Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hòa bình cho thiên kỷ mới chăng?

Hòa bình cho thiên kỷ mới chăng?

Hòa bình cho thiên kỷ mới chăng?

NĂM Quốc Tế Văn Hóa Hòa Bình mà Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tuyên bố cho năm 2000, đã khai mạc tại Paris và Thành Phố New York vào ngày 14 tháng 9 năm 1999. Ông Federico Mayor, cựu tổng giám đốc UNESCO, đã đưa ra lời kêu gọi long trọng là “hãy tạo một phong trào văn hóa hòa bình và bất bạo động trên toàn cầu”.

Một phương châm của UNESCO là “bởi lẽ chiến tranh bắt đầu từ trong tâm trí con người, nên sự bảo vệ hòa bình phải được kiến tạo ngay từ trong tâm trí con người”. Hòa hợp với điều này, tổ chức nói trên định phát huy một nền văn hóa hòa bình qua “việc giáo dục, đàm phán và hợp tác”. Ông Mayor bình luận rằng “chỉ là người hiếu hòa, ngay cả chủ hòa đi nữa thì chưa đủ, mà còn phải làm người hòa giải”.

Buồn thay, năm 2000 không phải là năm hòa bình chút nào. Lịch sử hiện đại—kể cả các biến cố trong năm 2000—đã nhấn mạnh loài người không có khả năng ngăn ngừa chiến tranh và bạo lực bất kể những nỗ lực thành thật.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là hòa bình quả có liên quan đến sự giáo dục. Cách đây khoảng 2.700 năm, nhà tiên tri Ê-sai nói trước: “Hết thảy con-cái ngươi sẽ được Đức Giê-hô-va dạy-dỗ, và sự bình-an của con-cái ngươi sẽ lớn”. (Ê-sai 54:13, chúng tôi viết nghiêng) Cũng chính nhà tiên tri đó đã thấy trước một thời kỳ khi mà dân của mọi nước sẽ ào ạt đến thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời trong sự thanh sạch để học biết các đường lối Ngài. Kết quả là gì? “Họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi-cày, lấy giáo rèn lưỡi-liềm. Nước nầy chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng nước khác, người ta chẳng còn tập sự chiến-tranh”. (Ê-sai 2:2-4) Hòa hợp với lời tiên tri đó, Nhân Chứng Giê-hô-va bận rộn làm một công việc giáo dục có tầm vóc thế giới và đã giúp hàng triệu người khắc phục được sự thù ghét giữa các quốc gia và chủng tộc vốn là cội rễ của hầu hết các cuộc chiến tranh.

Cuối cùng, dưới sự cai trị Nước Đức Chúa Trời, chiến tranh sẽ không còn nữa. Nước Trời sẽ mang lại hòa bình và an ninh trường cửu trên đất. (Thi-thiên 72:7; Đa-ni-ên 2:44) Khi ấy, những lời của người viết Thi-thiên sẽ được ứng nghiệm: “Hãy đến nhìn-xem các công-việc của Đức Giê-hô-va, sự phá-tan Ngài đã làm trên đất là dường nào! Ngài dẹp yên giặc cho đến đầu-cùng trái đất”.—Thi-thiên 46:8, 9.