Có thể nào đây là sự nghiệp tốt nhất cho bạn không?
Có thể nào đây là sự nghiệp tốt nhất cho bạn không?
NẾU bạn là một tín đồ đã làm báp têm, lòng yêu thương Đức Chúa Trời chắc hẳn thúc đẩy bạn làm theo ý muốn Ngài. Hơn nữa, chí hướng của bạn chắc chắn phải là thánh chức. Suy cho cùng, Chúa Giê-su Christ đã ủy thác sứ mệnh đào tạo môn đồ cho tất cả những ai theo ngài. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Hiển nhiên, có lẽ bạn phải làm việc ngoài đời để sinh sống, nhưng với tư cách môn đồ của Chúa Giê-su và Nhân Chứng Giê-hô-va, trước hết và trên hết, bạn là một người truyền đạo Đấng Christ—một người xem công việc rao giảng về Nước Trời là một phần tối quan trọng trong đời sống.—Ma-thi-ơ 24:14.
Có lẽ bạn đang ở lứa tuổi trên dưới 20 một chút, và đã suy nghĩ nhiều về tương lai. Khi cân nhắc những sự lựa chọn đang chờ đón bạn, rất có thể bạn xem sự mãn nguyện cá nhân là yếu tố quan trọng.
Vậy hãy nghe anh Jørgen ở Đan Mạch nói về sự nghiệp mà anh đã chọn. Anh Jørgen miêu tả sự nghiệp đó là “một cách sống lý tưởng nhờ đó bạn có thể tập trung vào công việc quan trọng nhất trên đời”. Eva, một phụ nữ 31 tuổi ở Hy Lạp, nói: “So sánh đời sống tôi với đời sống của những người bạn cùng trang lứa, tôi thấy đời sống mình phong phú, thành đạt và hào hứng hơn”. Sự nghiệp nào cung cấp được sự mãn nguyện dường ấy? Làm sao bạn có thể theo đuổi một lối sống như thế?
Đức Chúa Trời có soi đường dẫn lối cho bạn không?
Không phải dễ để chọn sự nghiệp nào đó. Một số người ước ao Đức Chúa Trời tỏ rõ cho họ thấy Ngài muốn họ làm gì.
Khi Môi-se ở Ma-đi-an, Đức Giê-hô-va ra lệnh cho ông trở về Ê-díp-tô để dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi cảnh nô lệ. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:1-10) Thiên sứ Đức Chúa Trời hiện ra cùng Ghê-đê-ôn để bổ nhiệm ông giải cứu Y-sơ-ra-ên ra khỏi cảnh áp bức. (Các Quan Xét 6:11-14) Đa-vít đang chăn chiên thì Đức Chúa Trời bảo Sa-mu-ên xức dầu cho ông làm vua kế tiếp của Y-sơ-ra-ên. (1 Sa-mu-ên 16:1-13) Ngày nay, chúng ta không được hướng dẫn bằng những cách ấy. Trái lại, chúng ta phải cân nhắc vấn đề và quyết định cách sử dụng những khả năng mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta.
Ngày nay, Đức Giê-hô-va cho những tín đồ trẻ của Đấng Christ thấy “có một cái cửa lớn mở toang ra cho công-việc”. (1 Cô-rinh-tô 16:9) Bằng cách nào? Trong thập kỷ vừa qua, số người công bố Nước Trời đã gia tăng với hơn 2.125.000 người được thêm vào, đưa đến tổng số là hơn 6.000.000 người công bố trên khắp đất. Ai giúp cung cấp hàng triệu cuốn Kinh Thánh, sách lớn, sách mỏng, tạp chí và giấy nhỏ cần thiết cho sự sống còn về thiêng liêng và cho công việc rao giảng tin mừng toàn cầu? Các thành viên của gia đình Bê-tên khắp thế giới đang hưởng đặc ân đầy ân phước này.
Một đời sống thỏa mãn
Bê-tên có nghĩa là “Nhà Đức Chúa Trời”, và các nhà Bê-tên là nơi sinh sống của những tín đồ Đấng Christ tình nguyện phụng sự tại trụ sở trung ương và các chi nhánh của Hội Tháp Canh. (Sáng-thế Ký 28:19, cước chú trong NW) Các gia đình Bê-tên thời nay có thể được ví như ‘gia đình được xây-cất nên bởi sự khôn-ngoan’ khéo tổ chức và dựa trên lòng yêu thương Đức Giê-hô-va.—Châm-ngôn 24:3.
Bầu không khí trong gia đình Bê-tên như thế nào? Một thành viên gia đình Bê-tên 25 tuổi ở Estonia nói: “Tôi thích cảm giác luôn được Thi-thiên 15:1, 2.
sống giữa những người bạn của Đức Giê-hô-va. Đây vẫn còn là điều quý nhất đối với tôi ở nhà Bê-tên”.—Trên khắp thế giới, hiện có khoảng 19.500 anh chị em vui hưởng đặc ân được phụng sự trong nhà Bê-tên. (Thi-thiên 110:3) Ở Hoa Kỳ, 46 phần trăm thành viên nhà Bê-tên thuộc lứa tuổi từ 19 đến 29. Giống như Ê-sai, họ đã nói: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi”. (Ê-sai 6:8) Ê-sai—một người đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va—tình nguyện nhận lãnh thêm đặc ân phụng sự. Điều này dường như có nghĩa là ông đã phải từ bỏ một số lợi lộc cá nhân. Những người phụng sự ở nhà Bê-tên rời xa nhà và nơi chốn quen thuộc, cũng như cha mẹ, anh chị em và bạn bè. Họ sẵn lòng hy sinh như vậy ‘vì Tin-lành’.—Mác 10:29, 30.
Bù lại, ân phước thiêng liêng mà họ nhận lãnh ở nhà Bê-tên thật nhiều thay! Một thành viên trẻ tuổi của gia đình Bê-tên ở Nga giải thích: “Nhờ hy sinh chính mình, chúng ta có thể học được nhiều điều sẽ giúp chúng ta sống trong thế giới mới. Tôi có thể nói rằng trong trường hợp của mình, những ân phước của Đức Giê-hô-va nhiều hơn những hy sinh mà tôi phải chịu”.—Ma-la-chi 3:10.
Đời sống ở nhà Bê-tên
Đời sống ở nhà Bê-tên ra sao? Những thành viên trong gia đình Bê-tên đều đồng ý rằng đời sống ở đó lành mạnh, mãn nguyện, và ngay cả hào hứng nữa. Anh Jens, 43 tuổi, thích công việc ở nhà Bê-tên. Tại sao? Anh nói: “Vì cảm giác chúng tôi cùng góp nỗ lực thực hiện một nhiệm vụ quan trọng. Tôi có thể cảm nhận được phạm vi và tầm vóc lớn lao công việc của Đức Giê-hô-va”.
Từ Thứ Hai đến Thứ Bảy, ngày làm việc ở nhà Bê-tên bắt đầu bằng sự thờ phượng buổi sáng. Đó là cuộc thảo luận Kinh Thánh do một trưởng lão giàu kinh nghiệm chủ tọa. Vào tối Thứ Hai cả gia đình cùng nhau học hỏi Kinh Thánh với sự trợ giúp của tạp chí Tháp Canh trong vòng một giờ, thỉnh thoảng có thêm một bài diễn văn dựa trên một đề tài Kinh Thánh đặc biệt dành cho gia đình Bê-tên.
Một người mới được nhận vào nhà Bê-tên sẽ làm gì? Để tập cho những thành viên mới làm quen với đời sống ở nhà Bê-tên, các anh thành thục của gia đình nói bài giảng bàn về một số khía cạnh của công việc ở nhà Bê-tên. Một số tuần lễ trong năm đầu ở nhà Bê-tên, một thành viên mới dự một trường huấn luyện hữu ích hàng tuần để gia tăng sự hiểu biết của anh hay chị đó về Kinh Thánh. Những người mới vào nhà Bê-tên cũng có một chương trình đặc biệt để đọc Kinh Thánh. Họ đọc xong cả cuốn Kinh Thánh trong năm đầu tiên ở nhà Bê-tên.
Toàn bộ sự huấn luyện này đem lại kết quả nào? Anh Joshua, một thành viên gia đình Bê-tên 33 tuổi ở Hồng Kông, trả lời: “Gia đình Bê-tên đã thật sự giúp tôi quý trọng Đức Giê-hô-va một cách đậm đà hơn. Tại đây tôi có thể kết hợp với nhiều anh giàu kinh nghiệm, vốn là những người đã phụng sự Đức Giê-hô-va trong hầu hết quãng đời của họ. Tôi đặc biệt quý trọng những chương trình thiêng liêng, như việc thờ phượng buổi sáng và Buổi Học Tháp Canh với cả gia đình Bê-tên. Hơn nữa, tôi thích lối sống ngăn nắp và giản dị. Điều này giúp tôi tránh khỏi sự lo âu không cần thiết. Tôi cũng đã học cách xử sự của người tín đồ Đấng Christ, và điều này luôn luôn tỏ ra hữu ích”.
Những thành viên trong gia đình Bê-tên dồn hết thời gian và nỗ lực để thực hiện điều mà họ tình nguyện làm, tức là dùng hết khả năng thể chất và trí tuệ của họ trước nhất để chu toàn nhiệm vụ được giao ở nhà Bê-tên. Công việc ở nhà Bê-tên thì rất đa dạng. Một số cho chạy máy in hoặc máy ghép sách, đóng sách gửi đến các hội thánh. Những người khác làm việc trong nhà bếp, phòng ăn, hoặc phòng giặt ủi. Trong số các công việc khác có việc quét dọn, trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng, v.v... Một số người chịu trách nhiệm bảo trì các thiết bị dùng trong các ban này. Những người khác nữa phụ trách việc chăm sóc sức khỏe hoặc làm việc văn phòng. Mọi trách nhiệm ở nhà Bê-tên đều là những thách thức thú vị và cũng mang lại phần thưởng đích đáng. Công việc ở
nhà Bê-tên đặc biệt thỏa mãn vì nó phát huy quyền lợi Nước Trời, và được thực hiện bởi lòng yêu thương đối với Đức Chúa Trời.Các thành viên gia đình Bê-tên được chỉ định kết hợp với những hội thánh địa phương, nơi mà họ trực tiếp thấy được thành quả của công việc họ làm ở nhà Bê-tên. Họ thích thú đi họp với hội thánh và tham gia công việc rao giảng. Kết quả là các thành viên gia đình Bê-tên gắn bó với anh chị em ở hội thánh địa phương.—Mác 10:29, 30.
Rita, một thành viên gia đình Bê-tên ở Anh Quốc, nói: “Tôi rất biết ơn đối với hội thánh! Khi đi họp và đi rao giảng, đức tin tôi được củng cố rất nhiều khi nhìn thấy anh chị em thân yêu, trẻ tuổi và lớn tuổi cùng có mặt ở đó! Dù có xảy ra chuyện gì đi nữa, họ vẫn đến dự buổi họp. Điều đó càng giúp tôi sốt sắng hơn nữa trong công việc ở nhà Bê-tên”.
Đời sống ở nhà Bê-tên không chỉ gồm có công việc, hội họp, rao giảng và học hỏi. Gia đình Bê-tên cũng có những lúc để thư giãn nữa. Thỉnh thoảng có những chương trình “Đêm Gia Đình” giải khuây và lành mạnh, đồng thời tạo cơ hội để thưởng thức tài năng của nhiều người, và biết thêm những điều khích lệ trong đời sống của những người khác đang phụng sự ở nhà Bê-tên. Họ cũng đi thăm viếng lẫn nhau để kết hợp lành mạnh và xây dựng. Một số nơi được dành riêng cho sinh hoạt giải trí và có những thư viện để đọc sách và tra cứu cá nhân. Còn phải kể đến những cuộc trò chuyện hứng thú quanh các bàn ăn vào giờ cơm.
Tom, một thành viên gia đình Bê-tên ở Estonia, nói: “Cách nhà Bê-tên một dãy phố có bãi biển, và ở gần đó có một khu rừng đẹp mà tôi và vợ tôi thường bách bộ trong đó giây lát. Thỉnh thoảng tôi cũng chơi đánh gôn, khúc côn cầu, quần vợt với bạn bè trong hội thánh và trong nhà Bê-tên. Khi thời tiết tốt, chúng tôi đạp xe ra ngoài chơi”.
Bạn có thể làm gì để hội đủ điều kiện?
Dĩ nhiên, trước nhất nhà Bê-tên là nơi để các tín đồ Đấng Christ thành thục làm thánh chức
cho Đức Giê-hô-va và phục vụ anh chị em cùng đạo trên khắp thế giới. Muốn trở thành thành viên của gia đình Bê-tên một người phải hội đủ một số điều kiện. Bạn có thể làm gì để hội đủ điều kiện phụng sự trong gia đình Bê-tên?Giống như Ti-mô-thê, người đã hợp tác với sứ đồ Phao-lô, những ai được chấp nhận vào làm việc trong nhà Bê-tên phải có tiếng tốt trong hội thánh. (1 Ti-mô-thê 1:1) “Anh em ở thành Lít-trơ và thành Y-cô-ni đều làm chứng tốt về” Ti-mô-thê. (Công-vụ 16:2) Dù hãy còn trẻ, Ti-mô-thê biết Kinh Thánh và có nền tảng vững vàng trong lẽ thật. (2 Ti-mô-thê 3:14, 15) Tương tự như thế, những người được nhận vào nhà Bê-tên phải biết Kinh Thánh.
Các thành viên gia đình Bê-tên phải có tinh thần vị tha. Ti-mô-thê bày tỏ tinh thần này và sẵn lòng đặt quyền lợi Nước Trời lên trên quyền lợi chính mình đến độ Phao-lô có thể Phi-líp 2:20-22.
nói về ông: “Tôi không có ai như người đồng-tình với tôi để thật lòng lo về việc anh em: ai nấy đều tìm lợi riêng của mình, chớ không tìm của Đức Chúa Jêsus-Christ. Nhưng anh em đã biết sự trung-tín từng-trải của người; và biết người là trung-thành với tôi về việc Tin-lành, như con ở với cha vậy”.—Công việc trong nhà Bê-tên đòi hỏi phải thu nhận những người nam và nữ có thiêng liêng tính. Những sự sắp đặt ở nhà Bê-tên giúp các thành viên trong gia đình này tăng trưởng về mặt thiêng liêng qua việc học hỏi Kinh Thánh, đi họp đều đặn, rao giảng với hội thánh và kết hợp với những tín đồ Đấng Christ thành thục. Vậy những người ở nhà Bê-tên được giúp làm theo lời khuyên của Phao-lô: “Anh em... hãy bước đi trong [Chúa Giê-su Christ];... hãy châm rễ và lập nền trong Ngài, lấy đức-tin làm cho bền-vững, tùy theo anh em đã được dạy-dỗ, và hãy dư-dật trong sự cảm-tạ”.—Cô-lô-se 2:6, 7.
Vì tính chất của công việc, những người được nhận vào làm việc ở nhà Bê-tên phải có sức khỏe. Nếu bạn hội đủ những điều kiện vừa kể, trên 19 tuổi, và làm báp têm được hơn một năm rồi, chúng tôi khuyến khích bạn xem xét cơ hội làm việc ở nhà Bê-tên.
Tất cả chúng ta đều có phần
Là tín đồ Đấng Christ, chắc chắn tất cả chúng ta đều muốn đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống mình và phụng sự Đức Giê-hô-va hết linh hồn. (Ma-thi-ơ 6:33; Cô-lô-se 3:23) Chúng ta cũng có thể khuyến khích những người đang làm việc ở nhà Bê-tên tiếp tục thánh chức của họ tại đó. Và đặc biệt nên khích lệ những anh trẻ hội đủ điều kiện vào nhà Bê-tên vươn tới đặc ân đầy ơn phước này.
Công việc ở nhà Bê-tên là một lối sống thỏa nguyện về thiêng liêng—thật ra có thể là sự nghiệp tốt nhất cho bạn. Điều này nghiệm đúng với anh Nick, người đã bắt đầu phụng sự ở nhà Bê-tên lúc 20 tuổi. Mười năm sau, anh nói: “Tôi thường cầu nguyện để tạ ơn Đức Giê-hô-va về ân điển của Ngài. Tôi muốn xin gì hơn? Chung quanh chúng tôi ở đây là những tín đồ Đấng Christ thành thục đang hết mình phụng sự Đức Giê-hô-va”.
[Khung/Hình nơi trang 22]
TRƯỞNG LÃO VÀ CHA MẸ CÓ THỂ LÀM GÌ?
Trưởng lão và các giám thị lưu động nên đặc biệt khuyến khích những người trẻ nộp đơn xin vào nhà Bê-tên. Gần đây, một cuộc thăm dò bán chính thức giữa những thành viên trẻ của gia đình Bê-tên cho thấy có 34 phần trăm trong số họ chủ yếu là được các giám thị đạo Đấng Christ khích lệ đặt mục tiêu phụng sự ở nhà Bê-tên. Đành rằng hội thánh địa phương có thể thương nhớ họ, nhưng nên nhớ rằng, dù Ti-mô-thê chắc chắn đã gây một ảnh hưởng lành mạnh trên những người trẻ khác ở Lít-trơ và Y-cô-ni, nhưng các trưởng lão ở đó không ngần ngại cho ông đi theo Phao-lô. Họ không kết luận rằng hội thánh sẽ chịu quá nhiều mất mát nếu cho Ti-mô-thê đi với Phao-lô.—1 Ti-mô-thê 4:14.
Các bậc cha mẹ đạo Đấng Christ nên đặc biệt ảnh hưởng tích cực trên con cái họ trong vấn đề này. Trong cuộc thăm dò nói trên, 40 phần trăm những người được phỏng vấn nói rằng chính cha mẹ đã khích lệ họ vào nhà Bê-tên. Một chị đã phụng sự ở nhà Bê-tên được vài năm rồi nói: “Đời sống mà cha mẹ tôi dành cho việc phụng sự Đức Giê-hô-va là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tôi vào nhà Bê-tên. Nhìn xem gương mẫu của họ trong thánh chức trọn thời gian, tôi biết rằng làm việc ở nhà Bê-tên là sự nghiệp tốt nhất và thỏa mãn nhất để tôi chọn”.
[Khung nơi trang 24]
HỌ QUÝ CHUỘNG VIỆC PHỤNG SỰ Ở NHÀ BÊ-TÊN
“Tôi yêu thích việc phụng sự ở nhà Bê-tên. Tôi toại nguyện vì biết rằng mình đã phụng sự Đức Giê-hô-va trọn ngày hôm nay và sẽ tiếp tục ngày mai, ngày mốt và cứ thế không ngừng. Điều này giúp tôi có lương tâm tốt và cho tôi có những cảm nghĩ tích cực”.
“Nhà Bê-tên là một nơi mà bạn có thể dồn hết thì giờ và năng lực để phụng sự Đức Giê-hô-va mà không bị phân tâm. Điều này đem lại niềm vui trong lòng. Nhưng bạn cũng có thể nhìn thấy tổ chức Đức Giê-hô-va từ một góc cạnh khác. Bạn cảm thấy gần gũi tâm điểm của tổ chức hơn, và điều này rất hào hứng”.
“Vào nhà Bê-tên là điều tốt nhất đối với tôi. Ở đây anh chị em không ngừng học hỏi. Và tôi học không phải vì sự thành đạt cá nhân, nhưng là vì Đức Giê-hô-va. Ở đây công khó của tôi sẽ không bao giờ vô ích”.
“Dùng năng lực mình cho nhà Bê-tên khiến tôi cảm thấy hài lòng và bình an vì được phụng sự Đức Giê-hô-va và phục vụ anh chị em”.
“Sự nghiệp trước đây không đem lại cho tôi toại nguyện và hạnh phúc thật. Trải qua nhiều năm, tôi mơ ước được phục vụ anh chị em và làm việc với họ. Đó là lý do tại sao tôi vào nhà Bê-tên. Tôi cảm thấy thật mãn nguyện khi biết rằng mọi nỗ lực của tôi sẽ mang lại lợi ích thiêng liêng cho người khác và ca ngợi Đức Giê-hô-va”.