Hội một tặng vật đặc biệt bây giờ, hay muốn để lại di sản sau khi chết; sách giúp họ chọn phương pháp hiệu quả và có lợi nhất cho hoàn cảnh cá nhân và gia đình. Nếu muốn có cuốn sách này, có thể hỏi trực tiếp Charitable Planning Office.

Sau khi đọc sách mỏng này và tham khảo ý kiến của Charitable Planning Office, nhiều người đã có thể giúp Hội và đồng thời được lợi tối đa về thuế vụ nhờ làm thế. Nên báo và gửi cho Charitable Planning Office một bản sao của bất cứ văn kiện nào liên quan đến bất cứ sắp đặt nào trên đây. Nếu bạn muốn biết về bất cứ sự sắp đặt nào trong các kế hoạch từ thiện này, xin liên lạc với Charitable Planning Office, bằng thư từ hoặc điện thoại, dùng địa chỉ dưới đây hay địa chỉ văn phòng của Hội tại xứ bạn.

CHARITABLE PLANNING OFFICE

Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania

100 Watchtower Drive, Patterson, New York 12563-9204

Telephone: (845) 306-0707