Được xây dựng bởi tình yêu thương
Được xây dựng bởi tình yêu thương
“Ngươi hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi”.—MA-THI-Ơ 22:37.
1. (a) Một số đức tính nào được tín đồ Đấng Christ vun trồng? (b) Đức tính nào của người tín đồ Đấng Christ là quan trọng nhất, và tại sao?
TÍN ĐỒ Đấng Christ phải vun trồng nhiều mặt để trở thành người truyền giáo hữu hiệu. Sách Châm-ngôn nêu bật giá trị của sự hiểu biết, thông hiểu và khôn ngoan. (Châm-ngôn 2:1-10) Sứ đồ Phao-lô thảo luận về sự cần thiết phải có đức tin và lòng trông cậy vững chắc. (Rô-ma 1:16, 17; Cô-lô-se 1:5; Hê-bơ-rơ 10:39) Sự nhịn nhục và tự chủ cũng rất quan trọng. (Công-vụ 24:25; Hê-bơ-rơ 10:36) Tuy nhiên, có một yếu tố mà nếu thiếu sẽ làm giảm giá trị của tất cả những đức tính khác hoặc thậm chí làm cho chúng trở nên vô giá trị. Yếu tố đó là tình yêu thương.—1 Cô-rinh-tô 13:1-3, 13.
2. Chúa Giê-su đã cho thấy tầm quan trọng của tình yêu thương như thế nào, và điều đó gợi lên những câu hỏi nào?
2 Chúa Giê-su cho thấy tầm quan trọng của tình yêu thương khi ngài nói: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”. (Giăng 13:35) Vì tình yêu thương là dấu hiệu để nhận diện một tín đồ thật của Đấng Christ, thì chúng ta cần đặt ra những câu hỏi như: Tình yêu thương là gì? Tại sao nó lại thiết yếu đến nỗi Chúa Giê-su nói rằng trên hết những thứ khác, nó là nét đặc trưng của môn đồ ngài? Làm thế nào chúng ta có thể vun trồng tình yêu thương? Đối tượng để chúng ta yêu thương nên là những ai? Chúng ta hãy xem xét những câu hỏi này.
Tình yêu thương là gì?
3. Tình yêu thương có thể được miêu tả như thế nào, và tại sao nó bao gồm cả trí lẫn lòng?
3 Tình yêu thương có thể được miêu tả là ‘tình cảm gắn bó nồng hậu hoặc quí mến sâu xa, một sự trìu mến ấm áp đối với người khác’. Nó là đức tính thúc đẩy người ta làm việc vì lợi ích của người khác, dù có khi phải tự hy sinh rất nhiều. Tình yêu thương, như được mô tả trong Kinh Thánh, bao gồm cả trí lẫn lòng. Trí óc, hay lý trí, có phần ở đây bởi vì người có lòng yêu thương phải bày tỏ điều đó với sự hiểu biết, nhận thức được rằng bản thân họ và những người họ yêu đều có nhược điểm cũng như ưu điểm. Lý trí còn cần thiết bởi vì có những người mà một tín đồ Đấng Christ yêu thương—đôi khi trái với khuynh hướng tự nhiên—vì khi đọc Kinh Thánh người ấy biết rằng Đức Chúa Trời muốn mình làm điều đó. (Ma-thi-ơ 5:44; 1 Cô-rinh-tô 16:14) Tuy nhiên, về căn bản tình yêu thương vẫn xuất phát từ tấm lòng. Tình yêu thương chân thật như được miêu tả trong Kinh Thánh không bao giờ chỉ có tính cách thuần lý. Nó gắn liền với sự chân thành sâu xa và tình cảm trọn vẹn.—1 Phi-e-rơ 1:22.
4. Tình yêu thương là dây liên kết mạnh mẽ theo cách nào?
4 Những người có lòng ích kỷ hiếm khi có thể yêu thương thật vì một người yêu phải sẵn sàng đặt quyền lợi của người khác lên trên quyền lợi của cá nhân mình. (Phi-líp 2:2-4) Những lời của Chúa Giê-su “ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh” đặc biệt đúng khi sự ban cho là một hành động vì yêu thương. (Công-vụ 20:35) Tình yêu thương là một dây liên kết mạnh mẽ. (Cô-lô-se 3:14) Nó thường bao hàm tình bạn, nhưng sợi dây yêu thương mạnh hơn tình bạn. Quan hệ lãng mạn giữa một cặp vợ chồng đôi khi được mô tả là tình yêu; tuy nhiên, tình yêu thương mà Kinh Thánh khuyến khích chúng ta vun trồng lâu bền hơn là sự hấp dẫn thể chất. Khi một cặp vợ chồng thật sự yêu nhau, họ tiếp tục sống với nhau ngay dù quan hệ xác thịt không còn nữa vì tuổi già sức yếu hay một trong hai người bị bất lực.
Tình yêu thương—Đức tính thiết yếu
5. Tại sao tình yêu thương là một đức tính thiết yếu đối với tín đồ Đấng Christ?
5 Tại sao tình yêu thương là một đức tính thiết yếu đối với tín đồ Đấng Christ? Trước hết là vì Chúa Giê-su đã ra lệnh cho các môn đồ ngài phải yêu thương nhau. Ngài nói: “Ví thử các ngươi làm theo điều ta dạy, thì các ngươi là bạn-hữu ta. Ta truyền cho các ngươi những điều-răn đó, đặng các ngươi yêu-mến lẫn nhau vậy”. (Giăng 15:14, 17) Thứ hai, vì Đức Giê-hô-va là hiện thân của tình yêu thương và là những người thờ phượng Ngài, chúng ta phải noi theo Ngài. (Ê-phê-sô 5:1; 1 Giăng 4:16) Kinh Thánh nói thu thập sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su dẫn đến sự sống vĩnh cửu. Làm thế nào chúng ta có thể nói được là mình biết Đức Chúa Trời nếu không cố gắng trở nên giống Ngài? Sứ đồ Giăng lý luận: “Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”.—1 Giăng 4:8.
6. Làm thế nào tình yêu thương có thể giúp giữ thăng bằng những khía cạnh khác nhau trong đời sống chúng ta?
6 Tình yêu thương còn quan trọng vì một lý do thứ ba: Nó giúp giữ thăng bằng những khía cạnh khác nhau trong đời sống và giúp có động lực tốt trong những việc mình làm. Chẳng hạn, việc tiếp tục thu thập sự hiểu biết về Lời Đức Chúa Trời là điều tối quan trọng. Đối với một tín đồ Đấng Christ, sự hiểu biết đó giống như đồ ăn, giúp họ tiến bộ đến mức thành thục và hành động hòa hợp với ý muốn Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 119:105; Ma-thi-ơ 4:4; 2 Ti-mô-thê 3:15, 16) Tuy nhiên, Phao-lô khuyến cáo: “Kiến thức dễ sinh kiêu căng, còn lòng yêu thương xây dựng cho nhau”. (1 Cô-rinh-tô 8:1, Bản Diễn Ý) Không, sự hiểu biết chính xác chẳng có gì sai. Vấn đề là ở chúng ta—chúng ta có khuynh hướng tội lỗi. (Sáng-thế Ký 8:21) Nếu không có tình yêu thương giữ thăng bằng, sự hiểu biết có thể khiến một người trở nên kiêu căng, nghĩ mình giỏi hơn người khác. Điều đó sẽ không xảy ra nếu động lực chủ yếu thúc đẩy người đó là tình yêu thương. “Tình yêu-thương... chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu-ngạo”. (1 Cô-rinh-tô 13:4) Một tín đồ Đấng Christ có động lực yêu thương không trở nên kiêu ngạo ngay dù có một sự hiểu biết sâu rộng. Tình yêu thương giúp người đó khiêm nhường và tránh làm mình nổi danh.—Thi-thiên 138:6; Gia-cơ 4:6.
7, 8. Làm thế nào tình yêu thương giúp chúng ta chú tâm vào những điều quan trọng hơn?
7 Phao-lô viết cho anh em thành Phi-líp: “Điều tôi xin trong khi cầu-nguyện, ấy là lòng thương-yêu của anh em càng ngày càng chan-chứa hơn, trong sự thông-biết và sự suy-hiểu, để nghiệm-thử những sự tốt-lành hơn [“nhận rõ những điều quan trọng hơn”, NW]”. (Phi-líp 1:9, 10) Tình yêu thương tín đồ Đấng Christ sẽ giúp chúng ta làm theo lời khuyến khích này để nhận rõ những điều quan trọng hơn. Chẳng hạn, hãy xem xét những lời của Phao-lô nói với Ti-mô-thê: “Ví bằng có kẻ mong được làm giám-mục [“giám thị”, NW], ấy là ưa-muốn một việc tốt-lành”. (1 Ti-mô-thê 3:1) Trong năm công tác 2000, số hội thánh trên thế giới đã tăng thêm 1.502, nâng tổng số hội thánh lên 91.487. Vì vậy, rất cần có thêm nhiều trưởng lão, và những người cố gắng vươn tới đặc ân này rất đáng khen.
8 Tuy nhiên, những người cố vươn tới đặc ân làm giám thị sẽ duy trì được sự thăng bằng nếu họ luôn ghi nhớ trong trí mục đích của đặc ân đó. Việc có thêm quyền hành hay tiếng tăm không phải là điều quan trọng. Những trưởng lão làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va là những người làm việc với động lực yêu thương Đức Chúa Trời và anh em. Họ không tìm cách để có nhiều ảnh hưởng hay nổi hơn người khác. Sau khi khuyên các trưởng lão hội thánh tiếp tục giữ thái độ tốt, sứ đồ Phi-e-rơ nhấn mạnh sự cần thiết phải có tính “khiêm-nhường”. Ông khuyên cả hội thánh: “Hãy hạ mình xuống dưới tay quyền-phép của Đức Chúa Trời”. (1 Phi-e-rơ 5:1-6) Bất kỳ ai đang cố vươn tới đặc ân làm giám thị nên xem xét gương mẫu của vô số trưởng lão trên khắp thế giới, là những người đang làm việc hết mình một cách khiêm nhường, và vì thế là một ân phước đối với hội thánh của họ.—Hê-bơ-rơ 13:7.
Động lực tốt giúp chúng ta nhịn nhục
9. Tại sao tín đồ Đấng Christ luôn ghi nhớ những ân phước mà Đức Giê-hô-va đã hứa?
9 Tầm quan trọng của việc được thúc đẩy bởi tình yêu thương còn được thấy qua một cách khác. Kinh Thánh hứa nhiều ân phước dồi dào ngay bây giờ và những ân phước tuyệt diệu ngoài sức tưởng tượng trong tương lai cho những người theo đuổi sự tin kính vì yêu thương. (1 Ti-mô-thê 4:8) Việc có niềm tin vững chắc nơi những lời hứa này và tin rằng Đức Giê-hô-va “là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài” giúp một tín đồ Đấng Christ đứng vững trong đức tin. (Hê-bơ-rơ 11:6) Đa số chúng ta đều trông đợi những lời hứa Đức Chúa Trời được thành tựu và đồng tình với cảm xúc của sứ đồ Giăng: “A-men, lạy Đức Chúa Jêsus, xin hãy đến!” (Khải-huyền 22:20) Thật vậy, suy ngẫm về những ân phước chúng ta sắp được hưởng nếu trung thành giúp chúng ta nhịn nhục, cũng như việc luôn ghi nhớ “sự vui-mừng đã đặt trước mặt mình” đã giúp Chúa Giê-su nhịn nhục.—Hê-bơ-rơ 12:1, 2.
10, 11. Làm thế nào việc được thúc đẩy bởi tình yêu thương giúp chúng ta nhịn nhục?
10 Tuy nhiên, nếu động lực duy nhất khiến chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va là do muốn được sống trong thế giới mới thì sao? Nếu vậy, chúng ta có thể dễ dàng trở nên mất kiên nhẫn hoặc bất mãn khi gặp khó khăn hoặc khi mọi việc không xảy ra vào lúc hay theo cách chúng ta mong muốn. Chúng ta có nguy cơ bị trôi giạt. (Hê-bơ-rơ 2:1; 3:12) Phao-lô có nói đến một bạn đồng hành trước đây, tên là Đê-ma, đã lìa bỏ ông. Tại sao? Bởi vì “người ham-hố đời nầy”. (2 Ti-mô-thê 4:10) Bất kỳ ai chỉ hầu việc vì lý do ích kỷ đều có thể lâm vào tình cảnh tương tự. Họ có thể bị lôi cuốn bởi những cơ hội trước mắt mà thế gian mời mọc và ngần ngại phải hy sinh bây giờ cho hy vọng nhận được những ân phước trong tương lai.
11 Mặc dù việc mong muốn được hưởng những ân phước trong tương lai và hy vọng được thoát khỏi thử thách là điều thích hợp và tự nhiên, tình yêu thương khiến chúng ta quí trọng điều nên được xem là ưu tiên hàng đầu trong đời sống chúng ta. Điều quan trọng nhất là ý muốn của Đức Giê-hô-va, chứ không phải của chúng ta. (Lu-ca 22:41, 42) Vâng, tình yêu thương xây dựng chúng ta. Nó giúp chúng ta sẵn lòng chờ đợi Đức Chúa Trời một cách kiên nhẫn, thỏa mãn với bất kỳ ân phước nào Ngài ban cho, và tin tưởng rằng đến lúc Ngài đã định, chúng ta sẽ nhận được mọi điều Ngài hứa—và hơn thế nữa. (Thi-thiên 145:16; 2 Cô-rinh-tô 12:8, 9) Trong khi chờ đợi, tình yêu thương giúp chúng ta tiếp tục phụng sự một cách bất vị kỷ bởi vì “tình yêu-thương... chẳng kiếm tư-lợi”.—1 Cô-rinh-tô 13:4, 5.
Tín đồ Đấng Christ nên yêu thương ai?
12. Theo Chúa Giê-su, chúng ta nên yêu ai?
12 Chúa Giê-su cho một nguyên tắc tổng quát về những người chúng ta nên yêu khi ngài trích hai câu từ Luật Pháp Môi-se. Ngài nói: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi” và “Ngươi hãy yêu kẻ lân-cận như mình”.—Ma-thi-ơ 22:37-39.
13. Làm thế nào chúng ta có thể học yêu mến Đức Giê-hô-va dù không thể nhìn thấy Ngài?
Sáng-thế Ký 2:5-23) Chúng ta biết cách Ngài đối xử với nhân loại, không từ bỏ chúng ta khi tội lỗi bắt đầu xâm chiếm gia đình nhân loại nhưng ra tay cứu chuộc chúng ta. (Sáng-thế Ký 3:1-5, 15) Ngài nhân từ với những người trung thành, và cuối cùng cung cấp Con độc sanh Ngài để chúng ta được tha tội. (Giăng 3:16, 36) Sự hiểu biết dần dần được nâng cao này khiến chúng ta ngày càng yêu mến Đức Giê-hô-va. (Ê-sai 25:1) Vua Đa-vít nói ông yêu mến Đức Giê-hô-va vì sự quan tâm đầy yêu thương của Ngài. (Thi-thiên 116:1-9) Ngày nay, Đức Giê-hô-va cũng quan tâm đến chúng ta, dẫn dắt chúng ta, thêm sức và khích lệ chúng ta. Càng học biết về Ngài, chúng ta càng yêu thương Ngài sâu sắc hơn.—Thi-thiên 31:23; Sô-phô-ni 3:17; Rô-ma 8:28.
13 Theo lời Chúa Giê-su, rõ ràng chúng ta nên yêu Đức Giê-hô-va trên hết mọi sự. Tuy nhiên, không phải khi mới sanh ra chúng ta đã tự nhiên có sẵn một lòng yêu thương trọn vẹn dành cho Đức Giê-hô-va. Đó là điều chúng ta phải vun trồng. Lần đầu tiên nghe nói về Ngài, chúng ta được thu hút bởi những gì mình nghe. Dần dần chúng ta học biết được Ngài đã sửa soạn trái đất cho nhân loại ra sao. (Làm sao bày tỏ tình yêu thương?
14. Bằng cách nào chúng ta có thể cho thấy mình thật sự yêu mến Đức Chúa Trời?
14 Dĩ nhiên, nhiều người trên thế giới nói họ yêu Đức Chúa Trời, tuy nhiên, hành vi của họ thì hoàn toàn trái ngược. Làm sao chúng ta có thể biết được mình có thật sự yêu Đức Giê-hô-va hay không? Chúng ta có thể nói chuyện và tâm sự với Ngài qua lời cầu nguyện. Đồng thời, chúng ta có thể thể hiện tình yêu thương của mình qua hành động. Sứ đồ Giăng nói: “Ai giữ lời phán [của Đức Chúa Trời], thì lòng kính-mến Đức Chúa Trời thật là trọn-vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết mình ở trong Ngài”. (1 Giăng 2:5; 5:3) Ngoài ra, Lời Đức Chúa Trời còn bảo chúng ta phải kết hợp với nhau và có đời sống trong sạch, đạo đức. Chúng ta tránh sự giả hình, nhưng nói chân thật, và giữ tâm trí trong sạch. (2 Cô-rinh-tô 7:1; Ê-phê-sô 4:15; 1 Ti-mô-thê 1:5; Hê-bơ-rơ 10:23-25) Chúng ta bày tỏ lòng yêu thương bằng cách giúp đỡ vật chất cho những người thiếu thốn. (1 Giăng 3:17, 18) Và chúng ta không trễ nải nói cho người khác biết về Đức Giê-hô-va. Điều đó bao hàm việc tham gia vào công việc truyền giảng tin mừng về Nước Trời trên khắp thế giới. (Ma-thi-ơ 24:14; Rô-ma 10:10) Vâng theo Lời Đức Chúa Trời trong những công việc đó là bằng chứng cho thấy chúng ta thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va.
15, 16. Năm ngoái, tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va đã có ảnh hưởng nào trên nhiều cuộc đời?
15 Tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va giúp người ta có những quyết định đúng. Năm ngoái, tình yêu thương đó đã thúc đẩy 288.907 người dâng mình cho Ngài và biểu trưng quyết định đó bằng cách báp têm trong nước. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Sự dâng mình của họ có rất nhiều ý nghĩa. Nó đánh dấu một sự thay đổi trong đời sống họ. Chẳng hạn như Gazmend là một trong những ngôi sao bóng rổ hàng đầu của Albania. Trong vài năm, anh và vợ anh đã học Kinh Thánh và mặc dù gặp nhiều trở ngại cuối cùng họ đạt đủ điều kiện trở thành người công bố Nước Trời. Năm ngoái, Gazmend đã làm báp têm, và là một trong 366 người đã được báp têm ở Albania trong năm công tác 2000. Một tờ báo đăng một bài viết về anh như sau: “Đời sống anh nay có mục đích và nhờ mục đích đó, anh và cả gia đình đang được vui hưởng những ngày hạnh phúc nhất đời mình. Đối với anh, giờ đây điều quan trọng không phải là anh có thể được lợi bao nhiêu nữa mà là anh có thể giúp người khác bao nhiêu”.
16 Tương tự như vậy, một chị mới báp têm đang làm việc cho một công ty dầu khí ở Guam đã nhận được một đề nghị hấp dẫn. Sau nhiều năm phấn đấu để đạt được những chức vị quan trọng trong công ty, cuối cùng chị được đề bạt làm nữ phó chủ tịch đầu tiên trong lịch sử của công ty. Tuy nhiên, giờ đây chị đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Vì thế, sau khi thảo luận vấn đề với chồng, chị mới này đã từ chối lời đề nghị và thu xếp làm việc bán thời gian để có thể tiến bộ trở thành người truyền giáo trọn thời gian, người tiên phong. Tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va đã thúc đẩy chị muốn hầu việc Ngài với tư cách người tiên phong hơn là theo đuổi những lợi ích tài chánh trong thế gian. Thật ra, tình yêu thương đó đã thúc đẩy 805.205 người trên khắp thế giới tham gia vào những mặt khác nhau của thánh chức tiên phong trong năm công tác 2000. Những người tiên phong đó đã bày tỏ một tình yêu thương và đức tin sống động biết bao!
Được thúc đẩy yêu mến Chúa Giê-su
17. Chúng ta tìm thấy nơi Chúa Giê-su gương mẫu tuyệt hảo nào về sự yêu thương?
17 Chúa Giê-su là một gương mẫu tuyệt vời của người có động lực yêu thương. Trước khi hiện hữu làm người, ngài đã yêu Cha ngài và yêu nhân loại. Là hiện thân của sự khôn ngoan, ngài nói: “Ta ở bên [Đức Giê-hô-va] làm thợ cái, hằng ngày ta là sự khoái-lạc Ngài, và thường thường vui-vẻ trước mặt Ngài. Ta lấy làm vui-vẻ về chỗ có người ở trên trái đất của Ngài, và sự vui-thích ta ở nơi con-cái loài người”. (Châm-ngôn 8:30, 31) Tình yêu thương của Chúa Giê-su đã thúc đẩy ngài rời chỗ ở trên trời và chịu sinh ra làm một hài nhi yếu ớt. Ngài kiên nhẫn và nhân từ với những người nhu mì, thấp kém và ngài chịu đau khổ khi ở trong tay những kẻ thù của Đức Giê-hô-va. Và cuối cùng, ngài chịu chết cho nhân loại trên cây khổ hình. (Giăng 3:35; 14:30, 31; 15:12, 13; Phi-líp 2:5-11) Thật là một gương mẫu tuyệt hảo của việc có động lực đúng!
18. (a) Làm thế nào chúng ta vun trồng tình yêu thương đối với Chúa Giê-su? (b) Chúng ta bày tỏ lòng yêu mến của mình đối với Chúa Giê-su qua cách nào?
18 Khi những người có lòng thành đọc về cuộc đời Chúa Giê-su trong các sách Phúc Âm và suy ngẫm về những ân phước mà họ được hưởng 1 Phi-e-rơ 1:8) Lòng yêu thương của chúng ta được bày tỏ ra khi chúng ta thực hành đức tin nơi ngài và bắt chước đời sống tự hy sinh của ngài. (1 Cô-rinh-tô 11:1; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6; 1 Phi-e-rơ 2:21-24) Vào ngày 19-4-2000, 14.872.086 người đã được nhắc nhớ lại những lý do để yêu mến Chúa Giê-su khi họ tham dự Lễ Tưởng Niệm sự chết của ngài được tổ chức hàng năm. Quả là một con số khổng lồ! Và thật khích lệ biết bao khi biết có nhiều người như thế đang quan tâm đến sự cứu rỗi nhờ sự hy sinh của Chúa Giê-su! Thật vậy, chúng ta được xây dựng bởi tình yêu thương mà Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su dành cho chúng ta và bởi tình yêu thương chúng ta dành cho hai Đấng ấy.
nhờ đời sống trung thành của ngài, một tình yêu thương sâu xa đối với ngài dâng lên trong lòng họ. Ngày nay, chúng ta giống như những người mà Phi-e-rơ đã nói: “[Chúa Giê-su] là Đấng anh em không thấy, mà yêu-mến”. (19. Những câu hỏi nào về tình yêu thương sẽ được thảo luận trong bài tới?
19 Chúa Giê-su nói chúng ta phải yêu mến Đức Giê-hô-va hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức. Nhưng ngài cũng nói chúng ta phải yêu người lân cận như chính mình. (Mác 12:29-31) Người lân cận bao gồm những ai? Và làm thế nào tình yêu thương đối với người lân cận giúp chúng ta tiếp tục giữ thăng bằng tốt và có động lực đúng? Những câu hỏi này sẽ được thảo luận trong bài tới.
Bạn có nhớ không?
• Tại sao tình yêu thương là một đức tính tối quan trọng?
• Làm thế nào chúng ta có thể học yêu mến Đức Giê-hô-va?
• Làm sao hạnh kiểm của chúng ta chứng tỏ chúng ta yêu mến Đức Giê-hô-va?
• Chúng ta bày tỏ tình yêu thương đối với Chúa Giê-su qua cách nào?
[Câu hỏi thảo luận]
[Các hình nơi trang 10, 11]
Tình yêu thương giúp chúng ta kiên nhẫn chờ đợi được thoát khỏi thử thách
[Hình nơi trang 12]
Sự hy sinh lớn lao của Chúa Giê-su khiến chúng ta yêu mến ngài