Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao bạn nên cầu nguyện?

Tại sao bạn nên cầu nguyện?

Tại sao bạn nên cầu nguyện?

“ANH EM cầu-xin mà không nhận-lãnh được, vì cầu-xin trái lẽ... Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”. (Gia-cơ 4:3, 8) Những lời đó của Gia-cơ, môn đồ Chúa Giê-su, rất có thể thúc đẩy chúng ta xem xét lý do tại sao mình cầu nguyện.

Cầu nguyện không phải chỉ là phương tiện để nói với Đức Chúa Trời những gì chúng ta cần. Trong Bài Giảng trên Núi nổi tiếng, Chúa Giê-su nói: “Cha các ngươi biết các ngươi cần sự gì trước khi chưa xin Ngài”. Nhưng Chúa Giê-su cũng nói: “Hãy xin, sẽ được”. (Ma-thi-ơ 6:8; 7:7) Vậy Đức Giê-hô-va muốn chúng ta nói với Ngài những điều chúng ta cần. Nhưng cầu nguyện còn bao hàm nhiều hơn thế nữa.

Bạn bè chân thật không chỉ nói chuyện khi họ cần điều gì đó. Họ chú ý đến nhau, và tình bạn nảy nở khi họ bày tỏ cảm nghĩ với nhau. Tương tự như thế, cầu nguyện có mục đích quan trọng hơn là chỉ hỏi xin những điều mình cần. Nó cho chúng ta cơ hội làm vững mạnh mối quan hệ với Đức Giê-hô-va bằng cách nói lên sự tôn kính Ngài từ trong lòng.

Đúng vậy, Đức Chúa Trời cho chúng ta đặc ân cầu nguyện để có thể đến gần Ngài. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta bày tỏ cảm nghĩ riêng với Đức Chúa Trời thay vì đọc kinh thuộc lòng. Quả là niềm vui được nói với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện! Hơn nữa, một câu châm ngôn Kinh Thánh nói: “Lời cầu-nguyện của người ngay-thẳng được đẹp lòng Ngài”.—Châm-ngôn 15:8.

Người viết Thi-thiên là A-sáp hát: “Lấy làm tốt thay cho tôi đến gần Đức Chúa Trời”. (Thi-thiên 73:28) Nhưng để đến gần Đức Chúa Trời, chúng ta không chỉ cầu nguyện mà phải làm hơn thế nữa. Hãy chú ý lời tường thuật sau đây nói lên điều này:

“Một môn-đồ [của Chúa Giê-su] thưa Ngài rằng: Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu-nguyện”. Chúa Giê-su đáp: “Khi các ngươi cầu-nguyện, hãy nói: Lạy Cha! danh Cha được thánh; nước Cha được đến”. (Lu-ca 11:1, 2) Có thể nào chúng ta cầu nguyện đầy ý nghĩa theo cách này mà trước hết không biết đến danh Đức Chúa Trời là gì và danh đó được thánh như thế nào hay sao? Và chúng ta có thể nào cầu nguyện phù hợp với những lời này của Chúa Giê-su trong khi không hiểu Nước Đức Chúa Trời là gì không? Chúng ta có thể hiểu được những vấn đề này nếu xem xét Kinh Thánh kỹ càng. Nhờ đó chúng ta biết Đức Chúa Trời và hiểu đường lối Ngài. Hơn nữa, trở nên quen biết với Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta cảm thấy gần gũi và hết lòng với Ngài hơn. Rồi điều này sẽ giúp chúng ta nói với Ngài cởi mở hơn khi cầu nguyện.

Cầu nguyện có thể giải quyết vấn đề

Phát triển mối quan hệ gần gũi với Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta giải quyết vấn đề. Mỗi trường hợp sau đây xác nhận điều này là đúng. Nó cho thấy rằng những người cầu nguyện đã củng cố được mối quan hệ với Đức Giê-hô-va.

Ở Brazil, một phụ nữ tên Maria cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ. Bà muốn chống lại các tiêu chuẩn của xã hội, một phần là vì bà thấy sự giả hình của nó. Thậm chí Maria còn bỏ chồng, con và nhà cửa. Bà cũng bắt đầu dùng ma túy. Nhưng khi không tìm được hạnh phúc, bà trút nỗi lòng với Đức Chúa Trời và cầu nguyện xin Ngài giúp đỡ.

Chẳng bao lâu, hai Nhân Chứng Giê-hô-va đến và để lại cho Maria một tạp chí Tháp Canh nói về giá trị của việc chấp nhận sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Điều này động đến lòng bà, và bà bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng ngay hôm đó. Nhờ vậy mà cuối cùng bà có lại được đời sống gia đình. Khi học biết về Đức Giê-hô-va, bà muốn biểu lộ lòng yêu thương đối với Ngài. Maria nói: “Tôi thay đổi thành một người tốt hơn. Chồng tôi và gia đình mới đầu phản đối việc tôi học Kinh Thánh. Nhưng khi thấy tôi thay đổi, họ bắt đầu khuyến khích tôi học thêm”. Sau đó, Maria dâng đời sống mình cho Đấng nghe lời cầu nguyện để phụng sự Ngài.

Mặc dù José có vợ đẹp và công việc làm ăn phát đạt ở Bolivia, nhưng ông không hạnh phúc. Việc ngoại tình của ông khiến vợ bỏ ông. Ông uống rượu quá độ và cảm thấy vô dụng. José nói: “Tôi bắt đầu cầu nguyện tha thiết, xin Đức Chúa Trời cho biết tôi nên làm gì để đẹp lòng Ngài. Chẳng bao lâu, Nhân Chứng Giê-hô-va viếng thăm tiệm tôi đề nghị giúp tôi học Kinh Thánh miễn phí tại nhà, nhưng tôi đuổi họ đi. Điều này xảy ra ba lần. Mỗi lần tôi cầu nguyện xin giúp đỡ thì họ lại đến. Cuối cùng, tôi quyết định lần sau sẽ nghe họ. Tôi đã đọc cả cuốn Kinh Thánh và có nhiều câu hỏi, nhưng họ luôn luôn có câu giải đáp làm tôi thỏa mãn. Học biết về Đức Giê-hô-va cho tôi ý nghĩa mới trong cuộc sống, và những bạn Nhân Chứng của tôi là những gương rất khích lệ! Tôi bỏ người bạn gái và những bạn rượu của tôi. Chẳng lâu sau, tôi về với vợ con. Tôi làm báp têm vào đầu năm 1999”.

Ở Ý, hôn nhân của Tamara gặp trắc trở, nên chị cầu nguyện xin có được sự khôn ngoan. Chị có thái độ hung hăng, vì đã bị đánh đập và đuổi khỏi nhà lúc 14 tuổi. Tamara nói: “Tôi tìm được một cuốn Kinh Thánh và bắt đầu đọc. Một tối nọ, tôi đọc được câu ‘tìm sự khôn ngoan như tìm bửu vật ẩn bí’, nên tôi cầu xin có được sự khôn ngoan đó. (Châm-ngôn 2:1-6) Sáng hôm sau, Nhân Chứng Giê-hô-va đến với tôi. Tôi bắt đầu học Kinh Thánh với họ, nhưng phải một thời gian tôi mới thực hành những điều mình học được. Cuối cùng, tôi quyết định theo đường lối sống của đạo Đấng Christ và làm báp têm. Hiện nay tôi với chồng tôi giúp người khác gặt lợi ích từ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời”.

Beatriz ở Caracas, Venezuela, thuộc về thành phần những người được trọng vọng trong xã hội. Thế nhưng chị trong tình trạng ly dị và buồn nản. Quá thất vọng, có lần chị cầu nguyện hàng giờ. Sáng hôm sau, chị nghe tiếng chuông reng. Bực mình, chị nhìn qua lỗ dòm và thấy hai người xách cặp. Chị giả vờ không có ở nhà, nhưng trước khi hai người đi, họ để lại một tờ giấy mời dưới cửa. Tờ giấy đề “Hiểu Biết Kinh Thánh”. Có thể nào việc họ đến có liên hệ tới lời cầu nguyện của chị đêm trước không? Chị gọi họ trở lại. Chẳng bao lâu chị học hỏi Kinh Thánh và sau đó đã làm báp têm. Kết cuộc được hạnh phúc, hiện nay Beatriz dạy người khác cách tìm hạnh phúc.

Carmen cầu nguyện về việc chị vật lộn với cảnh nghèo túng. Chị có mười con và một người chồng nghiện rượu, Rafael. Carmen nói: “Tôi cố làm ra tiền bằng cách giặt quần áo thuê. Nhưng thói ghiền rượu của Rafael càng tệ hơn. Chỉ khi chúng tôi học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va thì chồng tôi mới bắt đầu thay đổi. Chúng tôi học được lời hứa về Nước Trời—tức là Đức Giê-hô-va sắp sửa loại trừ sự nghèo khó và áp bức trên thế giới. Cuối cùng lời cầu nguyện của tôi với Đức Chúa Trời đã được nhậm!” Học biết về đường lối Đức Giê-hô-va đã giúp Rafael ngưng rượu chè, và anh mặc lấy “nhân cách mới”. (Ê-phê-sô 4:24, NW) Anh cùng gia đình đã có thể cải thiện mức sống. Rafael nói: “Có lẽ chúng tôi không giàu, và không có nhà riêng, nhưng chúng tôi có những thứ cần thiết trong cuộc sống, và được hạnh phúc”.

Khi mọi lời cầu nguyện được nhậm

Cầu nguyện đã có lợi cho những người nói trên không? Chắc chắn có! Và bạn có để ý thấy rằng trong hầu hết các trường hợp lời cầu nguyện họ được nhậm là khi có người trong hội thánh đạo Đấng Christ giúp họ đến gần Giê-hô-va Đức Chúa Trời bằng cách học hỏi Kinh Thánh không?—Công-vụ 9:11.

Vậy thì chúng ta có lý do chính đáng để cầu nguyện. Chẳng còn bao lâu nữa, lời cầu nguyện cho Nước Đức Chúa Trời đến và ý định Ngài được thực hiện trên đất sẽ được nhậm. (Ma-thi-ơ 6:10) Sau khi Đức Chúa Trời tẩy sạch trái đất khỏi những người chống lại Ngài thì “thế-gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va”. (Ê-sai 11:9) Rồi tất cả mọi người yêu thương Đức Giê-hô-va sẽ hưởng “sự tự-do vinh-hiển của con-cái Đức Chúa Trời”—và lời cầu nguyện của họ chắc chắn sẽ được nhậm.—Rô-ma 8:18-21.

[Hình nơi trang 7]

Bạn biết tại sao chúng ta nên cầu nguyện không?