Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Địa đàng thiêng liêng là gì?

Địa đàng thiêng liêng là gì?

Địa đàng thiêng liêng là gì?

GUSTAVO lớn lên trong một thành phố nhỏ ở Brazil. * Từ thuở thơ ấu anh được dạy là người tốt được lên trời sau khi chết. Anh hoàn toàn không biết gì về ý định của Đức Chúa Trời cho nhân loại trung thành một ngày kia sẽ hưởng được sự sống hoàn toàn trong một địa đàng. (Khải-huyền 21:3, 4) Ngoài ra, anh cũng không biết một điều khác nữa. Đó là ngay bây giờ anh có thể sống trong một địa đàng thiêng liêng.

Có bao giờ bạn được nghe nói đến địa đàng thiêng liêng chưa? Bạn có biết địa đàng thiêng liêng là gì và bạn phải làm gì để được sống ở đó không? Bất cứ ai muốn hạnh phúc thật sự đều cần biết đến địa đàng ấy.

Tìm thấy địa đàng thiêng liêng

Nếu bảo rằng ngay bây giờ một người có thể sống trong một địa đàng thì nghe có vẻ xa vời thực tế. Thế giới này khó có thể được gọi là một địa đàng. Có quá nhiều người lâm vào cảnh ngộ mà một vua Hê-bơ-rơ xưa miêu tả: “Kìa, nước mắt của kẻ bị hà-hiếp, song không ai an-ủi họ! Kẻ hà-hiếp có quyền-phép, song không ai an-ủi cho kẻ bị hà-hiếp!” (Truyền-đạo 4:1) Hàng trăm triệu người là nạn nhân của các hệ thống chính trị, tôn giáo và kinh tế thối nát. Không ai giúp đỡ và không “ai an-ủi” họ. Nhiều người khác nữa phải gắng sức trang trải những chi tiêu hàng tháng, nuôi nấng con cái và thêm biết bao chuyện khác nữa để tiếp tục cuộc sống. Những người này chắc hẳn cũng cần có người an ủi họ, giúp họ nhẹ gánh phần nào. Đối với tất cả những người này, đời sống không lý tưởng chút nào.

Vậy tìm đâu ra địa đàng thiêng liêng? Các từ Hy Lạp và Hê-bơ-rơ dịch là “địa đàng” đều diễn đạt ý tưởng một công viên hay khu vườn, một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi và hồi phục tinh thần. Kinh Thánh hứa rằng một ngày kia trái đất sẽ là một địa đàng theo nghĩa đen, một khu vườn cho nhân loại không tội lỗi ở. (Thi-thiên 37:10, 11) Nghĩ đến điều này, chúng ta hiểu rằng địa đàng thiêng liêng là một môi trường tạo cảm giác thích thú và tinh thần thư thái, giúp một người vui hưởng sự bình an với người đồng loại và với Đức Chúa Trời. Ngày nay, anh Gustavo hiểu rằng một địa đàng như thế là có thật và ngày càng có đông người sống ở đó.

Khi lên 12 tuổi, Gustavo nẩy ra ý định muốn trở thành một linh mục Công Giáo La Mã. Với sự đồng ý của cha mẹ, anh vào học một trường dòng. Trong trường đó anh học âm nhạc, kịch nghệ và chính trị, các bộ môn mà giáo hội cổ võ để thu hút giới trẻ. Anh biết rằng một linh mục đáng lẽ phải chuyên lo giúp người khác và không được kết hôn. Vậy mà một số linh mục và học sinh trường đạo mà Gustavo quen biết lại dính líu đến những thực hành vô luân. Trong môi trường thể ấy, chẳng bao lâu Gustavo bắt đầu uống rượu quá độ. Rõ ràng, anh chưa tìm được địa đàng thiêng liêng.

Một ngày nọ, anh đọc được một tờ giấy nhỏ nói về địa đàng. Điều này khiến anh nghĩ đến mục đích của đời sống. Anh nói: “Tôi bắt đầu đọc Kinh Thánh thường xuyên nhưng lại không hiểu. Tôi thậm chí còn không biết Đức Chúa Trời có danh riêng”. Anh rời trường dòng và tiếp cận với Nhân Chứng Giê-hô-va để xin họ giúp anh hiểu Kinh Thánh. Sau đó, anh tiến bộ nhanh chóng và chẳng bao lâu dâng hiến đời sống cho Đức Chúa Trời. Gustavo đang học về địa đàng thiêng liêng.

Một dân dâng cho danh Đức Chúa Trời

Gustavo được biết rằng đối với một người học Kinh Thánh, danh Đức Chúa Trời, Giê-hô-va, không phải chỉ là một điểm đáng chú ý. (Xuất Ê-díp-tô Ký 6:3) Đó là một phần trọng yếu của sự thờ phượng thật. Chúa Giê-su dạy môn đồ cầu nguyện: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh”. (Ma-thi-ơ 6:9) Môn đồ Gia-cơ nói về những người Dân Ngoại trở thành tín đồ Đấng Christ: “Đức Chúa Trời đã đoái-thương người ngoại, đặng từ đó lấy ra một dân để dâng cho danh Ngài”. (Công-vụ 15:14) Trong thế kỷ thứ nhất, hội thánh tín đồ Đấng Christ chính là “dân để dâng cho danh Ngài”. Ngày nay có dân nào được dâng cho danh Đức Chúa Trời không? Có, Gustavo hiểu ra rằng chính Nhân Chứng Giê-hô-va là dân đó.

Nhân Chứng Giê-hô-va hoạt động trong 235 nước và lãnh thổ. Nhân số họ hơn sáu triệu người truyền giáo, và tám triệu người khác tham dự các buổi họp của họ. Họ được nhiều người biết đến qua thánh chức rao giảng công khai của họ và làm ứng nghiệm những lời này của Chúa Giê-su: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân”. (Ma-thi-ơ 24:14) Nhưng tại sao khi kết hợp với Nhân Chứng Giê-hô-va, Gustavo lại cảm thấy đã tìm được địa đàng thiêng liêng? Anh nói: “Tôi so sánh những gì tôi quan sát trong thế gian, đặc biệt là trong trường dòng, với những gì tôi thấy trong vòng Nhân Chứng Giê-hô-va. Tình yêu thương giữa các Nhân Chứng nói lên sự khác biệt lớn”.

Những người khác cũng đồng ý với anh về Nhân Chứng Giê-hô-va. Miriam, một phụ nữ trẻ ở Brazil, nói: “Tôi không biết làm sao để được hạnh phúc, ngay cả trong gia đình tôi. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy tình yêu thương cụ thể chính là trong vòng Nhân Chứng Giê-hô-va”. Một người đàn ông tên Christian nói: “Thỉnh thoảng tôi dính líu tới ma thuật, nhưng đối với tôi tôn giáo không quan trọng. Tôi xem địa vị xã hội và nghề kỹ sư của tôi quan trọng hơn. Tuy vậy, tôi thấy vợ tôi khác đi khi bắt đầu học hỏi Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Niềm vui và sự sốt sắng của các chị tín đồ đến thăm vợ tôi cũng gây ấn tượng tốt với tôi”. Tại sao người ta lại khen Nhân Chứng Giê-hô-va như thế?

Địa đàng thiêng liêng là gì?

Nét nổi bật của Nhân Chứng Giê-hô-va là lòng quý trọng sự hiểu biết về Kinh Thánh. Họ tin Kinh Thánh là chân lý và là Lời của Đức Chúa Trời. Bởi vậy, họ không mãn nguyện với sự hiểu biết căn bản về tôn giáo của họ. Họ có một chương trình đọc Kinh Thánh và học hỏi cá nhân liên tục. Càng kết hợp lâu năm với Nhân Chứng Giê-hô-va, một người càng biết nhiều hơn về Đức Chúa Trời và ý muốn của Ngài được tiết lộ qua Kinh Thánh.

Sự hiểu biết ấy giải thoát Nhân Chứng Giê-hô-va khỏi những điều cướp đi hạnh phúc của người ta, chẳng hạn như sự mê tín và những ý tưởng tai hại. Chúa Giê-su nói: “Lẽ thật sẽ buông-tha các ngươi”, và Nhân Chứng Giê-hô-va nghiệm thấy đúng như vậy. (Giăng 8:32) Có một dạo, Fernando thực hành ma thuật. Anh nói: “Thật là nhẹ nhõm biết bao khi biết có sự sống đời đời. Tôi sợ cha mẹ tôi hoặc chính tôi phải chết”. Lẽ thật đã giúp Fernando không còn sợ thế giới thần linh và cái gọi là đời sau.

Kinh Thánh liên kết chặt chẽ sự hiểu biết về Đức Chúa Trời với địa đàng. Nhà tiên tri Ê-sai nói: “Nó chẳng làm hại, chẳng giết ai trong cả núi thánh của ta; vì thế-gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che-lấp biển”.—Ê-sai 11:9.

Dĩ nhiên, chỉ sự hiểu biết thôi không đủ để mang lại sự bình an mà Ê-sai tiên tri. Một người còn phải hành động theo điều mình học. Fernando phát biểu: “Khi vun trồng trái của thánh linh, một người góp phần kiến tạo địa đàng thiêng liêng”. Fernando đã nhắc đến những lời của sứ đồ Phao-lô. Phao-lô gọi những đức tính tốt mà một tín đồ Đấng Christ nên vun trồng là “trái của Thánh-Linh”, tức “lòng yêu-thương, sự vui-mừng, bình-an, nhịn-nhục, nhân-từ, hiền-lành, trung-tín, mềm-mại, tiết-độ”.—Ga-la-ti 5:22, 23.

Bạn có thể hiểu tại sao khi kết hợp với một nhóm người cố gắng vun trồng những đức tính như thế thì thật sự giống như sống trong địa đàng không? Nhà tiên tri Sô-phô-ni đã báo trước rằng những người như thế sẽ tạo thành một địa đàng thiêng liêng. Ông nói: “[Họ] sẽ không làm sự gian-ác, không nói dối, không có lưỡi phỉnh-gạt trong miệng chúng nó; vì chúng nó sẽ ăn và nằm ngủ, không ai làm cho kinh-hãi”.—Sô-phô-ni 3:13.

Vai trò thiết yếu của tình yêu thương

Có lẽ bạn nhận thấy tình yêu thương là trái đầu tiên của thánh linh được Phao-lô nêu ra. Kinh Thánh nói nhiều về đức tính này. Chúa Giê-su nói: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”. (Giăng 13:35) Đành rằng Nhân Chứng Giê-hô-va không hoàn toàn—đôi khi giữa họ xảy ra những bất đồng cũng như các sứ đồ của Chúa Giê-su—nhưng họ thật sự yêu thương lẫn nhau và cầu xin Đức Chúa Trời ban thánh linh giúp họ vun trồng đức tính này.

Kết quả là họ hợp thành một đoàn thể độc đáo. Giữa họ không có tinh thần bộ lạc hoặc chủ nghĩa quốc gia gây chia rẽ. Thật thế, khi những cuộc thanh lọc chủng tộc và diệt chủng bùng nổ vào những năm cuối của thế kỷ 20, nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va thậm chí đã liều mình để che chở lẫn nhau. Dù “bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra”, họ vẫn có sự hợp nhất, một sự hợp nhất khó diễn tả nổi cho đến khi chính bạn cảm nhận ra điều đó.—Khải-huyền 7:9.

Địa đàng giữa những người làm theo ý muốn Đức Chúa Trời

Trong địa đàng thiêng liêng không có chỗ cho sự tham lam, vô luân và ích kỷ. Kinh Thánh dặn dò tín đồ Đấng Christ: “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến-hóa bởi sự đổi mới của tâm-thần mình, để thử cho biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”. (Rô-ma 12:2) Khi có một nếp sống trong sạch, đạo đức và làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời qua những cách khác nữa, chúng ta góp phần kiến tạo địa đàng thiêng liêng và hạnh phúc cho chính mình. Carla nghiệm thấy y như vậy. Chị nói: “Cha tôi đã dạy tôi cần mẫn làm việc để tự lập về tài chính. Dù an tâm nhờ bằng cấp đại học, nhưng tôi thấy thiếu một gia đình hợp nhất và sự an toàn mà chỉ có được khi hiểu biết Lời Đức Chúa Trời”.

Dĩ nhiên, địa đàng thiêng liêng không thể loại bỏ những khó khăn của đời sống. Tín đồ Đấng Christ vẫn bị bệnh. Có lẽ họ sống trong một nước đang có cuộc nội chiến. Nhiều người chịu cảnh nghèo khó. Dù vậy, việc có được một mối liên lạc tốt với Giê-hô-va Đức Chúa Trời—điều trọng yếu trong địa đàng thiêng liêng—có nghĩa là chúng ta có thể nương tựa nơi Ngài. Thật thế, Ngài mời chúng ta ‘trao gánh-nặng cho Ngài’, và nhiều người có thể chứng thực rằng Ngài đã nâng đỡ họ một cách kỳ diệu trong những tình huống gian truân nhất. (Thi-thiên 55:22; 86:16, 17) Đức Chúa Trời hứa sẽ ở với những người thờ phượng Ngài ngay cả “trong trũng bóng chết”. (Thi-thiên 23:4) Khi tin cậy rằng Đức Chúa Trời sẵn sàng ủng hộ chúng ta, chúng ta gìn giữ được “sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết”, một bí quyết dẫn đến địa đàng thiêng liêng.—Phi-líp 4:7.

Góp phần vào địa đàng thiêng liêng

Nhiều người thích đi chơi công viên, đi dạo từ nơi này sang nơi khác hoặc ngồi ngắm cảnh. Tương tự như thế, nhiều người thích kết hợp với Nhân Chứng Giê-hô-va. Họ cảm thấy khoan khoái, bình an và được bổ sức khi làm như vậy. Tuy nhiên, một khu vườn đẹp cần phải được chăm sóc để tiếp tục giống như một địa đàng. Cũng thế, địa đàng thiêng liêng hiện hữu ngay trong thế gian không phải là địa đàng này, bởi vì Nhân Chứng Giê-hô-va vun trồng nó, và Đức Chúa Trời ban phước cho các nỗ lực của họ. Vậy làm thế nào một người có thể hết lòng góp phần kiến tạo địa đàng thiêng liêng ấy?

Trước hết, bạn cần phải kết hợp với một hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va, học Kinh Thánh với họ, thu thập sự hiểu biết về Kinh Thánh, đó là nền tảng cho địa đàng thiêng liêng. Chị Carla nói: “Không có thức ăn thiêng liêng thì không có địa đàng thiêng liêng”. Điều này bao gồm việc đều đặn đọc Lời Đức Chúa Trời và suy ngẫm về những gì bạn đọc. Sự hiểu biết thu thập được sẽ thu hút bạn đến gần Giê-hô-va Đức Chúa Trời hơn, và bạn sẽ phát triển lòng yêu mến Ngài. Bạn cũng sẽ học cách nói chuyện với Ngài qua lời cầu nguyện, xin Ngài hướng dẫn, và xin thánh linh giúp bạn làm theo ý muốn Ngài. Chúa Giê-su bảo chúng ta phải bền lòng cầu nguyện. (Lu-ca 11:9-13) Sứ đồ Phao-lô nói: “[Hãy] cầu-nguyện không thôi”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17) Được nói chuyện với Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện với niềm tin tưởng tuyệt đối rằng Ngài nghe chúng ta là một phần quan trọng trong việc kiến tạo địa đàng thiêng liêng.

Với thời gian, đời sống bạn được cải thiện nhờ những gì bạn học được, và cuối cùng bạn sẽ muốn nói với người khác về những điều đó. Rồi bạn có thể tuân theo mệnh lệnh này của Chúa Giê-su: “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi-khen Cha các ngươi ở trên trời”. (Ma-thi-ơ 5:16) Việc chia sẻ với người khác sự hiểu biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ và tán dương lòng yêu thương cao cả mà hai Đấng ấy đã biểu lộ cho nhân loại mang lại nhiều hạnh phúc.

Sắp đến lúc cả trái đất biến thành một địa đàng theo nghĩa đen—một khu vườn không bị ô nhiễm và một nơi ở thích hợp cho nhân loại trung thành. Trong “những thời-kỳ khó-khăn” này, sự hiện hữu của địa đàng thiêng liêng là bằng chứng về quyền năng của Đức Chúa Trời và cho thấy trước những gì Ngài có thể và sẽ thực hiện trong tương lai.—2 Ti-mô-thê 3:1.

Ngay cả bây giờ, những ai vui hưởng địa đàng thiêng liêng đang thấy sự ứng nghiệm về thiêng liêng của lời tiên tri Ê-sai 49:10: “Họ sẽ không đói không khát, hơi nắng chẳng đốt đến, khí nóng mặt trời chẳng phạm đến nữa; vì Đấng thương-xót họ sẽ dắt-dẫn, đem họ đến gần suối nước”. Anh José xác nhận điều này. Trước đây anh mơ ước trở thành nhạc sĩ nổi tiếng nhưng rồi anh lại thấy mãn nguyện hơn khi được phụng sự Đức Chúa Trời với hội thánh tín đồ Đấng Christ. Anh nói: “Giờ đây đời tôi có ý nghĩa. Tôi cảm thấy an toàn giữa đoàn thể anh em trong đạo Đấng Christ, và đối với tôi Đức Giê-hô-va là một người Cha đầy yêu thương mà chúng ta tin cậy”. Thi-thiên 64:10 miêu tả đích đáng niềm hạnh phúc của José và của hàng triệu người khác giống như anh: “Người công-bình sẽ vui-vẻ nơi Đức Giê-hô-va, và nương-náu mình nơi Ngài”. Thật là một lời mô tả về địa đàng thiêng liêng đẹp đẽ biết bao!

[Chú thích]

^ đ. 2 Những nhân vật nói đến trong bài này đều có thật nhưng một số tên đã được đổi.

[Hình nơi trang 10]

Trong khi sống trong địa đàng thiêng liêng, chúng ta hãy khiến nó ngày càng bành trướng!