Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự cứu rỗi cho những ai chọn ánh sáng

Sự cứu rỗi cho những ai chọn ánh sáng

Sự cứu rỗi cho những ai chọn ánh sáng

“Đức Giê-hô-va là ánh-sáng và là sự cứu-rỗi tôi: Tôi sẽ sợ ai?”—THI-THIÊN 27:1.

1. Đức Giê-hô-va đã cung cấp những điều gì để duy trì sự sống?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là Nguồn của ánh sáng mặt trời, khiến sự sống có thể tồn tại trên đất. (Sáng-thế Ký 1:2, 14) Ngài cũng là Đấng tạo ra ánh sáng thiêng liêng xua tan sự tối tăm gây chết chóc trong thế gian của Sa-tan. (Ê-sai 60:2; 2 Cô-rinh-tô 4:6; Ê-phê-sô 5:8-11; 6:12) Những người chọn sự sáng có thể cùng hô vang với người viết Thi-thiên: “Đức Giê-hô-va là ánh-sáng và là sự cứu-rỗi tôi: Tôi sẽ sợ ai?” (Thi-thiên 27:1a) Trái lại, như đã xảy ra trong thời Chúa Giê-su, những kẻ thích sự tối tăm không thể mong đợi gì khác hơn ngoài sự phán xét.—Giăng 1:9-11; 3:19-21, 36.

2. Điều gì đã xảy ra cho những kẻ từ chối ánh sáng của Đức Giê-hô-va, và cho những người lắng nghe lời Ngài thời xưa?

2 Vào thời Ê-sai, phần lớn dân đã lập giao ước với Đức Giê-hô-va đều từ chối ánh sáng. Hậu quả là cả vương quốc Y-sơ-ra-ên ở phía bắc đã bị hủy diệt trước sự chứng kiến của Ê-sai. Sau đó, vào năm 607 TCN, Giê-ru-sa-lem cùng đền thờ cũng bị phá hủy, còn dân Giu-đa bị lưu đày. Tuy nhiên, những người lắng nghe lời Đức Giê-hô-va thì được thêm sức để cưỡng lại sự bội đạo thời đó. Về biến cố năm 607 TCN, Đức Giê-hô-va hứa những ai lắng nghe Ngài sẽ được sống sót. (Giê-rê-mi 21:8, 9) Ngày nay chúng ta, những người yêu thích ánh sáng, có thể học được nhiều điều từ những gì đã xảy ra vào thời đó.—Ê-phê-sô 5:5.

Hạnh phúc của những người ở nơi sáng

3. Ngày nay, chúng ta có niềm tin nào, chúng ta yêu mến “dân công-bình” nào, và “dân” đó có “thành bền-vững” nào?

3 “Chúng ta có thành bền-vững! [Đức Chúa Trời] lấy sự cứu làm tường làm lũy! Hãy mở các cửa, cho dân công-bình trung-tín vào đó!” (Ê-sai 26:1, 2) Đây là lời reo mừng của những người nương cậy nơi Đức Giê-hô-va. Những người Do Thái trung thành thời Ê-sai xem Đức Giê-hô-va là nguồn che chở thật duy nhất, chứ không phải các thần giả của đồng bào họ. Ngày nay, chúng ta cũng có cùng niềm tin như thế. Ngoài ra, chúng ta còn yêu mến “dân công-bình” của Đức Giê-hô-va, “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”. (Ga-la-ti 6:16; Ma-thi-ơ 21:43) Đức Giê-hô-va cũng yêu mến dân này vì sự trung tín của họ. Được Ngài ban phước, dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời có một “thành bền-vững”, một tổ chức có cơ cấu như một thành phố, để hỗ trợ và che chở họ.

4. Chúng ta nên vun trồng thái độ nào?

4 Những người ở trong “thành” này biết rõ rằng “người nào để trí mình nương-dựa nơi [Đức Giê-hô-va], thì Ngài sẽ gìn-giữ người trong sự bình-yên trọn-vẹn, vì người nhờ-cậy Ngài”. Đức Giê-hô-va nâng đỡ những ai để tâm trí nương cậy nơi Ngài và làm theo những nguyên tắc công bình của Ngài. Đó là lý do tại sao những người Giu-đa trung thành đã nghe theo lời khuyên giục của Ê-sai: “Hãy nhờ-cậy Đức Giê-hô-va đời đời, vì Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va, là vầng đá của các thời-đại!” ­(Ê-sai 26:3, 4; Thi-thiên 9:10; 37:3; Châm-ngôn 3:5) Những người có thái độ như thế xem Đức Giê-hô-va là Vầng Đá an toàn duy nhất. Họ vui hưởng “sự bình-yên trọn-vẹn” với Ngài.—Phi-líp 1:2; 4:6, 7.

Kẻ thù của Đức Chúa Trời bị hạ bệ

5, 6. (a) Ba-by-lôn xưa đã bị hạ bệ như thế nào? (b) “Ba-by-lôn Lớn” đã bị hạ bệ theo cách nào?

5 Vậy khi những người nương cậy nơi Đức Giê-hô-va bị tai họa thì sao? Họ không phải sợ hãi. Đức Giê-hô-va chỉ cho phép điều đó xảy ra tạm thời, cuối cùng Ngài cũng giải thoát họ, còn những kẻ đã gây tai họa thì phải chịu sự đoán xét. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:4-7; 2 Ti-mô-thê 1:8-10) Hãy xem trường hợp của một “thành cao-ngất” kia. Ê-sai nói: “[Đức Giê-hô-va] đã dằn những người ở nơi cao; đã phá đổ thành cao-ngất, hạ xuống tới đất, sa vào bụi-bặm, bị giày-đạp dưới chân, bị bàn chân kẻ nghèo-nàn thiếu-thốn [“bị làm khổ”, NW] bước lên trên và nghiền nát”. (Ê-sai 26:5, 6) Thành cao ngất được nói đến ở đây có thể là Ba-by-lôn. Thành đó chắc chắn đã làm khổ dân Đức Chúa Trời. Nhưng điều gì đã xảy ra cho nó? Vào năm 539 TCN, nó đã phải đầu hàng người Mê-đi và Phe-rơ-sơ. Quả là một sự hạ bệ!

6 Vào thời chúng ta, lời tiên tri của Ê-sai mô tả rất đúng những gì đã xảy ra cho “Ba-by-lôn Lớn” kể từ năm 1919. Thành cao ngất này đã đổ một cách nhục nhã vào năm đó khi bị buộc phải thả dân Đức Giê-hô-va khỏi cảnh làm phu tù về thiêng liêng. (Khải-huyền 14:8) Những gì xảy ra sau đó thậm chí còn nhục nhã hơn. Nhóm nhỏ tín đồ Đấng Christ thời đó đã quay lại “giày-đạp” kẻ đã giam cầm họ. Vào năm 1922, họ bắt đầu thông báo sự kết liễu gần kề của các đạo tự xưng theo Đấng Christ, rao báo về bốn tiếng loa của các thiên sứ được ghi nơi Khải-huyền 8:7-12 và ba nạn được báo trước nơi Khải-huyền 9:1–11:15.

“Đường của người công-bình là ngay-thẳng”

7. Những người tìm đến ánh sáng của Đức Giê-hô-va nhận được sự hướng dẫn nào, họ quý mến gì và đặt hy vọng nơi ai?

7 Đức Giê-hô-va cứu chuộc những ai tìm đến ánh sáng Ngài và hướng dẫn đường lối họ, như Ê-sai cho thấy tiếp theo: “Đường của người công-bình là ngay-thẳng; Ngài là Đấng ngay-thẳng ban bằng đường của người công-bình. Hỡi Đức Giê-hô-va, thật chúng tôi đứng trên đường phán-xét mà trông-đợi Ngài; danh Ngài, là sự ghi-nhớ Ngài, vốn là sự ao-ước của linh-hồn chúng tôi”. (Ê-sai 26:7, 8) Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời công bình, và những người thờ phượng Ngài đều phải vâng giữ những tiêu chuẩn công bình của Ngài. Khi họ làm thế, Đức Giê-hô-va dẫn dắt họ, ban bằng đường lối họ. Bằng cách nghe theo sự hướng dẫn Ngài, những người nhu mì này cho thấy họ đặt hy vọng nơi Đức Giê-hô-va và hết lòng quý mến danh Ngài—tức “sự kỷ-niệm” về Ngài.—Xuất Ê-díp-tô Ký 3:15.

8. Ê-sai bày tỏ thái độ gương mẫu nào?

8 Ê-sai rất quý mến danh Đức Giê-hô-va. Điều này được thể hiện rõ trong những lời tiếp theo của ông: “Đương ban đêm, linh-hồn tôi đã ao-ước Ngài; phải, thần-linh trong tôi sẽ thiết-tha tìm Ngài; vì khi những sự phán-xét Ngài làm ra trên đất, dân-cư của thế-gian đều học sự công-bình”. (Ê-sai 26:9) Ê-sai ao ước Đức Giê-hô-va với cả “linh-hồn”—cả thân mình. Hãy hình dung hình ảnh nhà tiên tri đang cầu nguyện cùng Đức Giê-hô-va trong màn đêm tĩnh lặng, bày tỏ cùng Ngài những tư tưởng sâu kín nhất và thiết tha tìm kiếm sự hướng dẫn của Ngài. Thật là một gương mẫu tốt biết bao! Ngoài ra, Ê-sai còn học sự công bình từ những phán xét của Đức Giê-hô-va. Ông nhắc chúng ta nhớ mình cần luôn đề cao cảnh giác, tỉnh táo để nhận biết ý muốn Đức Giê-hô-va.

Một số người chọn sự tối tăm

9, 10. Đức Giê-hô-va đã đối xử nhân từ ra sao với dân tộc bất trung của Ngài, nhưng họ đã đáp lại thế nào?

9 Đức Giê-hô-va đã bày tỏ lòng nhân từ vô biên với Giu-đa nhưng đáng buồn thay không phải hết thảy dân sự đều đáp lại lòng thương xót của Ngài. Đa số thường chọn đường phản nghịch và bội đạo hơn là ánh sáng lẽ thật của Đức Giê-hô-va. Ê-sai nói: “Kẻ ác dầu có được ơn, cũng chẳng học sự công-bình; song nó sẽ làm điều ác trong đất ngay-thẳng, và không nhìn-xem uy-nghiêm của Đức Giê-hô-va”.—Ê-sai 26:10.

10 Vào thời Ê-sai, Đức Giê-hô-va đã ra tay bảo vệ Giu-đa khỏi những kẻ thù của họ, nhưng phần đông dân chúng đều phủ nhận điều đó. Khi Ngài ban cho họ hòa bình, dân này cũng không bày tỏ lòng biết ơn. Vì thế, Đức Giê-hô-va đã bỏ mặc họ phải phục vụ “chủ khác” khi Ngài cho phép dân Do Thái bị bắt đi làm phu tù ở Ba-by-lôn vào năm 607 TCN. (Ê-sai 26:11-13) Tuy nhiên, cuối cùng phần sót lại của dân này, sau khi đã chịu sửa trị, đã được trở về quê hương.

11, 12. (a) Tương lai của kẻ đã bắt Giu-đa làm phu tù ra sao? (b) Vào năm 1919, tương lai của kẻ đã bắt các tôi tớ được xức dầu của Đức Giê-hô-va làm phu tù ra sao?

11 Còn kẻ bắt dân Giu-đa làm phu tù thì sao? Ê-sai báo trước: “Họ đã chết, sẽ không sống nữa, đã thành âm-hồn không dậy nữa: vì Ngài đã phạt và diệt họ, cho đến sự ghi-nhớ họ, Ngài cũng làm ra hư-không”. (Ê-sai 26:14) Thật vậy, sau khi bị sụp đổ vào năm 539 TCN, Ba-by-lôn đã hết tương lai. Cuối cùng, thành phố này không còn nữa. Nó thành “âm-hồn không dậy nữa”, và đế quốc rộng lớn của nó chỉ còn lại trong sử sách. Thật là một sự cảnh cáo đáng sợ cho những ai đặt hy vọng nơi các thế lực của thế gian này!

12 Một số khía cạnh của lời tiên tri này đã ứng nghiệm khi Đức Chúa Trời cho phép những tôi tớ được xức dầu của Ngài bị phu tù về thiêng liêng vào năm 1918 và sau đó giải thoát họ vào năm 1919. Từ đó trở đi, tương lai của kẻ đã bắt họ làm phu tù, chủ yếu là các đạo tự xưng theo Đấng Christ, thật u ám. Ngược lại những ân phước đã dành sẵn cho dân Đức Giê-hô-va thì thật dồi dào.

“Ngài đã thêm dân nầy lên”

13, 14. Những tôi tớ được xức dầu của Đức Giê-hô-va được vui hưởng những ân phước dồi dào nào từ năm 1919?

13 Đức Chúa Trời đã ban phước cho thái độ ăn năn của các tôi tớ được xức dầu của Ngài vào năm 1919 và cho họ được gia tăng. Trước hết, những thành viên cuối cùng của dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời được thu nhóm, rồi sau đó đến lượt đám đông “vô-số người” thuộc nhóm “chiên khác”. (Khải-huyền 7:9; Giăng 10:16) Những ân phước này đã được báo trước trong lời tiên tri của Ê-sai: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã thêm dân nầy lên, phải, Ngài đã thêm dân nầy lên. Ngài đã được vinh-hiển, đã mở-mang bờ-cõi đất nầy. Hỡi Đức Giê-hô-va, họ đã tìm-kiếm Ngài trong lúc ngặt-nghèo, kêu-cầu Ngài khi Ngài sửa-phạt họ”.—Ê-sai 26:15, 16.

14 Ngày nay, bờ cõi nước Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời đã mở rộng ra khắp đất, và đám đông được thêm vào nay đã lên đến khoảng sáu triệu người nhiệt tình tham gia công việc rao báo tin mừng. (Ma-thi-ơ 24:14) Quả là một sự ban phước của Đức Giê-hô-va! Và nhờ đó danh Ngài được vinh hiển biết bao! Người ta đã được nghe đến danh đó trong 235 xứ—thật là một sự ứng nghiệm tuyệt vời lời hứa của Ngài.

15. Sự hồi sinh nào theo nghĩa bóng đã xảy ra vào năm 1919?

15 Nhờ sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, dân Giu-đa mới thoát khỏi cảnh bị đày ở Ba-by-lôn. Chỉ với sức mình, chắc chắn họ đã không thể làm được điều đó. (Ê-sai 26:17, 18) Cũng vậy, sự tự do của dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời vào năm 1919 là bằng chứng cho thấy họ được Đức Giê-hô-va hỗ trợ. Không có Ngài, sự việc ắt đã không xảy ra như thế. Hoàn cảnh của họ đã thay đổi cách đáng kinh ngạc đến độ Ê-sai ví nó như sự hồi sinh: “Những kẻ chết của Ngài sẽ sống, những xác chết của tôi đều chỗi-dậy! Hỡi kẻ ở trong bụi-đất, hãy thức dậy, hãy hát! Vì hột móc của Ngài như hột móc lúc hừng-đông, đất sẽ buông các âm-hồn ra khỏi [“cho kẻ bất lực trong sự chết được hồi sinh”, NW]”. ­(Ê-sai 26:19; Khải-huyền 11:7-11) Thật vậy, những người bất lực trong sự chết sẽ như thể được hồi sinh để hoạt động trở lại!

Sự che chở trong kỳ nguy hiểm

16, 17. (a) Vào năm 539 TCN, người Do Thái đã phải làm gì để được sống sót khi Ba-by-lôn sụp đổ? (b) “Buồng” ngày nay có lẽ là gì, và nó đem lại lợi ích gì cho chúng ta?

16 Tôi tớ của Đức Giê-hô-va luôn luôn cần sự che chở của Ngài. Tuy nhiên, chẳng bao lâu nữa Đức Giê-hô-va sẽ ra tay chống thế gian của Sa-tan lần cuối cùng, và khi đó những người thờ phượng Ngài sẽ cần được Ngài giúp đỡ hơn bao giờ hết. (1 Giăng 5:19) Nói về thời kỳ nguy hiểm đó, Đức Giê-hô-va cảnh báo: “Hỡi dân ta, hãy đến vào buồng và đóng cửa lại. Hãy ẩn mình một lát, cho đến chừng nào cơn giận đã qua. Vì nầy, Đức Giê-hô-va ra từ nơi Ngài, đặng phạt dân-cư trên đất vì tội-ác họ. Bấy giờ đất sẽ tỏ-bày huyết nó ra, và không che-đậy những kẻ đã bị giết nữa”. (Ê-sai 26:20, 21; Sô-phô-ni 1:14) Lời khuyên này đã báo cho người Do Thái biết cách để được sống sót khi Ba-by-lôn sụp đổ vào năm 539 TCN. Những người nghe theo lời khuyên này hẳn đã núp trong nhà và được thoát khỏi đội quân chinh phục rảo khắp các đường phố.

17 Ngày nay, “buồng” trong lời tiên tri có lẽ ám chỉ hàng chục ngàn hội thánh của dân Đức Giê-hô-va trên khắp thế giới. Ngay bây giờ các hội thánh đó đã là một nơi che chở, nơi các tín đồ Đấng Christ tìm thấy sự an toàn trong vòng anh em dưới sự chăm sóc đầy yêu thương của các trưởng lão. (Ê-sai 32:1, 2; Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Điều này đặc biệt đúng khi sự kết liễu hệ thống mọi sự này đã gần kề, và khi nó đến thì chỉ những ai vâng lời mới được sống sót.—Sô-phô-ni 2:3.

18. Chẳng bao lâu nữa Đức Giê-hô-va sẽ “giết con vật lớn dưới biển” bằng cách nào?

18 Ê-sai tiên tri về thời đó: “Trong ngày đó, Đức Giê-hô-va sẽ dùng gươm cứng, lớn, và mạnh mà phạt lê-vi-a-than, là con rắn lẹ-làng, phạt lê-vi-a-than, là con rắn cong-queo; và Ngài sẽ giết con vật lớn dưới biển”. (Ê-sai 27:1) “Lê-vi-a-than” thời hiện đại là gì? Hiển nhiên đó chính là “con rắn xưa”, Sa-tan, cùng hệ thống gian ác mà hắn dùng để gây chiến với dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời. (Khải-huyền 12:9, 10, 17; 13:14, 16, 17) Vào năm 1919, Lê-vi-a-than đã thất bại, mất quyền trên dân Đức Chúa Trời. Cuối cùng, nó sẽ phải biến mất hoàn toàn. (Khải-huyền 19:19-21; 20:1-3, 10) Đức Giê-hô-va sẽ “giết con vật lớn dưới biển” như vậy. Từ đây đến đó, không có âm mưu nào của Lê-vi-a-than nhằm nghịch lại dân Đức Giê-hô-va sẽ thành công lâu dài. (Ê-sai 54:17) Thật an ủi biết bao khi được bảo đảm về điều đó!

“Vườn nho sanh ra rượu nho”

19. Hoàn cảnh của phần sót lại của dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời ngày nay ra sao?

19 Khi xem xét tất cả ánh sáng này từ Đức Giê-hô-va, chẳng phải chúng ta có mọi lý do để vui mừng sao? Quả thật là vậy! Ê-sai đã miêu tả một cách sinh động niềm vui mừng của dân Đức Giê-hô-va khi viết: “Trong ngày đó, các ngươi khá hát bài nói về vườn nho sanh ra rượu nho! Ấy chính ta, Đức Giê-hô-va, là Đấng giữ nó, sẽ chốc chốc tưới nó, và giữ nó đêm ngày, kẻo người ta phá-hại chăng”. (Ê-sai 27:2, 3) Đức Giê-hô-va đã chăm sóc “vườn nho” Ngài, tức phần sót lại của dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời, cùng các cộng sự cần cù của họ. (Giăng 15:1-8) Kết quả là vườn đã sanh hoa lợi làm vinh hiển danh Ngài và khiến các tôi tớ Ngài trên đất vui mừng.

20. Đức Giê-hô-va bảo vệ hội thánh Đấng Christ như thế nào?

20 Chúng ta có thể vui mừng vì cơn giận của Đức Giê-hô-va đối với các tôi tớ được xức dầu của Ngài—điều đã khiến Ngài để cho họ bị làm phu tù về thiêng liêng vào năm 1918—nay đã nguôi. Chính Đức Giê-hô-va nói: “Cơn phẫn nộ Ta đã dứt. Nếu vườn mọc gai dại, cỏ hoang, Ta sẽ đốt đi. Hoặc giả Y-sơ-ra-ên sẽ bám chặt lấy Ta, nương nhờ sức mạnh Ta để làm hòa với Ta. Phải, hãy làm hòa với Ta”. (Ê-sai 27:4, 5, Bản Diễn Ý) Để bảo đảm vườn nho của Ngài tiếp tục cho nhiều “rượu nho”, Đức Giê-hô-va nghiền nát và thiêu đốt bất kỳ ảnh hưởng nào giống như cỏ dại có thể làm hại nó. Vì vậy, chớ có ai tìm cách gây nguy hại cho hội thánh Đấng Christ! Tất cả hãy ‘nương nhờ sức mạnh Đức Giê-hô-va’, tìm kiếm ân huệ và sự che chở của Ngài. Khi làm thế, chúng ta làm hòa với Đức Chúa Trời—một điều vô cùng quan trọng đã được Ê-sai nhắc lại đến hai lần.—Thi-thiên 85:1, 2, 8; Rô-ma 5:1.

21. Đất đã được đầy dẫy “trái” theo nghĩa nào?

21 Sự ban phước tiếp tục: “Sau nầy, Gia-cốp đâm rễ, Y-sơ-ra-ên kết nụ và nở hoa, chắc sẽ ra trái đầy trên mặt đất”. (Ê-sai 27:6) Câu Kinh Thánh này đã được ứng nghiệm từ năm 1919, là một bằng chứng hùng hồn cho thấy quyền năng của Đức Giê-hô-va. Tín đồ Đấng Christ được xức dầu đã làm cho đất đầy “trái”, tức thức ăn thiêng liêng bổ dưỡng. Sống giữa thế gian bại hoại nhưng họ vẫn vui mừng gìn giữ tiêu chuẩn cao của Đức Chúa Trời. Và Đức Giê-hô-va đã tiếp tục ban phước cho họ được gia tăng. Kết quả là hàng triệu bạn đồng hành của họ, các chiên khác, nay đang “ngày đêm hầu việc [Đức Chúa Trời]”. (Khải-huyền 7:15) Mong rằng chúng ta không bao giờ quên đặc ân lớn được dùng và chia sẻ những “trái” này với người khác!

22. Những người đón nhận sự sáng được hưởng những ân phước nào?

22 Trong thời kỳ khó khăn này, khi sự tối tăm vây phủ đất và sự u ám mù mịt bủa trên các dân, chúng ta không biết ơn sao khi Đức Giê-hô-va chiếu ánh sáng thiêng liêng trên dân Ngài? (Ê-sai 60:2; Rô-ma 2:19; 13:12) Những người đón nhận ánh sáng sẽ tìm được sự bình an trong tâm trí và niềm vui ngay từ bây giờ, và cả sự sống đời đời trong tương lai nữa. Vì vậy chúng ta, những người yêu sự sáng, có nhiều lý do để nức lòng ngợi khen Đức Giê-hô-va và cùng nói với người viết Thi-thiên: “Đức Giê-hô-va là đồn-lũy của mạng-sống tôi: Tôi sẽ hãi-hùng ai? Hãy trông-đợi Đức Giê-hô-va; hãy vững lòng bền chí! Phải, hãy trông-đợi Đức Giê-hô-va”.—Thi-thiên 27:1b, 14.

Bạn còn nhớ không?

• Tương lai của những kẻ hiếp đáp dân Đức Giê-hô-va sẽ ra sao?

• Sách Ê-sai tiên tri về sự gia tăng nào?

• Chúng ta nên ở lại trong “buồng” nào, và tại sao?

• Tại sao hoàn cảnh của dân Đức ­Giê-hô-va làm tôn vinh Ngài?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 22]

ẤN PHẨM MỚI

Phần lớn những điều được thảo luận trong hai bài học này đã được trình bày trong một bài giảng tại đại hội địa hạt năm 2000/2001. Vào cuối bài giảng, một ấn phẩm mới được ra mắt có nhan đề Lời tiên tri của Ê-sai—Ánh sáng cho toàn thể nhân loại I. Cuốn sách dày 416 trang này thảo luận từng câu một của 40 chương đầu sách Ê-sai.

[Hình nơi trang 18]

Chỉ những người công bình mới được phép ở trong “thành bền-vững” của Đức Giê-hô-va, tức tổ chức Ngài

[Hình nơi trang 19]

Ê-sai đã tìm kiếm Đức Giê-hô-va “đương ban đêm”

[Hình nơi trang 21]

Đức Giê-hô-va bảo vệ “vườn nho” Ngài và khiến nó sanh hoa lợi