Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chữa lành những vết thương chiến tranh

Chữa lành những vết thương chiến tranh

Chữa lành những vết thương chiến tranh

ABRAHAM ở trong du kích quân 20 năm. * Nhưng anh đã thôi đấu tranh và sẽ không bao giờ tham chiến nữa. Thật thế, một số người trước đây là kẻ thù của anh hiện nay lại là những người bạn thân thiết nhất. Điều gì đã làm anh thay đổi? Chính Kinh Thánh. Kinh Thánh cho Abraham hy vọng và hiểu biết sâu sắc, giúp anh xem xét những vấn đề của nhân loại theo quan điểm Đức Chúa Trời. Kinh Thánh làm nguôi lòng hiếu chiến của anh, và anh bắt đầu chữa lành mọi ưu phiền, đau buồn, thù ghét và cay đắng. Anh nhận ra rằng Kinh Thánh chứa đựng một liều thuốc hiệu nghiệm cho tâm hồn.

Làm thế nào Kinh Thánh giúp một người chữa lành những vết thương trong tâm hồn? Kinh Thánh không thể thay đổi những điều đã xảy đến với Abraham. Tuy nhiên đọc và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời làm cho lối suy nghĩ của anh hòa hợp với đường lối của Đấng Tạo Hóa. Giờ đây anh có hy vọng cho tương lai và có quan điểm mới về những điều ưu tiên. Những điều Đức Chúa Trời xem là quan trọng trở thành quan trọng đối với anh. Một khi điều này xảy ra, những vết thương trong tâm hồn anh bắt đầu được chữa lành. Abraham đã được giúp đỡ như thế để thay đổi đời sống mình.

Lao vào cuộc nội chiến

Abraham sinh ra vào thập niên 1930 ở Châu Phi. Sau thế chiến thứ hai, quê hương anh bị một nước láng giềng hùng mạnh cai trị, nhưng nhiều người đồng hương của Abraham muốn độc lập. Năm 1961, Abraham gia nhập phong trào đấu tranh cho tự do. Phong trào này tiến hành cuộc chiến tranh du kích chống lại nước láng giềng hùng mạnh kia.

Abraham giải thích: “Họ là kẻ thù của chúng tôi. Họ định giết chúng tôi nên chúng tôi buộc phải ra tay giết họ”.

Tính mạng của Abraham thường gặp nguy hiểm nên vào năm 1982, sau 20 năm đấu tranh vũ trang, anh chạy trốn sang Châu Âu. Giờ đây ở những năm cuối của tuổi tứ tuần, anh có thì giờ nhìn lại cuộc đời mình. Khát vọng của anh ra sao rồi? Tương lai sẽ thế nào? Abraham gặp Nhân Chứng Giê-hô-va và bắt đầu tham dự những buổi họp của họ. Anh nhớ lại vài năm trước ở Châu Phi, anh đã đọc một giấy nhỏ do một Nhân Chứng trao. Giấy nhỏ ấy miêu tả về một địa đàng trên đất sắp đến và một chính phủ ở trên trời sẽ cai trị loài người. Điều đó có thể thực sự xảy ra không?

Abraham nói: “Qua Kinh Thánh, tôi học biết rằng tất cả những năm chiến đấu trước kia là uổng phí. Chính phủ duy nhất sẽ đối xử công bằng với mọi người là Nước Đức Chúa Trời”.

Chẳng bao lâu sau khi Abraham làm báp têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, một người đàn ông tên Robert từ Châu Phi trốn sang thành phố Châu Âu, nơi Abraham đang sống. Robert và Abraham đã chiến đấu trong cùng một cuộc chiến nhưng trên hai chiến tuyến đối nghịch. Robert thường tự hỏi về mục đích thật của đời sống. Anh là một người sùng đạo và đã đọc những phần trong Kinh Thánh. Anh biết tên Đức Chúa Trời là Giê-hô-va. Khi các Nhân Chứng cùng hội thánh với Abraham đề nghị giúp Robert hiểu thêm về Kinh Thánh, anh sẵn lòng đồng ý.

Robert giải thích: “Ngay từ ban đầu, cách các Nhân Chứng dùng tên của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã gây ấn tượng tốt với tôi. Họ nhìn nhận hai Đấng ấy là hai nhân vật riêng biệt. Việc đó phù hợp với những gì tôi biết qua Kinh Thánh. Ngoài ra các Nhân Chứng cũng ăn mặc tươm tất và tử tế với người khác, không phân biệt quốc tịch. Điều ấy đã gây tác động sâu sắc trong tôi”.

Thù trở thành bạn

Robert và Abraham trước đây là kẻ thù giờ trở nên bạn thân. Họ phụng sự với tư cách người truyền giáo trọn thời gian trong cùng một hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Abraham giải thích: “Trong thời chiến, tôi thường tự hỏi làm thế nào những người sống trong các nước láng giềng—nhiều người trong họ có cùng tôn giáo—lại có thể thù ghét nhau. Robert và tôi trước đều thuộc một giáo hội, nhưng chúng tôi lại chiến đấu chống nhau. Giờ đây cả hai chúng tôi đều là Nhân Chứng Giê-hô-va, và đức tin đã liên kết chúng tôi”.

Robert giải thích thêm: “Đó là sự khác biệt. Giờ đây chúng tôi thuộc về một đức tin khiến chúng tôi trở thành hội viên của đoàn thể anh em chân thật. Chúng tôi sẽ không bao giờ tham chiến nữa”. Kinh Thánh gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong tâm hồn của những kẻ thù trước đây. Thù ghét và cay đắng dần dần nhường chỗ cho sự tin cậy và tình bạn.

Cùng thời gian Abraham và Robert tham gia cuộc chiến, có hai thanh niên thuộc chiến tuyến đối nghịch trong một cuộc xung đột khác giữa hai nước láng giềng. Kinh Thánh cũng nhanh chóng tác dụng như liều thuốc rất hiệu nghiệm chữa lành tâm hồn họ. Chữa lành như thế nào?

Chém giết—Rồi chết như một người tử vì đạo

Gabriel lớn lên trong một gia đình sùng đạo, được dạy dỗ rằng quê hương anh đang trong nỗi thống khổ của một cuộc thánh chiến. Vì vậy khi 19 tuổi anh tình nguyện phục vụ trong quân đội và yêu cầu được điều ra tiền tuyến. Suốt 13 tháng anh đã dự vào những cuộc chiến khốc liệt nhất, nhiều khi chỉ cách kẻ thù chừng một dặm. Anh nói: “Tôi đặc biệt nhớ về một trường hợp, vị chỉ huy cho chúng tôi biết đêm ấy kẻ thù sẽ tấn công. Chúng tôi được kích động đến độ đã nã súng cối suốt một đêm dài”. Anh xem người dân nước láng giềng như kẻ thù đáng chết. “Tôi nghĩ giết càng nhiều người càng tốt. Rồi giống như các chiến hữu, tôi muốn được chết như một người tử vì đạo”.

Tuy nhiên, theo thời gian Gabriel vỡ mộng. Anh trốn vào núi, trườn qua biên giới vào một nước trung lập và sang Châu Âu. Anh vẫn tiếp tục hỏi Đức Chúa Trời tại sao đời sống khó khăn đến thế, và những vấn đề phải chăng là sự trừng phạt của Ngài. Anh tiếp xúc với Nhân Chứng Giê-hô-va, và qua Kinh Thánh họ chỉ cho anh thấy tại sao đời sống ngày nay đầy dẫy những vấn đề như thế.—Ma-thi-ơ 24:3-14; 2 Ti-mô-thê 3:1-5.

Càng học Gabriel càng nhận thức Kinh Thánh chứa đựng lẽ thật. “Tôi học biết rằng chúng ta có thể sống đời đời trong một địa đàng trên đất. Lạ thay đó là điều tôi ước mong hồi còn bé”. Kinh Thánh đã an ủi Gabriel và xoa dịu tâm hồn đau khổ bấy lâu nay của anh. Những vết thương xúc cảm trầm trọng nhất của anh bắt đầu được chữa lành. Đến khi anh gặp Daniel, một kẻ thù cũ, thì Gabriel không còn cảm thấy thù ghét nữa. Nhưng điều gì đã làm cho Daniel sang Châu Âu?

“Nếu Ngài thật sự hiện hữu, xin hãy cứu giúp con!”

Daniel là người Công Giáo từ nhỏ và năm 18 tuổi anh được gọi nhập ngũ. Anh được đưa đi chiến đấu cùng một mặt trận với Gabriel nhưng ở tuyến đối nghịch. Ở sát tuyến đầu, Daniel đi trên xe tăng thì bị trúng đạn pháo. Chiến hữu của anh chết, bản thân anh bị thương nặng và bị bắt làm tù binh. Anh đã trải qua nhiều tháng điều trị trong bệnh viện và trong một trại trước khi bị đày sang một nước trung lập. Cô đơn và nghèo túng, anh định tự tử. Daniel cầu nguyện với Đức Chúa Trời: “Nếu Ngài thật sự hiện hữu, xin hãy cứu giúp con!” Ngay ngày hôm sau, Nhân Chứng Giê-hô-va đến viếng thăm và đã giải đáp cho anh nhiều thắc mắc. Sau cùng, anh sang tị nạn ở Châu Âu. Một lần nữa, Daniel kết hợp với Nhân Chứng Giê-hô-va và học Kinh Thánh. Những điều học được đã xoa dịu nỗi lo âu và cay đắng trong anh.

Là Nhân Chứng đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va, Gabriel và Daniel giờ đây là bạn tốt, hợp nhất trong tình anh em thiêng liêng. Gabriel nói: “Tình yêu của tôi đối với Đức Giê-hô-va và sự hiểu biết Kinh Thánh đã giúp chúng tôi nhìn sự việc theo quan điểm của Ngài. Daniel không còn là kẻ thù của tôi nữa. Mấy năm trước hẳn tôi sẵn sàng giết anh cho hả dạ. Kinh Thánh đã dạy tôi một điều ngược hẳn lại—sẵn sàng chết cho anh”.

Daniel nói: “Tôi từng thấy người của các tôn giáo và các dân tộc khác giết lẫn nhau. Và người cùng tôn giáo nhưng thuộc phe đối nghịch trong cuộc chiến giết nhau. Khi nhìn thấy điều này tôi đổ lỗi cho Đức Chúa Trời. Giờ đây tôi hiểu Sa-tan đứng đằng sau các cuộc chiến tranh. Gabriel và tôi hiện nay là anh em cùng đức tin. Chúng tôi sẽ chẳng bao giờ chém giết nữa!”

“Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm”

Tại sao Abraham, Robert, Gabriel và Daniel đã thay đổi một cách lạ lùng như thế? Làm thế nào họ có thể xóa bỏ cội rễ thù ghét sâu đậm và nỗi đau buồn trong tâm hồn?

Mỗi người trong họ đã đọc, suy ngẫm và học biết lẽ thật từ Kinh Thánh, lời ấy “sống và linh-nghiệm”. (Hê-bơ-rơ 4:12) Tác giả của Kinh Thánh là Đấng Tạo Hóa của nhân loại, Ngài biết làm thế nào tạo ảnh hưởng tốt cho tâm hồn của những người sẵn lòng lắng nghe và học hỏi. “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình”. Một khi người đọc để Kinh Thánh hướng dẫn mình, người ấy nhận lấy những giá trị và tiêu chuẩn mới. Người bắt đầu học biết quan điểm của Đức Giê-hô-va như thế nào về những sự việc. Tiến trình này mang lại nhiều lợi ích kể cả việc chữa lành những vết thương chiến tranh.—2 Ti-mô-thê 3:16.

Lời Đức Chúa Trời giải thích rằng không một nước, một chủng tộc hay sắc tộc nào tốt hơn hoặc xấu hơn nhóm khác. “Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”. Ai đọc và chấp nhận điều này dần dần được giúp để vượt qua những xúc cảm thù ghét về chủng tộc hoặc quốc gia.—Công-vụ 10:34, 35.

Những lời tiên tri trong Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời sắp sửa thay thế hệ thống cai trị hiện tại của loài người bằng Nước Trời của Đấng Mê-si. Qua chính phủ này, Đức Chúa Trời “dẹp yên giặc cho đến đầu-cùng trái đất”. Những tổ chức nào cổ động chiến tranh và thôi thúc người ta chém giết nhau sẽ bị loại bỏ. Những nạn nhân chiến tranh sẽ được sống lại và được ban cho cơ hội sống trong một địa đàng trên đất. Sẽ không còn ai cần chạy trốn khỏi kẻ xâm lược hoặc kẻ áp bức.—Thi-thiên 46:9; Đa-ni-ên 2:44; Công-vụ 24:15.

Về những người sống vào thời kỳ ấy, Kinh Thánh nói: “Dân ta sẽ xây nhà và ở, trồng vườn nho và ăn trái. Họ chẳng xây nhà cho người khác ở... Họ sẽ không nhọc mình vô-ích nữa, không đẻ con ra để gặp sự họa”. Sẽ không còn tổn thất hoặc thương tích nào không được chữa lành. Đặt niềm tin vào hy vọng như thế dần dần xóa bỏ nỗi đau buồn và phiền muộn trong tâm hồn một người.—Ê-sai 65:21-23.

Kinh Thánh quả thật là một liều thuốc hiệu nghiệm cho tâm hồn. Những dạy dỗ của Kinh Thánh đã chữa lành những vết thương chiến tranh. Những kẻ thù trước kia giờ đây hợp nhất trong tình anh em quốc tế. Tiến trình chữa lành này sẽ tiếp tục trong hệ thống mới của Đức Chúa Trời cho đến khi sự thù ghét và cay đắng, nỗi phiền muộn và đau buồn không còn trong tâm hồn nhân loại nữa. Đấng Tạo Hóa hứa rằng “những việc trước sẽ chẳng nhớ nữa, chẳng còn nhắc đến nữa”.—Ê-sai 65:17.

[Chú thích]

^ đ. 2 Một số tên trong bài này đã được đổi.

[Câu nổi bật nơi trang 4]

“Qua Kinh Thánh, tôi học biết rằng tất cả những năm chiến đấu trước kia là uổng phí”

[Câu nổi bật nơi trang 5]

Kinh Thánh có thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong tâm hồn những kẻ thù trước đây

[Câu nổi bật nơi trang 6]

Thù ghét và cay đắng dần dần nhường chỗ cho sự tin cậy và tình bạn

[Câu nổi bật nơi trang 6]

Một khi người đọc để Kinh Thánh hướng dẫn mình, người ấy nhận lấy những giá trị và tiêu chuẩn mới

[Hình nơi trang 7]

Những kẻ thù trước kia giờ đây hợp nhất trong tình anh em quốc tế

[Nguồn tư liệu nơi trang 4]

Trại tị nạn: UN PHOTO 186811/J. Isaac