Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cầu nguyện có lợi gì không?

Cầu nguyện có lợi gì không?

Cầu nguyện có lợi gì không?

HẦU HẾT mọi người đôi khi cảm thấy cần cầu nguyện. Thật vậy, những người trong tín ngưỡng nào cũng đều cầu nguyện rất tha thiết. Thí dụ, một Phật tử có thể niệm câu “Nam mô A Di Đà Phật” hàng ngàn lần mỗi ngày.

Vì những vấn đề còn dai dẳng trên khắp đất, rất hợp lý để hỏi: Người ta mong đạt được gì khi cầu nguyện? Tất cả những lời cầu nguyện này có lợi gì không?

Tại sao người ta cầu nguyện?

Nhiều người Á Đông cầu tổ tiên và những thần của Thần Đạo hay là Đạo Lão. Họ làm thế để hy vọng thi đậu, trúng mùa hoặc tránh bệnh tật. Các Phật tử tin rằng qua những cố gắng riêng, họ hy vọng được giác ngộ. Những tín đồ Ấn Độ Giáo nhiệt thành cầu những thần và nữ thần mình yêu thích để có được hiểu biết, của cải và sự phù hộ.

Một số người Công Giáo hy vọng giúp đời bằng cách làm tu sĩ trong nhà dòng hay là nữ tu trong tu viện khép kín, không ngớt cầu nguyện. Hàng ngàn người Công Giáo xin Mẹ Ma-ri-a ban ân huệ bằng cách lần chuỗi, đọc kinh thuộc lòng. Trong những nước Á Đông, nhiều người dùng cối kinh. Những người theo Tin Lành lặp đi lặp lại Kinh Lạy Cha, dù họ cũng có thể tự ý bày tỏ cảm nghĩ mình với Đức Chúa Trời. Nhiều người Do Thái từ nơi xa đến cầu nguyện tại Western Wall ở Giê-ru-sa-lem, hy vọng khôi phục lại đền thờ và một niên đại mới hòa bình và thịnh vượng.

Mặc dù hàng triệu người cố hết sức cầu nguyện, nhưng xã hội con người ngày càng có thêm vấn đề nghèo túng, nghiện ngập, gia đình tan vỡ, tội ác và chiến tranh. Có phải tất cả những người này cầu nguyện không đúng cách chăng? Vậy có ai thật sự nghe lời cầu nguyện không?

Có ai nghe lời cầu nguyện không?

Lời cầu nguyện không có lợi gì trừ phi có ai nghe. Khi cầu nguyện, một người hẳn tin rằng có đấng nào trong cõi vô hình nghe mình. Tuy nhiên, những lời cầu nguyện không được truyền đi bởi làn sóng âm thanh. Nhiều người tin rằng đấng nào đó có thể đọc ý tưởng của người đang cầu nguyện. Đấng đó là ai?

Ý tưởng của chúng ta phát xuất như thế nào từ hàng tỷ tế bào thần kinh hợp thành vỏ não vẫn còn là một bí ẩn đối với những nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, điều hợp lý là Đấng phác họa não bộ có thể đọc được những ý tưởng của chúng ta. Đấng đó không ai khác hơn là Đấng Tạo Hóa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 83:18; Khải-huyền 4:11) Chúng ta nên cầu nguyện với Ngài. Nhưng Đức Giê-hô-va có chú ý đến mọi lời cầu nguyện như thế không?

Mọi lời cầu nguyện có được nghe không?

Vua Đa-vít của nước Y-sơ-ra-ên xưa là người hay cầu nguyện. Là người được Đức Chúa Trời soi dẫn viết Thi-thiên, ông hát: “Hỡi Đấng nghe lời cầu-nguyện, các xác-thịt đều sẽ đến cùng Ngài”. (Thi-thiên 65:2) Đức Giê-hô-va có thể hiểu những lời cầu nguyện trong hàng ngàn thứ tiếng loài người nói. Trên thực tế, không đầu óc người nào có thể xử lý được nhiều thông tin đến thế, nhưng điều đó không có nghĩa là Đức Chúa Trời không thể chú ý đến mọi người cầu nguyện theo cách Ngài chấp nhận.

Thế nhưng Chúa Giê-su Christ—cũng là một người hay cầu nguyện—đã cho biết rằng không phải mọi lời cầu nguyện đều đẹp lòng Đức Chúa Trời. Hãy chú ý những gì Chúa Giê-su nói về thực hành phổ biến thời bấy giờ về việc lặp đi lặp lại những lời cầu nguyện thuộc lòng. Theo Kinh Thánh Công Giáo Tòa Tổng Giám Mục, ngài nói: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời”. (Ma-thi-ơ 6:7) Chúng ta không thể trông mong Đức Giê-hô-va lắng nghe mình nếu lời cầu nguyện không xuất phát từ lòng của chúng ta.

Cho biết tại sao những lời cầu nguyện không đẹp lòng Đức Chúa Trời, một câu châm ngôn trong Kinh Thánh nói: “Người nào xây tai không khứng nghe luật-pháp, lời cầu-nguyện người ấy cũng là một sự gớm-ghiếc”. (Châm-ngôn 28:9) Một câu châm ngôn khác nói: “Đức Giê-hô-va xa cách kẻ ác; nhưng Ngài nghe lời cầu nguyện của người công-bình”. (Châm-ngôn 15:29) Vào lúc những người lãnh đạo Giu-đa xưa mang tội nặng, Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Khi các ngươi giơ tay, thì ta che mắt khỏi các ngươi. Khi các ngươi cầu-nguyện rườm-rà, ta chẳng thèm nghe. Tay các ngươi đầy những máu”.—Ê-sai 1:1, 15.

Sứ đồ Phi-e-rơ nói đến một điều khác có thể làm cho lời cầu nguyện không được Đức Chúa Trời chấp nhận. Phi-e-rơ viết: “Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ mình, như là với giống yếu-đuối hơn; vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính-nể họ, hầu cho không điều gì làm rối-loạn sự cầu-nguyện của anh em”. (1 Phi-e-rơ 3:7) Lời cầu nguyện của người lờ đi lời khuyên như thế có thể không lên xa hơn trần nhà của họ!

Rõ ràng là nếu muốn lời cầu nguyện được nghe thì phải hội đủ vài đòi hỏi. Tuy nhiên, nhiều người cầu nguyện nhưng không quan tâm gì đến những điều Đức Chúa Trời đòi hỏi họ làm. Vì vậy, sự nhiệt thành trong lời cầu nguyện không đem lại một thế giới tốt hơn.

Thế thì Đức Chúa Trời đòi hỏi gì để lời cầu nguyện chúng ta được nhậm? Câu trả lời có liên quan đến chính lý do tại sao chúng ta cầu nguyện. Thật vậy, nếu muốn biết lời cầu nguyện có lợi hay không, chúng ta phải hiểu mục đích của nó. Tại sao Đức Giê-hô-va cho chúng ta cơ hội để có thể nói chuyện với Ngài?

[Nguồn tư liệu nơi trang 3]

G.P.O., Jerusalem