Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tín đồ Đấng Christ tìm thấy hạnh phúc trong việc phục vụ

Tín đồ Đấng Christ tìm thấy hạnh phúc trong việc phục vụ

Tín đồ Đấng Christ tìm thấy hạnh phúc trong việc phục vụ

“Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”.—CÔNG-VỤ 20:35.

1. Thái độ sai lầm nào đang thịnh hành ngày nay, và tại sao nó tai hại?

TRONG các thập kỷ cuối của thế kỷ 20, người ta thường nghe nhắc đến cụm từ “cá nhân chủ nghĩa”. “Cá nhân chủ nghĩa” thật ra có nghĩa là “tôi trước hết”, mô tả một thái độ vừa ích kỷ vừa tham lam, thiếu quan tâm đến người khác. Chúng ta có thể chắc chắn rằng trong năm 2000 cá nhân chủ nghĩa sẽ không giảm đi. Biết bao lần bạn được nghe các câu hỏi: “Tôi được gì trong đó?” hoặc “Điều đó đem lại lợi lộc gì cho tôi?” Thái độ ích kỷ như thế không đem lại hạnh phúc. Nó hoàn toàn trái ngược với nguyên tắc mà Chúa Giê-su đã nêu ra: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”.—Công-vụ 20:35.

2. Những kinh nghiệm nào cho thấy ban cho đem lại hạnh phúc?

2 Có thật là ban cho đem lại nhiều hạnh phúc hơn nhận lãnh không? Có. Hãy nghĩ đến Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ngài là “nguồn sự sống”. (Thi-thiên 36:9) Ngài cung cấp mọi sự chúng ta cần để có đời sống hạnh phúc và đơm hoa kết quả. Thật thế, Ngài là Nguồn của “mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn”. (Gia-cơ 1:17) Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời hạnh-phước”, không ngừng ban cho. (1 Ti-mô-thê 1:11) Ngài yêu thương loài người do Ngài tạo ra và ban cho họ thật nhiều. (Giăng 3:16) Cũng hãy nghĩ đến một gia đình. Nếu là cha mẹ, bạn tất hiểu được phải hy sinh biết bao, bỏ ra biết bao nhiêu công sức mới nuôi dạy một đứa con thành người. Và trong nhiều năm trường, con trẻ không hề hay biết đến những hy sinh đó của bạn. Nó xem đó là chuyện đương nhiên. Thế nhưng, bạn vẫn cảm thấy sung sướng khi nhìn thấy con bạn lớn lên nhờ sự ban cho bất vị kỷ của bạn. Tại sao? Vì bạn thương con.

3. Tại sao chúng ta vui thích phục vụ Đức Giê-hô-va và anh em cùng đạo?

3 Cũng một thể ấy, đặc điểm của sự thờ phượng thật là ban cho vì lòng yêu thương. Vì yêu mến Đức Giê-hô-va và yêu thương anh em cùng đạo, chúng ta vui thích phục vụ họ, xả thân cho họ. (Ma-thi-ơ 22:37-39) Bất cứ ai thờ phượng với động lực ích kỷ sẽ không tìm được nhiều niềm vui. Nhưng những ai phụng sự một cách bất vị kỷ, quan tâm nhiều hơn đến những gì họ có thể ban cho thay vì đến những gì họ hy vọng nhận lãnh, thì tìm thấy hạnh phúc. Chúng ta sẽ hiểu được lẽ thật này khi xem xét cách một số từ có liên quan đến sự thờ phượng của chúng ta được sử dụng trong Kinh Thánh. Chúng ta sẽ thảo luận ba trong số các từ này trong bài này và bài tới.

Công dịch của Chúa Giê-su

4. “Công dịch” trong các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ thực chất là gì?

4 Trong tiếng Hy Lạp nguyên thủy, có một từ quan trọng liên quan đến sự thờ phượng là lei·tour·giʹa, được dịch ra là “công dịch”, hay việc công ích (public service) trong Bản dịch Thế Giới Mới (Anh ngữ). Trong các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ, từ chữ lei·tour·giʹa người ta có từ “thánh lễ” (liturgy). * Tuy nhiên, các thánh lễ đầy vẻ hình thức của các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ không thật sự là một công dịch hữu ích.

5, 6. (a) Công dịch nào đã được thực hiện trong nước Y-sơ-ra-ên xưa, và với lợi ích nào? (b) Công dịch nào trọng đại hơn nhiều đã thay thế công dịch trong Y-sơ-ra-ên xưa, và tại sao?

5 Sứ đồ Phao-lô dùng một từ Hy Lạp có liên quan đến từ lei·tour·giʹa khi nói về các thầy tế lễ Y-sơ-ra-ên. Ông nói: “Thầy tế-lễ mỗi ngày đứng hầu việc [“thực hiện công dịch”, NW, một dạng của từ lei·tour·giʹa] và năng dâng của-lễ đồng một thức”. (Hê-bơ-rơ 10:11) Trong nước Y-sơ-ra-ên, công dịch của các thầy tế lễ người Lê-vi đem lại rất nhiều lợi ích. Họ dạy Luật Pháp Đức Chúa Trời và dâng của-lễ để chuộc tội lỗi cho dân sự. (2 Sử-ký 15:3; Ma-la-chi 2:7) Khi các thầy tế lễ và dân sự làm theo Luật Pháp Đức Giê-hô-va, cả nước có lý do để vui mừng.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:15.

6 Được thực hiện công dịch dưới Luật Pháp là một đặc ân thật sự đối với các thầy tế lễ Y-sơ-ra-ên, nhưng công dịch của họ không còn giá trị nữa khi dân Y-sơ-ra-ên bị từ bỏ vì bất trung. (Ma-thi-ơ 21:43) Đức Giê-hô-va đã sắp đặt một điều còn trọng đại hơn nhiều—đó là công dịch của Chúa Giê-su, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Lớn. Chúng ta đọc về ngài: “Ngài, vì hằng có đời đời, nên giữ lấy chức tế-lễ không hề đổi-thay. Bởi đó Ngài có thể cứu toàn-vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những kẻ ấy”.—Hê-bơ-rơ 7:24, 25.

7. Tại sao công dịch của Chúa Giê-su đem lại những lợi ích vô song?

7 Chúa Giê-su tiếp tục làm thầy tế lễ mãi mãi, không cần có người kế nghiệp. Vì vậy, chỉ có ngài mới có thể giải cứu loài người một cách trọn vẹn. Ngài thực hiện công dịch vô song đó, không phải trong đền thờ bởi tay người ta dựng nên, nhưng trong một đền thờ tượng trưng, tức sự sắp đặt qui mô của Đức Giê-hô-va dành cho sự thờ phượng, đã bắt đầu hoạt động vào năm 29 CN. Giờ đây, Chúa Giê-su đang phục vụ trong nơi Chí Thánh của đền thờ ấy, ở trên trời. Ngài “làm chức-việc [“công dịch”, NW] [lei·tour·gosʹ] nơi thánh và đền-tạm thật, bởi Chúa dựng lên, không phải bởi một người nào”. (Hê-bơ-rơ 8:2; 9:11, 12) Dù giữ một địa vị cao cả, Chúa Giê-su vẫn chỉ là “làm công dịch”. Ngài dùng uy quyền cao trọng của ngài để ban cho, chứ không phải để nhận lãnh. Và sự ban cho ấy đem lại cho ngài niềm vui. Đó là một phần của “sự vui-mừng đã đặt trước mặt” ngài và đã giúp ngài có thêm sức mạnh để chịu đựng khó cực trong suốt cuộc đời trên đất.—Hê-bơ-rơ 12:2.

8. Chúa Giê-su đã thực hiện một công dịch như thế nào để thay thế giao ước Luật Pháp?

8 Công dịch của Chúa Giê-su còn có một khía cạnh khác. Phao-lô viết: “[Chúa Giê-su] đã được một chức-vụ [“công dịch”, NW] rất tôn-trọng hơn, vì Ngài là Đấng trung-bảo của giao-ước tốt hơn, mà giao-ước ấy lập lên trên lời hứa tốt hơn”. (Hê-bơ-rơ 8:6) Môi-se là trung bảo của giao ước làm nền tảng cho mối quan hệ giữa Y-sơ-ra-ên với Đức Giê-hô-va. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:4, 5) Chúa Giê-su làm đấng trung bảo cho một giao ước mới, mà nhờ đó một nước mới được thành lập, nước “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, gồm các tín đồ Đấng Christ được xức dầu bằng thánh linh đến từ mọi nước. (Ga-la-ti 6:16; Hê-bơ-rơ 8:8, 13; Khải-huyền 5:9, 10) Đó thật là một công dịch xuất sắc thay! Chúng ta thật sung sướng biết bao khi được biết Chúa Giê-su, nhờ công dịch của ngài mà chúng ta có thể dâng lên cho Đức Giê-hô-va sự thờ phượng được Ngài chấp nhận!—Giăng 14:6.

Tín đồ Đấng Christ cũng thực hiện công dịch

9, 10. Tín đồ Đấng Christ thực hiện một số loại công dịch nào?

9 Không một người phàm nào thực hiện công dịch một cách siêu việt như Chúa Giê-su đã làm. Tuy nhiên, khi các tín đồ được xức dầu nhận lãnh phần thưởng trên trời, họ ngồi bên cạnh Chúa Giê-su và góp phần vào công dịch của ngài với tư cách vua và thầy tế lễ trên trời. (Khải-huyền 20:6; 22:1-5) Các tín đồ Đấng Christ trên đất cũng thực hiện công dịch và họ tìm được nhiều vui mừng khi làm thế. Thí dụ, khi có nạn đói kém ở Pha-lê-tin, sứ đồ Phao-lô đã đem tặng vật do anh em ở Âu Châu quyên góp để cứu trợ tín đồ Đấng Christ gốc Do Thái ở Giu-đê. Nghĩa cử đó là một công dịch. (Rô-ma 15:27; 2 Cô-rinh-tô 9:12, NW) Ngày nay, tín đồ Đấng Christ sung sướng phục vụ giống như thế, cung cấp sự giúp đỡ tức thời cho các anh em đang chịu khổ, bị thiên tai hoặc gặp những tai ương khác.—Châm-ngôn 14:21.

10 Phao-lô nói đến một công dịch khác khi ông viết: “Ví dầu tôi bị đổ ra như lễ-quan trên sinh-tế và cuộc phụng-sự [“công dịch”, NW] của đức-tin anh em, thì tôi cũng vui-mừng, và cùng vui với anh em hết thảy”. (Phi-líp 2:17, Ghi-đê-ôn) Công khó của Phao-lô vì anh em ở thành Phi-líp là một công dịch được thực hiện với lòng yêu thương và sự chuyên tâm. Một công dịch tương tự cũng đang được thực hiện ngày nay, đặc biệt là do các tín đồ được xức dầu phục vụ với tư cách “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, cung cấp thức ăn thiêng liêng đúng giờ. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Ngoài ra, với tư cách tập thể, họ “làm chức tế-lễ thánh” và được giao cho trách nhiệm “dâng của tế-lễ thiêng-liêng, nhờ Đức Chúa Jêsus-Christ mà đẹp ý Đức Chúa Trời” và “rao-giảng nhân-đức của Đấng đã gọi [họ] ra khỏi nơi tối-tăm, đến nơi sáng-láng lạ-lùng của Ngài”. (1 Phi-e-rơ 2:5, 9) Giống như Phao-lô, họ vui mừng đón nhận những đặc ân này, ngay dù họ phải ‘đổ mình ra’ để chu toàn trách nhiệm. Và những bạn đồng hành của họ, các “chiên khác”, cũng kề vai sát cánh với họ và hỗ trợ cho họ trong công việc loan báo cho nhân loại biết về Đức Giê-hô-va và ý định của Ngài. * (Giăng 10:16; Ma-thi-ơ 24:14) Đó thật là một công dịch lớn lao và vui mừng thay!—Thi-thiên 107:21, 22.

Dâng sự hầu việc thánh

11. Nữ tiên tri An-ne đã nêu gương sáng nào cho tất cả tín đồ Đấng Christ?

11 Một từ Hy Lạp khác có liên quan tới sự thờ phượng của chúng ta là la·treiʹa, được dịch là “sự hầu việc thánh” (sacred service) trong Bản dịch Thế Giới Mới. Sự hầu việc thánh có liên quan đến hành động thờ phượng. Chẳng hạn, nữ tiên tri An-ne, một góa phụ 84 tuổi, được miêu tả là “chẳng hề ra khỏi đền-thờ, cứ đêm ngày hầu việc [một từ Hy Lạp có liên hệ với từ la·treiʹa] Đức Chúa Trời, kiêng ăn và cầu-nguyện”. (Lu-ca 2:36, 37) Bà An-ne đã bền bỉ thờ phượng Đức Giê-hô-va. Bà là một tấm gương sáng cho tất cả chúng ta—cả già lẫn trẻ, nam và nữ. Như An-ne đã nhiệt thành cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và đều đặn thờ phượng Ngài trong đền thờ, sự hầu việc thánh của chúng ta bao gồm việc cầu nguyện và tham gia các buổi họp.—Rô-ma 12:12; Hê-bơ-rơ 10:24, 25.

12. Một nét chính trong sự hầu việc thánh của chúng ta là gì, và vì sao đây cũng là một công dịch?

12 Sứ đồ Phao-lô nhắc đến một nét chính trong sự hầu việc thánh của chúng ta khi ông viết: “Đức Chúa Trời mà tôi lấy tâm-thần hầu việc, bởi sự giảng Tin-lành của Con Ngài, làm chứng cho tôi rằng tôi nhắc đến anh em không thôi”. (Rô-ma 1:9) Vâng, việc rao giảng tin mừng không chỉ là một công dịch có lợi cho những người lắng nghe mà còn là một hành động thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Dù chúng ta có tìm được một người sẵn lòng lắng nghe hay không, công việc rao giảng vẫn là một sự hầu việc thánh dâng cho Đức Giê-hô-va. Những nỗ lực của chúng ta nhằm nói cho người khác biết về những đức tính và ý định tốt lành của Cha yêu dấu trên trời chắc chắn sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui mừng lớn.—Thi-thiên 71:23.

Chúng ta dâng sự hầu việc thánh ở đâu?

13. Niềm hy vọng của những người dâng sự hầu việc thánh nơi hành lang trong của đền thờ thiêng liêng của Đức Giê-hô-va là gì, và những ai chung vui với họ?

13 Phao-lô đã viết cho các tín đồ xức dầu: “Vì chúng ta có phần trong một nước không hay rúng-động, nên hãy cảm ơn, hầu cho lấy lòng kính-sợ hầu việc Đức Chúa Trời một cách đẹp lòng Ngài”. (Hê-bơ-rơ 12:28) Với hy vọng chắc chắn được thừa hưởng Nước Trời, đức tin của những người xức dầu không hề lay chuyển trong khi họ thờ phượng Đấng Chí Cao. Chỉ có họ mới được phép dâng lên Ngài sự hầu việc thánh trong Nơi Thánh và hành lang trong của đền thờ thiêng liêng của Đức Giê-hô-va, và họ háo hức trông đợi được hầu việc cùng Chúa Giê-su trong Nơi Chí Thánh, tức trên trời. Các bạn đồng hành của họ, lớp chiên khác, chung vui với họ về hy vọng tuyệt diệu của họ.—Hê-bơ-rơ 6:19, 20; 10:19-22.

14. Đám đông lớn được lợi ích ra sao nhờ công dịch của Chúa Giê-su?

14 Thế còn những chiên khác thì sao? Như sứ đồ Giăng đã thấy trước, một đám đông lớn những chiên khác đã xuất hiện trong những ngày cuối cùng này, và họ “đã giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con”. (Khải-huyền 7:14) Điều này có nghĩa là, như những người xức dầu cùng thờ phượng Đức Chúa Trời, họ thực hành đức tin nơi công dịch của Chúa Giê-su, tức sự hy sinh mạng sống con người hoàn toàn của ngài cho nhân loại. Các chiên khác cũng được lợi ích từ công dịch của Chúa Giê-su vì họ được “cầm vững lời giao-ước [Đức Giê-hô-va]”. (Ê-sai 56:6) Điều đó không có nghĩa là họ được dự phần vào giao ước mới, nhưng họ cầm vững lời giao ước bằng cách vâng theo những luật pháp có liên quan tới giao ước đó và hợp tác trong những sắp đặt được thực hiện qua giao ước. Họ kết hợp với dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời, được ngồi cùng bàn ăn thiêng liêng và cùng làm việc với họ trong việc công khai ngợi khen Đức Chúa Trời và dâng của-lễ thiêng liêng làm vui lòng Ngài.—Hê-bơ-rơ 13:15.

15. Đám đông lớn hầu việc ở đâu, và họ cảm thấy thế nào về ân phước này?

15 Vì vậy, đám đông lớn được nhìn thấy “đứng trước ngôi và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng”. Ngoài ra, họ còn được “ở trước ngôi Đức Chúa Trời, và ngày đêm hầu việc Ngài trong đền Ngài; còn Đấng ngồi trên ngôi sẽ che-chở chúng dưới trại Ngài”. (Khải-huyền 7:9, 15) Ở nước Y-sơ-ra-ên xưa, những người cải đạo thờ phượng nơi hành lang ngoài của đền thờ do Sa-lô-môn cất. Tương tự như vậy, đám đông lớn thờ phượng Đức Giê-hô-va nơi hành lang ngoài của đền thờ thiêng liêng của Ngài. Được phụng sự ở đó là một sự vui mừng cho họ. (Thi-thiên 122:1) Ngay cả sau khi những người cuối cùng trong số những người xức dầu nhận được cơ nghiệp trên trời, đám đông lớn sẽ vẫn tiếp tục dâng lên cho Đức Giê-hô-va sự hầu việc thánh với tư cách là dân của Ngài.—Khải-huyền 21:3.

Sự hầu việc không được chấp nhận

16. Có những lời cảnh cáo nào về sự hầu việc?

16 Trong nước Y-sơ-ra-ên xưa, sự hầu việc thánh phải hòa hợp với luật pháp Đức Giê-hô-va. (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:9; Lê-vi Ký 10:1, 2) Tương tự như vậy, ngày nay chúng ta phải tuân thủ các đòi hỏi của Đức Giê-hô-va nếu muốn sự hầu việc của mình được Ngài chấp nhận. Đó là lý do tại sao sứ đồ Phao-lô viết cho anh em thành Cô-lô-se: “Chúng tôi... cứ cầu-nguyện cho anh em không thôi, và xin Đức Chúa Trời ban cho anh em được đầy-dẫy sự hiểu-biết về ý-muốn của Ngài, với mọi thứ khôn-ngoan và hiểu-biết thiêng-liêng nữa, hầu cho anh em ăn-ở cách xứng-đáng với Chúa, đặng đẹp lòng Ngài mọi đường, nẩy ra đủ các việc lành, càng thêm lên trong sự hiểu-biết Đức Chúa Trời”. (Cô-lô-se 1:9, 10) Chúng ta không có quyền tự quyết định đâu là cách đúng để thờ phượng Đức Chúa Trời. Cần phải có sự hiểu biết chính xác về Kinh Thánh, sự hiểu biết thiêng liêng, và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Nếu không, hậu quả có thể vô cùng tai hại.

17. (a) Sự hầu việc thời Môi-se đã bị ô uế như thế nào? (b) Ngày nay sự hầu việc có thể được dâng nhầm chỗ như thế nào?

17 Hãy nhớ lại dân Y-sơ-ra-ên trong thời Môi-se. Chúng ta đọc: “Đức Chúa Trời bèn lìa bỏ họ, phú họ thờ-lạy [“hầu việc”, NW] cơ-binh trên trời”. (Công-vụ 7:42) Những người Y-sơ-ra-ên đó đã chứng kiến những việc quyền năng Đức Giê-hô-va làm cho họ. Thế nhưng họ vẫn quay sang thờ phượng các thần khác khi họ tưởng điều đó sẽ đem lại lợi ích cho mình. Họ đã không trung thành, trong khi sự trung thành là thiết yếu nếu muốn sự hầu việc của chúng ta được đẹp lòng Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 18:25, NW) Đành rằng ngày nay ít ai quay lưng lại với Đức Giê-hô-va để đi thờ các vì sao hay bò vàng, nhưng lại có những hình thức thờ thần tượng khác. Chúa Giê-su đã cảnh cáo việc làm tôi của cải, còn Phao-lô thì nói sự tham lam chẳng khác nào việc thờ hình tượng. (Ma-thi-ơ 6:24; Cô-lô-se 3:5) Sa-tan tự phong mình làm chúa. (2 Cô-rinh-tô 4:4) Những kiểu thờ thần tượng như thế đầy dẫy khắp nơi và là một cái bẫy. Chẳng hạn, hãy nghĩ đến một người cho mình là đi theo Chúa Giê-su nhưng mục tiêu thật sự trong đời sống của người đó là trở nên giàu có hoặc người đó chỉ thật sự tin tưởng nơi chính mình và suy nghĩ của mình mà thôi. Người đó thật ra đang hầu việc ai? Anh ta có khác gì không với những người Do Thái thời Ê-sai, là những kẻ lấy danh Đức Giê-hô-va mà thề nhưng lại qui các công việc lớn lao của Ngài cho các thần tượng ô uế?—Ê-sai 48:1, 5.

18. Sự hầu việc đã được thực hiện một cách sai lầm như thế nào trong quá khứ và ngày nay?

18 Chúa Giê-su cũng báo trước: “Giờ đến, khi ai giết các ngươi, tưởng rằng thế là hầu việc Đức Chúa Trời”. (Giăng 16:2) Sau-lơ, người sau này trở thành sứ đồ Phao-lô, rõ ràng đã tưởng rằng ông đang hầu việc Đức Chúa Trời khi “ưng-thuận về sự Ê-tiên bị giết” và “ngăm-đe và chém-giết môn-đồ của Chúa”. (Công-vụ 8:1; 9:1) Ngày nay, một số người phạm tội thanh trừng chủng tộc và diệt chủng cũng cho rằng họ đang thờ phượng Đức Chúa Trời. Nhiều người cho rằng mình thờ Đức Chúa Trời nhưng thật ra họ đang thờ phượng các thần chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa sắc tộc, sự giàu có, cá nhân, hay một thần nào khác.

19. (a) Chúng ta xem sự hầu việc của mình như thế nào? (b) Cách hầu việc nào sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui?

19 Chúa Giê-su nói: “Ngươi phải thờ-phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi”. (Ma-thi-ơ 4:10) Ngài nói những lời này với Sa-tan, nhưng thật quan trọng làm sao là tất cả chúng ta phải nghe theo điều này! Được hầu việc Đấng Thống Trị Hoàn Vũ là một đặc ân cao quí, đáng kính sợ. Và có thể nói gì về việc thực hiện công dịch gắn liền với sự thờ phượng của chúng ta? Làm điều đó vì lợi ích người đồng loại là một việc vui mừng đem lại nhiều hạnh phúc. (Thi-thiên 41:1, 2; 59:16) Tuy nhiên, sự phục vụ đó chỉ đem lại hạnh phúc thật khi nó được thực hiện hết lòng và đúng cách. Ai là những người đang thật sự thờ phượng Đức Chúa Trời đúng cách? Đức Giê-hô-va chấp nhận sự hầu việc của ai? Chúng ta có thể giải đáp những câu hỏi đó khi xem xét từ thứ ba trong Kinh Thánh có liên quan đến sự thờ phượng của chúng ta. Chúng ta sẽ làm điều này trong bài tới.

[Chú thích]

^ đ. 4 Thánh lễ của các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ thường là những buổi lễ hoặc nghi lễ đặc biệt, chẳng hạn như Phép Thánh Thể của Giáo Hội Công Giáo.

^ đ. 10 Công-vụ 13:2 (NW) tường thuật rằng những nhà tiên tri và thầy dạy ở An-ti-ốt “hầu việc Đức Giê-hô-va cách công khai” (dịch từ một chữ Hy Lạp có liên hệ với từ lei·tour·giʹa). Rất có thể, công việc hầu việc cách công khai này bao gồm việc rao giảng trước công chúng.

Bạn trả lời thế nào?

• Chúa Giê-su đã thực hiện công dịch lớn lao nào?

• Tín đồ Đấng Christ thực hiện công dịch nào?

• Sự hầu việc thánh của tín đồ Đấng Christ là gì, và được dâng ở đâu?

• Cần phải có điều gì nếu muốn sự hầu việc của chúng ta được Đức Chúa Trời đẹp lòng?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 10]

Các bậc cha mẹ tìm được niềm vui lớn khi ban cho

[Các hình nơi trang 12, 13]

Tín đồ Đấng Christ thực hiện công dịch khi họ giúp đỡ người khác và công bố tin mừng

[Hình nơi trang 14]

Chúng ta cần phải có sự hiểu biết chính xác để chắc chắn rằng sự hầu việc của mình được Đức Chúa Trời chấp nhận