Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Luôn được Đức Giê-hô-va nâng đỡ

Luôn được Đức Giê-hô-va nâng đỡ

Tự truyện

Luôn được Đức Giê-hô-va nâng đỡ

DO FORREST LEE KỂ LẠI

Cảnh sát vừa tịch thu các máy hát dĩa và ấn phẩm về Kinh Thánh của chúng tôi . Những người chống đối đã lợi dụng thời Thế Chiến II để xúi giục toàn quyền mới ở Canada cấm đoán hoạt động của Nhân Chứng Giê-hô-va. Việc này xảy ra vào ngày 4 tháng 7 năm 1940.

KHÔNG thoái chí, chúng tôi về lấy thêm ấn phẩm giấu trong kho và tiếp tục việc rao giảng. Tôi luôn nhớ lời cha tôi đã bảo trong trường hợp đó: “Chúng ta không chịu thua dễ dàng. Đức Giê-hô-va ra lệnh cho chúng ta phải đi rao giảng”. Vào thời đó tôi là một cậu bé mười tuổi tràn trề sinh lực. Nhưng thậm chí đến nay, sự cương quyết và lòng sốt sắng của cha trong thánh chức vẫn thường nhắc nhở tôi về cách Đức Chúa Trời Giê-hô-va nâng đỡ những người trung thành với Ngài.

Lần sau cảnh sát bắt chúng tôi, không những tịch thu ấn phẩm mà còn giam cha vào tù, bỏ lại mẹ một mình với bốn con nhỏ. Chuyện này xảy ra vào tháng 9 năm 1940 tại Saskatchewan. Sau đó không lâu tôi bị đuổi khỏi trường, vì theo lương tâm được Kinh Thánh dạy dỗ, tôi không chào quốc kỳ và hát quốc ca. Tiếp tục chương trình học theo lối hàm thụ giúp tôi có một thời gian biểu linh động, và tôi đã dành nhiều thời gian hơn cho việc rao giảng.

Năm 1948, có lời kêu gọi những người tiên phong, tức những người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va, đi đến miền đông duyên hải Canada. Thế là tôi đến Halifax, tỉnh bang Nova Scotia, và Cape Wolfe, trên đảo Prince Edward làm tiên phong. Năm sau, tôi nhận lời mời làm việc hai tuần tại chi nhánh của tổ chức Nhân Chứng Giê-hô-va ở Toronto. Hai tuần lễ làm việc đã trở thành hơn sáu năm phụng sự hữu ích. Cuối cùng tôi gặp Myrna, người đã cùng tôi chia sẻ tình yêu dành cho Đức Giê-hô-va, và tháng 12 năm 1955 chúng tôi kết hôn. Chúng tôi định cư ở Milton, tỉnh bang Ontario, và sau đó không lâu, một hội thánh mới đã được thành lập. Tầng hầm ngôi nhà chúng tôi trở thành Phòng Nước Trời.

Mong ước nới rộng thánh chức

Những năm tiếp theo, chúng tôi có sáu con, tuổi xấp xỉ nhau. Con gái đầu lòng là Miriam. Tiếp đến là Charmaine, Mark, Annette, Grant và út là Glen. Trở về nhà, tôi thường nhìn thấy cảnh các con nhỏ ngồi trên sàn, cạnh lò sưởi nghe Myrna đọc Kinh Thánh, giải nghĩa lời tường thuật Kinh Thánh và vun trồng trong tâm hồn chúng tình yêu chân thật đối với Đức Giê-hô-va. Nhờ sự khuyến khích đầy yêu thương của nàng, các con chúng tôi có được sự hiểu biết Kinh Thánh thích đáng vào thời thơ ấu.

Lòng sốt sắng của cha trong thánh chức đã gây ấn tượng sâu sắc trong trí tôi. (Châm-ngôn 22:6) Vì vậy, năm 1968, khi những gia đình Nhân Chứng Giê-hô-va được mời đến Trung và Nam Mỹ để trợ giúp việc rao giảng, gia đình tôi mong muốn hưởng ứng lời kêu gọi này. Bấy giờ các con chúng tôi ở lứa tuổi từ 5 đến 13, và chúng tôi không ai biết một tiếng Tây Ban Nha. Tôi đã làm theo lời khuyên bắt đầu một cuộc hành trình xuyên qua nhiều nước để nghiên cứu điều kiện sống. Khi tôi trở về, gia đình chúng tôi thành tâm cầu nguyện, cân nhắc chọn lựa và cuối cùng quyết định chuyển đến Nicaragua.

Phụng sự ở Nicaragua

Vào tháng 10 năm 1970 chúng tôi đã sống trong ngôi nhà mới, và trong vòng ba tuần tôi được phân công phụ trách một bài ngắn trong chương trình tại buổi họp hội thánh. Với vốn liếng tiếng Tây Ban Nha hạn hẹp, tôi đã gắng sức nói bài của mình và kết thúc bằng lời mời toàn thể hội thánh đến nhà chúng tôi vào lúc 9 giờ 30 sáng Thứ Bảy để cerveza. Ý tôi định nói từ servicio, có nghĩa rao giảng, nhưng trong thực tế tôi đã nói mời mọi người uống bia. Học tiếng Tây Ban Nha thật sự không dễ!

Thoạt tiên, tôi viết lời trình bày vào lòng bàn tay và nhắc lại trên đường đi từng nhà. Lời trình bày là: “Nhận quyển sách này, bạn có thể học Kinh Thánh miễn phí tại nhà”. Một người đã nhận lời mời của tôi sau đó kể lại rằng ông phải tìm đến buổi họp để hiểu xem tôi đã cố nói với ông điều gì. Người này sau trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Thật đúng thay, Đức Chúa Trời là Đấng làm cho hạt giống lẽ thật nẩy mầm trong lòng người khiêm nhường, như sứ đồ Phao-lô thừa nhận!—1 Cô-rinh-tô 3:7.

Sau khi ở thủ đô Managua khoảng hai năm, chúng tôi được mời đến miền nam Nicaragua. Tại đấy, chúng tôi cùng làm việc với hội thánh ở Rivas và với những nhóm chú ý Kinh Thánh ở vùng phụ cận hẻo lánh. Pedro Peña, một Nhân Chứng lớn tuổi trung thành, cùng tôi đi thăm viếng những nhóm này. Có một nhóm nằm trong khu vực đảo núi lửa giữa Hồ Nicaragua, ở đấy chỉ có một gia đình Nhân Chứng Giê-hô-va.

Dù khó khăn, gia đình này gắng sức biểu lộ lòng quý trọng việc viếng thăm của chúng tôi. Họ đã chuẩn bị sẵn bữa tối khi chúng tôi đến. Chúng tôi ở lại đấy một tuần, và nhiều người yêu thích Kinh Thánh đã chia sẻ thực phẩm cho chúng tôi. Thật nức lòng khi có 101 người tham dự buổi diễn văn công cộng vào ngày Chủ Nhật.

Vào một dịp khác, tôi đã cảm nhận được quyền năng nâng đỡ của Đức Giê-hô-va khi chúng tôi viếng thăm một nhóm người chú ý Kinh Thánh trong vùng núi gần biên giới Costa Rica. Ngày khởi hành, lúc Pedro đến đón, tôi nằm liệt giường vì sốt rét. Tôi nói: “Tôi không thể đi, Pedro ạ”. Đặt tay lên trán tôi, anh bảo: “Sốt cao đấy, nhưng phải đi thôi! Các anh em đang chờ”. Rồi anh khẩn thiết cầu nguyện.

Sau đó tôi bảo: “Anh đi uống fresco (nước trái cây) đi. Tôi sẽ xong ngay trong vòng mười phút”. Có hai gia đình Nhân Chứng sống tại vùng chúng tôi đến thăm, và họ đã chăm sóc chúng tôi thật chu đáo. Ngày hôm sau chúng tôi cùng đi rao giảng với họ dù tôi hãy còn yếu vì cơn sốt. Thật khích lệ biết bao khi nhìn thấy hơn một trăm người tham dự buổi họp vào ngày Chủ Nhật!

Dọn nhà một lần nữa

Năm 1975, Vaughn đứa con trai thứ bảy của chúng tôi chào đời. Năm sau, vì lý do tài chính chúng tôi buộc phải trở về Canada. Thật khó mà rời Nicaragua vì chúng tôi đã thật sự cảm thấy được Đức Giê-hô-va nâng đỡ trong suốt thời gian ở đây. Lúc chúng tôi ra đi có hơn 500 người tham dự các buổi nhóm họp tại hội thánh địa phương.

Trước đó, khi tôi và cháu Miriam được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt ở Nicaragua, Miriam hỏi: “Ba ơi, nếu phải trở về Canada, ba có cho phép con ở lại đây không?” Tôi không hề có ý định ra đi, vì thế tôi đáp: “Ô, được thôi!” Vì vậy, khi chúng tôi đi, Miriam ở lại tiếp tục làm thánh chức trọn thời gian. Sau này, Miriam kết hôn với Andrew Reed. Năm 1984 cả hai theo học khóa 77 của Trường Ga-la-át, trường đào tạo giáo sĩ của Nhân Chứng Giê-hô-va bấy giờ ở Brooklyn, New York. Hiện nay Miriam cùng chồng phụng sự Đức Giê-hô-va ở xứ Cộng Hòa Dominican, và đạt được ý nguyện mà các giáo sĩ xuất sắc ở Nicaragua đã vun đắp trong lòng Miriam.

Trong thời gian đó, lời cha, “chúng ta không chịu thua dễ dàng” vẫn nóng bỏng trong lòng tôi. Thế nên năm 1981 khi đã dành dụm đủ tiền để trở lại Trung Mỹ, một lần nữa chúng tôi dọn nhà, lần này đến Costa Rica. Trong khi phụng sự tại đấy, chúng tôi được mời giúp xây dựng một chi nhánh mới. Tuy nhiên, vào năm 1985 chúng tôi phải trở về Canada vì Grant, con trai của chúng tôi cần được trị bệnh. Glen ở lại Costa Rica tiếp tục dự án xây dựng chi nhánh, trong khi Annette và Charmaine là tiên phong đặc biệt. Những người trong chúng tôi đã phải rời Costa Rica đều nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ được trở lại.

Đối phó với tai họa

Ngày 17 tháng 9 năm 1993, một ngày đẹp trời. Tôi và con trai lớn, Mark, đang lợp mái nhà. Cha con tôi vừa làm việc vừa chuyện trò về những vấn đề thiêng liêng như thường lệ. Bỗng dưng tôi mất thăng bằng lăn từ mái nhà rơi xuống đất. Tỉnh lại, tôi nhìn thấy ánh sáng chói chang và những người mặc áo trắng. Tôi đang nằm trong phòng cấp cứu của bệnh viện.

Nhờ sự dạy dỗ của Kinh Thánh, phản ứng đầu tiên của tôi là: “Không tiếp máu. Không tiếp máu!” (Công-vụ 15:28, 29) Thật yên tâm biết bao khi nghe tiếng Charmaine: “Ổn thôi, ba ạ. Tất cả chúng con đang ở đây”. Sau đó tôi được biết rằng các bác sĩ đã thấy thẻ không tiếp máu của tôi và đã không truyền máu. Tôi bị gãy cổ và hoàn toàn bị liệt, thậm chí thở cũng khó.

Nằm bất động, tôi càng cần được Đức Giê-hô-va nâng đỡ hơn bao giờ hết. Bác sĩ giải phẫu mở khí quản, đặt một ống thở vào bên trong và chặn không cho không khí đi qua những dây thanh âm của tôi. Tôi mất khả năng nói. Người ta phải quan sát cử động môi để hiểu tôi muốn nói gì.

Phí tổn tăng nhanh. Vì vợ và hầu hết các con của tôi đều làm thánh chức trọn thời gian, tôi băn khoăn không biết họ có phải ngưng thánh chức để lo về vấn đề tài chính hay không. Tuy nhiên, Mark đã tìm được việc, dù chỉ có ba tháng nhưng cũng đủ trang trải phần lớn phí tổn này. Kết quả là ngoại trừ vợ chồng tôi, các con tôi vẫn duy trì thánh chức trọn thời gian.

Trong phòng tôi tại bệnh viện, hàng trăm thiệp và thư từ sáu quốc gia khác nhau dán đầy trên tường. Đức Giê-hô-va đã thật sự nâng đỡ tôi. Hội thánh cũng giúp gia đình tôi bằng cách trợ cấp thức ăn cho vợ con tôi suốt năm tháng rưỡi tôi nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. Mỗi chiều có một trưởng lão đến đọc Kinh Thánh, và những ấn phẩm thuộc Kinh Thánh, cũng như kể cho tôi nghe những kinh nghiệm đầy khích lệ. Hai thành viên trong gia đình cùng tôi chuẩn bị mỗi buổi nhóm họp của hội thánh, nhờ thế tôi không bao giờ bỏ sót phần thức ăn thiêng liêng trọng yếu nào.

Lúc nằm viện, tôi đã được chuẩn bị để tham dự một chương trình hội nghị đặc biệt một ngày. Bệnh viện sắp xếp cho một y tá và một kỹ thuật viên về hô hấp cùng đi theo tôi cả ngày. Thật vui thích làm sao khi lại được ở giữa những anh chị em tín đồ Đấng Christ! Tôi không bao giờ quên được hình ảnh hàng trăm anh chị xếp hàng chờ đến phiên mình chào hỏi tôi.

Duy trì thiêng liêng tính

Sau tai nạn khoảng một năm, tôi được phép về nhà với gia đình dù vẫn cần y tá chăm sóc 24/24 giờ. Nhờ một chiếc xe được trang bị đặc biệt, tôi có thể thường xuyên đến dự các buổi nhóm họp. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng việc đi nhóm họp đòi hỏi quyết tâm cao. Từ lúc về nhà, tôi đã có thể tham dự tất cả các đại hội địa hạt.

Cuối cùng, vào tháng 2 năm 1997 tôi khôi phục khả năng nói được chút ít. Khi tôi chia sẻ niềm hy vọng của mình căn cứ trên Kinh Thánh, vài y tá phụ trách chăm sóc tôi lắng nghe. Một y tá đã đọc cho tôi nghe hết cuốn Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom (Nhân Chứng Giê-hô-va—Những người rao giảng về Nước Trời) cũng như những ấn phẩm khác của Hội Tháp Canh. Tôi liên lạc với người khác bằng cách dùng một cây que để đánh thư trên máy tính. Dù hình thức này rất nhàm chán nhưng vẫn đáng công vì có thể duy trì công việc rao giảng.

Tôi khổ sở nhiều vì thần kinh đau nhức. Nhưng dường như cơn đau dịu đi, khi chia sẻ với người khác về lẽ thật trong Kinh Thánh hoặc nghe đọc Kinh Thánh. Đôi khi, với sự giúp đỡ của vợ, tôi làm chứng trên đường phố. Khi tôi cần, vợ tôi giải thích giùm. Trong nhiều dịp, tôi được phụng sự như là một tiên phong phụ trợ. Được phụng sự với tư cách là một trưởng lão cũng mang lại niềm vui, đặc biệt khi các anh em đến với tôi tại các buổi họp hoặc tới nhà, tôi có dịp giúp và khuyến khích họ.

Tôi phải thừa nhận rằng thật dễ bị trầm uất. Vì thế, khi cảm thấy xuống tinh thần, ngay lập tức tôi cầu nguyện xin được ban cho niềm vui. Ngày và đêm tôi cầu xin Đức Giê-hô-va tiếp tục nâng đỡ tôi. Một lá thư hoặc một cuộc viếng thăm của người nào đó luôn khiến tôi vui vẻ. Đọc tạp chí Tháp Canh hoặc Tỉnh Thức! cũng làm tâm trí tôi đầy những ý tưởng xây dựng. Đôi khi, các y tá đọc sách báo này cho tôi nghe. Từ khi bị tai nạn, tôi nghe đọc toàn bộ cuốn Kinh Thánh bằng băng cassette bảy lần. Đây là một trong nhiều cách mà Đức Giê-hô-va đã nâng đỡ tôi.—Thi-thiên 41:3.

Hoàn cảnh thay đổi đã cho tôi nhiều thời gian để suy ngẫm về cách Đức Giê-hô-va, Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại, dạy chúng ta trong cuộc sống. Ngài ban cho chúng ta sự hiểu biết chính xác về ý muốn và chủ định của Ngài, một thánh chức đầy ý nghĩa, bí quyết cho hạnh phúc gia đình, và sự sáng suốt để đối phó với nghịch cảnh. Đức Giê-hô-va đã ban cho tôi một người vợ trung thành và tuyệt vời. Các con tôi cũng trung thành sát cánh bên tôi, và việc chúng phụng sự Đức Chúa Trời trọn thời gian là niềm vui cho tôi. Thật thế, ngày 11 tháng 3 năm 2000 con trai chúng tôi là Mark cùng vợ Allyson tốt nghiệp khóa 108 của Trường Ga-la-át và được bổ nhiệm đi Nicaragua. Tôi và vợ có đến dự lễ tốt nghiệp. Có thể nói tai họa đã thay đổi cuộc đời tôi nhưng không thể thay đổi tấm lòng tôi.—Thi-thiên 127:3, 4.

Tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va đã ban cho tôi sự khôn ngoan để có thể truyền lại gia đình di sản thiêng liêng mà tôi đã nhận được. Tôi vững lòng và được khích lệ khi nhìn thấy các con phụng sự Đấng Tạo Hóa với thái độ giống như cha tôi, người từng nói: “Chúng ta không chịu thua dễ dàng. Đức Giê-hô-va ra lệnh cho chúng ta phải đi rao giảng”. Thật thế, Đức Giê-hô-va luôn nâng đỡ gia đình chúng tôi.

[Hình nơi trang 24]

Cùng với cha, anh chị bên cạnh ngôi nhà di động trong thời gian làm tiên phong. Tôi đứng bên phải

[Hình nơi trang 26]

Với Myrna, vợ tôi

[Hình nơi trang 26]

Ảnh chụp gần đây của gia đình

[Hình nơi trang 27]

Tôi vẫn làm chứng qua thư từ