Độc giả thắc mắc
Độc giả thắc mắc
Các tín đồ thật của Đấng Christ nên xem thế nào một thực hành rất phổ biến, đó là việc đưa cho người khác các bản sao của những phần mềm vi tính có tính chất thương mại?
Một số người có thể châm chế cho thực hành này một cách sai lầm khi dựa vào lời Chúa Giê-su: “Các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không”. Dĩ nhiên Chúa Giê-su không nói đến việc cho không những bản sao chép các sách báo do tác giả giữ bản quyền, hoặc các chương trình phần mềm được luật pháp qui định về việc sử dụng. Ngài muốn nói đến việc ban cho trong công tác thánh chức. Chúa Giê-su bảo các môn đồ đi đến các thành, các làng để rao truyền Nước Trời, chữa lành kẻ bịnh, và đuổi quỉ. Các sứ đồ phải “cho không” khi làm những việc này, chứ không được tính thù lao.—Ma-thi-ơ 10:7, 8.
Với sự gia tăng ngày càng nhiều của máy vi tính dùng cho cơ quan và máy vi tính cá nhân, nhiều người đã cần đến phần mềm và thường thì phải mua những chương trình này. Dù rằng một số người lập những chương trình để cho người khác dùng miễn phí, thậm chí còn ghi rõ là người ta có thể sao chép cho người khác, nhưng đa số các phần mềm đều là sản phẩm thương mại. Dù là dùng cho cá nhân ở nhà, hoặc cho kinh doanh
cũng vậy, các người sử dụng đều phải mua, hoặc trả tiền cho các chương trình ấy. Nếu ai đó lấy hoặc sao chép một bộ phần mềm mà không trả tiền, thì ấy là bất hợp pháp, cũng y như sao lại trọn bộ những cuốn sách, dù chỉ là để phát không.Phần lớn những chương trình vi tính (kể cả các trò chơi) đều phải có giấy phép, người chủ hoặc người sử dụng buộc phải tuân theo các điều khoản và hạn chế nhất định. Nhiều giấy phép định rõ là chỉ một người duy nhất được cài đặt và sử dụng chương trình—thường là chỉ được cài đặt vào một máy vi tính mà thôi, dù là máy ở nhà, hoặc tại cơ sở kinh doanh hay ở trường học. Một số giấy phép ghi rõ là người sử dụng có thể sao lại cho chính mình một bản để dự trữ, nhưng không được sao cho người khác. Người sử dụng có thể cho đi toàn bộ chương trình (gồm cả giấy phép và tài liệu) nếu muốn. Thế nhưng, khi cho như vậy, người ấy hoàn toàn không còn quyền sử dụng chương trình này nữa. Các giấy phép có những điều khoản khác nhau, do đó ai mua hoặc được tặng một chương trình phải tìm hiểu xem giấy phép ấy qui định gì.
Nhiều nước tham gia vào các hiệp định bảo vệ bản quyền, “tài sản trí tuệ”, chẳng hạn như các chương trình vi tính, và họ cố gắng thi hành các luật về bản quyền. Ví dụ, báo The New York Times ra ngày 14-1-2000 đưa tin là “cảnh sát Đức và Đan Mạch đã bắt giữ một số thành viên của một nhóm được mô tả như là một băng đảng lớn chuyên sao trộm phần mềm”, chuyên sao lại và phân phối chương trình vi tính và trò chơi, thậm chí bán một số trên mạng Internet.
Hội thánh tín đồ Đấng Christ có lập trường nào về vấn đề này? Chúa Giê-su nói: “Vật chi của Sê-sa hãy trả lại cho Sê-sa, còn vật chi của Đức Chúa Trời hãy trả lại cho Đức Chúa Trời”. (Mác 12:17) Điều ấy đòi hỏi tín đồ Đấng Christ phải tuân phục luật pháp của nơi họ ở, khi các luật ấy không đi ngược lại với luật pháp Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô viết về các chính phủ như sau: “Mọi người phải vâng-phục các đấng cầm quyền trên mình... Ai chống-cự quyền-phép, tức là đối-địch với mạng-lịnh Đức Chúa Trời đã lập; và những kẻ đối-địch thì chuốc lấy sự phán-xét vào mình”.—Rô-ma 13:1, 2.
Các trưởng lão của hội thánh tín đồ Đấng Christ không có trách nhiệm kiểm tra máy vi tính của người khác, như thể là có thẩm quyền để diễn giải và thi hành các luật về bản quyền. Nhưng họ tin và dạy các tín đồ Đấng Christ phải tránh lấy những gì không thuộc về mình và nên cố gắng tuân phục luật pháp. Điều này che chở các tín đồ Đấng Christ khỏi bị phạt vì vi phạm luật pháp, và cũng giúp họ có lương tâm tốt trước mặt Đức Chúa Trời. Phao-lô viết: “Vậy nên cần phải vâng-phục, chẳng những vì sợ hình-phạt thôi, nhưng cũng vì cớ lương-tâm”. (Rô-ma 13:5) Tương tự như thế, Phao-lô diễn đạt ước muốn của tín đồ Đấng Christ thật bằng những lời sau đây: “Chúng tôi biết mình chắc có lương-tâm tốt, muốn ăn-ở trọn-lành trong mọi sự”.—Hê-bơ-rơ 13:18.
[Khung nơi trang 29]
Nhiều cơ sở kinh doanh và trường học mua những giấy phép đa dụng, qui định số người tối đa được phép sử dụng chương trình. Năm 1995, các hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va đã bàn luận một tài liệu có lời khuyên sau đây:
“Phần lớn các công ty soạn và bán các chương trình cho máy vi tính đều giữ bản quyền và họ cấp giấy phép cho người mua sử dụng trong một giới hạn cố định. Giấy phép luôn luôn nói rằng người mua không được sao chương trình để chuyền cho người khác; thật thế, luật về bản quyền quốc tế cấm việc sao như thế.... Một số hãng lớn bán máy vi tính đã có cài sẵn các chương trình với giấy phép. Nhưng một số hãng bán máy vi tính không chịu cấp giấy phép với máy họ bán vì các chương trình họ nạp vào máy là các bản sao bất hợp pháp, nghĩa là khi người mua máy sử dụng các chương trình nói trên sẽ vi phạm luật về bản quyền. Liên quan đến điều này, tín đồ Đấng Christ nên tránh lưu trữ qua cách sao chép hoặc chuyển vào máy những tài liệu của các bảng thông tin điện tử tuy có bản quyền (chẳng hạn như các sách báo của Hội), nhưng đã được chép bất hợp pháp tức không có sự ưng thuận của tác giả”.