Theo kịp tổ chức Đức Giê-hô-va
Theo kịp tổ chức Đức Giê-hô-va
“Đức Chúa Trời bình-an... khiến anh em nên trọn-vẹn trong mọi sự lành, đặng làm thành ý-muốn Ngài”.—HÊ-BƠ-RƠ 13:20, 21.
1. Dân số thế giới là bao nhiêu, và một số đạo có bao nhiêu người theo?
VÀO năm 1999, dân số thế giới lên đến sáu tỷ người! Theo Cuốn niên lịch thế giới (Anh ngữ) thì trong số đó có khoảng 1.165.000.000 người Hồi Giáo; 1.030.000.000 Công Giáo La Mã; 762.000.000 Ấn Độ Giáo; 354.000.000 Phật Giáo; 316.000.000 Tin Lành và 214.000.000 Chính Thống Giáo.
2. Có thể nói gì về tình trạng tôn giáo ngày nay?
2 Trước sự chia rẽ và hỗn độn về tôn giáo hiện nay, có thể nào tất cả hàng triệu người này hành động phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời không? Không, vì “Đức Chúa Trời chẳng phải là Chúa sự loạn-lạc, bèn là Chúa sự hòa-bình”. (1 Cô-rinh-tô 14:33) Mặt khác, đoàn thể anh em quốc tế của các tôi tớ Đức Giê-hô-va thì sao? (1 Phi-e-rơ 2:17) Sự nghiên cứu kỹ cho thấy rằng ‘Đức Chúa Trời bình-an khiến họ nên trọn-vẹn trong mọi sự lành, đặng làm thành ý-muốn Ngài’.—Hê-bơ-rơ 13:20, 21.
3. Điều gì xảy ra ở Giê-ru-sa-lem vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, và tại sao?
3 Dĩ nhiên, số người kết hợp với Nhân Chứng Giê-hô-va không phải là tiêu chuẩn để quyết định họ hưởng được ân huệ của Đức Chúa Trời hay không; và những con số thống kê cũng không gây ấn tượng với Đức Chúa Trời. Ngài không chọn người Y-sơ-ra-ên bởi vì họ “đông hơn” mọi dân khác. Thật ra, họ “ít hơn” những dân khác. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:7) Nhưng bởi vì Y-sơ-ra-ên tỏ ra bất trung, nên vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, Đức Giê-hô-va đã chuyển ân huệ của Ngài cho một hội thánh mới bao gồm những môn đồ của Chúa Giê-su Christ. Họ được xức dầu bằng thánh linh của Đức Giê-hô-va và sốt sắng công bố lẽ thật về Đức Chúa Trời và Đấng Christ cho người khác.—Công-vụ 2:41, 42.
Tiến tới không ngừng
4. Tại sao bạn nói rằng hội thánh tín đồ Đấng Christ thời ban đầu tiến tới không ngừng?
4 Vào thế kỷ thứ nhất, hội thánh đạo Đấng Christ tiến tới không ngừng, mở những khu vực mới, đào tạo môn đồ, và có thêm sự hiểu biết về ý định Đức Chúa Trời. Các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đã theo kịp sự soi sáng về thiêng liêng được cung cấp qua những Công-vụ 10:21, 22; 13:46, 47; 2 Ti-mô-thê 1:13; 4:5; Hê-bơ-rơ 6:1-3; 2 Phi-e-rơ 3:17, 18.
lá thư do Đức Chúa Trời soi dẫn. Được khích lệ nhờ các sứ đồ và những người khác đến thăm viếng, họ hoàn thành thánh chức của mình. Điều này đã được dẫn chứng rõ ràng trong Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp.—5. Tại sao ngày nay tổ chức của Đức Chúa Trời tiến bộ, và tại sao chúng ta nên theo kịp tổ chức này?
5 Như tín đồ Đấng Christ thời ban đầu, các Nhân Chứng ngày nay của Đức Giê-hô-va cũng đã phát triển từ sự khởi đầu nhỏ. (Xa-cha-ri 4:8-10) Kể từ cuối thế kỷ 19, bằng chứng cho thấy rõ tổ chức của Đức Chúa Trời có thánh linh của Ngài. Bởi vì không dựa vào quyền lực của loài người, nhưng dựa vào sự hướng dẫn của thánh linh, chúng ta tiếp tục tiến bộ trong sự hiểu biết Kinh Thánh và trong việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. (Xa-cha-ri 4:6) Hiện nay chúng ta đang sống trong những “ngày sau-rốt”, điều thiết yếu là chúng ta theo kịp tổ chức tiến bộ của Đức Giê-hô-va. (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Làm thế sẽ giúp chúng ta giữ vững niềm hy vọng và góp phần vào việc làm chứng về Nước Trời đã được thành lập trước khi hệ thống này kết liễu.—Ma-thi-ơ 24:3-14.
6, 7. Chúng ta sẽ xem xét ba phương diện nào mà tổ chức của Đức Giê-hô-va đã tiến tới?
6 Trong số chúng ta có những người đã bắt đầu kết hợp với tổ chức Đức Giê-hô-va từ thập niên 1920, 30 và 40. Vào những năm đầu đó, ai trong vòng chúng ta có thể tưởng tượng nổi sự gia tăng lạ lùng và sự tiến triển của tổ chức cho đến ngày nay? Hãy nghĩ đến những biến cố quan trọng trong lịch sử hiện đại của chúng ta! Quả là điều phấn khởi về thiêng liêng khi nghĩ đến những gì Đức Giê-hô-va đã thực hiện qua dân tộc được tổ chức theo thể thức thần quyền của Ngài.
7 Đa-vít thời xưa đã cảm kích sâu xa khi nghĩ đến những việc lạ lùng của Đức Giê-hô-va. Ông nói: “Nếu tôi muốn truyền các việc ấy ra, và nói đến, thật lấy làm nhiều quá không đếm được”. (Thi-thiên 40:5) Ngày nay chúng ta cũng bị giới hạn đó, không thể nào kể hết những công việc vĩ đại và đáng ca ngợi của Đức Giê-hô-va trong thời chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta hãy xem xét ba phương diện mà tổ chức của Đức Giê-hô-va đã tiến tới: (1) được soi sáng dần dần về thiêng liêng, (2) thánh chức được cải tiến và nới rộng, (3) những điều chỉnh đúng lúc về thủ tục của tổ chức.
Biết ơn về sự soi sáng thiêng liêng
8. Phù hợp với Châm-ngôn 4:18, sự soi sáng về thiêng liêng đã giúp cho chúng ta nhận biết điều gì về Nước Trời?
8 Châm-ngôn 4:18 đã nói rất đúng về việc chúng ta được soi sáng dần dần về thiêng liêng: “Con đường người công-bình giống như sự sáng chiếu rạng, càng sáng thêm lên cho đến giữa trưa”. Chúng ta cảm tạ biết bao về việc được soi sáng dần dần về thiêng liêng! Tại đại hội Cedar Point, Ohio, năm 1919, Nước Đức Chúa Trời đã được nhấn mạnh. Đức Giê-hô-va dùng Nước Trời để làm thánh danh Ngài và biện minh cho quyền thống trị của Ngài. Thật vậy, sự soi sáng về thiêng liêng đã giúp chúng ta nhận biết rằng từ Sáng-thế Ký đến Khải-huyền, Kinh Thánh làm chứng về ý định của Đức Giê-hô-va, đó là làm thánh danh Ngài qua Nước Trời do Con Ngài cai trị. Trong đó cũng có nói về hy vọng tuyệt diệu cho mọi người yêu chuộng sự công bình.—Ma-thi-ơ 12:18, 21.
9, 10. Trong thập niên 1920, chúng ta biết được gì về Nước Trời và về hai tổ chức đối nghịch nhau, và sự hiểu biết này có lợi như thế nào?
9 Tại đại hội Cedar Point năm 1922, diễn giả chính, anh J. F. Rutherford, đã khuyến khích dân của Đức Chúa Trời “hãy loan báo, loan báo, loan báo về Vua và Nước Trời”. Trong bài báo nhan đề “Nước được thành lập”, Tháp Canh (Anh ngữ) số ra ngày 1-3-1925 đã lưu ý anh em về những hiểu biết thiêng liêng sâu sắc liên quan đến những lời tiên tri báo trước về sự thành lập Nước Đức Chúa Trời năm 1914. Trong thập niên 1920, chúng ta cũng hiểu là có hai tổ chức đối nghịch nhau: tổ chức của Đức Giê-hô-va và tổ chức của Sa-tan. Hai tổ chức này tranh chiến nhau, và chúng ta sẽ ở bên phần thắng chỉ khi nào chúng ta theo kịp tổ chức Đức Giê-hô-va.
10 Sự soi sáng về thiêng liêng này giúp chúng ta như thế nào? Vì Nước của Đức Chúa Trời và Vua Giê-su Christ không thuộc về thế gian, chúng ta cũng không thể thuộc về thế gian. Bằng cách giữ mình tách rời khỏi thế gian, chúng ta cho thấy mình đứng về phía lẽ thật. (Giăng 17:16; 18:37) Khi thấy hệ thống ác này gặp phải những vấn đề phức tạp, chúng ta biết ơn xiết bao là mình không thuộc về tổ chức Sa-tan! Và chúng ta được phước lớn là mình có được sự an toàn về thiêng liêng trong tổ chức của Đức Giê-hô-va!
11. Vào năm 1931, dân Đức Chúa Trời đã nhận lấy danh hiệu nào theo Kinh Thánh?
11 Tại đại hội Columbus, Ohio, năm 1931, Ê-sai 43:10-12 được áp dụng một cách thích hợp. Những Học Viên Kinh Thánh đã nhận lấy danh hiệu đặc biệt: Nhân Chứng Giê-hô-va. Quả là một đặc ân to lớn được quảng bá danh Đức Chúa Trời để cho nhiều người có thể kêu cầu đến danh đó mà được cứu!—Thi-thiên 83:18; Rô-ma 10:13.
12. Năm 1935 đã có sự soi sáng nào về thiêng liêng liên quan đến đám đông vô số người?
12 Trước thập niên 1930, nhiều người trong dân Đức Chúa Trời hơi băn khoăn về hy vọng tương lai của họ. Một số đã nghĩ đến đời sống trên trời, nhưng rất thích thú với những điều Kinh Thánh dạy về một địa đàng trên đất. Tại đại hội Washington, D.C., năm 1935, thật là hứng khởi khi biết rằng đám đông vô số người nói đến trong Khải-huyền chương 7 là lớp người có hy vọng sống trên đất. Kể từ đó, công việc thu nhóm đám đông đã tiến triển rất mạnh. Chẳng lẽ chúng ta không biết ơn là mình đã hiểu được đám đông là ai hay sao? Sự kiện rất nhiều người được thu nhóm từ mọi nước, mọi chi phái, mọi tiếng thúc đẩy chúng ta gắng sức làm việc để theo kịp tổ chức của Đức Giê-hô-va.
13. Vấn đề trọng đại nào đã được nhấn mạnh tại đại hội St. Louis năm 1941?
13 Vấn đề trọng đại mà xã hội loài người cần quan tâm đã được nhấn mạnh tại đại hội St. Louis, Missouri, năm 1941. Đó là sự thống trị hoàn vũ. Đây là vấn đề phải sớm được giải quyết, và ngày lớn và kinh khiếp khi vấn đề này được giải quyết sẽ đến rất nhanh chóng! Lòng trung kiên cũng đã được nhấn mạnh vào năm 1941, để mỗi người chúng ta chứng tỏ mình đứng về bên nào liên quan đến quyền thống trị của Đức Chúa Trời.
14. Tại đại hội quốc tế năm 1950, chúng ta biết được điều gì về các quan trưởng được đề cập nơi Ê-sai 32:1, 2?
14 Tại đại hội quốc tế ở Thành Phố New York năm 1950, các quan trưởng nơi Ê-sai 32:1, 2 đã được nhận diện rõ rệt. Đó là giây phút hứng khởi khi anh Frederick Franz nói về đề tài này và giải thích rằng các quan trưởng của đất mới đang ở trong vòng chúng ta. Tại đại hội đó và những đại hội sau này có rất nhiều tia sáng về thiêng liêng. (Thi-thiên 97:11) Chúng ta biết ơn xiết bao là con đường của mình “giống như sự sáng chiếu rạng, càng sáng thêm lên”!
Tiến tới trong thánh chức
15, 16. (a) Vào thập niên 1920 và 1930, chúng ta đã tiến tới trong thánh chức như thế nào? (b) Những sách nào đã đẩy mạnh việc rao giảng của tín đồ Đấng Christ trong những thập niên gần đây?
15 Cách thứ hai mà tổ chức của Đức Giê-hô-va đã tiến tới có liên hệ đến công việc chính của chúng ta—việc rao giảng Nước Trời và đào tạo môn đồ. (Ma-thi-ơ 28:19, 20; Mác 13:10) Để thực hiện công việc này, tổ chức luôn nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc nới rộng thánh chức. Năm 1922 tất cả tín đồ Đấng Christ được khuyến khích tham gia vào công việc rao giảng. Mỗi người nên nhận biết trách nhiệm để sự sáng mình chiếu rạng và như vậy đích thân tham gia vào việc làm chứng về lẽ thật. (Ma-thi-ơ 5:14-16) Vào năm 1927 các anh em được khuyến khích dành ra ngày Chủ Nhật để rao giảng. Bắt đầu tháng 2 năm 1940, người ta thường thấy Nhân Chứng ngoài đường phố trong những khu buôn bán mời nhận tạp chí Tháp Canh và An Ủi (nay là Tỉnh Thức!).
16 Năm 1937 sách nhỏ Học hỏi kiểu mẫu (Anh ngữ) được ra mắt, nhấn mạnh việc cần trở lại viếng thăm để dạy người khác về lẽ thật Kinh Thánh. Những năm sau đó, việc học hỏi Kinh Thánh đã được nhấn mạnh. Khía cạnh này của thánh chức đã được đẩy mạnh khi sách “Xưng Đức Chúa Trời là thật” (Anh ngữ) ra mắt năm 1946 và Lẽ thật duy-nhất dẫn đến sự sống đời đời vào năm 1968. Hiện nay chúng ta đang dùng sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời. Khi học hỏi những sách này, chúng ta đặt một nền tảng vững chắc về Kinh Thánh cho việc đào tạo môn đồ.
Tiến tới với những sự điều chỉnh trong tổ chức
17. Để phù hợp với Ê-sai 60:17, tổ chức của Đức Giê-hô-va đã tiến tới như thế nào?
17 Cách thứ ba mà tổ chức Đức Giê-hô-va đã tiến tới là về những điều chỉnh trong tổ chức. Theo Ê-sai 60:17, Đức Giê-hô-va đã hứa: “Ta sẽ ban vàng thay cho đồng, ban bạc thay cho sắt, ban đồng thay cho gỗ, ban sắt thay cho đá. Ta sẽ khiến sự bình-an làm quan cai-trị ngươi, và sự công-bình làm quan xử-đoán ngươi”. Để phù hợp với lời tiên tri này, tổ chức đã có những biện pháp nhằm cải tiến về mặt giám sát công việc rao giảng Nước Trời và việc chăn bầy.
18, 19. Trải qua nhiều năm, chúng ta thấy có những điều chỉnh nào trong tổ chức?
18 Vào năm 1919, hội thánh nào muốn được tổ chức để đi rao giảng thì Hội chỉ định một anh giám thị công tác ở đó. Điều này đã đẩy mạnh công việc rao giảng. Sau năm 1932 không còn việc bầu cử trưởng lão và trợ tế nữa, điều này đánh dấu việc chúng ta từ bỏ phương pháp dân chủ. Rồi có một thay đổi quan trọng khác vào năm 1938 khi tất cả những tôi tớ trong hội thánh bắt đầu được bổ nhiệm phù hợp hơn với sự sắp đặt thần quyền trong hội thánh tín đồ Đấng Christ thời ban đầu. (Công-vụ 14:23; 1 Ti-mô-thê 4:14) Vào năm 1972, các giám thị và tôi tớ thánh chức được bổ nhiệm để phụng sự cũng như những người trong vòng tín đồ Đấng Christ thời ban đầu. Thay vì chỉ có một người làm giám thị trong hội thánh, Phi-líp 1:1 và những câu Kinh Thánh khác cho thấy những người hội đủ điều kiện trong Kinh Thánh để làm giám thị sẽ hợp thành một hội đồng trưởng lão.—Công-vụ 20:28; Ê-phê-sô 4:11, 12.
19 Vào năm 1975, có sự sắp đặt là các ủy ban thuộc Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương của Nhân Chứng Giê-hô-va sẽ giám sát các hoạt động của tổ chức Đức Chúa Trời trên khắp thế giới. Ủy Ban Chi Nhánh được bổ nhiệm để chăm nom công việc trong những địa phận của họ. Kể từ đó, Hội tìm cách đơn giản hóa công việc tại trụ sở trung ương và các chi nhánh của Hội Tháp Canh với mục đích “nhận rõ những điều quan trọng hơn”. (Phi-líp 1:9, 10, NW) Những người chăn phó của Đấng Christ gánh vác những trách nhiệm như dẫn đầu trong việc rao giảng, dạy dỗ trong hội thánh và chăn bầy của Đức Chúa Trời một cách đúng đắn.—1 Ti-mô-thê 4:16; Hê-bơ-rơ 13:7, 17; 1 Phi-e-rơ 5:2, 3.
Sự lãnh đạo tích cực của Chúa Giê-su
20. Theo kịp tổ chức của Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta nhận biết điều gì về địa vị của Chúa Giê-su?
20 Theo kịp tổ chức tiến bộ của Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta phải nhận biết vai trò mà Đức Chúa Trời đã bổ nhiệm cho Chúa Giê-su Christ làm “đầu Hội-thánh”. (Ê-phê-sô 5:22, 23) Điều cũng đáng chú ý là nơi Ê-sai 55:4 (Trịnh Văn Căn), ta đọc: “Đây, ta đặt người làm nhân chứng cho các dân, là thủ lĩnh và là thầy dạy các nước”. Chúa Giê-su chắc chắn biết cách lãnh đạo. Ngài cũng biết các chiên ngài và công việc họ làm. Thật vậy, khi thanh tra bảy hội thánh ở Tiểu Á, năm lần ngài đã nói: “Ta biết công-việc ngươi”. (Khải-huyền 2:2, 19; 3:1, 8, 15) Chúa Giê-su, và Cha ngài là Đức Giê-hô-va, cũng biết nhu cầu của chúng ta nữa. Trước khi đưa ra lời cầu nguyện mẫu, Chúa Giê-su nói: “Cha các ngươi biết các ngươi cần sự gì trước khi chưa xin Ngài”.—Ma-thi-ơ 6:8-13.
21. Sự lãnh đạo của Chúa Giê-su được thể hiện trong hội thánh đạo Đấng Christ như thế nào?
21 Sự lãnh đạo của Chúa Giê-su được thể hiện như thế nào? Một cách là qua các giám thị đạo Đấng Christ, “món quà dưới hình thức người”. (Ê-phê-sô 4:8, NW) Khải-huyền 1:16 miêu tả những giám thị được xức dầu trong tay hữu của Đấng Christ, dưới sự kiểm soát của ngài. Ngày nay Chúa Giê-su điều khiển sự sắp đặt trưởng lão, dù những người đó có hy vọng lên trời hay ở dưới đất. Như đã giải thích trong bài trước, họ được thánh linh bổ nhiệm phù hợp với những đòi hỏi của Kinh Thánh. (1 Ti-mô-thê 3:1-7; Tít 1:5-9) Vào thế kỷ thứ nhất, một nhóm trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem hợp thành một hội đồng lãnh đạo đã giám sát các hội thánh và hoạt động rao giảng về Nước Trời nói chung. Ngày nay, tổ chức của Đức Giê-hô-va cũng theo khuôn mẫu giống như thế.
Theo kịp bước!
22. Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương cung cấp sự giúp đỡ nào?
22 Quyền lợi Nước Trời trên đất đã được giao cho “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, được đại diện bởi Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương của Nhân Chứng Giê-hô-va. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương chủ yếu lo về việc cung cấp sự chỉ bảo và hướng dẫn về thiêng liêng cho hội thánh tín đồ Đấng Christ. (Công-vụ 6:1-6) Tuy nhiên, khi anh em đồng đạo bị ảnh hưởng bởi thiên tai, Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương nhờ một hay vài thực thể pháp lý đưa ra biện pháp cứu trợ và sửa sang hoặc xây lại những căn nhà và Phòng Nước Trời bị hư hại. Nếu một số tín đồ bị cư xử khắc nghiệt hoặc bị ngược đãi, Hội có những biện pháp để khuyến khích họ về thiêng liêng. Và trong lúc khó khăn hay “không gặp thời”, Hội dùng mọi nỗ lực để tiếp tục công việc rao giảng.—2 Ti-mô-thê 4:1, 2.
23, 24. Bất chấp điều gì xảy ra cho dân Ngài, Đức Giê-hô-va không ngừng ban cho điều gì, và chúng ta nên quyết tâm làm gì?
23 Dù điều gì xảy ra cho dân Ngài, Đức Giê-hô-va không ngừng cung cấp thức ăn thiêng liêng và sự chỉ dẫn cần thiết. Đức Chúa Trời cũng ban sự thông sáng và hiểu biết cho những anh có trách nhiệm để tổ chức thần quyền có thể tiếp tục tiến bộ và điều chỉnh thêm. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 34:9; Ê-phê-sô 1:16, 17) Chắc chắn Đức Giê-hô-va cung cấp những gì chúng ta cần để làm tròn sứ mạng đào tạo môn đồ và hoàn thành thánh chức của chúng ta trên khắp đất.—2 Ti-mô-thê 4:5.
24 Chúng ta tuyệt đối tin tưởng rằng Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ bỏ dân trung thành của Ngài; Ngài sẽ giải cứu họ trong “cơn đại-nạn” sắp đến. (Khải-huyền 7:9-14; Thi-thiên 94:14; 2 Phi-e-rơ 2:9) Chúng ta có mọi lý do để giữ vững niềm tin tưởng chúng ta có lúc ban đầu cho đến cuối cùng. (Hê-bơ-rơ 3:14) Vì vậy, chúng ta hãy quyết tâm theo kịp tổ chức của Đức Giê-hô-va.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
• Tại sao chúng ta có thể nói rằng tổ chức của Đức Giê-hô-va luôn tiến tới?
• Điều gì cho thấy là dân của Đức Chúa Trời được soi sáng dần dần về thiêng liêng?
• Thánh chức của tín đồ Đấng Christ đã được cải tiến như thế nào?
• Có những điều chỉnh nào đúng lúc về những thủ tục tổ chức trong vòng tôi tớ của Đức Giê-hô-va?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 17]
Như Đa-vít, chúng ta không thể kể hết mọi công việc lạ lùng của Đức Giê-hô-va
[Hình nơi trang 18]
Bầy của Đức Chúa Trời nhận được lợi ích qua những điều chỉnh đúng lúc trong các thủ tục của tổ chức