Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy tìm kiếm Đức Giê-hô-va trước khi ngày thạnh nộ của ngài đến

Hãy tìm kiếm Đức Giê-hô-va trước khi ngày thạnh nộ của ngài đến

Hãy tìm kiếm Đức Giê-hô-va trước khi ngày thạnh nộ của ngài đến

“Hãy tìm-kiếm Đức Giê-hô-va, tìm-kiếm sự công-bình, tìm-kiếm sự nhu-mì, hoặc-giả các ngươi sẽ được giấu-kín trong ngày thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va”.—SÔ-PHÔ-NI 2:3.

1. Khi Sô-phô-ni bắt đầu công việc tiên tri, tình trạng thiêng liêng của Giu-đa như thế nào?

SÔ-PHÔ-NI bắt đầu tiên tri vào thời kỳ quyết liệt trong lịch sử nước Giu-đa. Tình trạng thiêng liêng của xứ đang suy sụp. Thay vì tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, dân tìm sự hướng dẫn của các thầy tế lễ tà giáo và của chiêm tinh gia. Sự thờ cúng tà thần Ba-anh, với nghi lễ sinh sản, lan tràn khắp xứ. Những người dẫn đầu dân sự—quan trưởng, người quyền quý và quan xét—đàn áp chính những người họ có nhiệm vụ bảo vệ. (Sô-phô-ni 1:9; 3:3) Bởi vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi Đức Giê-hô-va quyết định “dang tay” Ngài trên Giu-đa và Giê-ru-sa-lem để hủy diệt chúng!—Sô-phô-ni 1:4.

2. Có hy vọng nào dành cho những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời trong nước Giu-đa?

2 Mặc dù tình trạng rất suy đồi, nhưng có một tia hy vọng. Giô-si-a, con trai của A-môn, bấy giờ lên ngôi vua. Giô-si-a chỉ là một cậu bé nhưng chân thành yêu thương Đức Giê-hô-va. Nếu vị vua mới này phục hồi sự thờ phượng thanh sạch ở Giu-đa, thì số ít người đang trung thành phụng sự Đức Chúa Trời thật sẽ phấn khởi biết bao! Và biết đâu những người khác có thể được khích lệ làm theo họ và cũng được bảo toàn trong ngày thạnh nộ của Đức Giê-hô-va.

Những điều kiện để được bảo toàn

3, 4. Những ai muốn sống sót sau “ngày thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va” cần phải hội đủ ba điều kiện nào?

3 Có thể nào một số người thật sự sống sót sau ngày đó không? Có thể, nếu họ hội đủ ba điều kiện nêu ra nơi Sô-phô-ni 2:2, 3. Khi đọc những câu này, chúng ta hãy đặc biệt lưu ý đến những đòi hỏi này. Sô-phô-ni viết: “Trước khi mạng-lịnh chưa ra, ngày giờ chưa qua như trấu, trước khi sự nóng-giận của Đức Giê-hô-va chưa đến trên các ngươi, trước khi ngày thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va chưa đến trên các ngươi. Hỡi các ngươi là mọi kẻ nhu-mì của đất, làm theo mạng-lịnh của Chúa, hãy tìm-kiếm Đức Giê-hô-va, tìm-kiếm sự công-bình, tìm-kiếm sự nhu-mì, hoặc-giả các ngươi sẽ được giấu-kín trong ngày thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va”.

4 Vậy để được bảo toàn, một người phải (1) tìm kiếm Đức Giê-hô-va, (2) tìm kiếm sự công bình, và (3) tìm kiếm sự nhu mì. Những đòi hỏi này rất đáng cho chúng ta chú ý ngày nay. Tại sao? Vì giống như Giu-đa và Giê-ru-sa-lem đã phải đối diện với ngày tính sổ vào thế kỷ thứ bảy TCN, các nước tự xưng theo đạo Đấng Christ và trên thực tế, tất cả kẻ ác cũng đang tiến đến một cuộc chiến cuối cùng với Giê-hô-va Đức Chúa Trời trong “hoạn-nạn lớn” sắp đến. (Ma-thi-ơ 24:21) Bất cứ ai muốn được giấu kín vào lúc đó phải có hành động cương quyết ngay bây giờ. Bằng cách nào? Bằng cách tìm kiếm Đức Giê-hô-va, tìm kiếm sự công bình và tìm kiếm sự nhu mì trước khi quá trễ!

5. Ngày nay việc “tìm-kiếm Đức Giê-hô-va” bao hàm gì?

5 Có lẽ bạn nghĩ: ‘Tôi là tôi tớ đã dâng mình, làm báp têm của Đức Chúa Trời, một Nhân Chứng Giê-hô-va. Chẳng phải tôi đã đáp ứng những đòi hỏi đó rồi hay sao?’ Thật ra, có nhiều điều khác cần phải làm ngoài việc dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Y-sơ-ra-ên là một dân tộc được hiến dâng cho Đức Chúa Trời, nhưng trong thời Sô-phô-ni dân Giu-đa không sống phù hợp với sự hiến dâng đó. Hậu quả là dân tộc đó bị từ bỏ. Ngày nay, “tìm-kiếm Đức Giê-hô-va” bao hàm việc vun trồng và duy trì một quan hệ cá nhân mật thiết với Ngài và kết hợp với tổ chức trên đất của Ngài. Điều đó có nghĩa là tìm hiểu quan điểm của Ngài về sự việc và chú ý đến cảm nghĩ của Ngài. Chúng ta tìm kiếm Đức Giê-hô-va khi học kỹ và suy ngẫm Lời Ngài, và áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh vào đời sống. Khi tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện tha thiết và làm theo sự chỉ dẫn của thánh linh Ngài, mối quan hệ của chúng ta với Ngài sâu đậm hơn, và chúng ta được thúc đẩy phụng sự Ngài “hết lòng, hết ý, hết sức” mình.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5; Ga-la-ti 5:22-25; Phi-líp 4:6, 7; Khải-huyền 4:11.

6. Làm sao chúng ta “tìm-kiếm sự công-bình”, và tại sao có thể làm như thế ngay cả trong thế gian này?

6 Đòi hỏi thứ hai đề cập nơi Sô-phô-ni 2:3 là “tìm-kiếm sự công-bình”. Phần đông chúng ta đã làm những thay đổi quan trọng trong đời sống để có thể hội đủ điều kiện làm báp têm. Tuy nhiên, chúng ta phải tiếp tục ủng hộ tiêu chuẩn đạo đức công bình của Đức Chúa Trời suốt đời mình. Một số người bắt đầu rất tốt về phương diện này nhưng đã để mình bị ô uế bởi thế gian. Tìm kiếm sự công bình không phải dễ, vì xung quanh lại đầy những người xem tình dục vô luân, nói dối và những tội khác là điều bình thường. Nhưng nếu hết sức mong muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va thì chúng ta có thể chế ngự khuynh hướng đi tìm sự tán thành của thế gian qua việc cố hòa mình với họ. Dân Giu-đa đã mất ân huệ của Đức Chúa Trời vì cố bắt chước các xứ lân cận chuyên làm điều ác. Vậy thay vì bắt chước thế gian, chúng ta hãy là “kẻ bắt chước Đức Chúa Trời”, vun trồng “nhân cách mới, tức là nhân cách đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và trung tín thật”.—Ê-phê-sô 4:24, NW; 5:1.

7. Chúng ta “tìm-kiếm sự nhu-mì” bằng cách nào?

7 Điểm thứ ba được nói đến nơi Sô-phô-ni 2:3 là nếu muốn được giấu kín trong ngày thạnh nộ của Đức Giê-hô-va, chúng ta phải “tìm-kiếm sự nhu-mì”. Hàng ngày chúng ta sống chung đụng với những người đàn ông, đàn bà và thanh thiếu niên chẳng nhu mì chút nào. Đối với họ, tính hòa nhã là một nhược điểm. Tính phục tùng bị xem là một khuyết điểm nặng. Họ khắt khe, ích kỷ và ngoan cố. Những gì họ xem là “quyền” và sở thích riêng phải được tôn trọng bằng mọi giá. Thật đáng buồn nếu chúng ta bị nhiễm một số thái độ đó! Nay là lúc để “tìm-kiếm sự nhu-mì”. Bằng cách nào? Bằng cách vâng phục Đức Chúa Trời, khiêm nhường chấp nhận sự sửa trị của Ngài và sống phù hợp với ý muốn Ngài.

Tại sao “hoặc-giả” được giấu kín?

8. Sô-phô-ni 2:3 dùng từ “hoặc-giả” là ngụ ý gì?

8 Hãy lưu ý là Sô-phô-ni 2:3 nói: “Hoặc-giả các ngươi sẽ được giấu-kín trong ngày thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va”. Tại sao từ “hoặc-giả” được dùng để nói với “kẻ nhu-mì của đất”? Vì dù những người nhu mì đó đã có những hành động tích cực, nhưng không có lý do để quá tự tin. Họ chưa sống một cách trung thành hết cuộc đời mình. Một số người vẫn có thể sa vào tội lỗi. Chúng ta cũng thế. Chúa Giê-su nói: “Kẻ nào bền chí cho đến cuối-cùng, thì sẽ được cứu”. (Ma-thi-ơ 24:13) Đúng vậy, sự cứu rỗi trong ngày thạnh nộ của Đức Giê-hô-va tùy thuộc vào việc chúng ta có tiếp tục làm điều phải trước mắt Ngài hay không. Bạn có kiên quyết làm thế không?

9. Vị vua trẻ Giô-si-a đã dùng những biện pháp đúng đắn nào?

9 Hình như hưởng ứng lời của nhà tiên tri Sô-phô-ni, Vua Giô-si-a được thúc đẩy “tìm-kiếm Đức Giê-hô-va”. Kinh Thánh nói: “Năm thứ tám đời người trị-vì, khi [Giô-si-a] hãy còn trẻ tuổi [khoảng 16 tuổi], thì người khởi tìm-kiếm Đức Chúa Trời của Đa-vít, tổ-phụ người”. (2 Sử-ký 34:3) Vua Giô-si-a cũng tiếp tục “tìm-kiếm sự công-bình”, vì chúng ta đọc: “Năm thứ mười hai [khi Giô-si-a khoảng 20 tuổi], người khởi dọn sạch Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, trừ-bỏ những nơi cao, thần A-sê-ra, tượng chạm và tượng đúc. Trước mặt vua, người ta phá-dỡ các bàn-thờ Ba-anh”. (2 Sử-ký 34:3, 4) Vua Giô-si-a cũng “tìm-kiếm sự nhu-mì”, khiêm nhường hành động nhằm làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va bằng cách tẩy sạch sự thờ hình tượng và những thực hành tà giáo khác khỏi xứ. Những người nhu mì khác hẳn vui mừng biết bao trước những diễn biến ấy!

10. Điều gì đã xảy ra cho Giu-đa vào năm 607 TCN, nhưng ai đã được sống sót?

10 Dưới triều đại Vua Giô-si-a có nhiều người Do Thái quay về với Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, sau khi vua qua đời, phần đông trở lại đường lối cũ—những thực hành hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Đức Chúa Trời. Do đó, như Đức Giê-hô-va đã phán quyết, vào năm 607 TCN, quân Ba-by-lôn đánh bại Giu-đa và tàn phá thủ đô là Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, không phải mọi sự đều vô vọng. Nhà tiên tri Giê-rê-mi, người Ê-thi-ô-bi tên Ê-bết-Mê-lết, con cháu của Giô-na-đáp và những người khác trung thành với Đức Chúa Trời được giấu kín trong ngày thạnh nộ của Ngài thời ấy.—Giê-rê-mi 35:18, 19; 39:11, 12, 15-18.

Kẻ thù của Đức Chúa Trời—Hãy coi chừng!

11. Tại sao giữ sự trung thành với Đức Chúa Trời ngày nay là cả một thử thách, nhưng những kẻ thù của dân sự Đức Giê-hô-va nên khôn ngoan xem xét điều gì?

11 Trong khi chờ đợi ngày thạnh nộ của Đức Giê-hô-va đến với hệ thống ác này, chúng ta phải chịu “thử-thách trăm bề”. (Gia-cơ 1:2) Tại một số nước tự cho là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, hàng giáo phẩm mánh khóe dùng ảnh hưởng của mình đối với chính quyền để bắt bớ dân Đức Chúa Trời một cách hiểm độc. Những người vô lương tâm vu cáo các Nhân Chứng Giê-hô-va, gán cho họ là “giáo phái nguy hiểm”. Đức Chúa Trời biết rõ những hành động này của họ và họ sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt. Những kẻ thù này của Đức Chúa Trời nên khôn ngoan xem xét việc gì đã xảy ra cho những kẻ thù xưa của dân Ngài như dân Phi-li-tin. Lời tiên tri nói: “Ga-xa sẽ bỏ hoang, Ách-ca-lôn sẽ hoang-vu; người ta sẽ đuổi dân-cư Ách-đốt đương lúc giữa trưa, và Éc-rôn sẽ bị nhổ đi”. Những thành của dân Phi-li-tin là Ga-xa, Ách-ca-lôn, Ách-đốt và Éc-rôn sẽ bị hủy diệt.—Sô-phô-ni 2:4-7.

12. Điều gì đã xảy ra cho các xứ Phi-li-tin, Mô-áp và Am-môn?

12 Lời tiên tri nói tiếp: “Ta đã nghe lời Mô-áp chế-báng, lời con-cái Am-môn sỉ-nhục, chúng nó xỉ-vả dân ta, khoe mình nghịch cùng bờ-cõi nó”. (Sô-phô-ni 2:8) Đành rằng xứ Ê-díp-tô và Ê-thi-ô-bi đã chịu khổ dưới tay của quân xâm lược Ba-by-lôn, nhưng Đức Giê-hô-va phán xét Mô-áp và Am-môn là những dân thuộc dòng dõi Lót cháu của Áp-ra-ham ra sao? Đức Giê-hô-va báo trước: “Mô-áp chắc sẽ giống như Sô-đôm, và con-cái Am-môn sẽ giống như Gô-mô-rơ”. Không giống như tổ mẫu của họ—hai con gái của Lót đã sống sót qua sự hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ—Mô-áp và Am-môn kiêu ngạo sẽ không được giấu kín khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời. (Sô-phô-ni 2:9-12; Sáng-thế Ký 19:16, 23-26, 36-38) Ngày nay, xứ Phi-li-tin cùng các thành của nó nằm ở đâu? Còn hai xứ một thời kiêu ngạo là Mô-áp và Am-môn thì sao? Cứ tìm, bạn sẽ chẳng thấy chúng.

13. Ngành khảo cổ đã khai quật được gì ở Ni-ni-ve?

13 Trong thời Sô-phô-ni, Đế Quốc A-si-ri ở trong thời kỳ hùng mạnh nhất. Miêu tả một phần cung điện phát hiện trong thủ đô xứ A-si-ri là Ni-ni-ve, nhà khảo cổ Austen Layard viết: “Trần nhà... được chia thành những ô vuông, có vẽ hoa, hoặc hình dáng thú vật. Một số được khảm ngà, và mỗi ô đều có viền và đường chỉ nhã nhặn. Xà, cũng như tường của các buồng, có thể đã được dát hoặc ngay cả mạ vàng và bạc; và gỗ quý nhất, trong đó nổi bật là gỗ bá hương, được dùng cho những đồ mộc”. Thế nhưng, như được ghi trong lời tiên tri của Sô-phô-ni, A-si-ri đã phải bị hủy diệt, và thủ đô Ni-ni-ve trở thành “hoang-vu”.—Sô-phô-ni 2:13.

14. Lời tiên tri của Sô-phô-ni đã ứng nghiệm thế nào đối với Ni-ni-ve?

14 Chỉ 15 năm sau khi Sô-phô-ni nói lời tiên tri ấy, thành Ni-ni-ve hùng mạnh bị hủy phá, cung điện biến thành đống gạch vụn. Đúng thế, thành kiêu ngạo đó đã bị triệt hạ. Mức độ tàn phá được tiên tri một cách sinh động bằng những lời này: “Cả đến chim bò-nông và con nhím cũng ở trên những đầu trụ nó [đã bị hạ]. Tiếng chim kêu nghe nơi cửa-sổ, sự hoang-vu ở nơi ngạch cửa”. (Sô-phô-ni 2:14, 15) Những tòa nhà nguy nga của Ni-ni-ve chỉ còn thích hợp để làm chỗ ở cho nhím và chim bò nông. Ngoài đường phố không còn nghe tiếng người bán dạo, tiếng hô của chiến sĩ, tiếng cầu kinh của thầy tế lễ. Trên các đường phố một thời tấp nập ồn ào, chỉ còn nghe tiếng kêu kỳ quái nơi cửa sổ, có lẽ là tiếng não nùng của một con chim. Mong sao tất cả kẻ thù của Đức Chúa Trời cũng bị kết liễu giống như thế!

15. Ta có thể học được gì qua những điều đã xảy ra cho Phi-li-tin, Mô-áp, Am-môn và A-si-ri?

15 Chúng ta học được điều gì từ những biến cố xảy ra cho Phi-li-tin, Mô-áp, Am-môn và A-si-ri? Điều này: Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chúng ta không có gì phải sợ kẻ thù. Đức Chúa Trời nhìn thấy việc làm của những kẻ chống lại dân Ngài. Đức Giê-hô-va đã hành động nghịch lại kẻ thù của Ngài trong quá khứ và cũng sẽ thi hành sự phán xét trên toàn thể dân cư trên đất ngày nay. Nhưng sẽ có người sống sót—đám đông ‘vô-số người từ mọi nước’. (Khải-huyền 7:9) Bạn có thể ở trong số những người đó—nhưng chỉ khi nào tiếp tục tìm kiếm Đức Giê-hô-va, tìm kiếm sự công bình và tìm kiếm sự nhu mì.

Khốn thay cho những kẻ phạm tội hỗn xược!

16. Lời tiên tri của Sô-phô-ni nói gì về các quan trưởng và những người lãnh đạo tôn giáo của Giu-đa, và tại sao những lời này thích hợp cho các đạo tự xưng theo Đấng Christ?

16 Một lần nữa chúng ta thấy lời tiên tri của Sô-phô-ni hướng sự chú ý đến Giu-đa và Giê-ru-sa-lem. Sô-phô-ni 3:1, 2 nói: “Khốn thay cho thành bạn-nghịch và ô-uế, làm sự bạo-ngược! Nó không nghe lời; không chịu sửa-dạy; không nhờ-cậy Đức Giê-hô-va; không đến gần Đức Chúa Trời mình”. Thật là bi thảm làm sao khi dân sự không chú ý đến những nỗ lực sửa dạy của Đức Giê-hô-va! Sự tàn nhẫn của các quan trưởng, người quyền quý và quan xét thật đáng trách. Sô-phô-ni cũng chỉ trích sự vô liêm sỉ của những người lãnh đạo tôn giáo khi ông nói: “Các kẻ tiên-tri nó đều là càn-dỡ dối-trá; các thầy tế-lễ nó làm ô-uế nơi thánh, và làm quanh-quẹo luật-pháp”. (Sô-phô-ni 3:3, 4) Những lời này miêu tả rất thích hợp tình trạng những tiên tri và thầy tế lễ của các đạo tự xưng theo Đấng Christ ngày nay! Họ hỗn xược loại danh Đức Chúa Trời ra khỏi các bản dịch Kinh Thánh của họ và dạy những giáo lý trình bày sai về Đấng mà họ tự cho là mình thờ phượng.

17. Dù người ta có nghe hay không, tại sao ta nên tiếp tục rao truyền tin mừng?

17 Đức Giê-hô-va chu đáo cảnh báo dân tộc xưa kia của Ngài về việc mà Ngài sắp làm. Những tôi tớ Ngài là các nhà tiên tri—Sô-phô-ni và Giê-rê-mi, ngoài những người khác—được phái đến để kêu gọi họ ăn năn. Đúng vậy, “Đức Giê-hô-va... chẳng hề làm sự gian-ác; mỗi buổi mai Ngài tỏ sự công-bình mình ra giữa sự sáng, chẳng hề cách-dứt”. Phản ứng của dân chúng là gì? Sô-phô-ni nói: “Song kẻ bất-nghĩa chẳng biết xấu-hổ”. (Sô-phô-ni 3:5) Ngày nay cũng có lời cảnh báo tương tự. Nếu là người công bố tin mừng, bạn đang có phần trong công việc cảnh báo này. Hãy tiếp tục không ngớt rao truyền tin mừng! Dù người ta có nghe hay không, thánh chức của bạn vẫn thành công theo quan điểm của Đức Chúa Trời miễn là bạn trung thành làm việc đó; bạn không cần phải xấu hổ khi sốt sắng làm công việc Ngài.

18. Sô-phô-ni 3:6 sẽ ứng nghiệm như thế nào?

18 Việc Đức Chúa Trời thi hành sự phán xét không chỉ bao hàm cuộc tàn phá các đạo tự xưng theo Đấng Christ. Lời lên án của Đức Giê-hô-va bao quát hơn gồm mọi nước trên đất: “Ta đã diệt các dân-tộc, tháp góc thành chúng nó đều hoang-vu. Ta làm cho phố-chợ nó ra vắng-vẻ, đến nỗi không ai đi qua. Thành nó đã bị phá-diệt”. (Sô-phô-ni 3:6) Những lời này đáng tin cậy đến độ Đức Giê-hô-va nói về sự hủy diệt đó như thể đã xảy ra rồi. Chuyện gì xảy ra cho các thành của Phi-li-tin, Mô-áp và Am-môn? Còn thủ đô của A-si-ri là Ni-ni-ve thì sao? Sự hủy diệt chúng hẳn là gương cảnh cáo cho các nước ngày nay. Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu.

Tiếp tục tìm kiếm Đức Giê-hô-va

19. Chúng ta có thể nêu ra những câu hỏi nào để suy tư?

19 Vào thời Sô-phô-ni, cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va giáng xuống những kẻ gian ác “làm bại-hoại mọi công-việc mình”. (Sô-phô-ni 3:7) Thời chúng ta cũng sẽ xảy ra y như vậy. Bạn có thấy bằng chứng để tin rằng ngày thạnh nộ của Đức Giê-hô-va đã gần kề không? Bạn có tiếp tục “tìm-kiếm Đức Giê-hô-va” bằng cách đều đặn—hàng ngày—đọc Lời Ngài không? Bạn có thật sự “tìm-kiếm sự công-bình” bằng cách có một đời sống đạo đức phù hợp với các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời không? Và bạn có đang “tìm-kiếm sự nhu-mì” bằng cách thể hiện một thái độ nhu mì, phục tùng đối với Đức Chúa Trời và sự sắp đặt của Ngài về sự cứu rỗi không?

20. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong phần chót của loạt bài về lời tiên tri Sô-phô-ni?

20 Nếu tiếp tục trung thành tìm kiếm Đức Giê-hô-va, sự công bình, và sự nhu mì, chúng ta có thể mong đợi hưởng nhiều ân phước ngay bây giờ—đúng vậy, ngay cả trong những “ngày sau-rốt” đầy thử thách cho đức tin này. (2 Ti-mô-thê 3:1-5; Châm-ngôn 22:10) Nhưng có lẽ bạn muốn biết: ‘Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va thời nay, chúng ta đang được ban phước về những phương diện nào, và lời tiên tri của Sô-phô-ni hứa trước những ân phước tương lai nào cho những người sẽ được giấu kín trong ngày thạnh nộ của Đức Giê-hô-va đang nhanh chóng đến gần?’

Bạn trả lời thế nào?

• Người ta “tìm-kiếm Đức Giê-hô-va” bằng cách nào?

• “Tìm-kiếm sự công-bình” bao hàm gì?

• Chúng ta có thể “tìm-kiếm sự nhu-mì” như thế nào?

• Tại sao chúng ta nên tiếp tục tìm kiếm Đức Giê-hô-va, sự công bình và sự nhu mì?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 18]

Bạn có đang tìm kiếm Đức Giê-hô-va qua sự học hỏi Kinh Thánh và cầu nguyện tha thiết không?

[Hình nơi trang 21]

Vì tiếp tục tìm kiếm Đức Giê-hô-va, một đám đông lớn sẽ sống sót qua ngày thạnh nộ của Ngài