Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự thanh sạch về đạo đức theo quan điểm của Đức Chúa Trời

Sự thanh sạch về đạo đức theo quan điểm của Đức Chúa Trời

Sự thanh sạch về đạo đức theo quan điểm của Đức Chúa Trời

“Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích, và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi”.—Ê-SAI 48:17.

1, 2. (a) Người ta nói chung nghĩ sao về đạo đức tính dục? (b) Tín đồ Đấng Christ có quan điểm nào về đạo đức tính dục?

NGÀY NAY, tại nhiều nơi trên trái đất, hạnh kiểm được xem là vấn đề cá nhân. Người ta xem quan hệ tính dục là một cách bình thường để tỏ tình yêu và có thể được thực hiện bất cứ khi nào họ muốn, chứ không phải chỉ nên được giới hạn trong khuôn khổ hôn nhân. Họ cho rằng chẳng có gì là sai khi mỗi người tự quyết định lấy cách cư xử của mình miễn là không ai bị tổn thương. Theo họ, người ta không nên bị đoán xét về những vấn đề đạo đức, đặc biệt là về tính dục.

2 Những người đã học biết về Đức Giê-hô-va có một quan điểm khác. Họ vui mừng làm theo sự hướng dẫn của Kinh Thánh vì họ yêu mến Đức Giê-hô-va và muốn làm vui lòng Ngài. Họ ý thức rằng Đức Giê-hô-va yêu họ và những hướng dẫn của Ngài là nhằm đem lại lợi ích và hạnh phúc cho họ. (Ê-sai 48:17) Vì Đức Chúa Trời là Nguồn sự sống nên hợp lý là họ nên quay về Ngài để được hướng dẫn về cách sử dụng thân thể mình, đặc biệt là trong một vấn đề có liên hệ mật thiết tới việc truyền sự sống.

Một sự ban cho của Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương

3. Nhiều người trong các đạo tự xưng theo Đấng Christ được dạy gì về quan hệ tính dục, và điều đó trái ngược như thế nào với những sự dạy dỗ trong Kinh Thánh?

3 Trái với thế gian ngày nay, một số đạo tự xưng theo Đấng Christ dạy rằng quan hệ tính dục là tội lỗi và đáng xấu hổ, và “tội tổ tông” ở trong vườn Ê-đen là do Ê-va đã quyến rũ A-đam. Quan điểm đó trái với những gì được soi dẫn trong Kinh Thánh. Lời tường thuật của Kinh Thánh gọi cặp vợ chồng nhân loại đầu tiên là “A-đam và vợ”. (Sáng-thế Ký 2:25) Đức Chúa Trời bảo họ hãy sinh con cái, Ngài nói: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất”. (Sáng-thế Ký 1:28) Sẽ hết sức vô lý nếu Đức Chúa Trời ra lệnh cho A-đam và Ê-va sinh sản con cái, rồi sau đó lại trừng phạt họ vì đã làm theo chỉ thị đó.—Thi-thiên 19:8.

4. Tại sao Đức Chúa Trời ban cho loài người khả năng sinh dục?

4 Qua mệnh lệnh được ban cho cặp vợ chồng đầu tiên, và sau này được lặp lại với Nô-ê và các con trai ông, chúng ta hiểu mục đích chính của quan hệ tính dục: đó là để sinh sản con cái. (Sáng-thế Ký 9:1) Tuy nhiên, Lời Đức Chúa Trời cho thấy các tôi tớ đã kết hôn của Ngài không bắt buộc phải giới hạn quan hệ tính dục chỉ trong nỗ lực để có con cái. Những quan hệ đó có thể thỏa mãn một cách chính đáng những nhu cầu tình cảm và thể chất và là một nguồn khoái lạc của một cặp vợ chồng. Đó là một cách để họ tỏ tình yêu sâu xa cho nhau.—Sáng-thế Ký 26:8, 9; Châm-ngôn 5:18, 19; 1 Cô-rinh-tô 7:3-5.

Những giới hạn do Đức Chúa Trời định

5. Đức Chúa Trời đã đặt ra những giới hạn nào trong sinh hoạt tính dục của con người?

5 Mặc dù khả năng sinh dục là một sự ban cho của Đức Chúa Trời, người ta không được phép dùng nó một cách vô độ. Nguyên tắc này được áp dụng ngay cả trong khuôn khổ hôn nhân. (Ê-phê-sô 5:28-30; 1 Phi-e-rơ 3:1, 7) Ngoài khuôn khổ hôn nhân, quan hệ tính dục bị nghiêm cấm. Kinh Thánh nói rất cụ thể về vấn đề này. Trong Luật Pháp mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên có ghi rằng: “Ngươi không được ngoại tình”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:14, Tòa Tổng Giám Mục) Sau này, Chúa Giê-su nói “tà dâm” và “ngoại tình” nằm trong số “những ý định xấu” xuất phát từ trong lòng và làm ô uế người. (Mác 7:21, 22, TTGM) Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để khuyên tín đồ Đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô: “Hãy tránh sự dâm-dục”. (1 Cô-rinh-tô 6:18) Và trong lá thư gửi cho người Hê-bơ-rơ, Phao-lô viết: “Mọi người phải kính-trọng sự hôn-nhân, chốn quê-phòng chớ có ô-uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán-phạt kẻ dâm-dục cùng kẻ phạm tội ngoại-tình”.—Hê-bơ-rơ 13:4.

6. Trong Kinh Thánh, từ “tà dâm” bao hàm những gì?

6 Từ “tà dâm” có ý nghĩa gì? Nó đến từ chữ Hy Lạp por·neiʹa, đôi khi được sử dụng để nói về quan hệ tính dục giữa những người chưa kết hôn. (1 Cô-rinh-tô 6:9, 10) Ở những chỗ khác, chẳng hạn như Ma-thi-ơ 5:32 và Ma-thi-ơ 19:9, từ này được dùng với ý nghĩa rộng hơn, ám chỉ cả sự ngoại tình, loạn luân, hoặc hành dâm với thú vật. Những thực hành tính dục khác giữa những người chưa kết hôn, chẳng hạn như giao hợp qua đường miệng hoặc hậu môn và kích thích cơ quan sinh dục của người khác, cũng có thể bị xem là por·neiʹa. Tất cả những thực hành đó đều bị Lời Đức Chúa Trời lên án một cách rõ ràng hay ngụ ý.—Lê-vi Ký 20:10, 13, 15, 16; Rô-ma 1:24, 26, 27, 32. *

Được lợi ích nhờ những luật pháp về đạo đức của Đức Chúa Trời

7. Chúng ta được lợi ích thế nào khi giữ mình thanh sạch về đạo đức?

7 Vâng theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va về đạo đức tính dục có thể là một thử thách cho loài người bất toàn. Ông Maimonides, triết gia Do Thái nổi tiếng vào thế kỷ 12, đã viết: “Trong toàn bộ kinh Torah [Luật Pháp Môi-se], không có điều cấm kỵ nào khó giữ cho bằng điều cấm giao hợp bất chính và quan hệ tình dục trái phép”. Nhưng nếu chúng ta vâng theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, chúng ta được nhiều lợi ích. (Ê-sai 48:18) Chẳng hạn, sự vâng lời trong vấn đề này giúp bảo vệ chúng ta khỏi những bệnh lây qua đường sinh dục, trong đó có một số bệnh không thể chữa được và có thể dẫn đến tử vong. * Chúng ta được bảo vệ khỏi việc có chửa hoang. Áp dụng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời cũng góp phần giúp chúng ta có một lương tâm trong sạch. Làm thế giúp chúng ta có thêm lòng tự trọng và sự tôn trọng của những người khác, trong đó có bà con, người hôn phối, con cái và những anh em tín đồ Đấng Christ. Nó cũng giúp chúng ta phát triển một thái độ lành mạnh, tích cực đối với tính dục, là điều sẽ góp phần gia thêm hạnh phúc hôn nhân. Một chị tín đồ Đấng Christ viết: “Lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời là sự bảo vệ tốt nhất. Tôi chờ đến khi kết hôn, và đến lúc đó tôi sẽ tự hào nói với anh cùng đạo mà tôi sẽ lấy rằng tôi vẫn trong trắng”.

8. Bằng cách nào hạnh kiểm thanh sạch của chúng ta có thể đẩy mạnh sự thờ phượng thanh sạch?

8 Bằng cách duy trì hạnh kiểm thanh sạch, chúng ta còn có thể đáp lại những sự hiểu lầm về sự thờ phượng thật và thu hút người ta đến với Đức Chúa Trời mà chúng ta thờ phượng. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Phải [“tiếp tục”, NW] ăn-ở ngay-lành giữa dân ngoại, hầu cho họ, là kẻ vẫn gièm-chê anh em như người gian-ác, đã thấy việc lành anh em, thì đến ngày Chúa thăm-viếng, họ ngợi-khen Đức Chúa Trời”. (1 Phi-e-rơ 2:12) Ngay dù những người không phụng sự Đức Giê-hô-va không nhìn nhận hoặc tán thưởng hạnh kiểm thanh sạch của chúng ta, chúng ta có thể tin chắc rằng Cha chúng ta ở trên trời nhìn thấy, tán thành, và thậm chí còn vui mừng trước những nỗ lực của chúng ta hầu làm theo sự hướng dẫn của Ngài.—Châm-ngôn 27:11; Hê-bơ-rơ 4:13.

9. Tại sao chúng ta nên tin tưởng nơi sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời ngay dù chúng ta không thể hiểu hết nguyên do? Hãy minh họa.

9 Đức tin nơi Đức Chúa Trời bao hàm việc tin tưởng rằng Ngài biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta, ngay dù chúng ta không hiểu hết được nguyên do của những sự hướng dẫn của Ngài. Hãy xem một ví dụ trong Luật Pháp Môi-se. Một điều luật về việc hạ trại quân đòi hỏi phẩn phải được chôn bên ngoài trại quân. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:13, 14) Có lẽ dân Y-sơ-ra-ên đã tự hỏi tại sao lại có chỉ thị đó; một số có thể đã nghĩ điều đó là không cần thiết. Tuy nhiên, sau này y khoa đã nhận ra rằng luật đó đã giúp giữ cho các nguồn nước khỏi bị ô nhiễm và bảo vệ dân chúng tránh khỏi nhiều bệnh tật do côn trùng gây ra. Cũng vậy, Đức Chúa Trời có nhiều lý do về thiêng liêng, xã hội, tình cảm, thể chất và tâm lý để giới hạn quan hệ tính dục trong khuôn khổ hôn nhân. Bây giờ chúng ta hãy xem một số gương mẫu của những người đã duy trì được sự thanh sạch về đạo đức trong Kinh Thánh.

Giô-sép—Được ban phước nhờ hạnh kiểm của mình

10. Ai đã tìm cách quyến rũ Giô-sép, và ông đã phản ứng ra sao?

10 Có lẽ bạn rất quen thuộc với gương mẫu của Giô-sép, con trai Gia-cốp, trong Kinh Thánh. Lúc 17 tuổi, Giô-sép làm nô lệ cho Phô-ti-pha, quan thị vệ của vua Ai Cập. Đức Giê-hô-va ban phước cho Giô-sép và với thời gian ông được giao cho cai quản cả nhà Phô-ti-pha. Đến khi hơn 20 tuổi, Giô-sép trở nên có “hình-dung đẹp-đẽ, mặt-mày tốt-tươi”. Vợ Phô-ti-pha bắt đầu chú ý đến ông và tìm cách quyến rũ ông. Giô-sép bày tỏ rõ lập trường của mình, giải thích rằng ưng thuận làm điều đó không chỉ có nghĩa là bất trung với chủ mà còn “phạm tội cùng Đức Chúa Trời”. Tại sao Giô-sép đã lý luận như thế?—Sáng-thế Ký 39:1-9.

11, 12. Mặc dù chưa có luật pháp thành văn của Đức Chúa Trời nghiêm cấm việc phạm tội tà dâm và ngoại tình, tại sao Giô-sép chắc hẳn đã lý luận theo cách ông đã làm?

11 Hiển nhiên, quyết định của Giô-sép không phải là do ông sợ bị người ta biết. Gia đình Giô-sép sống rất xa, còn cha ông thì tưởng rằng ông đã chết. Nếu Giô-sép có phạm tội vô luân, gia đình ông cũng chẳng bao giờ biết được. Ông cũng có thể giấu tội lỗi đó không để Phô-ti-pha và những người hầu nam trong nhà biết vì nhiều khi họ không có ở nhà. (Sáng-thế Ký 39:11) Tuy nhiên, Giô-sép biết rằng không thể giấu Đức Chúa Trời hạnh kiểm đó.

12 Giô-sép hẳn đã lý luận dựa trên những gì ông biết về Đức Giê-hô-va. Chắc chắn ông đã biết lời tuyên bố của Đức Giê-hô-va trong vườn Ê-đen: “Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính-díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt”. (Sáng-thế Ký 2:24) Hơn nữa, Giô-sép có lẽ cũng biết những điều Đức Giê-hô-va đã nói với vị vua Phi-li-tin, người định quyến rũ bà cố ông, bà Sa-ra. Đức Giê-hô-va đã nói với vị vua đó: “Nầy, ngươi sẽ chết bởi cớ người đàn-bà mà ngươi đã bắt đến; vì nàng có chồng rồi... Ta mới ngăn-trở ngươi phạm tội cùng ta, và không cho động đến người đó”. (Sáng-thế Ký 20:3, 6, chúng tôi viết nghiêng). Như vậy, mặc dù Đức Giê-hô-va chưa ban hành luật pháp thành văn, nhưng cảm nghĩ của Ngài về hôn nhân là rõ ràng. Ý thức đạo đức của Giô-sép cùng với lòng mong muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va đã khiến ông từ chối phạm tội vô luân.

13. Có lẽ vì lý do nào mà Giô-sép không thể tránh mặt vợ Phô-ti-pha?

13 Tuy nhiên, vợ Phô-ti-pha vẫn không bỏ cuộc, “ngày ngày” nài nỉ ông nằm cùng bà. Tại sao Giô-sép không đơn giản tránh bà đi? Là một nô lệ, ông có những nhiệm vụ phải chu toàn và hầu như không thể làm gì được để thay đổi hoàn cảnh của mình. Bằng chứng khảo cổ cho thấy nhà của người Ai Cập được thiết kế theo kiểu phải đi qua gian chính mới đến được nhà kho. Vì vậy, có lẽ Giô-sép không thể tránh mặt vợ Phô-ti-pha được.—Sáng-thế Ký 39:10, TTGM.

14. (a) Điều gì đã xảy ra cho Giô-sép sau khi ông thoát khỏi vợ Phô-ti-pha? (b) Đức Giê-hô-va đã ban phước cho lòng trung thành của Giô-sép như thế nào?

14 Một ngày nọ chỉ có hai người ở trong nhà. Vợ Phô-ti-pha nắm lấy Giô-sép và kêu lên: “Hãy nằm cùng ta!” Ông bỏ chạy. Tức giận vì bị từ chối, bà vu cáo ông tội cưỡng hiếp. Hậu quả là gì? Đức Giê-hô-va có ban thưởng ngay cho lòng trung kiên của ông không? Không. Giô-sép bị bỏ tù và phải chịu xiềng xích. (Sáng-thế Ký 39:12-20; Thi-thiên 105:18) Đức Giê-hô-va nhìn thấy sự bất công và cuối cùng đã giải thoát ông khỏi tù để sống trong dinh thự. Ông trở thành nhân vật quyền lực đứng hàng thứ nhì ở Ai Cập và được ban cho một người vợ và con cái. (Sáng-thế Ký 41:14, 15, 39-45, 50-52) Ngoài ra, câu chuyện về lòng trung kiên của Giô-sép còn được ghi lại cách đây hơn 3.500 năm cho các tôi tớ Đức Chúa Trời từ bấy đến nay xem xét. Trung thành với những luật pháp công bình của Đức Chúa Trời đem lại những ân phước thật tuyệt diệu thay! Ngày nay cũng vậy, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể thấy ngay được lợi ích của việc duy trì sự thanh sạch về đạo đức, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va nhìn thấy điều đó và sẽ ban phước cho chúng ta đúng lúc.—2 Sử-ký 16:9.

‘Giao ước của Gióp với mắt mình’

15. ‘Giao ước của Gióp với mắt mình’ là gì?

15 Một người khác đã giữ lòng trung kiên là Gióp. Trong suốt thời gian bị Ma-quỉ thử thách, Gióp đã kiểm điểm lại đời sống của mình và tuyên bố ông sẵn sàng chịu hình phạt nghiêm khắc nếu như đã vi phạm, trong số nhiều điều khác, nguyên tắc của Đức Giê-hô-va về đạo đức tính dục. Gióp nói: “Tôi đã có lập ước với mắt tôi; vậy, làm sao tôi còn dám nhìn người nữ đồng-trinh?” (Gióp 31:1) Qua câu này, Gióp có ý muốn nói rằng với lòng cương quyết giữ sự trung kiên với Đức Chúa Trời, ông đã dứt khoát tránh cả việc nhìn ngắm một phụ nữ với lòng ham muốn. Dĩ nhiên, ông thường gặp phụ nữ trong đời sống hàng ngày và có lẽ đã giúp đỡ họ khi họ cần. Nhưng ông không cho phép mình nhìn một người nào với ý nghĩ theo đuổi những mục đích lãng mạn. Trước khi bị thử thách, ông là một người rất giàu có, “lớn hơn hết trong cả dân Đông-phương”. (Gióp 1:3) Tuy nhiên, ông đã không dùng sức mạnh vật chất để quyến rũ nhiều người phụ nữ. Rõ ràng ông đã không bao giờ đùa với ý tưởng được thỏa mãn tình dục bất chính với những phụ nữ trẻ hơn.

16. (a) Tại sao Gióp là một gương mẫu tốt cho các tín đồ Đấng Christ đã kết hôn? (b) Hành vi của những người đàn ông sống vào thời Ma-la-chi khác xa thế nào với Gióp, và ngày nay thì sao?

16 Như vậy, trong lúc thuận tiện cũng như khó khăn, Gióp đã tỏ ra thanh sạch về đạo đức. Đức Giê-hô-va đã quan sát thấy điều đó và ban phước cho ông dồi dào. (Gióp 1:10; 42:12) Gióp đã để lại một gương mẫu thật tốt lành biết bao cho các tín đồ Đấng Christ đã kết hôn, cả nam lẫn nữ! Không lạ gì Đức Giê-hô-va yêu mến ông đến thế! Trái lại, hành vi của nhiều người ngày nay giống những điều đã xảy ra vào thời Ma-la-chi hơn. Nhà tiên tri này đã công khai chỉ trích việc nhiều người chồng bỏ vợ, thường là để cưới những phụ nữ trẻ hơn. Bàn thờ Đức Giê-hô-va đầy những nước mắt của những người vợ bị bỏ, và Đức Chúa Trời lên án những kẻ đã “đãi [vợ] cách phỉnh-dối” như thế.—Ma-la-chi 2:13-16.

Một phụ nữ trẻ trong trắng

17. Nàng Su-la-mít giống một khu “vườn đóng kín” như thế nào?

17 Người thứ ba giữ được lòng trung kiên là nàng Su-la-mít. Trẻ và đẹp, nàng không chỉ chiếm được lòng yêu mến của chàng chăn chiên mà của cả vị vua giàu có của Y-sơ-ra-ên, Sa-lô-môn. Trong suốt câu chuyện tình đẹp được ghi lại trong sách Nhã-ca, nàng Su-la-mít đã giữ được sự trong trắng, và vì vậy được nhiều người xung quanh kính trọng. Sa-lô-môn, mặc dù bị nàng khước từ, đã được soi dẫn để ghi lại câu chuyện của nàng. Chàng chăn chiên mà nàng yêu mến cũng kính trọng hạnh kiểm trong trắng của nàng. Có lúc chàng đã nghĩ về nàng Su-la-mít giống như một khu “vườn đóng kín”. (Nhã-ca 4:12) Trong nước Y-sơ-ra-ên xưa, những khu vườn đẹp có rất nhiều loại cây rau quả đẹp mắt, bông hoa thơm ngát và những cây to cao ngất. Những khu vườn như thế thường được rào hoặc xây tường kín lại và chỉ có thể vào được qua một cánh cổng có khóa. (Ê-sai 5:5) Đối với chàng chăn chiên, sự tinh sạch về đạo đức và kiều diễm của nàng Su-la-mít giống như khu vườn đẹp hiếm thấy đó. Nàng hoàn toàn trong trắng. Sự trìu mến dịu ngọt của nàng sẽ chỉ dành cho chồng tương lai của nàng mà thôi.

18. Câu chuyện về Giô-sép, Gióp và nàng Su-la-mít nhắc nhở chúng ta điều gì?

18 Nàng Su-la-mít nêu một gương mẫu xuất sắc về sự thanh sạch về đạo đức cho các nữ tín đồ Đấng Christ ngày nay. Đức Giê-hô-va đã nhìn thấy và quí trọng đức hạnh của nàng Su-la-mít và ban phước cho nàng cũng như Ngài đã ban phước cho Giô-sép và Gióp. Những hành động trung kiên của họ được ghi lại trong Lời Đức Chúa Trời để hướng dẫn chúng ta. Mặc dù những nỗ lực của chúng ta để giữ lòng trung thành ngày nay không được ghi lại trong Kinh Thánh, nhưng Đức Giê-hô-va có “một sách để ghi-nhớ” những người nỗ lực làm theo ý muốn Ngài. Chúng ta chớ bao giờ quên rằng Đức Giê-hô-va đang “để ý” và vui mừng khi chúng ta trung thành cố gắng giữ sự thanh sạch về đạo đức.—Ma-la-chi 3:16.

19. (a) Chúng ta nên nghĩ thế nào về sự thanh sạch về đạo đức? (b) Bài tới sẽ thảo luận vấn đề gì?

19 Dù những người không có đức tin có thể gièm chê, chúng ta vui mừng vâng lời Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương của chúng ta. Chúng ta có tiêu chuẩn đạo đức cao hơn, tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời. Đó là điều chúng ta nên tự hào, nên trân trọng gìn giữ. Bằng cách tiếp tục duy trì lập trường thanh sạch về đạo đức, chúng ta có thể vui hưởng ân phước của Đức Chúa Trời và giữ được niềm hy vọng tươi sáng về những ân phước đời đời trong tương lai. Nhưng trong thực tế, làm sao chúng ta có thể giữ mình thanh sạch về đạo đức? Bài tới sẽ thảo luận câu hỏi quan trọng này.

[Chú thích]

^ đ. 6 Xin xem Tháp Canh (Anh ngữ) số ra ngày 15-3-1983, trang 29-31.

^ đ. 7 Đáng buồn thay, có những trường hợp người tín đồ Đấng Christ vô tội bị mắc phải bệnh lây qua đường sinh dục do người hôn phối không tin đạo đã không làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời.

Bạn có thể giải thích không?

• Kinh Thánh dạy gì về quan hệ tính dục?

• Từ “tà dâm” trong Kinh Thánh bao hàm những gì?

• Chúng ta được lợi ích thế nào nhờ giữ mình thanh sạch về đạo đức?

• Vì sao Giô-sép, Gióp và nàng Su-la-mít là những gương mẫu tốt cho tín đồ Đấng Christ ngày nay?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 9]

Giô-sép bỏ chạy khỏi sự vô luân

[Hình nơi trang 10]

Nàng Su-la-mít giống như một khu “vườn đóng kín”

[Hình nơi trang 11]

Gióp đã lập ‘giao ước với mắt mình’