Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ai là người truyền giáo của Đức Chúa Trời ngày nay?

Ai là người truyền giáo của Đức Chúa Trời ngày nay?

Ai là người truyền giáo của Đức Chúa Trời ngày nay?

“Tư cách của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời, là Đấng đã khiến chúng tôi có đủ tư cách để làm người hầu việc của giao ước mới”.—2 CÔ-RINH-TÔ 3:5, 6, NW.

1, 2. Tất cả tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã có chung trách nhiệm nào, nhưng mọi việc đã thay đổi ra sao?

VÀO thế kỷ thứ nhất Công Nguyên, tất cả tín đồ Đấng Christ đều có chung một trách nhiệm quan trọng—nhiệm vụ truyền giảng tin mừng. Tất cả họ đều là người xức dầu và người hầu việc của giao ước mới. Một số người có thêm những trách nhiệm khác, như dạy dỗ trong hội thánh. (1 Cô-rinh-tô 12:27-29; Ê-phê-sô 4:11) Các bậc cha mẹ có những nghĩa vụ quan trọng đối với gia đình. (Cô-lô-se 3:18-21) Nhưng tất cả đều tham gia vào công việc căn bản và thiết yếu: truyền giảng. Trong bản gốc phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, trách nhiệm này được gọi là di·a·ko·niʹa, có nghĩa là sự phục vụ hay hầu việc.—Cô-lô-se 4:17, NW.

2 Thời gian trôi qua và mọi việc đã thay đổi. Một tầng lớp hàng giáo phẩm đã phát triển và dành riêng cho mình đặc ân truyền giảng. (Công-vụ 20:30) Hàng giáo phẩm chỉ gồm một thiểu số rất ít trong số những tín đồ tự xưng theo Đấng Christ. Số đông còn lại được gọi là giáo dân. Mặc dù giáo dân được dạy rằng họ có một số bổn phận, trong đó có nghĩa vụ đóng góp để chu cấp cho hàng giáo phẩm, nhưng phần lớn họ đã trở nên những người nghe thụ động chứ không còn tích cực truyền giảng nữa.

3, 4. (a) Làm sao một cá nhân trong các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ trở thành nhà truyền giáo? (b) Ai được xem là người truyền giáo trong các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ, và tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va theo cách khác?

3 Hàng giáo phẩm xưng mình là những nhà truyền giáo (được dịch từ chữ Hy Lạp di·aʹko·nos, có nghĩa là “người hầu việc”). Để trở thành nhà truyền giáo, họ phải tốt nghiệp các trường đào tạo đặc biệt hoặc các khóa thần học và được phong chức. Cuốn The International Standard Bible Encyclopedia nói: “Các từ ‘phong chức’ và ‘phép phong chức’ thường được dùng để chỉ địa vị đặc biệt được ban cho các mục sư hay linh mục sau một nghi lễ chính thức. Cùng với địa vị này, họ có một đặc quyền là được giảng Lời hoặc thực hiện các thánh lễ, hay cả hai”. Ai phong chức cho các nhà truyền giáo? Cuốn The New Encyclopædia Britannica nói: “Trong các giáo hội theo chế độ giám mục, người phong chức luôn luôn là một giám mục. Trong giáo hội Trưởng Lão, phép phong chức được các trưởng lão thực hiện”.

4 Như vậy, trong các giáo hội tự xưng theo Đấng Christ, đặc ân làm người truyền giáo rất hạn chế. Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp của Nhân Chứng Giê-hô-va. Tại sao không? Bởi vì hội thánh tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã không theo cách đó.

Ai mới thật sự là người hầu việc Đức Chúa Trời bằng công việc truyền giáo?

5. Theo Kinh Thánh, người hầu việc bao gồm những ai?

5 Theo Kinh Thánh, tất cả những người thờ phượng Đức Giê-hô-va—cả trên trời lẫn dưới đất—đều là những người hầu việc. (Ma-thi-ơ 4:11; 26:53; Lu-ca 22:43) Thiên sứ cũng “giúp việc những người sẽ hưởng cơ-nghiệp cứu-rỗi”. (Hê-bơ-rơ 1:14; Ma-thi-ơ 18:10) Chúa Giê-su cũng là một người hầu việc. Ngài nói: “Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta”. (Ma-thi-ơ 20:28; Rô-ma 15:8) Vậy, vì các môn đồ của Chúa Giê-su phải “noi dấu chân Ngài”, nên không lạ gì khi họ cũng phải là những người hầu việc.—1 Phi-e-rơ 2:21.

6. Chúa Giê-su đã nói gì cho thấy môn đồ ngài phải là những người truyền giáo?

6 Khi sắp sửa lên trời, Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Hãy đi dìu dắt tất cả các dân tộc làm môn đệ ta, làm báp-têm cho họ nhân danh Cha, Con và thánh linh, và dạy họ vâng giữ mọi mệnh lệnh ta!” (Ma-thi-ơ 28:19, 20, Bản Diễn Ý) Môn đồ Chúa Giê-su phải là những người đào tạo môn đồ—tức người truyền giáo. Những môn đồ mới phải học vâng giữ mọi mệnh lệnh của Chúa Giê-su, kể cả mệnh lệnh đi đào tạo môn đồ. Dù là đàn ông hay đàn bà, người lớn hay trẻ em, một môn đồ thật của Chúa Giê-su Christ phải là một người truyền giáo.—Giô-ên 2:28, 29.

7, 8. (a) Những câu Kinh Thánh nào cho thấy tất cả tín đồ thật của Đấng Christ đều là người truyền giáo? (b) Những câu hỏi nào về sự phong chức được nêu lên?

7 Hòa hợp với điều này, tất cả môn đồ của Chúa Giê-su có mặt vào dịp Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, đàn ông lẫn đàn bà, đã cùng nhau truyền ra “sự cao-trọng của Đức Chúa Trời”. (Công-vụ 2:1-11) Ngoài ra, sứ đồ Phao-lô đã viết: “Tin bởi trong lòng mà được sự công-bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu-rỗi”. (Rô-ma 10:10) Phao-lô đã không nói những lời đó với một tầng lớp hàng giáo phẩm giới hạn, mà là “cho hết thảy những người yêu-dấu của Đức Chúa Trời tại thành Rô-ma”. (Rô-ma 1:1, 7) Tương tự như thế, tất cả ‘thánh-đồ ở thành Ê-phê-sô và những kẻ trung-tín trong Đức Chúa Jêsus-Christ’ đều phải “dùng sự sẵn-sàng của Tin-lành bình-an mà làm giày-dép”. (Ê-phê-sô 1:1; 6:15) Và hết thảy những người đã nghe đọc lá thư viết cho người Hê-bơ-rơ đều phải ‘cầm-giữ sự làm chứng về điều trông-cậy của họ chẳng chuyển-lay’.—Hê-bơ-rơ 10:23.

8 Thế thì khi nào một người trở thành người truyền giáo? Nói cách khác, khi nào một người được phong chức? Và ai là người phong chức?

Được phong chức làm người truyền giáo—Khi nào?

9. Chúa Giê-su được phong chức khi nào, và bởi ai?

9 Để biết một người được phong chức khi nào và bởi ai, chúng ta hãy xem trường hợp Chúa Giê-su Christ. Ngài không hề có một chứng chỉ được phong chức hay một bằng cấp thần học nào để chứng tỏ ngài là người truyền giáo, và ngài cũng không được phong chức bởi một người nào. Vậy làm sao chúng ta có thể nói được rằng ngài là người truyền giáo? Vì những lời được soi dẫn của Ê-sai được ứng nghiệm nơi ngài: “Thần của Chúa ngự trên ta; vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền tin lành”. (Lu-ca 4:17-19; Ê-sai 61:1) Những lời đó cho thấy rõ Chúa Giê-su đã được giao nhiệm vụ rao truyền tin mừng. Bởi ai? Vì thánh linh Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ngài để làm công việc đó, hiển nhiên Chúa Giê-su đã được Giê-hô-va Đức Chúa Trời phong chức. Điều này đã xảy ra khi nào? Thánh linh Đức Giê-hô-va đã ngự xuống trên Chúa Giê-su khi ngài làm báp têm. (Lu-ca 3:21, 22) Vậy, ngài đã được phong chức chính vào lúc ngài làm báp têm.

10. Ai khiến cho một tín đồ Đấng Christ “có đủ tư cách” làm người truyền giáo?

10 Còn những môn đồ của Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất thì sao? Chức truyền giáo của họ cũng đến bởi Đức Giê-hô-va. Phao-lô nói: “Tư cách của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời, là Đấng đã khiến chúng tôi có đủ tư cách để làm người hầu việc của giao ước mới”. (2 Cô-rinh-tô 3:5, 6, NW) Làm thế nào Đức Giê-hô-va khiến cho những người thờ phượng Ngài có đủ tư cách để trở thành người truyền giáo (hay người hầu việc)? Hãy xem trường hợp của Ti-mô-thê, người được Phao-lô gọi là “tôi-tớ của Đức Chúa Trời, kẻ giúp việc đạo Tin-lành của Đấng Christ”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:2.

11, 12. Nhờ đâu Ti-mô-thê đã tiến bộ để trở thành người truyền giáo?

11 Những lời sau đã viết cho Ti-mô-thê có thể giúp chúng ta hiểu nhờ đâu ông trở thành người truyền giáo: “Về phần con, hãy đứng vững trong những sự con đã học và được thuyết phục để tin, vì biết con đã học những điều đó nơi ai, và từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin nơi Chúa Giê-su Christ”. (2 Ti-mô-thê 3:14, 15, NW) Nền tảng đức tin của Ti-mô-thê, điều đã thúc đẩy ông công khai làm chứng, là sự hiểu biết về Kinh Thánh. Có phải chỉ cần đọc Kinh Thánh cá nhân là đủ có đức tin không? Không. Ti-mô-thê đã cần được giúp đỡ để thu thập sự hiểu biết thiêng liêng chính xác về những điều ông đọc. (Cô-lô-se 1:9) Nhờ vậy, Ti-mô-thê đã “được thuyết phục để tin”. Vì ông đã biết Kinh Thánh ‘từ khi còn thơ ấu’, nên những người đầu tiên đã dạy dỗ ông chắc hẳn là mẹ và bà ngoại ông, cha ông hiển nhiên là một người không tin.—2 Ti-mô-thê 1:5.

12 Tuy nhiên, còn có những yếu tố khác nữa giúp Ti-mô-thê trở thành người truyền giáo. Trước hết, đức tin ông đã được vững mạnh nhờ kết hợp với anh em tín đồ Đấng Christ ở các hội thánh gần nhà. Làm sao chúng ta biết được điều này? Vì khi Phao-lô mới gặp Ti-mô-thê, chàng trai trẻ này đã được “anh em ở thành Lít-trơ và thành Y-cô-ni đều làm chứng tốt” cho. (Công-vụ 16:2) Ngoài ra, vào thời đó một số anh em đã viết thư đến các hội thánh để khuyến khích họ. Các giám thị cũng viếng thăm họ để khích lệ. Những sự cung cấp đó đã giúp những tín đồ Đấng Christ như Ti-mô-thê tiến bộ về thiêng liêng.—Công-vụ 15:22-32; 1 Phi-e-rơ 1:1.

13. Ti-mô-thê được phong chức làm người truyền giáo khi nào, và tại sao bạn có thể nói rằng sự tiến bộ thiêng liêng của ông không dừng lại tại đó?

13 Khi xem xét mệnh lệnh của Chúa Giê-su được ghi lại nơi Ma-thi-ơ 28:19, 20, chúng ta có thể chắc chắn rằng đến một lúc nào đó đức tin của Ti-mô-thê đã thúc đẩy ông bắt chước Chúa Giê-su và làm báp têm. (Ma-thi-ơ 3:15-17; Hê-bơ-rơ 10:5-9) Điều đó biểu hiệu cho việc Ti-mô-thê dâng hết mình cho Đức Chúa Trời. Khi làm báp têm, Ti-mô-thê trở thành người truyền giáo. Kể từ lúc đó, cuộc sống, năng lực của ông và mọi thứ ông có đều thuộc về Đức Chúa Trời. Đây là một phần thiết yếu trong sự thờ phượng của ông, “sự hầu việc thánh” (NW). Tuy nhiên, sau đó Ti-mô-thê đã không tự mãn. Ông tiếp tục lớn mạnh về thiêng liêng và trở thành một người truyền giáo tín đồ Đấng Christ thành thục. Sở dĩ được như vậy là nhờ Ti-mô-thê đã gần gũi với những tín đồ Đấng Christ thành thục như Phao-lô, học Kinh Thánh cá nhân, và sốt sắng trong hoạt động rao giảng.—1 Ti-mô-thê 4:14; 2 Ti-mô-thê 2:2; Hê-bơ-rơ 6:1.

14. Ngày nay, làm thế nào một người “có lòng hướng thiện để nhận được sự sống đời đời” có thể tiến bộ dần dần trở thành người truyền giáo?

14 Ngày nay, sự phong chức để làm thánh chức tín đồ Đấng Christ cũng xảy ra tương tự. Một người “có lòng hướng thiện để nhận được sự sống đời đời” được giúp đỡ để học biết về Đức Chúa Trời và ý định Ngài qua các cuộc học hỏi Kinh Thánh. (Công-vụ 13:48, NW) Anh tập áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh vào đời sống và cầu nguyện một cách có ý nghĩa với Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 1:1-3; Châm-ngôn 2:1-9; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17, 18) Anh kết hợp với những người đồng đức tin và cố gắng tận dụng những sự cung cấp và sắp đặt của “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. (Ma-thi-ơ 24:45-47; Châm-ngôn 13:20; Hê-bơ-rơ 10:23-25) Cứ như thế, anh tiến bộ theo một chương trình giáo dục có hệ thống.

15. Điều gì xảy ra khi một người làm báp têm? (Cũng xem cước chú.)

15 Cuối cùng, sau khi đã phát triển tình yêu thương với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và niềm tin vững chắc nơi giá chuộc, người học viên Kinh Thánh mong muốn dâng mình trọn vẹn cho Cha trên trời. (Giăng 14:1) Anh thực hiện sự dâng mình đó qua lời cầu nguyện riêng và rồi làm báp têm, một biểu hiệu để công khai hóa sự dâng mình riêng của mình. Phép báp têm là lễ phong chức của anh vì đó chính là lúc anh được công nhận là một tôi tớ, một di·aʹko·nos, đã trọn vẹn dâng mình cho Đức Chúa Trời. Anh phải tiếp tục tách khỏi thế gian. (Giăng 17:16; Gia-cơ 4:4) Anh đã dâng trọn thân mình làm “của-lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời” một cách vô điều kiện. (Rô-ma 12:1) * Anh là người truyền giáo của Đức Chúa Trời, theo gương mẫu của Đấng Christ.

Thánh chức của tín đồ Đấng Christ là gì?

16. Với tư cách là người truyền giáo, Ti-mô-thê đã đảm đương một số trách nhiệm nào?

16 Thánh chức của Ti-mô-thê bao gồm những gì? Ông từng có nhiệm vụ đặc biệt là làm bạn đồng hành với Phao-lô. Khi trở thành trưởng lão, Ti-mô-thê bỏ ra nhiều công sức để dạy dỗ và củng cố anh em tín đồ Đấng Christ. Nhưng, cũng như Chúa Giê-su và Phao-lô, trọng tâm thánh chức của ông chính là rao truyền tin mừng và đào tạo môn đồ. (Ma-thi-ơ 4:23; 1 Cô-rinh-tô 3:5) Phao-lô đã nói với Ti-mô-thê: “Nhưng con, phải có tiết-độ trong mọi sự, hãy chịu cực-khổ, làm việc của người giảng Tin-lành, mọi phận-sự về chức-vụ con phải làm cho đầy-đủ”.—2 Ti-mô-thê 4:5, chúng tôi viết nghiêng.

17, 18. (a) Tín đồ Đấng Christ tham gia vào thánh chức nào? (b) Công việc rao giảng quan trọng thế nào đối với một người truyền giáo tín đồ Đấng Christ?

17 Những người truyền giáo tín đồ Đấng Christ ngày nay cũng vậy. Họ tham gia vào thánh chức làm chứng cho công chúng, một công việc truyền giảng, để giúp người khác tìm được sự cứu rỗi dựa trên căn bản sự hy sinh của Chúa Giê-su và dạy những người hiền lành cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va. (Công-vụ 2:21; 4:10-12; Rô-ma 10:13) Họ dùng Kinh Thánh để chứng minh rằng Nước Trời là hy vọng duy nhất cho nhân loại đang đau khổ và cho thấy rằng ngay cả bây giờ mọi việc cũng sẽ trở nên tốt hơn nếu chúng ta sống theo các nguyên tắc của Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 15:1-5; Mác 13:10) Nhưng một người truyền giáo tín đồ Đấng Christ không giảng phúc âm của đời này. Thay vì thế, họ giảng rằng ‘sự tin-kính có lời hứa về đời này và về đời sau nữa’.—1 Ti-mô-thê 4:8.

18 Đành rằng đa số người truyền giáo còn phục vụ trong những lãnh vực khác nữa, mỗi người một cách. Nhiều người có nghĩa vụ gia đình. (Ê-phê-sô 5:21–6:4) Trưởng lão và tôi tớ thánh chức có những trách nhiệm trong hội thánh. (1 Ti-mô-thê 3:1, 12, 13; Tít 1:5; Hê-bơ-rơ 13:7) Nhiều tín đồ Đấng Christ giúp xây dựng Phòng Nước Trời. Một số có đặc ân tuyệt diệu được làm việc tình nguyện tại một trong các nhà Bê-tên của Hội Tháp Canh. Tuy nhiên, tất cả tín đồ Đấng Christ đều tham gia truyền giảng tin mừng. Không có ngoại lệ. Chính sự tham gia công việc này giúp một người được nhận biết là người truyền giáo tín đồ Đấng Christ thật.

Thái độ của người truyền giáo tín đồ Đấng Christ

19, 20. Những người truyền giáo tín đồ Đấng Christ phải vun trồng thái độ nào?

19 Phần lớn người truyền giáo trong các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ muốn được kính trọng đặc biệt, và họ lấy những tước hiệu như “mục sư” và “cha”. Tuy nhiên, một người truyền giáo tín đồ Đấng Christ biết rằng chỉ một mình Đức Giê-hô-va mới xứng đáng được tôn kính. (1 Ti-mô-thê 2:9, 10, NW) Không người truyền giáo tín đồ Đấng Christ nào cho mình đáng được tôn kính hơn người khác hay muốn mang những tước hiệu đặc biệt. (Ma-thi-ơ 23:8-12) Họ hiểu rằng ý nghĩa căn bản của từ di·a·ko·niʹa là “sự hầu việc”. Dạng động từ của từ này đôi khi được dùng trong Kinh Thánh để nói về những việc phục dịch, như hầu bàn. (Lu-ca 4:39; 17:8; Giăng 2:5) Ngay dù nó được dùng với ý nghĩa cao quí hơn khi nói về thánh chức của tín đồ Đấng Christ, một di·aʹko·nos vẫn là một người hầu việc.

20 Vì vậy, không một người truyền giáo tín đồ Đấng Christ nào có lý do để tự tôn. Những người truyền giáo thật của đạo Đấng Christ đều là tôi mọi khiêm nhường—ngay cả những người có trách nhiệm đặc biệt trong hội thánh. Chúa Giê-su nói: “Trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy-tớ các ngươi; còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi-mọi các ngươi”. (Ma-thi-ơ 20:26, 27) Khi chỉ cho các môn đồ thấy thái độ đúng mà họ phải vun trồng, Chúa Giê-su đã rửa chân cho họ, làm việc của người đầy tớ thấp hèn nhất. (Giăng 13:1-15) Thật là một sự phục vụ khiêm nhường! Vì vậy, những người truyền giáo tín đồ Đấng Christ cũng khiêm nhường phục vụ Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ. (2 Cô-rinh-tô 6:4; 11:23) Họ biểu lộ sự khiêm nhường trong việc phục vụ lẫn nhau. Và khi truyền giảng tin mừng, họ phục vụ những người lân cận chưa tin một cách bất vị kỷ.—Rô-ma 1:14, 15; Ê-phê-sô 3:1-7.

Nhịn nhục trong thánh chức

21. Sự nhịn nhục của Phao-lô trong thánh chức đã được ban thưởng thế nào?

21 Với Phao-lô, công việc truyền giáo đòi hỏi sự nhịn nhục. Ông nói với người Cô-lô-se rằng ông đã chịu khổ rất nhiều để giảng tin mừng cho họ. (Cô-lô-se 1:24, 25) Tuy nhiên, nhờ sự nhịn nhục của ông, nhiều người đã chấp nhận tin mừng và trở thành người truyền giáo. Họ được tái sanh làm con Đức Chúa Trời và anh em Chúa Giê-su Christ, với viễn cảnh được trở thành những tạo vật thần linh ở với ngài trên trời. Thật là một phần thưởng vẻ vang cho sự nhịn nhục!

22, 23. (a) Tại sao những người truyền giáo tín đồ Đấng Christ ngày nay cần nhịn nhục? (b) Sự nhịn nhục của tín đồ Đấng Christ đem lại những kết quả tuyệt diệu nào?

22 Ngày nay, những người truyền giáo thật của Đức Chúa Trời rất cần sự nhịn nhục. Nhiều người phải đấu tranh mỗi ngày với bệnh tật hoặc những đau đớn của tuổi già. Các bậc cha mẹ—nhiều khi đơn chiếc—phải đổ nhiều công sức để nuôi dạy con cái. Nhiều bạn trẻ đã can đảm chống lại những ảnh hưởng xấu ở trường. Nhiều tín đồ Đấng Christ phải đương đầu với sự ngặt nghèo về kinh tế. Những người khác phải chịu đựng sự bắt bớ hoặc gặp phải nhiều vấn đề vì đây là “những thời-kỳ khó-khăn”! (2 Ti-mô-thê 3:1) Thật vậy, gần sáu triệu người truyền giáo của Đức Giê-hô-va ngày nay có thể cùng nói với sứ đồ Phao-lô: “Chúng tôi làm cho mình đáng trượng trong mọi sự, như kẻ hầu việc Đức Chúa Trời, bởi lòng nhịn-nhục lắm”. (2 Cô-rinh-tô 6:4) Những người truyền giáo tín đồ Đấng Christ không bỏ cuộc. Họ thật sự xứng đáng được khen ngợi vì lòng nhịn nhục của họ.

23 Ngoài ra, như đã xảy ra cho Phao-lô, sự nhịn nhục còn đem lại nhiều kết quả tuyệt diệu. Nhờ nhịn nhục, chúng ta gìn giữ được mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va và làm Ngài vui lòng. (Châm-ngôn 27:11) Chúng ta làm vững mạnh đức tin của chính mình và đào tạo môn đồ, góp phần làm gia tăng tập thể anh em tín đồ Đấng Christ. (1 Ti-mô-thê 4:16) Đức Giê-hô-va đã gìn giữ những người truyền giáo của Ngài và ban phước cho thánh chức của họ trong những ngày sau cùng này. Kết quả là những người cuối cùng trong số 144.000 người đã được thâu nhóm, và hàng triệu người khác nay có hy vọng chắc chắn được vui hưởng sự sống vĩnh cửu trong địa đàng. (Lu-ca 23:43; Khải-huyền 14:1) Quả thật, thánh chức của tín đồ Đấng Christ là một biểu hiện lòng thương xót của Đức Giê-hô-va. (2 Cô-rinh-tô 4:1) Mong rằng tất cả chúng ta sẽ trân trọng gìn giữ thánh chức đó và luôn bày tỏ lòng biết ơn vì những kết quả mà nó đem lại sẽ còn mãi mãi.—1 Giăng 2:17.

[Chú thích]

^ đ. 15 Mặc dù Rô-ma 12:1 chủ yếu áp dụng cho tín đồ Đấng Christ được xức dầu, nhưng nguyên tắc này cũng áp dụng cho các “chiên khác”. (Giăng 10:16) Những người này “về cùng Đức Giê-hô-va, đặng hầu-việc Ngài, đặng yêu-mến danh Đức Giê-hô-va, đặng làm tôi-tớ Ngài”.—Ê-sai 56:6.

Bạn có thể giải thích không?

• Tất cả tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã có chung trách nhiệm nào?

• Một người truyền giáo tín đồ Đấng Christ được phong chức khi nào và bởi ai?

• Người truyền giáo tín đồ Đấng Christ nên vun trồng thái độ nào?

• Tại sao người truyền giáo tín đồ Đấng Christ nên nhịn nhục khi gặp khó khăn?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 16, 17]

Ti-mô-thê đã được dạy Lời Đức Chúa Trời từ khi còn thơ ấu. Ông được phong chức làm người truyền giáo khi làm báp têm

[Hình nơi trang 18]

Phép báp têm biểu trưng cho sự dâng mình cho Đức Chúa Trời và đánh dấu sự kiện một người được phong chức để làm người truyền giáo

[Hình nơi trang 20]

Những người truyền giáo tín đồ Đấng Christ sẵn lòng phục vụ