Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cyril và Methodius—Hai dịch giả Kinh Thánh đã sáng chế một bảng mẫu tự

Cyril và Methodius—Hai dịch giả Kinh Thánh đã sáng chế một bảng mẫu tự

Cyril và Methodius​—⁠Hai dịch giả Kinh Thánh đã sáng chế một bảng mẫu tự

“Dân chúng tôi chịu phép rửa tội vậy mà chúng tôi không được ai dạy đạo. Chúng tôi không hiểu tiếng Hy Lạp cũng không hiểu tiếng La-tinh... Chúng tôi không biết mặt chữ và không hiểu trong đó nói gì; bởi vậy xin Ngài cử người đến dạy chúng tôi biết Kinh Thánh và ý nghĩa của Kinh Thánh”.​—Rostislav, hoàng tử Moravia, năm 862 CN.

NGÀY NAY, hơn 435 triệu người nói các ngôn ngữ thuộc nhóm Slavic đã có được một bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng mẹ đẻ. * Trong số đó, có 360 triệu người sử dụng mẫu tự Cyrillic. Thế nhưng, cách đây 12 thế kỷ, họ không có chữ viết cũng không có mẫu tự để diễn đạt thổ ngữ của tổ tiên họ. Những người đã giúp họ cải thiện tình thế là hai anh em ruột tên là Cyril và Methodius. Những ai yêu chuộng Lời Đức Chúa Trời sẽ ghi nhận rằng các nỗ lực dũng cảm và đầy sáng kiến của hai anh em này viết nên một trang sử hào hứng trong quá trình bảo tồn và phổ biến Kinh Thánh. Hai người này là ai, và họ đã phải đương đầu với những trở ngại nào?

“Triết gia” và thống đốc

Cyril (827-869 CN, nguyên là Constantine) và Methodius (825-885 CN) sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Thessalonica, Hy Lạp. Thessalonica là một thành phố song ngữ; dân cư thành ấy vừa nói tiếng Hy Lạp vừa nói một dạng tiếng Slavic. Sự có mặt của nhiều người Slav và sự tiếp xúc mật thiết giữa các công dân thành này và các cộng đồng Slavic phụ cận có thể đã tạo cho Cyril và Methodius cơ hội biết rành ngôn ngữ miền nam Slav. Và một nhà viết tiểu sử về Methodius còn cho rằng mẹ của họ là người gốc Slavic.

Sau khi cha mất, Cyril dọn đến Constan­tinople, thủ đô của Đế Quốc Byzantine. Ở đó ông theo học ở trường đại học hoàng gia và giao thiệp với những nhà mô phạm lỗi lạc. Ông trở thành giáo phẩm quản lý thư viện nhà thờ Hagia Sophia, giáo đường nổi tiếng nhất ở Phương Đông, và sau đó ông làm giáo sư dạy môn triết. Thật thế, nhờ các thành tích về học vấn mà ông đạt được, Cyril được mệnh danh là “Triết gia”.

Trong khi đó, Methodius nối gót chân cha—theo đuổi sự nghiệp hành chính. Ông đạt đến chức quan chấp chính (thống đốc) trong địa phận Byzantine ở vùng biên giới nơi có nhiều người Slav sinh sống. Tuy vậy, ông đi tu ở một tu viện tại Bithynia, thuộc Tiểu Á. Vào năm 855 CN, Cyril cũng đi tu ở đó.

Vào năm 860 CN, giáo trưởng ở Constantinople phái hai anh em này truyền giáo ở hải ngoại. Họ được cử đến dân Khazar, sống ở phía đông bắc Biển Đen. Dân này vẫn còn do dự không biết nên theo Hồi Giáo, Do Thái Giáo hoặc Cơ Đốc Giáo. Trên đường đến đó, Cyril lưu trú một thời gian ở Chersonese, vùng Crimea. Một số học giả nghĩ ở đó ông đã học được tiếng Hê-bơ-rơ và Sa-ma-ri và phiên dịch một sách ngữ pháp từ tiếng Hê-bơ-rơ sang ngôn ngữ dân Khazar.

Tiếng gọi từ Moravia

Vào năm 862 CN, Rostislav, hoàng tử Moravia (hiện nay là đông Czech, tây Slovakia và tây Hung-ga-ri) gửi cho hoàng đế Byzantine là Michael III nguyện vọng ghi lại trong đoạn đầu của bài này—xin cử người đến dạy Kinh Thánh. Dân cư nói tiếng Slavic thuộc Moravia trước đó đã được làm quen với những sự dạy dỗ của giáo hội qua các giáo sĩ đến từ vương quốc người Phổ ở phương đông (nay là Đức và Áo). Tuy nhiên, Rostislav lo ngại rằng các chi tộc Đức gây ảnh hưởng về chính trị và tôn giáo. Ông hy vọng những mối quan hệ tôn giáo với Constantinople sẽ giúp duy trì quyền tự trị của nước về mặt chính trị và tôn giáo.

Hoàng đế quyết định cử Cyril và Methodius đến Moravia. Xét về phương diện kiến thức, học vấn và ngôn ngữ học, hai anh em được trang bị đầy đủ để thi hành sứ mệnh. Một người viết tiểu sử thuộc thế kỷ thứ chín cho biết rằng khi giục họ đi đến Moravia, hoàng đế đã lý luận: “Cả hai vị đều sinh quán ở Thessa­lonica, và tất cả những người sống ở đó đều nói tiếng Slav thuần túy”.

Bảng mẫu tự và một bản dịch Kinh Thánh ra đời

Trong những tháng trước khi lên đường, Cyril đã chuẩn bị cho sứ mệnh bằng cách soạn thảo chữ viết cho người Slav. Sách sử ghi chép rằng Cyril được tiếng là người có đôi tai nhạy bén với ngữ âm. Bởi vậy, bằng cách sử dụng các chữ cái Hy Lạp và Hê-bơ-rơ, ông cố xác định một chữ cái cho mỗi âm Slavonic. * Một số học giả cho rằng trước đó ông đã dành nhiều năm đặt nền móng cho bảng mẫu tự này. Và ngày nay, người ta vẫn không rõ về dạng chữ cái chính xác mà Cyril đã chế ra.—Xin xem khung “Cyrillic hoặc Glagolitic?”

Đồng thời, Cyril tiến hành một chương trình dịch Kinh Thánh khẩn cấp. Theo truyền thống, câu đầu tiên được Cyril dịch từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Slavonic theo bảng mẫu tự mới là câu mở đầu sách Phúc Âm theo Giăng: “Ban đầu có Ngôi-Lời...” Kế đến, Cyril tiếp tục dịch bốn sách Phúc Âm, các lá thư của Phao-lô và sách Thi-thiên.

Ông có dịch một mình không? Rất có thể Methodius đã giúp ông. Hơn nữa, sách The Cambridge Medieval History ghi: “Rất có thể là [Cyril] cũng nhờ những người khác phụ ông. Nhất định họ phải là những người gốc Slav có nền học vấn Hy Lạp. Khi khảo cứu những bản dịch cổ nhất,... chúng ta sẽ thấy bằng chứng hùng hồn là người dịch thông thạo tiếng Slavonic, hẳn là vì những cộng sự viên của Cyril đều là người Slav bản địa”. Như chúng ta sẽ thấy, chính Methodius đã hoàn tất phần còn lại của Kinh Thánh.

“Bầy quạ xông vào mổ một con chim ưng”

Vào năm 863 CN, Cyril và Methodius bắt đầu sứ mệnh tại Moravia, nơi họ được nồng nhiệt đón tiếp. Ngoài việc dịch Kinh Thánh và những giáo thư khác, họ còn phải dạy một nhóm người dân địa phương học chữ viết Slavonic mới.

Tuy nhiên, không phải mọi sự đều dễ dàng. Hàng giáo phẩm người Phổ ở Moravia kịch liệt phản đối việc dùng chữ viết Slavonic. Họ chủ trương thuyết tam ngữ, chỉ cho phép được dùng ba thứ tiếng là La-tinh, Hy Lạp và Hê-bơ-rơ trong việc thờ phượng. Hy vọng giáo hoàng sẽ ủng hộ ngôn ngữ viết họ mới sáng chế, vào năm 867 CN hai anh em lên đường đi Rome.

Trên đường đi, ghé qua Venice, họ có một cuộc đụng chạm khác với một nhóm giáo phẩm La-tinh theo thuyết tam ngữ. Một người viết tiểu sử thời Trung Cổ về Cyril cho biết rằng các giám mục, linh mục và thầy dòng địa phương đã tấn công Cyril tới tấp như thể “bầy quạ xông vào mổ một con chim ưng”. Theo lời tường thuật đó, Cyril phản công bằng cách trích dẫn 1 Cô-rinh-tô 14:8, 9: “Lại nếu kèn trổi tiếng lộn-xộn, thì ai sửa-soạn mà ra trận? Anh em cũng vậy, nếu dùng lưỡi nói chẳng rõ-ràng cho người ta nghe, thì làm sao họ được biết điều anh em nói? Vì anh em nói bông-lông”.

Cuối cùng khi hai anh em đến Rome, việc dùng tiếng Slavonic được Giáo Hoàng Adrian II hết lòng chuẩn chấp. Vài tháng sau, Cyril lâm bệnh nặng đang khi còn ở Rome. Không đầy hai tháng sau, ông chết lúc 42 tuổi.

Giáo Hoàng Adrian II khuyến khích Methodius trở về Moravia và gần thị xã Nitra, nay thuộc Slovakia, để hoạt động. Muốn củng cố thế lực của mình trong vùng đó, giáo hoàng trao cho Methodius những lá thư chuẩn chấp việc dùng tiếng Slavonic và bổ nhiệm Methodius làm tổng giám mục. Tuy nhiên, vào năm 870 CN, giám mục người Phổ là Hermanrich cậy thế lực Hoàng Tử Svatopluk ở Nitra để bắt giam Methodius. Ông bị giam hai năm rưỡi trong một tu viện ở đông nam nước Đức. Cuối cùng, người kế vị Adrian II là Giáo Hoàng Gioan VIII hạ lệnh thả Methodius ra, phục hồi ông vào chức cũ trong giáo khu, và khẳng định lại việc giáo hoàng ủng hộ việc dùng tiếng Slavonic trong sự thờ phượng.

Nhưng sự chống đối của giới giáo phẩm người Phổ vẫn tiếp tục. Methodius thành công trong việc tự vệ chống lại lời buộc tội dị giáo, và cuối cùng ông giành được thắng lợi dưới dạng sắc lệnh của Giáo Hoàng Gioan VIII tuyệt đối cho phép dùng tiếng Slavonic trong nhà thờ. Như giáo hoàng đương nhiệm Gioan Phao-lồ II nhìn nhận, Methodius đã sống “rày đây mai đó, trong sự thiếu thốn, khổ cực, thù nghịch và ngược đãi... thậm chí còn bị giam một cách độc ác”. Mỉa mai thay, những người ám hại ông lại chính là những giám mục và hoàng tử ủng hộ Rome.

Kinh Thánh trọn bộ được phiên dịch

Dù bị chống đối không ngớt, Methodius dịch xong phần còn lại của Kinh Thánh sang tiếng Slavonic, nhờ sự giúp đỡ của nhiều người biết viết tốc ký. Theo lời truyền thống, ông hoàn tất công trình dịch thuật đồ sộ này chỉ trong tám tháng. Tuy nhiên, ông đã không dịch ngụy thư Mác-ca-bê.

Ngày nay, không dễ gì đánh giá một cách chính xác phẩm chất bản dịch của Cyril và Methodius. Chỉ còn rất ít những bản chép tay gần thời điểm bản dịch được hoàn tất nhất. Khi xem xét những bản cổ nhất và hiếm hoi ấy, những nhà ngôn ngữ học thấy bản dịch chính xác và chuyển đạt ý tưởng cách hồn nhiên và dễ hiểu. Tác phẩm Our Slavic Bible nói rằng hai anh em “đã phải đặt ra nhiều từ mới... Họ đã sáng tạo một cách chính xác lạ thường, làm phong phú thêm vốn từ vựng của ngôn ngữ Slavic như chưa từng thấy trước đó”.

Một di sản lâu đời

Sau khi Methodius chết vào năm 885 CN, các môn đệ của ông đã bị các đối thủ người Phổ trục xuất khỏi Moravia. Họ nương náu ở Bohemia, nam Ba Lan, và Bun-ga-ri. Nhờ vậy mà công trình của Cyril và Methodius đã tiếp tục và thật sự được phổ biến. Ngôn ngữ Slavic được ký hiệu bằng chữ cái lâu bền nhờ hai anh em này, đã được lưu truyền trở nên phong phú hơn, và sau đó còn có nhiều biến thể. Ngày nay, nhóm ngôn ngữ Slavic bao gồm đến 13 thứ tiếng và nhiều thổ ngữ.

Hơn nữa, các nỗ lực dũng cảm của Cyril và Methodius nhằm dịch Kinh Thánh đã đem lại kết quả là ngày nay có nhiều bản dịch Kinh Thánh khác nhau trong nhóm tiếng Slavic. Hàng triệu người nói các thứ tiếng này nhận được lợi ích khi đọc Lời Đức Chúa Trời trong tiếng mẹ đẻ của mình. Bất kể sự chống đối gay gắt, những lời này thật đúng làm sao: “Lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời!”—Ê-sai 40:8.

[Chú thích]

^ đ. 3 Các ngôn ngữ Slavic phổ biến ở Đông Âu và Trung Âu bao gồm tiếng Nga, Ukraine, Serbia, Ba Lan, Czech, Bun-ga-ri và những tiếng tương tự.

^ đ. 13 Từ “Slavonic” trong bài này chỉ thổ ngữ Slavic mà Cyril và Methodius dùng khi thi hành sứ mệnh và viết sách. Ngày nay một số người dùng những cụm từ như “tiếng Slavonic cổ” hoặc “tiếng Slavonic của giáo hội cổ”. Các nhà ngôn ngữ học đều đồng ý rằng vào thế kỷ thứ chín CN, người Slav không nhất quán nói một thứ tiếng.

[Khung nơi trang 29]

Cyrillic hoặc Glagolitic?

Tính chất của bảng mẫu tự do Cyril sáng chế đã gây nhiều tranh luận, vì các nhà ngôn ngữ học không chắc chắn bảng mẫu tự đó lúc đầu là như thế nào. Bảng mẫu tự Cyrillic ngày nay gần giống như bảng mẫu tự tiếng Hy Lạp, cộng thêm khoảng một chục chữ cái được chế ra để biểu hiệu một số âm không có trong tiếng Hy Lạp. Tuy nhiên, một số bản chép tay cổ nhất bằng tiếng Slavonic lại dùng một loại chữ viết rất khác biệt, gọi là Glagolitic, mà nhiều học giả tin rằng Cyril đã sáng chế ra. Một ít chữ cái Glagolitic dường như bắt nguồn từ chữ thảo Hy Lạp hoặc Hê-bơ-rơ. Một vài chữ cái khác có thể bắt nguồn từ các dấu phụ thời trung cổ, nhưng hầu hết đều là những sáng chế độc đáo và phức tạp. Dường như chữ viết Glagolitic là một sáng chế rất khác biệt và độc đáo. Tuy nhiên, chính chữ viết Cyrillic mới dần dần biến thành chữ viết của tiếng Nga, Ukraine, Serbia, Bun-ga-ri và Ma-xê-đoan hiện đại, cũng như của 22 ngôn ngữ khác nữa không thuộc nhóm Slavonic.

[Artwork​—⁠Cyrillic and Glagolitic characters]

[Bản đồ nơi trang 31]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Biển Baltic

(Ba Lan)

Bohemia (Czechia)

Moravia (Đ. Czechia, T. Slovakia, T. Hung-ga-ri)

Nitra

VƯƠNG QUỐC ĐÔNG PHỔ (Đức & Áo)

Ý

Venice

Rome

Địa Trung Hải

BUN-GA-RI

HY LẠP

Thessalonica

(Crimea)

Biển Đen

Bithynia

Constantinople (Istanbul)

[Hình nơi trang 31]

Một bản Kinh Thánh tiếng Slavonic viết bằng chữ Cyrillic từ năm 1581

[Nguồn tư liệu]

Kinh Thánh: Narodna in univerzitetna knjiz̆nica-Slovenija-Ljubljana