Bạn có sống xứng đáng với sự dâng mình không?
Bạn có sống xứng đáng với sự dâng mình không?
“Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta”.—CÔ-LÔ-SE 3:23.
1. Trong thế gian, từ “hiến thân” có nghĩa gì?
LÀM thế nào các vận động viên đạt được thành tích cao nhất của họ? Trong các môn quần vợt, bóng đá, bóng rổ, bóng chày, điền kinh, môn đánh gôn, hay bất kỳ môn thể thao nào khác, ngay cả những vận động viên giỏi nhất cũng chỉ vươn tới đỉnh cao khi quyết tâm hiến thân cho sự nghiệp. Trong đó việc rèn luyện thể lực và tinh thần là điều ưu tiên. Điều này phù hợp với một trong những định nghĩa của từ “hiến thân”, đó là “tận tụy với một lý tưởng hay hoạt động nào đó”.
2. “Dâng mình” có nghĩa gì trong Kinh Thánh? Hãy minh họa.
2 Tuy nhiên, “hiến thân” hay “dâng mình” có nghĩa gì theo Kinh Thánh? “Dâng mình” được dịch từ một động từ Hê-bơ-rơ có nghĩa là “tách ra, được biệt riêng, rút khỏi”. * Trong nước Y-sơ-ra-ên xưa, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm A-rôn mang trên mũ một “thẻ thánh [“dấu thánh hiến”, Tòa Tổng Giám Mục]”, là một huy hiệu óng ánh bằng vàng ròng có khắc dòng chữ Hê-bơ-rơ “Thánh cho Đức Giê-hô-va!” Nó nhắc nhở thầy tế lễ thượng phẩm phải tránh bất cứ điều gì có thể làm ô uế nơi thánh “vì dấu dâng mình, dầu xức của Đức Chúa Trời, vẫn ở trên đầu người”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 29:6; 39:30; Lê-vi Ký 21:12, NW.
3. Sự dâng mình nên có ảnh hưởng nào trên hạnh kiểm chúng ta?
3 Vậy chúng ta thấy sự dâng mình trong Kinh Thánh là một vấn đề tối quan trọng, bao hàm sự tự nguyện nhận mình là tôi tớ Đức Chúa Trời và điều này đòi hỏi một hạnh kiểm thanh sạch. Vì thế, chúng ta hiểu tại sao sứ đồ Phi-e-rơ đã trích lời Đức Giê-hô-va nói: “Hãy nên thánh, vì ta là thánh”. (1 Phi-e-rơ 1:15, 16) Là những tín đồ Đấng Christ đã dâng mình, chúng ta có trọng trách phải sống xứng đáng với sự dâng mình, trung thành cho đến cuối cùng. Nhưng sự dâng mình của tín đồ Đấng Christ bao hàm những gì?—Lê-vi Ký 19:2; Ma-thi-ơ 24:13.
4. Làm thế nào chúng ta tiến tới bước dâng mình, và điều đó có thể được ví như việc gì?
4 Sau khi thu thập sự hiểu biết chính xác về Giê-hô-va Đức Chúa Trời cùng ý định của Ngài, về Chúa Giê-su Christ và vai trò của ngài trong ý định Đức Chúa Trời, mỗi cá nhân chúng ta tự quyết định phụng sự Đức Chúa Trời hết lòng, hết trí, hết linh hồn và hết sức. (Mác 8:34; 12:30; Giăng 17:3) Điều đó cũng có thể được xem là một lời thề nguyền riêng, một sự dâng mình hết lòng cho Đức Chúa Trời. Việc chúng ta dâng mình không phải do ngẫu hứng nhưng được cân nhắc kỹ lưỡng bằng khả năng suy luận và qua lời cầu nguyện. Vì vậy, nó không phải là một quyết định nhất thời. Chúng ta không thể hành động như một người đã bắt tay cày ruộng, rồi lại bỏ dở giữa chừng vì thấy công việc quá nặng nhọc, hay vì mùa gặt còn quá xa hoặc không chắc chắn. Hãy xem gương mẫu của một số người “đã tra tay cầm cày”, tức đảm nhận những trách nhiệm thần quyền, vượt qua mọi khó khăn trở ngại.—Lu-ca 9:62; Rô-ma 12:1, 2.
Họ không từ bỏ sự dâng mình
5. Tại sao Giê-rê-mi là gương mẫu nổi bật của một tôi tớ hết lòng dâng mình cho Đức Chúa Trời?
5 Sứ mạng tiên tri của Giê-rê-mi tại Giê-ru-sa-lem kéo dài đến hơn 40 năm (647-607 TCN) và đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Ông hiểu rất rõ những hạn chế của mình. (Giê-rê-mi 1:2-6) Ông cần phải can đảm và nhịn nhục mới có thể đối mặt hàng ngày với dân Giu-đa bướng bỉnh. (Giê-rê-mi 18:18; 38:4-6) Tuy nhiên, Giê-rê-mi nương cậy nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời, là Đấng đã thêm sức hầu cho ông chứng tỏ mình quả là tôi tớ đã hết lòng dâng mình cho Ngài.—Giê-rê-mi 1:18, 19.
6. Sứ đồ Giăng nêu gương mẫu nào cho chúng ta?
6 Còn sứ đồ Giăng trung thành, người đã bị lưu đày đến đảo Bát-mô hoang vu trong tuổi già vì “đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giê-su” thì sao? (Khải-huyền 1:9, TTGM) Ông đã nhịn nhục và sống xứng đáng với tư cách tín đồ Đấng Christ đã dâng mình trong khoảng 60 năm. Ông đã sống sót khi quân đội La Mã hủy phá thành Giê-ru-sa-lem, và còn có đặc ân viết một sách Phúc Âm, ba lá thư được soi dẫn, và sách Khải-huyền mà qua đó ông được thấy trước trận chiến Ha-ma-ghê-đôn. Ông có bỏ cuộc khi biết rằng Ha-ma-ghê-đôn sẽ không đến trong đời mình không? Lòng nhiệt thành của ông có trở nên nguội lạnh không? Không, Giăng vẫn tiếp tục trung thành cho đến chết, biết rằng, tuy “thì-giờ đã gần” nhưng thời điểm những sự hiện thấy của ông được ứng nghiệm sẽ đến trong mai sau.—Khải-huyền 1:3; Đa-ni-ên 12:4.
Những gương mẫu thời nay về sự dâng mình
7. Một anh đã nêu gương xuất sắc thế nào về sự dâng mình của tín đồ Đấng Christ?
7 Trong thời hiện đại, hàng ngàn tín đồ Đấng Christ trung thành đã sốt sắng giữ vững sự dâng mình dù không được sống để chứng kiến Ha-ma-ghê-đôn. Một trong số đó là anh Ernest E. Beavor ở Anh Quốc. Anh trở thành Nhân Chứng vào năm 1939 khi Thế Chiến II bắt đầu, và đã bỏ cơ sở in hình đang phát đạt của mình để làm tiên phong trọn thời gian. Vì giữ lập trường trung lập của tín đồ Đấng Christ, anh bị giam hai năm. Tuy nhiên gia đình luôn hỗ trợ anh, và đến năm 1950 ba người con của anh đều tham dự Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh ở New York. Anh Beavor sốt sắng trong hoạt động rao giảng đến nỗi được bạn bè gọi là Ha-ma-ghê-đôn Ernie. Anh đã trung thành sống xứng đáng với sự dâng mình và công bố sự gần kề của cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn cho đến khi nhắm mắt vào năm 1986. Anh không hề xem sự dâng mình là một hợp đồng có kỳ hạn với Đức Chúa Trời! *—1 Cô-rinh-tô 15:58.
8, 9. (a) Nhiều người trẻ dưới thời Franco ở Tây Ban Nha đã nêu gương mẫu nào? (b) Những câu hỏi nào cần được nêu lên?
8 Ở Tây Ban Nha có một gương mẫu khác về sự bền bỉ sốt sắng. Dưới chế độ độc tài
Franco (1939-1975), hàng trăm Nhân Chứng trẻ đã dâng mình đã giữ vững lập trường trung lập của tín đồ Đấng Christ. Nhiều người trong số họ đã bị giam giữ đến mười năm hoặc hơn trong các nhà tù quân sự. Một Nhân Chứng, anh Jesús Martín, thậm chí còn bị kết án nhiều lần, với tổng số án tù lên đến 22 năm. Anh đã bị đánh đập dã man khi bị giam giữ tại một nhà tù quân sự ở Bắc Phi. Dù gian khổ nhưng anh vẫn từ chối thỏa hiệp.9 Những người trẻ này hầu như không hề biết đến ngày được tha vì họ phải chịu nhiều bản án liên tiếp. Dù vậy, khi bị bắt giam, họ vẫn giữ lòng trung thành và tiếp tục sốt sắng trong thánh chức. Khi tình hình bắt đầu cải thiện vào năm 1973, nhiều Nhân Chứng, lúc đó khoảng hơn 30 tuổi, được thả ra và đã lập tức tham gia thánh chức trọn thời gian, một số trở thành tiên phong đặc biệt và giám thị lưu động. Nơi ngục tù, họ đã sống xứng đáng với sự dâng mình và đa số tiếp tục làm thế sau khi được tự do. * Còn chúng ta ngày nay thì sao? Chúng ta có tiếp tục trung thành với sự dâng mình như họ không?—Hê-bơ-rơ 10:32-34; 13:3.
Quan điểm đúng về sự dâng mình
10. (a) Chúng ta nên xem sự dâng mình như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va có quan điểm thế nào về sự hầu việc của chúng ta?
10 Chúng ta xem sự dâng mình làm theo ý muốn Đức Chúa Trời như thế nào? Đó có phải là điều quan trọng nhất trong đời sống chúng ta không? Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, già hay trẻ, độc thân hay có gia đình, mạnh khỏe hay đau ốm, tất cả chúng ta đều phải cố gắng hết sức sống xứng đáng với sự dâng mình, tùy theo điều kiện riêng của mỗi người. Hoàn cảnh có thể cho phép một người phụng sự trọn thời gian với tư cách là người tiên phong, tình nguyện viên tại một chi nhánh của Hội Tháp Canh, giáo sĩ hay giám thị lưu động. Trong khi đó, một số bậc cha mẹ phải bận rộn chăm lo nhu cầu thể chất và thiêng liêng cho gia đình. Phải chăng trước mắt Đức Giê-hô-va mấy giờ rao giảng tương đối ít ỏi mỗi tháng của họ kém giá trị hơn là số lượng giờ của các tôi tớ trọn thời gian? Không. Đức Chúa Trời không bao giờ đòi hỏi những gì chúng ta không có. Sứ đồ Phao-lô nêu nguyên tắc này: “Nếu mình lấy lòng tốt mà làm, thì được đẹp ý theo điều mình có, chớ chẳng theo điều mình không có”.—2 Cô-rinh-tô 8:12.
11. Sự cứu rỗi tùy thuộc nơi đâu?
11 Dù thế nào đi nữa, sự cứu rỗi không tùy thuộc nơi những gì chúng ta có thể làm mà tùy nơi ân điển của Đức Giê-hô-va, qua Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta. Phao-lô giải thích rõ ràng: “Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời, và họ nhờ ân-điển Ngài mà được xưng công-bình nhưng-không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. Tuy nhiên, chính việc làm thể hiện đức tin sống động của Rô-ma 3:23, 24; Gia-cơ 2:17, 18, 24.
chúng ta nơi lời hứa của Đức Chúa Trời.—12. Tại sao chúng ta không nên so sánh?
12 Chúng ta không cần phải so sánh với người khác số giờ phụng sự Đức Chúa Trời, số ấn phẩm mình phân phát, hay số người học hỏi với mình. (Ga-la-ti 6:3, 4) Dù đạt được kết quả nào trong thánh chức, những lời này của Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta phải khiêm nhường: “Các ngươi cũng vậy, khi làm xong việc truyền phải làm, thì hãy nói rằng: Chúng tôi là đầy-tớ vô-ích; điều chúng tôi đã làm là điều chắc phải làm”. (Lu-ca 17:10) Đã bao nhiêu lần chúng ta có thể thốt lên rằng mình đã làm xong “việc truyền phải làm”? Vậy, câu hỏi cần đặt ra là: Việc phụng sự Đức Chúa Trời của chúng ta phải có phẩm chất nào?—2 Cô-rinh-tô 10:17, 18.
Hãy tận dụng mỗi ngày
13. Nên có thái độ nào khi thực hiện sự dâng mình?
13 Sau khi khuyên những người vợ, người chồng, con cái, cha mẹ và đầy tớ, Phao-lô viết: “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ bởi Chúa mà được cơ-nghiệp làm phần-thưởng. Hãy hầu việc Đấng Christ, tức là Chúa”. (Cô-lô-se 3:23, 24) Chúng ta không hầu việc cốt để lòe người khác về những gì mình làm được trong thánh chức phụng sự Đức Giê-hô-va nhưng cố gắng phụng sự Ngài theo gương mẫu của Chúa Giê-su Christ. Ngài đã thực hiện thánh chức trong một thời gian khá ngắn với tinh thần khẩn trương.—1 Phi-e-rơ 2:21.
14. Phi-e-rơ cho lời cảnh giác nào về ngày cuối cùng?
14 Sứ đồ Phi-e-rơ cũng đã bày tỏ tinh thần khẩn trương. Trong lá thư thứ hai của mình, ông đã cảnh giác chúng ta rằng trong những ngày cuối cùng sẽ có những kẻ gièm pha—những kẻ bội đạo và nghi ngờ—theo ý riêng chất vấn về sự hiện diện của Đấng Christ. Tuy nhiên, Phi-e-rơ nói: “Chúa không chậm-trễ về 2 Phi-e-rơ 3:3, 4, 9, 10.
lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn-nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn. Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm”. Thật vậy, ngày của Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ đến. Vì thế, mỗi ngày chúng ta nên lưu tâm xem niềm tin của mình nơi lời hứa Đức Chúa Trời vững chắc đến độ nào.—15. Chúng ta nên xem mỗi ngày trong cuộc sống mình như thế nào?
15 Muốn hết lòng sống xứng đáng với sự dâng mình, chúng ta nên dùng mỗi ngày để ngợi khen Đức Giê-hô-va. Cuối mỗi ngày, chúng ta có thể nhìn lại xem đã làm được những gì hầu góp phần làm thánh danh Đức Chúa Trời và công bố tin mừng về Nước Trời không? Đấy có thể là nhờ vào hạnh kiểm thanh sạch, một cuộc nói chuyện xây dựng, hoặc sự quan tâm đầy yêu thương đến gia đình và bạn bè. Chúng ta có tận dụng mọi cơ hội để chia sẻ hy vọng của tín đồ Đấng Christ với người khác không? Hoặc giúp được người nào suy nghĩ nghiêm túc về các lời hứa của Đức Chúa Trời không? Chúng ta hãy tích lũy những hành động có giá trị theo nghĩa thiêng liêng mỗi ngày để gầy dựng, theo nghĩa bóng, một tài khoản ngân hàng thiêng liêng lớn.—Ma-thi-ơ 6:20; 1 Phi-e-rơ 2:12; 3:15; Gia-cơ 3:13.
Hãy giữ mắt tinh tường
16. Bằng cách nào Sa-tan cố làm yếu đi sự dâng mình của chúng ta cho Đức Chúa Trời?
16 Chúng ta đang sống trong thời kỳ ngày càng khó khăn cho tín đồ Đấng Christ. Sa-tan cùng các tay sai hắn đang cố làm mờ đi ranh giới giữa cái tốt và cái xấu, điều thanh sạch và ô uế, đạo đức và vô đạo đức. (Rô-ma 1:24-28; 16:17-19) Hắn tạo điều kiện cho chúng ta dễ dàng tự đầu độc tâm trí mình bằng chương trình truyền hình hoặc mạng Internet. Con mắt thiêng liêng của chúng ta có thể mờ đi, không còn nhận ra được các hành động quỉ quyệt của hắn. Quyết tâm sống xứng đáng với sự dâng mình của chúng ta có thể yếu đi và tay cầm “cày” buông lỏng dần khi chúng ta thỏa hiệp các tiêu chuẩn thiêng liêng của mình.—Lu-ca 9:62; Phi-líp 4:8.
17. Lời khuyên của Phao-lô có thể giúp chúng ta duy trì mối quan hệ với Đức Chúa Trời ra sao?
17 Vì thế, những lời của Phao-lô gửi hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca thật đúng lúc: “Ý-muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô-uế, mỗi người phải biết giữ thân mình cho thánh-sạch và tôn-trọng, chẳng bao giờ sa vào tình-dục luông-tuồng như người ngoại-đạo, là kẻ không nhìn biết Đức Chúa Trời”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-5) Tội vô luân đã khiến một số người bị khai trừ khỏi hội thánh tín đồ Đấng Christ, đó là những người đã xem thường sự dâng mình cho Đức Chúa Trời. Họ đã để cho mối quan hệ với Đức Chúa Trời bị yếu đi, đến nỗi Ngài không còn có ý nghĩa trong đời sống họ nữa. Nhưng Phao-lô nói: “Đức Chúa Trời chẳng gọi chúng ta đến sự ô-uế đâu, bèn là sự nên thánh vậy. Cho nên ai khinh-bỏ điều chúng tôi nói, thì không phải khinh-bỏ người ta đâu, bèn là khinh-bỏ Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban Thánh-Linh của Ngài trong anh em”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:7, 8.
Bạn quyết tâm làm gì?
18. Chúng ta nên quyết tâm làm gì?
18 Nhận thức được tầm quan trọng của việc dâng mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời, chúng ta nên quyết tâm làm gì? Chúng ta nên kiên quyết giữ lương tâm tốt về hạnh kiểm và thánh chức của mình. Phi-e-rơ khuyên giục: “Phải có lương-tâm tốt, hầu cho những kẻ gièm-chê cách ăn-ở lành của anh em trong Đấng Christ biết mình xấu-hổ trong sự mà anh em đã bị nói hành”. (1 Phi-e-rơ 3:16) Chúng ta có thể phải chịu đau khổ và sỉ nhục vì có hạnh kiểm của tín đồ Đấng Christ, nhưng Chúa Giê-su cũng đã chịu như thế vì đức tin và sự trung thành của ngài với Đức Chúa Trời. Phi-e-rơ nói: “Vậy, vì Đấng Christ đã chịu khổ trong xác-thịt, thì anh em cũng phải lấy ý đó làm giáp-trụ, vì người nào đã chịu khổ trong xác-thịt, thì đã dứt khỏi tội-lỗi”.—1 Phi-e-rơ 4:1.
19. Chúng ta muốn được đánh giá thế nào?
19 Quả thật, việc kiên quyết sống xứng đáng với sự dâng mình sẽ bảo vệ chúng ta khỏi những cạm bẫy của Sa-tan trong thế gian bệnh hoạn về thiêng liêng, đạo đức và thể chất này. Hơn thế nữa, chúng ta có thể tin chắc rằng mình có được sự chấp nhận của Đức Chúa Trời, là điều quý hơn bất kỳ thứ gì mà Sa-tan cùng các tay sai hắn có thể đem lại. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ để bị mang tiếng đã đánh mất sự yêu mến lúc ban đầu, khi mới biết lẽ thật, mà hãy cố gắng để được khen như những người trong hội thánh Thi-a-ti-rơ vào thế kỷ thứ nhất: “Ta biết công-việc ngươi, lòng thương-yêu ngươi, đức-tin ngươi, sự hầu việc trung-tín ngươi, lòng nhịn-nhục ngươi, và công-việc sau-rốt ngươi còn nhiều hơn công-việc ban đầu nữa”. (Khải-huyền 2:4, 18, 19) Vâng, chúng ta chớ hâm hẩm trong sự dâng mình nhưng hãy “có lòng sốt-sắng” cho đến cuối cùng—và sự cuối cùng đã gần kề.—Rô-ma 12:11; Khải-huyền 3:15, 16.
[Chú thích]
^ đ. 2 Xin xem Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 15-4-1987, trang 31.
^ đ. 7 Xin xem Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 15-3-1980, trang 8-11, để biết thêm chi tiết về cuộc đời anh Ernest Beavor.
^ đ. 9 Xin xem Niên Giám của Nhân Chứng Giê-hô-va 1978 (Anh ngữ), trang 156-158, 201-218, do Hội Tháp Canh xuất bản.
Bạn còn nhớ không?
• Sự dâng mình bao hàm những gì?
• Những gương mẫu nào của các tôi tớ đã dâng mình cho Đức Chúa Trời thời xưa và thời nay đáng cho chúng ta noi theo?
• Chúng ta nên xem việc phụng sự Đức Chúa Trời như thế nào?
• Chúng ta nên có quyết tâm nào trong việc dâng mình cho Đức Chúa Trời?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 15]
Giê-rê-mi vẫn trung thành dù bị đối xử tồi tệ
[Hình nơi trang 16]
Anh Ernest Beavor nêu gương sốt sắng cho con cái
[Hình nơi trang 17]
Hàng trăm Nhân Chứng trẻ đã giữ lòng trung thành trong các nhà tù ở Tây Ban Nha
[Các hình nơi trang 18]
Mỗi ngày hãy tích lũy những hành động có giá trị theo nghĩa thiêng liêng