Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Niềm vui cho những ai bước đi trong sự sáng

Niềm vui cho những ai bước đi trong sự sáng

Niềm vui cho những ai bước đi trong sự sáng

“Hãy đến, chúng ta hãy bước đi trong sự sáng của Đức Giê-hô-va”.—Ê-SAI 2:5.

1, 2. (a) Ánh sáng quan trọng như thế nào? (b) Tại sao lời cảnh báo nói rằng tối tăm sẽ vây phủ đất rất nghiêm trọng?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là Nguồn ánh sáng. Kinh Thánh gọi Ngài là “Đấng đã ban mặt trời làm sự sáng ban ngày, ban thứ-tự mặt trăng và ngôi sao soi ban đêm”. (Giê-rê-mi 31:35; Thi-thiên 8:3) Chính Ngài là Đấng đã tạo ra mặt trời, một lò hạt nhân khổng lồ tỏa vô số năng lượng vào vũ trụ, một số dưới dạng ánh sáng và hơi nóng. Một tỷ lệ rất nhỏ lượng năng lượng đó chiếu đến chỗ chúng ta dưới dạng ánh sáng mặt trời, duy trì sự sống trên đất. Không có ánh sáng mặt trời, chúng ta không thể tồn tại. Trái đất sẽ thành một hành tinh chết.

2 Ghi nhớ điều đó, chúng ta mới ý thức được mức độ nghiêm trọng của tình huống mà nhà tiên tri Ê-sai mô tả. Ông nói: “Nầy, sự tối-tăm vây-phủ đất, sự u-ám bao-bọc các dân”. (Ê-sai 60:2) Dĩ nhiên, câu này không nói đến sự tối tăm theo nghĩa đen. Ê-sai không có ý nói rằng một ngày nào đó mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao sẽ ngưng chiếu sáng. (Thi-thiên 89:36, 37; 136:7-9) Đúng hơn, ông đang nói về sự tối tăm về phương diện thiêng liêng. Nhưng sự tối tăm này cũng dẫn đến sự chết. Về lâu về dài, chúng ta không thể sống thiếu ánh sáng thiêng liêng, cũng như chúng ta không thể sống thiếu ánh sáng mặt trời.—Lu-ca 1:79.

3. Ý thức được những lời của Ê-sai, tín đồ Đấng Christ nên làm gì?

3 Ý thức được điều này, chúng ta cần nghiêm túc lưu ý rằng mặc dù những lời của Ê-sai đã được ứng nghiệm trên nước Giu-đa xưa, ngày nay nó đang được ứng nghiệm ở tầm mức lớn hơn. Thật vậy, sự tối tăm về mặt thiêng liêng đang vây phủ thế giới ngày nay. Trong tình hình nguy kịch đó, ánh sáng thiêng liêng là điều vô cùng quan trọng. Đó là lý do tại sao tín đồ Đấng Christ nên nghe theo lời khuyên giục của Chúa Giê-su: “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta”. (Ma-thi-ơ 5:16) Những tín đồ Đấng Christ trung thành có thể soi sáng cho những người nhu mì, qua đó cho họ cơ hội để được sống.—Giăng 8:12.

Thời kỳ đen tối của Y-sơ-ra-ên

4. Khi nào lời tiên tri của Ê-sai được ứng nghiệm lần đầu tiên, nhưng từ thời ông đã có tình trạng nào?

4 Những lời của Ê-sai về sự tối tăm vây phủ đất được ứng nghiệm lần đầu khi nước Giu-đa bị bỏ hoang, còn dân thì bị lưu đày sang Ba-by-lôn. Tuy nhiên, sự tối tăm về mặt thiêng liêng đã vây phủ phần lớn vương quốc này từ trước đó, ngay từ thời của Ê-sai, vì thế nhà tiên tri đã thúc giục dân sự mình: “Hỡi nhà Gia-cốp, hãy đến, chúng ta hãy bước đi trong sự sáng của Đức Giê-hô-va”!—Ê-sai 2:5; 5:20.

5, 6. Những yếu tố nào đã góp phần tạo nên sự tối tăm vào thời Ê-sai?

5 Ê-sai nói tiên tri ở Giu-đa vào “đời Ô-xia, Giô-tham, A-cha và Ê-xê-chia, là các vua nước Giu-đa”. (Ê-sai 1:1) Đó là một thời kỳ loạn lạc với tình hình chính trị bất ổn, tôn giáo giả hình, công lý thối nát, và người nghèo bị hiếp đáp. Ngay cả vào triều đại các vị vua trung thành như Giô-tham, người ta vẫn có thể tìm thấy bàn thờ thần giả trên nhiều đỉnh đồi. Dưới thời các vua bất trung, tình hình còn tồi tệ hơn. Điển hình như Vua A-cha hung ác còn dâng cả con mình để tế thần Mô-lóc. Tình hình thật đen tối!—2 Các Vua 15:32-34; 16:2-4.

6 Tình hình ngoài nước cũng u ám. Các dân Mô-áp, Ê-đôm và Phi-li-tin luôn đe dọa các vùng biên giới của Giu-đa. Nước Y-sơ-ra-ên ở phía bắc, dù là anh em, cũng là kẻ thù không đội trời chung. Xa hơn về phía bắc, xứ Sy-ri đe dọa nền hòa bình của Giu-đa. Thậm chí còn nguy hiểm hơn nữa là quân A-si-ri hung tàn, luôn tìm cách bành trướng thế lực. Vào thời Ê-sai tiên tri, A-si-ri đã hoàn toàn xóa tên nước Y-sơ-ra-ên khỏi bản đồ và hủy phá phần lớn nước Giu-đa. Đã có lúc mọi thành kiên cố của Giu-đa, trừ Giê-ru-sa-lem, đều rơi vào tay A-si-ri.—Ê-sai 1:7, 8; 36:1.

7. Y-sơ-ra-ên và Giu-đa đã chọn con đường nào, và Đức Giê-hô-va đã phản ứng thế nào?

7 Dân đã lập giao ước với Đức Chúa Trời phải chịu nhiều tai họa như thế vì cả hai nước Y-sơ-ra-ên và Giu-đa đều bất trung với Ngài. Như những kẻ được nói đến trong sách Châm-ngôn, họ đã “bỏ đường ngay-thẳng, mà đi theo các lối tối-tăm”. (Châm-ngôn 2:13) Mặc dù tức giận với dân Ngài, Đức Giê-hô-va không hoàn toàn bỏ họ. Thay vì thế, Ngài dấy lên Ê-sai và các nhà tiên tri khác để cung cấp ánh sáng thiêng liêng cho những người vẫn cố gắng trung thành phụng sự Ngài trong xứ. Ánh sáng được cung cấp qua các nhà tiên tri này thật vô cùng quý giá. Nó đem lại sự sống.

Thời kỳ đen tối ngày nay

8, 9. Những yếu tố nào góp phần tạo nên sự tối tăm trên thế giới ngày nay?

8 Tình hình ngày nay rất giống thời Ê-sai. Vào thời chúng ta, các nhà lãnh đạo không thừa nhận Đức Giê-hô-va và Vị Vua do Ngài tấn phong, Chúa Giê-su Christ. (Thi-thiên 2:2, 3) Các nhà lãnh đạo tôn giáo của các đạo tự xưng theo Đấng Christ thì lừa bịp giáo dân của họ. Họ tự xưng là thờ Đức Chúa Trời nhưng trên thực tế lại đề cao các thần của thế gian, như chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa quân phiệt, sự giàu có và các nhân vật tiếng tăm, đó là chưa kể đến việc họ dạy dỗ những giáo lý ngoại giáo.

9 Hết nơi này đến nơi khác, các đạo tự xưng theo Đấng Christ dính líu đến các cuộc chiến tranh và nội chiến mang tính chất thanh lọc chủng tộc và những điều khủng khiếp khác. Hơn nữa, thay vì ủng hộ tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh, nhiều nhà thờ lại làm ngơ hoặc ngay cả tích cực bênh vực những thực hành vô luân như tà dâm và đồng tính luyến ái. Vì khước từ các tiêu chuẩn của Kinh Thánh, nên giáo dân của các đạo tự xưng theo Đấng Christ trở nên giống như những kẻ được người viết Thi-thiên xưa mô tả: “Chúng nó không biết chi, cũng chẳng hiểu chi; chúng nó đi qua đi lại trong sự tối-tăm”. (Thi-thiên 82:5) Quả thật, các đạo tự xưng theo Đấng Christ giống như nước Giu-đa xưa đang ở trong sự tối tăm mù mịt.—Khải-huyền 8:12.

10. Ngày nay, ánh sáng chiếu soi thế nào trong sự tối tăm, và những người nhu mì được lợi ích ra sao?

10 Trong sự tối tăm đó, Đức Giê-hô-va đang khiến ánh sáng soi chiếu cho những người nhu mì. Để làm điều này, Ngài dùng những tôi tớ được xức dầu trên đất, lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, là những người đang “chiếu sáng như đuốc trong thế-gian”. (Ma-thi-ơ 24:45; Phi-líp 2:15) Với sự hỗ trợ của hàng triệu “chiên khác”, lớp đầy tớ này đang phản chiếu ánh sáng thiêng liêng dựa trên Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh. (Giăng 10:16) Trong thế giới tối tăm này, ánh sáng đó giúp những người nhu mì tìm được hy vọng, tạo mối liên lạc với Đức Chúa Trời, và tránh những cạm bẫy về mặt thiêng liêng. Ánh sáng này thật quý giá và đem lại sự sống.

“Tôi ngợi-khen danh Ngài”

11. Đức Giê-hô-va cho biết thông tin nào vào thời Ê-sai?

11 Trong những ngày tối tăm thời Ê-sai và những ngày thậm chí còn đen tối hơn khi dân Đức Giê-hô-va bị Ba-by-lôn bắt làm phu tù, Đức Giê-hô-va đã cung cấp loại hướng dẫn nào? Bên cạnh sự hướng dẫn đạo đức, Ngài còn cho biết trước rõ ràng về cách Ngài sẽ làm thành các ý định đối với dân Ngài. Chẳng hạn, hãy xem xét lời tiên tri tuyệt diệu được ghi nơi Ê-sai chương 25 đến 27. Những chương này cho biết Đức Giê-hô-va đã điều khiển sự việc thế nào vào thời xưa và cách Ngài làm điều đó ngày nay.

12. Ê-sai đã thốt lên lời tôn vinh nhiệt thành nào?

12 Trước hết, Ê-sai tuyên bố: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là Đức Chúa Trời tôi! Tôi tôn-sùng Ngài, tôi ngợi-khen danh Ngài”. Quả là một lời tôn vinh đầy nhiệt thành! Điều gì đã khiến nhà tiên tri thốt lên lời cầu nguyện đó? Nhân tố chính được tiết lộ trong vế thứ hai của câu: “Vì Ngài [Đức Giê-hô-va] đã làm những sự mới-lạ, là những mưu đã định từ xưa, cách thành-tín chân thật”.—Ê-sai 25:1.

13. (a) Sự hiểu biết nào đã làm tăng thêm lòng quý trọng của Ê-sai đối với Đức Giê-hô-va? (b) Làm thế nào noi theo gương mẫu của Ê-sai?

13 Trước thời Ê-sai, Đức Giê-hô-va đã làm nhiều điều kỳ diệu cho Y-sơ-ra-ên, và những điều này đều được ghi lại. Hiển nhiên, Ê-sai biết rõ những lời tường thuật này. Thí dụ, ông biết Đức Giê-hô-va đã giải phóng dân Ngài khỏi ách nô lệ Ai Cập và cứu họ khỏi cơn cuồng nộ của quân đội Pha-ra-ôn tại Biển Đỏ. Ông biết Đức Giê-hô-va đã dẫn dắt dân Ngài qua đồng vắng và đưa họ vào Đất Hứa. (Thi-thiên 136:1, 10-26) Những lời tường thuật lịch sử như thế cho thấy Giê-hô-va Đức Chúa Trời là thành tín và đáng tin tưởng. “Mưu” của Ngài—tất cả ý định của Ngài—đều thành hiện thực. Sự hiểu biết chính xác mà Đức Chúa Trời ban cho Ê-sai đã khiến ông vững lòng tiếp tục bước đi trong sự sáng. Vì thế, ông là một gương mẫu cho chúng ta noi theo. Nếu cẩn thận học hỏi và áp dụng Lời Đức Chúa Trời được ghi lại, chúng ta cũng sẽ tiếp tục ở trong sự sáng.—Thi-thiên 119:105; 2 Cô-rinh-tô 4:6.

Một thành bị phá hủy

14. Lời tiên tri nói gì về một thành, và có thể đó là thành nào?

14 Một trong những mưu định của Đức Chúa Trời được tìm thấy nơi Ê-sai 25:2: “Ngài đã làm cho thành trở nên gò-đống, thành bền-vững trở nên nơi đổ-nát. Đền-đài của dân ngoại chẳng phải là thành nữa, sẽ chẳng hề xây lại”. Đó là thành nào? Có lẽ Ê-sai nói tiên tri về Ba-by-lôn. Quả thật, việc Ba-by-lôn chỉ còn là gò đống đã thành hiện thực.

15. “Cái thành lớn” nào đang tồn tại ngày nay, và điều gì sẽ xảy ra cho nó?

15 Thành mà Ê-sai nói tới có sự tương ứng nào ngày nay không? Có. Sách Khải-huyền có nói tới “cái thành lớn hành quyền trên các vua ở thế-gian”. (Khải-huyền 17:18) Thành lớn đó là “Ba-by-lôn Lớn”, đế quốc tôn giáo giả thế giới. (Khải-huyền 17:5) Ngày nay, thành phần chính của Ba-by-lôn Lớn là các đạo tự xưng theo Đấng Christ với hàng giáo phẩm đang dẫn đầu trong việc chống lại hoạt động rao giảng Nước Trời của dân Đức Giê-hô-va. (Ma-thi-ơ 24:14) Tuy nhiên, giống như thành Ba-by-lôn xưa, không bao lâu nữa Ba-by-lôn Lớn sẽ bị hủy diệt, không bao giờ được dựng lại.

16, 17. Kẻ thù của Đức Giê-hô-va đã buộc phải tôn vinh Ngài như thế nào trong thời xưa và thời hiện đại?

16 Ê-sai còn tiên tri điều gì khác về “thành bền-vững”? Ông nói với Đức Giê-hô-va: “Một dân cường-thạnh sẽ tôn-vinh Ngài; thành của các dân-tộc đáng kinh-hãi sẽ kính-sợ Ngài”. (Ê-sai 25:3) Làm sao cái thành thù địch này, “thành của các dân-tộc đáng kinh-hãi”, lại tôn vinh Đức Giê-hô-va? Hãy nhớ lại điều đã xảy ra cho vị vua cường thịnh nhất của Ba-by-lôn, Vua Nê-bu-cát-nết-sa. Trải qua một kinh nghiệm đáng suy nghĩ, ông thấy rõ sự hạn chế của mình và buộc phải thừa nhận sự vĩ đại và toàn năng của Đức Giê-hô-va. (Đa-ni-ên 4:34, 35) Một khi Đức Giê-hô-va dùng uy lực, ngay cả kẻ thù của Ngài, dù không muốn, cũng buộc phải nhìn nhận những công việc đầy quyền năng của Ngài.

17 Ba-by-lôn Lớn có bao giờ bị buộc phải nhìn nhận những công việc đầy quyền năng của Đức Giê-hô-va chưa? Có. Trong suốt thế chiến thứ nhất, các tôi tớ được xức dầu của Đức Giê-hô-va đã rao giảng trong nghịch cảnh. Vào năm 1918, họ bị bắt làm phu tù theo nghĩa thiêng liêng khi những thành viên đứng đầu Hội Tháp Canh bị bỏ tù. Công việc rao giảng có tổ chức hầu như bị đình chỉ. Nhưng, vào năm 1919, họ được Đức Giê-hô-va phục hồi và thêm sức qua thánh linh, và nhờ đó họ bắt tay thực hiện sứ mạng rao giảng tin mừng trên khắp đất. (Mác 13:10) Tất cả điều này, kể cả phản ứng của kẻ thù đã được tiên tri trong sách Khải-huyền. Những kẻ thù “thất-kinh và ngợi-khen Đức Chúa Trời trên trời”. (Khải-huyền 11:3, 7, 11-13) Điều này không có nghĩa là hết thảy họ đều cải đạo, nhưng họ buộc phải thừa nhận công việc đầy quyền năng của Đức Giê-hô-va khi đó, như Ê-sai đã báo trước.

“Nơi bền-vững cho kẻ thấp hèn”

18, 19. (a) Tại sao kẻ thù không phá vỡ được lòng trung thành của dân Đức Giê-hô-va? (b) Làm thế nào “tiếng hát mừng của kẻ cường-bạo” sẽ bị ngừng lại?

18 Bây giờ lưu ý đến cách đối đãi nhân từ của Đức Giê-hô-va với những người bước đi trong sự sáng, Ê-sai nói với Ngài: “Ngài là nơi bền-vững cho kẻ nghèo [“thấp hèn”, NW], đồn-lũy cho kẻ thiếu-thốn trong lúc khó-khăn, chỗ đụt cho khỏi bão, chỗ bóng mát cho khỏi nắng, khi những kẻ cường-bạo thổi hơi ra như bão, xông vào tường-thành. Ngài sẽ dứt sự ồn-ào của dân ngoại, như trừ khí nóng trong nơi đất hạn; ngừng tiếng hát mừng của kẻ cường-bạo, như hơi nắng tan đi bởi bóng mây”.—Ê-sai 25:4, 5.

19 Từ năm 1919, những kẻ cường bạo đã cố dùng mọi cách hòng phá vỡ lòng trung thành của những người thờ phượng thật, nhưng đã thất bại. Tại sao? Vì Đức Giê-hô-va là nơi trú náu bền vững của dân Ngài. Ngài cung cấp bóng mát cứu họ khỏi hơi nóng của sự bắt bớ và là bức tường kiên cố cản lại cơn bão chống đối. Với lòng tin chắc, chúng ta, những người bước đi trong sự sáng của Đức Chúa Trời, trông mong đến thời khắc khi ‘tiếng hát mừng của kẻ cường bạo sẽ ngừng lại’. Vâng, chúng ta háo hức chờ đợi ngày kẻ thù của Đức Giê-hô-va sẽ biến mất.

20, 21. Đức Giê-hô-va ban cho tiệc yến nào, và tiệc yến đó sẽ bao gồm cả điều gì trong thế giới mới?

20 Đức Giê-hô-va không chỉ che chở tôi tớ Ngài mà còn chu cấp cho họ như một người Cha đầy yêu thương. Sau khi giải thoát dân Ngài khỏi Ba-by-lôn Lớn vào năm 1919, Ngài đặt trước mặt họ một tiệc yến chiến thắng, với vô số đồ ăn thiêng liêng. Điều này đã được báo trước nơi Ê-sai 25:6: “Đức Giê-hô-va vạn-quân sẽ ban cho mọi dân-tộc, tại trên núi nầy, một tiệc yến đồ béo, một diên rượu ngon, đồ béo có tủy, rượu ngon lọc sạch”. Chúng ta thật có phước biết bao khi được tham dự yến tiệc đó! (Ma-thi-ơ 4:4) “Tiệc của Chúa [Giê-hô-va]” quả thật đầy những đồ ăn thơm ngon. (1 Cô-rinh-tô 10:21) Qua lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, chúng ta đang được cung cấp mọi thứ mình cần về phương diện thiêng liêng.

21 Bàn tiệc của Đức Chúa Trời còn có nhiều thứ khác nữa. Bữa tiệc thiêng liêng mà chúng ta đang được hưởng nhắc chúng ta nhớ đến vô số thức ăn vật chất sẽ có trong thế giới mới mà Đức Chúa Trời đã hứa. Khi đó, “tiệc yến đồ béo” sẽ bao gồm cả đồ ăn vật chất dồi dào. Không còn có người đói theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa thiêng liêng. Thật là một sự giải thoát cho những người trung thành hiện đang khổ cực vì cảnh “đói-kém” được báo trước trong “điềm” về sự hiện diện của Chúa Giê-su! (Ma-thi-ơ 24:3, 7) Những lời của người viết Thi-thiên thật an ủi đối với họ. Ông nói: “Sẽ có dư-dật ngũ-cốc trên đất và trên đỉnh các núi”.—Thi-thiên 72:16.

22, 23. (a) “Cái màn” hay “đồ đắp” nào sẽ bị loại bỏ, và bằng cách nào? (b) ‘Lời chê trách dân Đức Giê-hô-va’ sẽ bị loại bỏ như thế nào?

22 Bây giờ hãy lắng nghe một lời hứa còn tuyệt diệu hơn nữa. Ví tội lỗi và sự chết như “cái màn” hay “đồ đắp”, Ê-sai nói: “Tại trên núi nầy [Đức Giê-hô-va] sẽ trừ-diệt mặt của đồ đắp trên muôn dân, và cái màn che-phủ mọi dân-tộc”. (Ê-sai 25:7) Hãy nghĩ xem! Tội lỗi và sự chết đã đè nặng trên nhân loại như một tấm chăn làm ngộp thở sẽ không còn nữa. Chúng ta trông mong xiết bao đến ngày những lợi ích của giá chuộc hy sinh của Chúa Giê-su sẽ được ứng dụng trọn vẹn cho nhân loại biết vâng lời và trung thành!—Khải-huyền 21:3, 4.

23 Chỉ về thời điểm vinh quang đó, nhà tiên tri được soi dẫn bảo đảm với chúng ta: “[Đức Chúa Trời sẽ] nuốt sự chết đến đời đời. Chúa Giê-hô-va sẽ lau nước mắt khỏi mọi mặt, và trừ-bỏ sự xấu-hổ của dân Ngài [“lời chê trách dân Ngài”, NW] khỏi cả thế-gian; vì Đức Giê-hô-va đã phán vậy”. (Ê-sai 25:8) Sẽ không còn ai phải chết vì già yếu hoặc than khóc vì mất người thân yêu. Thật là một sự thay đổi đầy ân phước! Ngoài ra, sẽ không nơi nào trên đất còn nghe thấy những lời chê trách và tuyên truyền giả dối mà Đức Chúa Trời và các tôi tớ Ngài đã phải chịu đựng từ bao lâu nay. Tại sao không? Bởi vì Đức Giê-hô-va sẽ loại trừ nguồn của những điều đó—cha sự nói dối, Sa-tan Ma-quỉ, cùng với tất cả dòng dõi nó.—Giăng 8:44.

24. Những người bước đi trong sự sáng phản ứng thế nào trước những công việc đầy quyền năng Đức Giê-hô-va làm cho họ?

24 Khi suy ngẫm về những biểu hiện đó của quyền năng Đức Giê-hô-va, những người bước đi trong sự sáng xúc động kêu lên: “Kìa, ấy là Đức Chúa Trời chúng ta; chúng ta đã mong-đợi Ngài, và Ngài sẽ cứu chúng ta. Ấy là Đức Giê-hô-va; chúng ta đã mong-đợi Ngài, chúng ta sẽ nức lòng mừng-rỡ và đồng vui về sự cứu-rỗi của Ngài!” (Ê-sai 25:9) Chẳng bao lâu nữa, nhân loại công bình sẽ có mọi lý do để vui mừng. Bóng tối sẽ hoàn toàn bị xua tan và những người trung thành sẽ đi trong ánh sáng của Đức Giê-hô-va mãi mãi. Có niềm hy vọng nào rực rỡ hơn thế không? Quả thật là không!

Bạn có thể giải thích không?

• Tại sao bước đi trong sự sáng là điều vô cùng quan trọng ngày nay?

• Tại sao Ê-sai đã ngợi khen danh Đức Giê-hô-va?

• Tại sao kẻ thù sẽ không bao giờ phá vỡ được lòng trung thành của dân Đức Chúa Trời?

• Những ân phước dồi dào nào đang chờ đón những người bước đi trong sự sáng?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 12, 13]

Dân Giu-đa dâng con mình cho Mô-lóc

[Các hình nơi trang 15]

Vì hiểu biết công việc quyền năng của Đức Giê-hô-va, Ê-sai được thúc đẩy ngợi khen danh Ngài

[Hình nơi trang 16]

Người công bình sẽ đi trong ánh sáng của Đức Giê-hô-va mãi mãi