Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kinh Thánh vừa được quí chuộng vừa bị đàn áp

Kinh Thánh vừa được quí chuộng vừa bị đàn áp

Kinh Thánh vừa được quí chuộng vừa bị đàn áp

Desiderius Erasmus, học giả Hà Lan có uy tín vào thế kỷ 16, viết: “Ước gì các thánh thư đều được dịch ra tất cả các thứ tiếng”.

HY VỌNG tha thiết của Erasmus là mọi người đều có thể đọc và hiểu được Kinh Thánh. Tuy nhiên, những kẻ thù của Kinh Thánh mãnh liệt bác bỏ ý tưởng này. Thật thế, Âu Châu vào thời ấy là một nơi cực kỳ nguy hiểm đối với bất cứ ai chỉ hơi tò mò muốn biết nội dung của Kinh Thánh. Ở Anh Quốc một sắc luật quốc hội được ban hành, với lệnh là “bất cứ ai đọc Kinh Thánh bằng tiếng Anh ắt sẽ bị tịch thu đất đai, động sản, tài sản và ngay cả mạng sống cũng bị de dọa... nếu như cứ tiếp tục ngoan cố hoặc tái phạm sau khi đã được ân xá, trước nhất phải bị treo cổ vì tội phản bội nhà vua, rồi bị thiêu vì tội dị giáo nghịch lại Chúa”.

Ở Âu Châu đại lục, Tòa Án Dị Giáo của Công Giáo săn lùng thẳng tay các giáo phái “dị giáo”, chẳng hạn như nhóm Waldenses ở Pháp, họ trở thành mục tiêu cho sự bắt bớ vì họ có thói quen rao giảng “phúc âm, các lá thư và những phần khác của các thánh thư... vì hàng giáo dân hoàn toàn bị cấm đoán rao giảng và giải thích Thánh Kinh”. Vô số đàn ông và đàn bà đã từng bị tra tấn và giết một cách cực kỳ dã man vì yêu chuộng Kinh Thánh. Họ đứng trước nguy cơ chịu những hình phạt nặng nhất chỉ vì đọc thuộc lòng Kinh Lạy Cha hoặc Mười Điều Răn và dạy lại cho con cái.

Nhiều người dong buồm đi khai hoang vùng Bắc Mỹ cũng giữ lòng sùng kính Lời Đức Chúa Trời như thế. Theo sách A History of Private Life—Passions of the Renaissance, ở Mỹ Châu thời ban đầu, “hai việc đọc sách và thực hành tôn giáo hầu như gắn bó với nhau, tạo thành một nền văn hóa hoàn toàn dựa trên việc thông thạo Kinh Thánh”. Thật thế, một bài giảng thuyết xuất bản ở Boston vào năm 1767 đề nghị: “Hãy siêng năng đọc các thánh thư. Bạn phải đọc một chương Kinh Thánh mỗi sáng và mỗi tối”.

Theo Nhóm Nghiên Cứu Barna ở Ventura, California, có hơn 90 phần trăm người Mỹ sở hữu bình quân ba cuốn Kinh Thánh. Nhưng một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy rằng trong khi tại nước này Kinh Thánh vẫn còn được kính trọng sâu xa, “giờ đây... không còn ai dành thì giờ để đọc, học và áp dụng Kinh Thánh nữa”. Phần lớn người Mỹ chỉ biết sơ qua về nội dung Kinh Thánh. Một nhà báo nhận xét: “Hiếm có ai nghĩ rằng [Kinh Thánh] vẫn còn liên quan tới các vấn đề và mối quan tâm hiện tại”.

Làn sóng tư duy thế tục

Có một niềm tin phổ thông cho rằng chúng ta có thể thành công trong đời sống chỉ nhờ lý trí và sự hợp tác giữa người với người. Kinh Thánh bị người ta xem như là một trong vô số cuốn sách nói về tôn giáo và kinh nghiệm cá nhân, chứ không phải là sách chứa đựng sự kiện và lẽ thật.

Vậy phần đông người ta đối phó thế nào với những vấn đề của đời sống ngày càng phức tạp và rắc rối? Họ hoàn toàn thiếu thốn về mặt thiêng liêng, không có sự hướng dẫn và chỉ giáo nào vững chắc về đạo đức và tôn giáo cả. Họ trở nên giống như thuyền không lái, “bị dồi-dập, trôi qua trôi lại theo các thứ gió giáo lạ,... trá-thuật và quỉ-kế của loài người”.—Ê-phê-sô 4:14, Ghi-đê-ôn.

Vậy, chúng ta cần phải tự hỏi: Phải chăng Kinh Thánh chỉ là một cuốn sách tôn giáo nào đó? Hay Kinh Thánh thật sự là Lời Đức Chúa Trời, chứa đựng thông tin thực tiễn và cần yếu? (2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Kinh Thánh có đáng cho chúng ta xem xét không? Bài kế tiếp sẽ bàn đến những câu hỏi này.

[Hình nơi trang 3]

Desiderius Erasmus

[Nguồn tư liệu]

Từ sách Deutsche Kulturgeschichte

[Hình nơi trang 4]

Nhóm Waldenses đã trở thành mục tiêu cho sự bắt bớ vì họ rao giảng Kinh Thánh

[Nguồn tư liệu]

Stichting Atlas van Stolk, Rotterdam