Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Người vợ chung thủy theo đạo Đấng Christ có thể phản đối quyết định ly dị của chồng đến mức độ nào?

Lúc khởi đầu cuộc hôn nhân của loài người, Đức Chúa Trời phán rằng vợ chồng phải “dính-díu” với nhau. (Sáng-thế Ký 2:18-24) Loài người trở nên bất toàn, nên nhiều cuộc hôn nhân có vấn đề, nhưng Đức Chúa Trời muốn vợ chồng nên tiếp tục gắn bó với nhau. Sứ đồ Phao-lô viết: “Về những kẻ đã cưới gả rồi, thì tôi, nhưng chẳng phải tôi, bèn là Chúa, truyền rằng vợ không nên lìa-bỏ chồng, (ví bằng đã phân-rẽ nhau, thì nên ở vậy đừng lấy chồng khác; hay là phải lại hòa-thuận với chồng mình), còn chồng cũng không nên để vợ”.—1 Cô-rinh-tô 7:10, 11.

Những lời đó thừa nhận rằng trong loài người bất toàn, đôi khi xảy ra việc người hôn phối quyết định ly thân. Thí dụ, Phao-lô nói rằng nếu một người hôn phối bỏ đi, cả hai nên ‘ở vậy đừng lấy người khác’. Tại sao? Vì dù tách riêng, nhưng cả hai vẫn ràng buộc với nhau dưới mắt Đức Chúa Trời. Phao-lô có thể nói thế vì Chúa Giê-su đã đặt tiêu chuẩn cho hôn nhân tín đồ Đấng Christ: “Trừ trường hợp vợ tà dâm [tiếng Hy Lạp, por·neiʹa], nếu ai ly dị vợ mà cưới người khác, thì phạm tội ngoại tình”. (Ma-thi-ơ 19:9, Bản Dịch Mới) Đúng vậy, lý do duy nhất để chấm dứt cuộc hôn nhân theo Kinh Thánh là “tà dâm”, tức là vô luân. Hiển nhiên, trong trường hợp Phao-lô đề cập, không ai trong hai người phạm tội vô luân, vậy khi một trong hai người hôn phối ly thân, hôn nhân họ không chấm dứt theo mắt Đức Chúa Trời.

Rồi Phao-lô nói về tình trạng một tín đồ Đấng Christ có người hôn phối không tin đạo. Hãy xem xét những lời chỉ dẫn của Phao-lô: “Nếu kẻ không tin Chúa muốn phân-rẽ, thì cho phân-rẽ: trong cơn đó, người anh em hay là người chị em chẳng phải cầm-buộc gì. Đức Chúa Trời đã gọi anh em ăn-ở trong sự bình-an”. (1 Cô-rinh-tô 7:12-16) Một người vợ chung thủy có thể làm gì nếu bị chồng không tin đạo ly thân, thậm chí còn tìm cách ly dị chính thức?

Có lẽ chị thích chồng ở lại với mình. Có thể chị vẫn còn yêu chồng, nhận biết nhu cầu tình cảm và tính dục của hai vợ chồng, và biết mình cùng con cái vị thành niên cần được cấp dưỡng về mặt vật chất. Chị cũng có thể mong rằng với thời gian chồng mình sẽ tin đạo và được cứu. Nhưng nếu chồng có những sắp đặt để ly dị (không theo lý do Kinh Thánh cho phép), thì người vợ có thể “cho phân-rẽ”, như Phao-lô đã viết. Điều này cũng áp dụng cho người chồng tin đạo nhưng xem nhẹ quan điểm của Đức Chúa Trời về hôn nhân và một mực muốn tách ra.

Tuy nhiên, trong trường hợp như thế chị có thể cần che chở mình và con cái. Tại sao? Vì chị muốn được quyền giữ con để có thể tiếp tục yêu thương chúng, dạy chúng biết đạo đức và khắc ghi vào lòng chúng đức tin dựa trên những sự dạy dỗ tốt lành của Kinh Thánh. (2 Ti-mô-thê 3:15) Ly dị có thể làm hại đến quyền lợi của chị. Vì vậy, chị phải tìm người đại diện biện hộ chị đúng đắn trước giới thẩm quyền để bảo vệ quyền được gần gũi với con cái của chị và để bảo đảm chồng phải cấp dưỡng cho gia đình mà ông ta đã bỏ rơi.Ở vài nơi, khi phản đối việc ly dị, người phụ nữ có thể ký giấy tờ đặt điều kiện về việc giữ con cái và cấp dưỡng tài chính mà không cần phải đồng ý về việc ly dị do người chồng đề xướng. Ở những nơi khác, lời lẽ trong văn kiện chứng tỏ rằng chị đồng ý việc ly dị; do đó nếu chồng phạm tội ngoại tình thì việc người vợ ký tên vào đó sẽ có nghĩa là chị từ bỏ chồng.

Hầu hết những người trong cộng đồng và trong hội thánh không biết những chi tiết, như là việc ly dị có phù hợp với Kinh Thánh không. Vì vậy trước khi sự việc đi xa đến mức đó, chị nên trình bày cho giám thị chủ tọa và một trưởng lão khác trong hội thánh (tốt nhất là bằng thư) biết sự thật để có ai lúc đó hoặc sau này đặt câu hỏi thì họ biết mà trả lời.

Chúng ta hãy trở lại lời Chúa Giê-su phán: “Trừ trường hợp vợ tà dâm, nếu ai ly dị vợ mà cưới người khác, thì phạm tội ngoại tình”. Nếu người chồng thật sự phạm tội vô luân nhưng muốn ở lại với vợ, chị (người vô tội trong thí dụ của Chúa Giê-su) phải chọn xem mình muốn tha thứ và tiếp tục việc chăn gối với chồng hay là từ bỏ luôn. Nếu chị sẵn lòng tha thứ và tiếp tục ở lại với chồng thì cũng không phải là vô luân.—Ô-sê 1:1-3; 3:1-3.

Trong trường hợp người chồng vô luân muốn ly dị nhưng có lẽ vợ vẫn sẵn lòng tha thứ, hy vọng chồng trở lại. Phản đối việc ly dị hay không là tùy ý chị, dựa theo lương tâm và tình cảnh chị. Ở vài nơi, khi phản đối việc ly dị, người phụ nữ có thể ký giấy tờ đặt điều kiện về việc giữ con cái và cấp dưỡng tài chính mà không cần phải đồng ý về việc ly dị; việc chị ký tên sẽ không có nghĩa là chị từ bỏ chồng. Tuy nhiên, ở những nơi khác, khi phản đối việc ly dị, người vợ được yêu cầu ký vào những văn kiện ghi rằng chị đồng ý với việc ly dị; ký tên như thế sẽ chứng tỏ chị từ bỏ người chồng tội lỗi.

Để tránh sự hiểu lầm có thể xảy ra, người vợ trong trường hợp này cũng nên viết thư cho trưởng lão hội thánh biết, nêu rõ mình đã có những bước nào và thái độ nào kèm theo. Chị có thể nói là đã cho chồng biết mình sẵn lòng tha thứ và muốn hàn gắn. Như vậy có nghĩa là chị không muốn ly dị; thay vì từ bỏ chồng, chị vẫn sẵn sàng tha thứ. Sau khi đã nói rõ chị sẵn lòng tha thứ và muốn ở lại với nhau, việc chị ký tên vào giấy chỉ chứng tỏ là vấn đề tài chính và/hoặc việc giữ con cái được giải quyết như thế nào chứ không chứng tỏ chị từ bỏ chồng. *

Dù đã ly dị rồi mà chị vẫn chứng minh mình sẵn lòng tha thứ, thì cả chị lẫn chồng cũng sẽ không được tự do kết hôn với người khác. Nếu chị, người hôn phối vô tội, đã tha thứ nhưng chồng không chịu, sau đó quyết định từ bỏ chồng vì sự vô luân của chồng, thì khi ấy cả hai sẽ không còn ràng buộc gì với nhau nữa. Chúa Giê-su cho thấy rằng người hôn phối vô tội có quyền quyết định như thế.—Ma-thi-ơ 5:32; 19:9; Lu-ca 16:18.

[Chú thích]

^ đ. 11 Có sự khác biệt về thủ tục và giấy tờ hợp pháp tùy nơi. Những điều kiện nêu ra trong văn kiện ly dị phải được xem xét kỹ trước khi ký tên. Nếu người hôn phối vô tội ký tên trên giấy tờ nói rõ rằng mình không phản đối cuộc ly dị mà người kia muốn, thì đó có nghĩa là mình từ bỏ người chồng hay vợ mình.—Ma-thi-ơ 5:37.