Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao tìm được hạnh phúc thật

Làm sao tìm được hạnh phúc thật

Làm sao tìm được hạnh phúc thật

MỘT nhà lãnh đạo Phật Giáo, Đạt Lai Lạt Ma nói: “Tôi tin mục tiêu chính của đời sống chúng ta là mưu cầu hạnh phúc”. Tiếp đến, ông giải thích rằng con người có thể đạt được hạnh phúc bằng cách rèn luyện, hoặc khép trí óc và tâm hồn mình vào kỷ luật. Ông nói: “Trí óc là thiết bị cơ bản để chúng ta tìm được hạnh phúc trọn vẹn”. Ông nghĩ con người không cần phải tin nơi Đức Chúa Trời. *

Ngược lại, hãy xem xét trường hợp Chúa Giê-su, người có đức tin mạnh mẽ nơi Đức Chúa Trời, mà sự dạy dỗ đã ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người qua nhiều thế kỷ. Chúa Giê-su quan tâm đến hạnh phúc loài người. Ngài bắt đầu Bài Giảng trên Núi nổi tiếng với chín điều phúc lớn—thành ngữ được “phước” xuất hiện chín lần. (Ma-thi-ơ 5:1-12) Cũng trong bài giảng ấy, ngài dạy người nghe cách suy xét, rèn luyện, làm sạch trí óc và tâm hồn—thay thế tư tưởng hung bạo, vô luân và tư kỷ bằng những tư tưởng hòa bình, trong sạch và yêu thương. (Ma-thi-ơ 5:21, 22, 27, 28; 6:19-21) Như một môn đồ của ngài sau này khuyên bảo, chúng ta nên tiếp tục “nghĩ đến” điều chi ‘chân-thật, đáng tôn, công-bình, thanh-sạch, đáng yêu-chuộng, có tiếng tốt, nhân-đức, và đáng khen’.—Phi-líp 4:8.

Chúa Giê-su hiểu rằng hạnh phúc thật bao gồm mối quan hệ với người khác. Bản năng tự nhiên của loài người là thích sống thành đoàn thể, thế nên chúng ta không thể nào có hạnh phúc thật nếu tự cô lập hoặc va chạm liên miên với người chung quanh. Chúng ta chỉ hạnh phúc khi cảm thấy được yêu thương và yêu thương người khác. Nền tảng của tình yêu thương ấy, theo như Chúa Giê-su dạy dỗ, chính là mối quan hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Đây là điểm khác biệt nổi bật giữa sự dạy dỗ của Chúa Giê-su và Đạt Lai Lạt Ma, vì Chúa Giê-su dạy loài người không thể có hạnh phúc thật khi biệt lập với Đức Chúa Trời. Tại sao thế?—Ma-thi-ơ 4:4; 22:37-39.

Hãy nghĩ đến nhu cầu thiêng liêng của bạn

Một trong những phúc lớn là: “Phước cho những người ý thức về nhu cầu thiêng liêng”. (Ma-thi-ơ 5:3, NW) Tại sao Chúa Giê-su nói vậy? Bởi vì khác với loài thú, chúng ta có những nhu cầu thiêng liêng. Được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời, trong mức độ nào đó chúng ta có thể vun trồng những đức tính của Đức Chúa Trời như tình yêu thương, công bằng, lòng thương xót và sự khôn ngoan. (Sáng-thế Ký 1:27; Mi-chê 6:8; 1 Giăng 4:8) Nhu cầu thiêng liêng của chúng ta bao gồm việc đời sống của chúng ta phải có ý nghĩa.

Làm sao chúng ta có thể thỏa mãn những nhu cầu thiêng liêng ấy? Không phải bằng cách ngồi thiền hoặc chỉ tự xem xét nội tâm. Đúng hơn, Chúa Giê-su bảo: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 4:4) Hãy chú ý, Chúa Giê-su cho thấy rằng Đức Chúa Trời là nguồn của “mọi lời nói” thiết yếu cho đời sống chúng ta. Có một số thắc mắc chỉ Đức Chúa Trời mới có thể giúp chúng ta giải đáp. Sự thông sáng này đặc biệt đúng lúc cho thời nay, vì có rất nhiều học thuyết về mục đích đời sống và phương cách để đạt đến hạnh phúc. Các hiệu sách dành hẳn nhiều khu vực để trưng bày những tác phẩm hứa hẹn với bạn đọc sức khỏe, sự giàu có và hạnh phúc. Trên mạng Internet những địa chỉ đặc biệt bàn về hạnh phúc cũng đã được thiết lập.

Tuy nhiên, những suy nghĩ của loài người trong lĩnh vực này thường lầm lạc. Nó thường có khuynh hướng phục vụ cho những ham muốn ích kỷ hoặc cho cái tôi. Nó dựa vào tri thức và kinh nghiệm hạn hẹp và hầu hết thường căn cứ trên những giả thuyết sai lầm. Thí dụ, một xu hướng đang thịnh hành trong các tác giả những sách học làm người mà ý tưởng thường căn cứ trên thuyết “tâm lý tiến hóa”, cho rằng xúc cảm của con người có nguồn gốc từ loài thú, tổ tiên giả định của chúng ta. Sự thật là bất cứ nỗ lực nào trong việc tìm kiếm hạnh phúc căn cứ trên một học thuyết cố tình lờ đi vai trò của Đấng Tạo Hóa đều không hợp lý và cuối cùng sẽ dẫn đến thất vọng. Một nhà tiên tri thời xưa đã nói: “Những kẻ khôn-sáng bị xấu-hổ... Chúng nó đã bỏ lời của Đức Giê-hô-va; thì sự khôn-ngoan nó là thể nào?”—Giê-rê-mi 8:9.

Đức Giê-hô-va biết cách cấu tạo của chúng ta và điều gì sẽ mang lại cho chúng ta hạnh phúc thật. Ngài hiểu tại sao Ngài đặt con người sống trên đất, tương lai của loài người là gì, và Ngài cung cấp thông tin ấy cho chúng ta qua Kinh Thánh. Những điều Ngài tiết lộ trong cuốn sách được soi dẫn đó đáp ứng nguyện vọng của những người có tâm tình đúng và khơi dậy niềm hạnh phúc. (Lu-ca 10:21; Giăng 8:32) Đấy chính là trường hợp hai môn đồ của Chúa Giê-su. Sau sự chết của ngài họ bị nản lòng. Nhưng sau khi được nghe chính Chúa Giê-su sống lại nói về vai trò của ngài trong ý định của Đức Chúa Trời liên quan đến sự cứu rỗi của loài người, họ nói: “Khi nãy đi đường, Ngài nói cùng chúng ta và cắt nghĩa Kinh-thánh, lòng chúng ta há chẳng nóng-nảy sao?”—Lu-ca 24:32.

Niềm vui trên càng tăng thêm khi chúng ta để Kinh Thánh hướng dẫn đời sống mình. Về phương diện này, hạnh phúc có thể được ví như một cầu vồng, xuất hiện khi có những điều kiện thuận lợi, và ngày càng rạng rỡ hơn—ngay cả trở thành cầu vồng kép—khi có điều kiện hoàn hảo. Giờ đây chúng ta hãy xem xét vài thí dụ cho thấy việc áp dụng những dạy dỗ Kinh Thánh có thể gia tăng hạnh phúc thêm như thế nào.

Hãy giữ đời sống giản dị

Trước tiên, hãy xem xét lời khuyên của Chúa Giê-su về vấn đề của cải. Sau khi khuyên không nên ham mê làm giàu, xem đó như mục tiêu chính yếu trong đời sống, ngài đã tạo một ấn tượng sâu sắc khi nói: “Nếu mắt ngươi sáng-sủa [“giản dị”, NW] thì cả thân-thể ngươi sẽ được sáng-láng”. (Ma-thi-ơ 6:19-22) Thật ra ngài muốn nói là nếu cứ thèm khát theo đuổi sự giàu sang, quyền lực hoặc bất cứ mục tiêu nào con người tự đặt ra cho mình, chúng ta sẽ đánh mất nhiều điều quan trọng hơn. Nói cho cùng, như Chúa Giê-su đã phán trong một trường hợp khác, “sự sống của người ta không phải cốt tại của-cải mình dư-dật đâu”. (Lu-ca 12:15) Nếu đặt những việc thật sự quan trọng lên hàng đầu, như mối quan hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời, những điều liên quan đến gia đình và những vấn đề khác, bấy giờ “mắt” chúng ta sẽ “giản dị”, thông suốt.

Hãy chú ý, Chúa Giê-su không bênh vực chủ nghĩa khổ hạnh. Nói cho cùng, chính Chúa Giê-su không phải là một người khổ hạnh. (Ma-thi-ơ 11:19; Giăng 2:1-11) Đúng hơn, ngài dạy rằng những ai chỉ xem cuộc sống như là cơ hội để tích lũy của cải làm giàu, thì họ sẽ phải mất đi những điều khác trong cuộc sống.

Bình luận về một số người giàu rất sớm, một nhà tâm lý liệu pháp ở San Francisco, Hoa Kỳ, nói rằng đối với họ tiền bạc là “căn nguyên của trạng thái căng thẳng và rối loạn”. Ông nói thêm: “Những người này mua sắm hai hoặc ba ngôi nhà, mua xe, chi tiền mua sắm vật dụng. Và khi những điều này không làm cho họ hạnh phúc, họ trở nên buồn nản, trống rỗng và không biết chắc phải làm gì trong cuộc sống nữa”. Ngược lại, những ai nghe theo lời khuyên của Chúa Giê-su, có đời sống vật chất giản dị hơn và dành cơ hội cho những điều thiêng liêng, thường dễ tìm thấy hạnh phúc thật hơn.

Tom, một người làm nghề xây cất sống ở Hawaii, tình nguyện giúp xây những nơi thờ phượng trên những hải đảo thuộc Thái Bình Dương, nơi người ta có ít của cải vật chất. Tom nhận thấy đôi điều về những người nhu mì này. Anh nói: “Anh chị em tín đồ Đấng Christ của tôi trên những hải đảo này thật sự hạnh phúc. Họ đã giúp tôi hiểu rõ hơn tiền bạc và của cải không là bí quyết để có hạnh phúc”. Anh cũng quan sát những người tình nguyện cùng làm việc trên đảo và nhận thấy họ rất thỏa mãn với hoàn cảnh của họ. Tom nói: “Tuy có thể kiếm được nhiều tiền, nhưng họ đã chọn việc đặt những vấn đề thiêng liêng lên hàng đầu và giữ một lối sống giản dị”. Được thúc đẩy bởi những gương này, anh Tom giản dị hóa đời sống mình để dành nhiều thì giờ hơn cho gia đình và theo đuổi những việc thiêng liêng—một bước ngoặt anh không bao giờ hối tiếc.

Hạnh phúc và lòng tự trọng

Điều trọng yếu trong hạnh phúc là nhận thức được phẩm giá hoặc lòng tự trọng của chính mình. Vì sự bất toàn của loài người và hậu quả tất yếu là sự yếu kém, một số người đã có cái nhìn tiêu cực về bản thân, và nhiều người có những cảm nghĩ này ngay từ thời thơ ấu. Thật khó vượt qua những cảm nghĩ cố hữu, nhưng điều này có thể làm được. Giải pháp là áp dụng Lời Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh giải thích cảm nghĩ của Đấng Tạo Hóa đối với chúng ta. Chẳng phải quan điểm của Ngài quan trọng hơn quan điểm của bất cứ người nào khác—hoặc ngay cả của chúng ta sao? Là hiện thân của tình yêu thương, Đức Chúa Trời không nhìn chúng ta với thành kiến hoặc ác ý. Ngài thấy được bản chất cũng như tiềm năng của chúng ta. (1 Sa-mu-ên 16:7; 1 Giăng 4:8) Thật thế, đối với Ngài những người muốn làm Ngài đẹp lòng đều đáng quý, vâng, họ thật đáng yêu dù bất toàn đến đâu.—Đa-ni-ên 9:23; A-ghê 2:7.

Hiển nhiên, Đức Chúa Trời không lờ đi những yếu kém và tội lỗi chúng ta đã phạm. Ngài mong chúng ta nỗ lực làm điều đúng và khi làm thế chúng ta được Ngài nâng đỡ. (Lu-ca 13:24) Dù vậy, Kinh Thánh nói: “Đức Giê-hô-va thương-xót kẻ kính-sợ Ngài, khác nào cha thương-xót con-cái mình vậy”. Kinh Thánh cũng nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va, nếu Ngài cố-chấp sự gian-ác, thì, Chúa ôi! ai sẽ còn sống? Nhưng Chúa có lòng tha-thứ cho, để người ta kính-sợ Chúa”.—Thi-thiên 103:13; 130:3, 4.

Vậy hãy học cách tự xem xét theo quan điểm của Đức Chúa Trời. Biết Ngài yêu quý và tin cậy những người yêu mến Ngài—dù họ tự cảm thấy không xứng đáng—điều ấy làm hạnh phúc thêm lên.—1 Giăng 3:19, 20.

Hy vọng—Cần yếu để có hạnh phúc

Một khái niệm được phổ biến gần đây gọi là tâm lý tích cực cho rằng chủ nghĩa lạc quan có thể dẫn đến hạnh phúc. Chủ nghĩa này được vun trồng bằng suy nghĩ tích cực và sự tập trung vào sức mạnh cá nhân của con người. Ít ai phủ nhận rằng quan điểm lạc quan về đời sống và tương lai làm tăng hạnh phúc của chúng ta. Tuy nhiên, quan điểm lạc quan này phải dựa trên thực tế, thay vì mơ tưởng hão. Vả lại, không có tư tưởng lạc quan hay tích cực nào sẽ loại trừ được chiến tranh, đói kém, dịch lệ, ô nhiễm, tuổi già, bệnh tật hoặc sự chết—những điều cướp mất hạnh phúc của con người. Dù vậy, quan điểm lạc quan cũng có cái hay riêng.

Điều đáng chú ý là Kinh Thánh không dùng từ ngữ lạc quan; nhưng một từ khác mạnh mẽ hơn—hy vọng. Cuốn Vine’s Complete Expository Dictionary định nghĩa “hy vọng” được dùng trong Kinh Thánh như “mong đợi một điều thuận lợi và đầy tin cậy,... vui sướng háo hức chờ đợi điều tốt lành”. Trong cách dùng của Kinh Thánh, hy vọng có nghĩa nhiều hơn là một quan niệm lạc quan về tình thế. Nó còn ám chỉ đến điều mà một người trông cậy. (Ê-phê-sô 4:4; 1 Phi-e-rơ 1:3) Thí dụ, niềm hy vọng của tín đồ Đấng Christ là mọi điều xấu đề cập ở đoạn trên sẽ sớm bị loại trừ. (Thi-thiên 37:9-11, 29) Nhưng hy vọng còn có nghĩa bao quát hơn.

Tín đồ Đấng Christ trông mong đến thời kỳ những người trung thành sẽ nhận được sự sống hoàn toàn trong địa đàng. (Lu-ca 23:42, 43) Bàn rộng thêm về niềm hy vọng đó, Khải-huyền 21:3, 4 nói: “Này, đền-tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài... Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi”.

Bất cứ ai mong đợi có được một tương lai như thế đều có lý do để hạnh phúc dù hoàn cảnh hiện nay không đúng như lòng mong muốn. (Gia-cơ 1:12) Vậy tại sao bạn không tìm hiểu Kinh Thánh và khám phá tại sao bạn có thể tin vào điều ấy. Hãy dành ra thì giờ đọc Kinh Thánh mỗi ngày để củng cố hy vọng của bạn. Việc này sẽ làm bạn phong phú về phương diện thiêng liêng, giúp bạn thêm thỏa lòng và tránh được nhiều điều cướp mất niềm hạnh phúc của con người. Đúng vậy, bí quyết chủ yếu để có hạnh phúc thật là làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. (Truyền-đạo 12:13) Đời sống xây dựng trên việc vâng theo những dạy dỗ của Kinh Thánh là đời sống hạnh phúc như Chúa Giê-su đã phán: “Những kẻ nghe và giữ lời Đức Chúa Trời còn có phước hơn!”—Lu-ca 11:28.

[Chú thích]

^ đ. 2 Niềm tin nơi Đức Chúa Trời không cần thiết cho một tín đồ Phật Giáo.

[Các hình nơi trang 5]

Hạnh phúc không đạt được bằng cách tích lũy của cải, sống cô lập, hoặc nương cậy nơi tri thức hạn hẹp của loài người

[Hình nơi trang 6]

Đời sống xây dựng trên việc vâng giữ Lời Đức Chúa Trời là một đời sống hạnh phúc

[Hình nơi trang 7]

Niềm hy vọng của tín đồ Đấng Christ đem lại hạnh phúc