Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có nhất thiết phải tin không?

Bạn có nhất thiết phải tin không?

Bạn có nhất thiết phải tin không?

MỘT học sinh 12 tuổi đang nặn óc để hiểu những nguyên tắc căn bản của đại số học. Thầy em đưa ra cho cả lớp một phương trình đại số không có vẻ gì là rắc rối.

Thầy bắt đầu: “Hãy giả sử x=y và giả sử cả hai đều bằng 1”.

Em thầm nghĩ: ‘Chưa thấy gì là khó cả’.

Tuy nhiên, sau bốn hàng tính toán có vẻ hợp lý, thầy đưa ra đáp số đáng ngạc nhiên: “Do đó, 2=1!”

Thầy thách các học sinh đang lộ vẻ bối rối: “Hãy chứng minh nó sai đi”.

Với sự hiểu biết hạn hẹp về đại số học, em học sinh không biết làm sao để chứng minh nó sai. Mỗi bước trong cách tính đều thấy hoàn toàn hợp lý. Vậy thì em có nên tin kết luận kỳ lạ này không? Nói cho cùng, thầy giỏi toán hơn em. Dĩ nhiên em không nên tin! Em thầm nghĩ: “Em không cần phải chứng minh nó sai, lẽ thường cho em biết rằng nó vô lý’. (Châm-ngôn 14:15, 18) Em biết rằng cả thầy lẫn trò không ai chịu đổi hai đô la để lấy một cả!

Với thời gian em học sinh đã tìm được sự sai sót trong cách tính đó. Trong thời gian ấy, kinh nghiệm này dạy em một bài học quý giá. Ngay cả khi một người hiểu biết rộng đưa ra một sự tranh cãi được sắp đặt cẩn thận và có vẻ không thể công kích được, người nghe không cần phải tin một kết luận dại dột chỉ vì không chứng minh được nó sai ngay lúc ấy. Thật ra em học sinh này làm đúng với nguyên tắc thực tế trong Kinh Thánh được thấy nơi 1 Giăng 4:1 (NW)—chớ tin ngay mọi điều mình nghe, dù cho nó có vẻ đến từ một nguồn có thẩm quyền.

Điều này không có nghĩa là bạn nên khăng khăng giữ những thành kiến. Điều lầm lẫn là lờ đi thông tin mà có thể giúp bạn điều chỉnh những quan điểm sai. Nhưng bạn cũng không nên “vội bối-rối và kinh-hoảng” trước áp lực của người nào tự cho mình có sự hiểu biết nhiều hoặc quyền hành lớn. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:2) Dĩ nhiên, thầy giáo nói trên chỉ thử học trò mình thôi. Nhưng đôi khi sự việc không phải vô hại như thế. Người ta có thể có rất nhiều “thủ đoạn quỷ quyệt”. (Ê-phê-sô 4:14, Bản Dịch Mới; 2 Ti-mô-thê 2:14, 23, 24.

Có phải những người chuyên môn lúc nào cũng đúng không?

Dù biết nhiều đến đâu, những nhà chuyên môn trong bất cứ lĩnh vực nào cũng có ý tưởng mâu thuẫn và hay thay đổi ý kiến. Thí dụ trong ngành y học, người ta cứ mãi tranh luận về điều căn bản như những nguyên nhân gây ra bệnh tật. Một giáo sư y khoa ở trường Đại Học Harvard viết: “Tầm quan trọng tương đối của đặc tính di truyền so với môi trường có ảnh hưởng như thế nào đến bệnh tật là đề tài tranh cãi sôi nổi giữa các khoa học gia”. Những người trong cái gọi là nhóm theo thuyết quyết định tin chắc rằng gen đóng vai trò quyết định trong tính dễ nhiễm bệnh của chúng ta. Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng môi trường và lối sống là những yếu tố chính trong vấn đề bệnh tật của con người. Cả hai bên đều mau mắn đưa ra những nghiên cứu và thống kê để hỗ trợ cho lý lẽ của mình. Tuy nhiên, sự tranh cãi vẫn còn tiếp diễn.

Những nhà tư tưởng trứ danh nhất nhiều lần bị chứng tỏ là sai, mặc dù những điều họ dạy dường như lúc đó không ai cãi được. Triết gia Bertrand Russell miêu tả Aristotle là một người “có nhiều uy tín nhất trong tất cả những triết gia”. Nhưng ông Russell cũng nêu ra rằng nhiều học thuyết của Aristotle là “hoàn toàn sai”. Ông viết: “Suốt thời hiện đại, hầu hết mọi tiến bộ khoa học, lôgic, hoặc triết học đã được thực hiện giữa sự chống đối của những người tin theo Aristotle”.—History of Western Philosophy.

“Tri-thức ngụy xưng là tri-thức”

Các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu chắc hẳn đã gặp nhiều đồ đệ của những triết gia Hy Lạp nổi tiếng như Socrates, Plato, và Aristotle. Những người học thức thời đó xem mình thông thái hơn phần đông tín đồ Đấng Christ. Không có nhiều môn đồ của Chúa Giê-su được coi là “khôn-ngoan theo xác-thịt”. (1 Cô-rinh-tô 1:26) Thật vậy, những người học triết thời đó nghĩ rằng những gì tín đồ Đấng Christ tin chỉ là “rồ-dại”.—1 Cô-rinh-tô 1:23.

Nếu bạn ở trong số những tín đồ Đấng Christ thời ban đầu, bạn có phục những lời tranh luận xuôi tai của giới trí thức thời đó hay là quá nể sự khôn ngoan của họ không? (Cô-lô-se 2:4) Theo sứ đồ Phao-lô thì không có lý do để phản ứng như thế. Ông nhắc nhở tín đồ Đấng Christ rằng Đức Giê-hô-va xem “sự khôn-ngoan của người khôn-ngoan” và “sự thạo-biết của người thạo-biết” thời đó là rồ dại. (1 Cô-rinh-tô 1:19) Ông hỏi: “Sự khôn ngoan của các triết gia, văn sĩ và những người phê bình của thế gian ở đâu?” (1 Cô-rinh-tô 1:20, Phillips) Bất kể mọi sự thông minh sáng suốt của họ, những triết gia, văn sĩ và giới phê bình thời Phao-lô không đưa ra giải pháp thật nào cho những vấn đề của nhân loại.

Vậy tín đồ Đấng Christ học cách tránh cái mà sứ đồ Phao-lô nói là “tri-thức ngụy xưng là tri-thức”. (1 Ti-mô-thê 6:20) Lý do mà Phao-lô gọi tri thức như thế là “ngụy xưng” bởi vì nó thiếu một yếu tố quan trọng—một nguồn hoặc sự chứng nhận từ Đức Chúa Trời, qua đó lý thuyết của họ có thể được thử nghiệm. (Gióp 28:12; Châm-ngôn 1:7) Thiếu điều đó, và đồng thời bị Sa-tan, kẻ lường gạt tinh quái nhất, làm mù mắt, những kẻ bám theo tri thức như thế không bao giờ có thể tìm được lẽ thật.—1 Cô-rinh-tô 2:6-8, 14; 3:18-20; 2 Cô-rinh-tô 4:4; 11:14; Khải-huyền 12:9.

Kinh Thánh—Một sách hướng dẫn được soi dẫn

Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu không bao giờ nghi ngờ việc Đức Chúa Trời tiết lộ ý muốn, ý định và các nguyên tắc của Ngài trong Kinh Thánh. (2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Điều này che chở họ khỏi bị ‘triết-học và lời hư-không, lời truyền-khẩu của loài người bắt phục’. (Cô-lô-se 2:8) Tình trạng ngày nay cũng thế. Trái với những ý kiến hỗn loạn và mâu thuẫn của loài người, Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời cho chúng ta nền tảng vững chắc, làm căn cứ cho tín ngưỡng của chúng ta. (Giăng 17:17; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13; 2 Phi-e-rơ 1:21) Không có Lời Ngài, chúng ta ở trong tình trạng không thể thiết lập một điều gì vững chắc trên lý thuyết và triết học của loài người giống như cát hay dời đổi.—Ma-thi-ơ 7:24-27.

Một người có thể nói: ‘Nhưng khoan đã, chẳng phải khoa học đã chứng tỏ Kinh Thánh có sai sót và vì vậy không đáng tin gì hơn triết học hay thay đổi của loài người hay sao?’ Thí dụ, Bertrand Russell cho rằng “Copernicus, Kepler, và Galileo đã phải chống lại Aristotle cũng như Kinh Thánh để thiết lập quan điểm là trái đất không phải là trung tâm vũ trụ”. (Chúng tôi viết nghiêng). Và chẳng phải là ngày nay có người tin nơi thuyết sáng tạo nhất định cho rằng Kinh Thánh nói trái đất được tạo nên trong sáu ngày mà mỗi ngày chỉ 24 tiếng hay sao, trong khi mọi sự kiện cho thấy trái đất có hàng tỷ năm rồi?

Thật ra, Kinh Thánh không nói trái đất là trung tâm vũ trụ. Đó là sự dạy dỗ của những người lãnh đạo nhà thờ không tuân theo Lời Đức Chúa Trời. Lời tường thuật trong Sáng-thế Ký về sự sáng tạo cho phép trái đất có hàng tỷ năm và không giới hạn mỗi ngày sáng tạo phải là 24 tiếng. (Sáng-thế Ký 1:1, 5, 8, 13, 19, 23, 31; 2:3, 4) Một lời nhận định chân thật về Kinh Thánh cho thấy rằng dù không phải là sách giáo khoa về khoa học, Kinh Thánh không phải là “rồ-dại”. Sự thật là Kinh Thánh hoàn toàn phù hợp với điều được khoa học chứng thực. *

“Khả năng suy luận”

Mặc dù nhiều môn đồ Chúa Giê-su là những người tầm thường, có lẽ ít học, nhưng họ được Đức Chúa Trời ban cho một khả năng quý giá. Bất kể gốc gác của họ, tất cả được phú cho một khả năng suy luận và suy nghĩ. Sứ đồ Phao-lô khuyến khích anh em tín đồ Đấng Christ tận dụng “khả năng suy luận” (NW) để “thử cho biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”.—Rô-ma 12:1, 2.

Với “khả năng suy luận” mà Đức Chúa Trời ban cho, tín đồ Đấng Christ thời ban đầu thấy rõ rằng bất cứ triết lý hoặc giáo lý nào không phù hợp với Lời Đức Chúa Trời đều là vô ích cả. Trong một số trường hợp những người khôn ngoan thời đó thực ra “áp chế sự thật” và lờ đi bằng chứng là có một Đức Chúa Trời dù thấy những cảnh vật quanh họ. Sứ đồ Phao-lô viết: “Tự cho mình là khôn ngoan, họ đã trở thành ngu dại”. Vì họ bác bỏ lẽ thật về Đức Chúa Trời và ý định Ngài, nên “họ suy tưởng những chuyện hư không và lòng dạ ngu dốt của họ ra tăm tối.—Rô-ma 1:18-22, Bản Dịch Mới; Giê-rê-mi 8:8, 9.

Những người cho mình là khôn ngoan thường đi đến kết luận như “Không có Đức Chúa Trời” hoặc “Kinh Thánh không đáng tin cậy” hoặc “Thời kỳ này không phải ‘ngày sau rốt’ ”. Những ý tưởng như thế là rồ dại theo mắt Đức Chúa Trời, cũng như kết luận rằng “2=1”. (1 Cô-rinh-tô 3:19) Dù người ta có thể cho mình có thẩm quyền nào, bạn không nhất thiết phải chấp nhận kết luận của họ nếu họ đối lập với Đức Chúa Trời, lờ đi Lời Ngài và vi phạm lẽ thường. Cuối cùng, đường lối khôn ngoan là luôn luôn “xưng Đức Chúa Trời là thật và loài người là giả-dối”.—Rô-ma 3:4.

[Chú thích]

^ đ. 20 Để biết thêm chi tiết, xin xem sách Kinh Thánh—Lời Đức Chúa Trời hay lời loài người? Có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến bạn không?, do Hội Tháp Canh xuất bản.

[Các hình nơi trang 31]

Trái với ý kiến hay thay đổi của loài người, Kinh Thánh cho ta căn bản vững chắc để tin

[Nguồn tư liệu]

Trái, Epicurus: Photograph taken by courtesy of the British Museum; chính giữa phía trên, Plato: National Archaeological Museum, Athens, Greece; phải, Socrates: Roma, Musei Capitolini