Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những vết thương chiến tranh

Những vết thương chiến tranh

Những vết thương chiến tranh

MỘT cựu chiến binh đã từng chiến đấu trong Thế Chiến II nhận xét: “Trong chiến tranh không có người chiến thắng. Chỉ toàn những kẻ chiến bại mà thôi”. Nhiều người hẳn sẽ đồng ý với ông. Cái giá của chiến tranh thật khủng khiếp; người chiến thắng cũng như kẻ chiến bại đều phải trả một giá kinh khủng. Dù một cuộc xung đột vũ trang đã ngừng, hàng triệu người vẫn tiếp tục đau khổ vì những vết thương chiến tranh kinh tởm đã gây ra.

Những vết thương nào? Chiến tranh sát hại nhiều thường dân, để lại nhiều cô nhi quả phụ. Nhiều người sống sót mang trên người những vết thương trông ghê sợ kèm theo nỗi đau khổ sâu sắc trong lòng. Hàng triệu người có thể lâm vào cảnh cơ cực hoặc trở thành kẻ tị nạn. Chúng ta có thể tưởng tượng được mối hận thù và buồn khổ lay lắt trong tâm hồn những người sống sót qua các cuộc xung đột như thế không?

Những vết thương nhức nhối

Thậm chí sau khi đạt được thỏa hiệp ngừng chiến đã lâu, tiếng súng lặng im, người lính trở về nhà nhưng những vết thương chiến tranh khắc sâu trong tâm hồn người ta vẫn tiếp tục gây nỗi đắng cay. Những thế hệ sau có thể ấp ủ mối hận thù gay gắt lẫn nhau. Như vậy những vết thương do chiến tranh gây ra có thể là nguyên nhân cốt lõi của cuộc chiến kế tiếp.

Thí dụ, Hòa Ước Versailles được ký kết vào năm 1919 chính thức kết thúc Thế Chiến I đã áp đặt những quy định mà người dân Đức cho rằng quá khắt khe và có ý báo thù. Theo The Encyclopædia Britannica, những điều khoản của hòa ước “gây phẫn uất trong người dân Đức và kích thích việc tìm kiếm sự báo thù”. Vài năm sau “sự phẫn uất về hòa ước đã tạo khởi điểm cho Hitler” và là một trong những nhân tố dẫn đến Thế Chiến II.

Thế Chiến II xuất phát ở Ba Lan và lan rộng đến vùng Balkans. Những vết thương gây ra trong thập niên 1940 giữa những nhóm chủng tộc trong vùng đã dẫn đến cuộc chiến ở Balkans trong thập niên 1990. Nhật báo Đức Die Zeit bình luận: “Vòng lẩn quẩn căm thù và báo thù tiếp tục tăng dần mãi đến thời chúng ta”.

Nếu muốn nhân loại sống trong hòa bình, những vết thương do chiến tranh gây nên tất nhiên cần phải được chữa lành. Có thể chữa lành như thế nào? Phải làm gì để xóa bỏ hận thù và đau buồn? Ai có thể chữa lành được những vết thương chiến tranh?

[Nguồn tư liệu nơi trang 2]

BÌA: Fatmir Boshnjaku

[Nguồn hình ảnh nơi trang 3]

U.S. Coast Guard photo; UN PHOTO 158297/J. Isaac