Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phải chăng đạo đức Kinh Thánh là tốt nhất?

Phải chăng đạo đức Kinh Thánh là tốt nhất?

Phải chăng đạo đức Kinh Thánh là tốt nhất?

“XÃ HỘI cần một khuôn khổ các giá trị cơ bản để bảo vệ và hướng dẫn những người sống trong đó”. Một nhà văn kiêm xướng ngôn viên truyền hình giàu kinh nghiệm người Đức đã bình luận như thế. Ông nói chí lý. Muốn cho xã hội loài người ổn định và thịnh vượng, người ta cần phải có nền tảng vững chắc cho những tiêu chuẩn được mọi người chấp nhận giúp nhận ra điều gì là đúng hoặc sai, thiện hoặc ác. Câu hỏi là: Tiêu chuẩn nào tốt nhất, cho cả xã hội và những người sống trong đó?

Nếu là những tiêu chuẩn được chấp nhận, giá trị đạo đức của Kinh Thánh sẽ giúp người ta sống một nếp sống ổn định, hạnh phúc. Nói rộng hơn, việc người ta chấp nhận những giá trị đạo đức của Kinh Thánh sẽ tạo ra một xã hội gồm những người hạnh phúc và ổn định hơn nhờ tôn trọng những giá trị ấy. Thực tế có phải như vậy không? Chúng ta hãy xem xét những gì Kinh Thánh nói về hai vấn đề quan trọng: sự chung thủy trong hôn nhân và tính lương thiện trong đời sống hàng ngày.

Hãy gắn bó với người hôn phối

Đấng Tạo Hóa chúng ta đã tạo ra ông A-đam và rồi tạo bà Ê-va để làm bạn đời của ông. Sự kết hợp giữa hai người là hôn nhân đầu tiên trong lịch sử và phải là một mối quan hệ trường cửu. Đức Chúa Trời nói: “Người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính-díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt”. Khoảng 4.000 năm sau, Chúa Giê-su Christ lặp lại tiêu chuẩn hôn nhân này cho tất cả các môn đồ. Ngoài ra, ngài lên án các quan hệ giới tính ngoài vòng hôn nhân.—Sáng-thế Ký 1:27, 28; 2:24; Ma-thi-ơ 5:27-30; 19:5.

Theo Kinh Thánh, hai bí quyết quan trọng để có được hôn nhân hạnh phúc là vợ chồng yêu thương và tôn trọng nhau. Chồng là chủ gia đình, phải biểu lộ tình yêu thương bất vị kỷ bằng cách quan tâm đến quyền lợi tốt nhất của vợ. Ông phải “tỏ điều khôn-ngoan ra” khi sống với vợ và không nên “ở cay-nghiệt” với vợ. Vợ phải “kính chồng”. Nếu cả hai người hôn phối làm theo những nguyên tắc này, phần lớn những sự khó khăn giữa vợ chồng đều có thể tránh hoặc vượt qua được. Chồng sẽ muốn gắn bó với vợ và vợ muốn gắn bó với chồng.—1 Phi-e-rơ 3:1-7; Cô-lô-se 3:18, 19; Ê-phê-sô 5:22-33.

Tiêu chuẩn Kinh Thánh về sự chung thủy gắn bó với người hôn phối có giúp hôn nhân được hạnh phúc không? Hãy xem xét kết quả của một cuộc thăm dò được thực hiện ở Đức. Người ta được hỏi những yếu tố nào là quan trọng cho một cuộc hôn nhân bền vững? Đứng đầu bảng liệt kê là sự chung thủy với nhau. Bạn có đồng ý là những cặp vợ chồng sẽ hạnh phúc hơn nhiều khi biết rằng người hôn phối của mình chung thủy không?

Làm gì nếu có vấn đề nẩy sinh?

Nhưng nếu vợ chồng bất đồng ý kiến nghiêm trọng thì sao? Nói gì nếu tình yêu giữa họ phai nhạt dần? Chẳng phải tốt nhất là chấm dứt hôn nhân trong những tình huống như thế hay sao? Hay là tiêu chuẩn của Kinh Thánh dạy phải chung thủy gắn bó với người hôn phối vẫn còn chí lý?

Những người viết Kinh Thánh thừa nhận rằng vợ chồng nào rồi cũng sẽ có vấn đề khó khăn do sự bất toàn của con người gây ra. (1 Cô-rinh-tô 7:28) Thế nhưng, những cặp vợ chồng tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh sẽ cố gắng tha thứ và cùng nhau tìm giải pháp cho những vấn đề. Dĩ nhiên, có những tình huống—chẳng hạn như ngoại tình hoặc ngược đãi—cho phép một tín đồ Đấng Christ nghĩ đến việc ly thân hoặc ly dị. (Ma-thi-ơ 5:32; 19:9) Nhưng vội vàng chấm dứt cuộc hôn nhân mà không có lý do gì nghiêm trọng hoặc để lấy người khác cho thấy sự ích kỷ, không nghĩ đến người khác. Chắc chắn điều đó không giúp cho cuộc sống được ổn định hoặc hạnh phúc. Chúng ta hãy lấy một thí dụ.

Peter cảm nhận rằng hôn nhân của anh đã mất đi sự thắm thiết của buổi ban đầu. * Bởi vậy, anh bỏ vợ và dọn ra ở với Monika trước đó cũng đã bỏ chồng. Sự việc đã ra sao? Ít tháng sau, Peter thú thật là sống với Monika “không dễ dàng như tôi những tưởng”. Tại sao? Vì những khuyết điểm của con người cũng lộ rõ nơi người tình mới y như với người hôn phối trước. Tệ hơn nữa là chính quyết định hấp tấp và ích kỷ của anh đã khiến anh rơi vào những vấn đề tài chính trầm trọng. Vả lại, các con riêng của Monika đã khổ sở khi đời sống gia đình hoàn toàn thay đổi.

Như kinh nghiệm trên cho thấy, khi hôn nhân gặp sóng gió, bỏ thuyền mà đi hiếm khi giải quyết được vấn đề. Mặt khác, trong cơn bão táp, sống theo giá trị đạo đức của Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh, thường có thể giữ vững hôn nhân và lèo lái nó đến vùng nước phẳng lặng hơn. Đó là trường hợp của Thomas và Doris.

Thomas và Doris lấy nhau được hơn 30 năm thì Thomas đâm ra rượu chè be bét. Doris rơi vào sự trầm cảm, và hai người đã tính chuyện ly dị. Doris tâm sự với một Nhân Chứng Giê-hô-va. Chị Nhân Chứng này cho Doris thấy Kinh Thánh nói gì về hôn nhân, khuyến khích cô chớ vội ly thân mà trước hết hãy bàn với chồng để tìm ra một giải pháp. Doris làm theo lời khuyên đó. Ít tháng sau, họ không còn nghĩ đến ly dị nữa. Thomas và Doris đã cùng giải quyết vấn đề. Làm theo lời khuyên của Kinh Thánh đã giúp họ củng cố hôn nhân và cho họ thời gian để giải quyết vấn đề.

Lương thiện trong mọi sự

Chung thủy gắn bó với người hôn phối đòi hỏi nghị lực và yêu chuộng nguyên tắc. Người ta cũng cần đến những nét tính này để ăn ở lương thiện trong một thế gian bất lương. Kinh Thánh nói nhiều về tính lương thiện. Sứ đồ Phao-lô viết cho tín đồ Đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất ở Giu-đê như sau: “Chúng tôi... muốn ăn-ở trọn-lành [“lương thiện”, NW] trong mọi sự”. (Hê-bơ-rơ 13:18) Điều đó có nghĩa gì?

Một người lương thiện thì chân thật và không lừa đảo. Người đó đối xử công bằng với người khác—thẳng thắn, đàng hoàng, không xảo trá hoặc lừa dối. Hơn nữa, một người lương thiện thì thanh liêm và không gian lận ai. Những người lương thiện góp phần tạo một bầu không khí tín nhiệm và tin cậy, dẫn đến những tinh thần lành mạnh và xây dựng những mối quan hệ vững chắc giữa người với người.

Người lương thiện có hạnh phúc không? Họ có lý do để được hạnh phúc. Bất kể nạn tham nhũng và gian lận thịnh hành khắp nơi—hoặc có lẽ vì cớ đó—những người lương thiện thường được người khác thán phục. Theo một cuộc thăm dò giữa giới trẻ, lương thiện là một đức tính được 70 phần trăm những người được phỏng vấn đánh giá cao. Hơn nữa, bất luận ở tuổi tác nào, tính lương thiện cũng là điều kiện tiên quyết mà chúng ta đòi hỏi nơi bạn bè.

Christine đã được dạy trộm cắp từ lúc lên 12. Trải qua năm tháng, cô đã trở thành tay móc túi thiện nghệ. Cô giải thích: “Có những bữa tôi đem về nhà tới 5.000 Mác Đức [$2.200, Mỹ kim] tiền mặt”. Nhưng Christine đã bị bắt nhiều lần, và cô sống trong nỗi nơm nớp lo sợ bị đi tù. Khi Nhân Chứng Giê-hô-va giải thích cho cô hiểu Kinh Thánh nói gì về tính lương thiện, Christine được thu hút bởi tiêu chuẩn đạo đức trong Kinh Thánh. Cô học vâng theo lời khuyên: “Kẻ vốn hay trộm-cắp chớ trộm-cắp nữa”.—Ê-phê-sô 4:28.

Khi Christine làm báp têm để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, cô đã không còn là một kẻ trộm nữa. Cô cố gắng sống lương thiện trong mọi sự, vì Nhân Chứng Giê-hô-va nhấn mạnh nhiều đến tính lương thiện và những đặc tính khác của đạo Đấng Christ. Nhật báo Lausitzer Rundschau tường thuật: “Những giá trị đạo đức như tính lương thiện, điều độ và tình yêu thương người lân cận rất được xem trọng trong tín ngưỡng của các Nhân Chứng”. Cô Christine cảm thấy thế nào về sự thay đổi trong đời sống cô? “Giờ tôi đã thôi trộm cắp nên cảm thấy sung sướng hơn nhiều. Tôi cảm thấy mình là người đàng hoàng trong xã hội”.

Cả xã hội đều có lợi

Không những những người chung thủy với người hôn phối và những người lương thiện thấy mình hạnh phúc hơn mà lại còn hữu ích cho xã hội nói chung nữa. Chủ nhân chuộng nhân công không gian lận. Tất cả chúng ta thích những láng giềng đáng tín nhiệm và thích mua sắm trong những cửa hiệu của những doanh nhân ngay thẳng. Chẳng phải chúng ta kính trọng những chính khách, cảnh sát viên và thẩm phán xa lánh tham nhũng đó ư? Cộng đồng được lợi nhiều khi những người sống trong đó lấy sự lương thiện làm phương châm xử thế, chứ không phải chỉ làm thế khi có lợi.

Hơn nữa, những người hôn phối chung thủy là nền tảng cho gia đình vững chắc. Và hầu hết người ta hẳn là đồng ý với vị chính khách Âu Châu đã tuyên bố: “Cho đến tận ngày nay, gia đình [truyền thống] vẫn là nơi quan trọng nhất cho người ta sự an toàn và mục đích”. Đơn vị gia đình đầm ấm là nơi cho người lớn và trẻ con có cơ hội tốt nhất để cảm thấy an toàn về cảm xúc. Vậy những người chung thủy với người hôn phối giúp tạo dựng một xã hội bền vững.

Hãy nghĩ đến việc mọi người có lợi biết bao nếu không có ai bị người hôn phối ruồng bỏ, không có tòa án ly dị hoặc những lời phán quyết ai phải nuôi con. Và nói sao nếu không còn những kẻ móc túi, những tên trộm vặt hàng hóa ở các cửa hiệu, những kẻ biển thủ, những quan chức tham nhũng hoặc những nhà khoa học lừa bịp? Phải chăng điều đó nghe như chỉ là chuyện mộng tưởng? Không mộng tưởng đối với những ai chú ý đến Kinh Thánh và những gì Kinh Thánh nói về tương lai của chúng ta. Lời Đức Chúa Trời hứa rằng Nước Trời do Đấng Mê-si của Đức Giê-hô-va chẳng bao lâu nữa sẽ cai trị toàn bộ xã hội loài người trên đất. Dưới Nước ấy tất cả thần dân sẽ được dạy sống phù hợp với đạo đức của Kinh Thánh. Vào thời ấy, “người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời”.—Thi-thiên 37:29.

Đạo đức của Kinh Thánh là tốt nhất

Hàng triệu người đã xem xét kỹ Kinh Thánh hiểu ra rằng lời khuyên của Kinh Thánh dựa trên sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, vốn cao siêu hơn tư tưởng của loài người. Những người ấy xem Kinh Thánh là đáng tin cậy và thích hợp cho đời sống trong thế giới thời nay. Họ biết rằng việc nghe theo sự khuyên dạy trong Lời Đức Chúa Trời có lợi nhất cho họ.

Bởi vậy những người ấy chú tâm đến lời khuyên của Kinh Thánh: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con.” (Châm-ngôn 3:5, 6) Làm như thế, họ cải thiện đời sống của họ rất nhiều, họ cũng giúp ích cho những người chung quanh. Và họ phát triển niềm tin vững chắc nơi “đời sau” khi toàn thể nhân loại noi theo đạo đức của Kinh Thánh.—1 Ti-mô-thê 4:8.

[Chú thích]

^ đ. 11 Tên trong bài này đã được đổi.

[Câu nổi bật nơi trang 5]

Khi hôn nhân gặp bão táp, sống theo tiêu chuẩn Kinh Thánh thường có thể giữ vững hôn nhân và lèo lái nó đến vùng nước phẳng lặng hơn

[Câu nổi bật nơi trang 6]

Bất kể sự tham nhũng và gian lận thịnh hành khắp nơi—hoặc có lẽ vì cớ đó–những người lương thiện thường được người khác thán phục