Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chăm về thánh linh và sống!

Chăm về thánh linh và sống!

Chăm về thánh linh và sống!

“Chăm về Thánh-Linh sanh ra sự sống”.—RÔ-MA 8:6.

1, 2. Kinh Thánh cho thấy có sự tương phản nào giữa “xác-thịt” và “Thánh-Linh”?

DUY TRÌ đạo đức thanh sạch trước mắt Đức Chúa Trời giữa một thế gian suy đồi, luôn đề cao sự thỏa mãn những ham muốn xác thịt, là cả một thách thức. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho thấy sự tương phản rõ rệt giữa “xác-thịt” và “Thánh-Linh”, giữa hậu quả khốc liệt của việc chiều theo xác thịt tội lỗi và những ân phước khi phục theo ảnh hưởng của thánh linh Đức Chúa Trời.

2 Chẳng hạn, Chúa Giê-su Christ nói: “Thánh Linh truyền sức sống mới, xác thịt chẳng làm chi được. Lời ta dạy biểu hiện Thánh Linh và đầy sức sống”. (Giăng 6:63, Bản Diễn Ý) Sứ đồ Phao-lô viết cho tín đồ Đấng Christ ở thành Ga-la-ti: “Xác-thịt có những điều ưa-muốn trái với những điều của Thánh-Linh, Thánh-Linh có những điều ưa-muốn trái với của xác-thịt; hai bên trái nhau”. (Ga-la-ti 5:17) Ông cũng nói: “Kẻ gieo cho xác-thịt, sẽ bởi xác-thịt mà gặt sự hư-nát; song kẻ gieo cho Thánh-Linh, sẽ bởi Thánh-Linh mà gặt sự sống đời đời”.—Ga-la-ti 6:8.

3. Cần có gì để được thoát khỏi những ham muốn và khuynh hướng xấu?

3 Thánh linh Đức Giê-hô-va—tức sinh hoạt lực của Ngài—có thể loại bỏ “những điều xác-thịt ưa-thích” và sự chế ngự tai hại của xác thịt tội lỗi. (1 Phi-e-rơ 2:11) Muốn thoát khỏi sự kiềm kẹp của những khuynh hướng xấu, chúng ta cần có sự giúp đỡ của thánh linh Đức Chúa Trời, vì Phao-lô viết: “Chăm về xác-thịt sanh ra sự chết, còn chăm về Thánh-Linh sanh ra sự sống và bình-an”. (Rô-ma 8:6) Chăm về thánh linh có nghĩa gì?

“Chăm về Thánh-Linh

4. “Chăm về Thánh-Linh” có nghĩa gì?

4 Khi viết về sự “chăm về Thánh-Linh”, Phao-lô dùng một từ Hy Lạp có ý nói đến “lối suy nghĩ, chiều hướng suy nghĩ,... mục đích, khát vọng, sự phấn đấu”. Một động từ liên hệ đến từ này có nghĩa là “suy nghĩ hoặc suy tư theo một hướng nào đó”. Vì vậy, chăm về thánh linh có nghĩa là được chi phối, dẫn dắt và thúc đẩy bởi sinh hoạt lực của Đức Giê-hô-va. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẵn lòng đặt tư tưởng, xu hướng và khát vọng của mình hoàn toàn dưới ảnh hưởng của thánh linh Đức Chúa Trời.

5. Chúng ta nên để thánh linh ảnh hưởng mình đến mức độ nào?

5 Phao-lô nhấn mạnh mức độ chúng ta nên để thánh linh ảnh hưởng đến mình khi ông nói hãy ‘làm tôi của [thánh linh]’. (Rô-ma 7:6, Nguyễn Thế Thuấn) Nhờ đức tin vào sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su, tín đồ Đấng Christ được giải thoát khỏi sự đô hộ của tội lỗi và như vậy “đã chết” về tình trạng làm nô lệ cho tội lỗi trước đây. (Rô-ma 6:2, 11) Những người đã chết như thế theo nghĩa bóng vẫn sống về thể chất và được tự do đi theo Đấng Christ như “tôi-mọi của sự công-bình”.—Rô-ma 6:18-20.

Một sự thay đổi đáng kể

6. Những người trở thành “tôi-mọi của sự công-bình” trải qua sự thay đổi nào?

6 Sự thay đổi từ chỗ làm “tôi-mọi tội-lỗi” trở thành người hầu việc Đức Chúa Trời, làm “tôi-mọi của sự công-bình” thật đáng kể. Phao-lô viết về những người đã trải qua kinh nghiệm đó như sau: “Nhân danh Đức Chúa Jêsus-Christ, và nhờ Thánh-Linh của Đức Chúa Trời chúng ta, thì anh em được rửa sạch, được nên thánh, được xưng công-bình rồi”.—Rô-ma 6:17, 18; 1 Cô-rinh-tô 6:11.

7. Tại sao có quan điểm của Đức Giê-hô-va là điều quan trọng?

7 Để có sự thay đổi đáng kể đó, trước hết cần học biết quan điểm của Đức Giê-hô-va. Nhiều thế kỷ trước, người viết Thi-thiên, Đa-vít, đã nhiệt thành cầu xin Đức Chúa Trời: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho tôi biết các đường-lối Ngài... Xin hãy dẫn tôi trong lẽ thật của Ngài, và dạy-dỗ tôi”. (Thi-thiên 25:4, 5) Đức Giê-hô-va đã lắng nghe Đa-vít, và cũng có thể đáp lại lời cầu nguyện tương tự của các tôi tớ Ngài ngày nay. Vì đường lối và lẽ thật của Đức Chúa Trời là thánh sạch, nên suy ngẫm về những điều đó sẽ giúp ích khi chúng ta bị cám dỗ thỏa mãn những ham muốn không thanh sạch của xác thịt.

Vai trò thiết yếu của Lời Đức Chúa Trời

8. Tại sao chúng ta cần học Kinh Thánh?

8 Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh, là một tác phẩm của thánh linh. Vì vậy, một cách thiết yếu để có thánh linh hoạt động trên chúng ta là đọc và học hỏi Kinh Thánh—mỗi ngày, nếu được. (1 Cô-rinh-tô 2:10, 11; Ê-phê-sô 5:18) Làm cho tâm trí được đầy dẫy những lẽ thật và nguyên tắc Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta đứng vững trước những tấn công về thiêng liêng. Thật vậy, khi bị cám dỗ làm điều vô đạo đức, thánh linh Đức Chúa Trời có thể khiến chúng ta nhớ lại những lời nhắc nhở và những nguyên tắc dạy dỗ của Kinh Thánh, giúp chúng ta có thêm quyết tâm hành động phù hợp với ý muốn Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 119:1, 2, 99, NW; Giăng 14:26) Nhờ đó, chúng ta không bị lừa gạt đi theo đường lối sai lầm.—2 Cô-rinh-tô 11:3.

9. Làm thế nào việc học Kinh Thánh giúp chúng ta có thêm quyết tâm gìn giữ mối quan hệ với Đức Giê-hô-va?

9 Khi tiếp tục thành tâm và siêng năng học hỏi Kinh Thánh với sự giúp đỡ của các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, thánh linh Đức Chúa Trời sẽ tác động đến lòng và trí, khiến chúng ta càng kính trọng sâu xa hơn những tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Mối quan hệ với Đức Chúa Trời sẽ trở thành điều quan trọng nhất trong đời sống chúng ta. Khi bị cám dỗ, chúng ta không còn nghĩ nhiều đến những vui thú của việc làm quấy, mà nghĩ ngay đến việc giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va. Sự quí trọng sâu xa mối quan hệ với Ngài thúc đẩy chúng ta chống lại những khuynh hướng có thể làm tổn hại hoặc phá đi mối quan hệ đó.

“Tôi yêu-mến luật-pháp Chúa biết bao!”

10. Tại sao cần vâng giữ luật pháp Đức Giê-hô-va nếu muốn chăm về thánh linh?

10 Nếu muốn chăm về thánh linh, thì chỉ hiểu biết về Lời Đức Chúa Trời thôi chưa đủ. Vua Sa-lô-môn hiểu rất rõ các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va nhưng đã không sống theo các tiêu chuẩn đó vào cuối đời ông. (1 Các Vua 4:29, 30; 11:1-6) Nếu có tính thiêng liêng, chúng ta sẽ thấy mình không chỉ cần biết những điều Kinh Thánh nói mà còn phải hết lòng vâng theo luật pháp Đức Chúa Trời. Điều đó có nghĩa là phải cẩn thận xem xét những tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va và chăm chỉ cố gắng làm theo. Người viết Thi-thiên đã có thái độ như thế. Ông hát: “Tôi yêu-mến luật-pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy-gẫm luật-pháp ấy”. (Thi-thiên 119:97) Chúng ta bắt đầu thể hiện các đức tính giống Đức Chúa Trời khi thật sự quan tâm vâng giữ luật pháp Ngài. (Ê-phê-sô 5:1, 2) Thay vì bất lực để mình bị lôi cuốn làm những điều xấu, chúng ta bày tỏ bông trái thánh linh, và lòng mong muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va sẽ khiến chúng ta tránh xa “các việc làm của xác-thịt”.—Ga-la-ti 5:16, 19-23; Thi-thiên 15:1, 2.

11. Làm sao để giải thích luật cấm tà dâm của Đức Giê-hô-va là một sự bảo vệ cho chúng ta?

11 Làm sao phát triển lòng yêu mến và kính trọng sâu xa đối với luật pháp Đức Giê-hô-va? Một cách là cẩn thận xem xét giá trị của luật pháp đó. Thí dụ, hãy xem xét điều luật của Đức Chúa Trời chỉ cho phép quan hệ tình dục trong khuôn khổ hôn nhân và nghiêm cấm sự tà dâm cùng ngoại tình. (Hê-bơ-rơ 13:4) Vâng giữ luật pháp này có làm chúng ta mất mát gì không? Liệu Cha trên trời đầy yêu thương có đặt ra một điều luật để khiến chúng ta bị mất quyền lợi không? Dĩ nhiên là không! Hãy xem điều gì đang xảy ra cho những người không sống theo tiêu chuẩn đạo đức của Đức Giê-hô-va. Có thai ngoài ý muốn thường đưa đến việc phá thai hoặc kết hôn vội vã và không hạnh phúc. Nhiều người phải một mình nuôi con, không có vợ hoặc chồng. Ngoài ra, những người sống vô luân có nguy cơ mắc phải những bệnh lây qua đường sinh dục. (1 Cô-rinh-tô 6:18) Và nếu một tôi tớ của Đức Giê-hô-va phạm tội tà dâm, thì điều đó sẽ khiến người đó bị giày vò ghê gớm. Cố gắng đè nén sự cắn rứt của lương tâm có thể gây ra nhiều đêm mất ngủ và đau đớn về tinh thần. (Thi-thiên 32:3, 4; 51:3) Vậy, chẳng phải hiển nhiên là luật cấm tà dâm của Đức Giê-hô-va đã được đặt ra để che chở chúng ta sao? Thật vậy, chúng ta được lợi ích lớn khi gìn giữ sự trong sạch về đạo đức!

Cầu xin sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va

12, 13. Tại sao cầu nguyện khi bị bao vây bởi những ham muốn tội lỗi là điều chính đáng?

12 Chăm về thánh linh chắc chắn đòi hỏi chúng ta phải cầu nguyện từ tận đáy lòng. Cầu xin sự giúp đỡ của thánh linh Đức Chúa Trời là điều chính đáng vì Chúa Giê-su nói: “Nếu các ngươi... còn biết cho con-cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh-Linh cho người xin Ngài!” (Lu-ca 11:13) Khi cầu nguyện, chúng ta có thể bày tỏ sự nương cậy nơi sự giúp đỡ của thánh linh để đối phó với những yếu đuối của mình. (Rô-ma 8:26, 27) Nếu nhận thấy mình đang tiêm nhiễm những ham muốn hoặc thái độ xấu, hoặc nếu anh em yêu thương lưu ý chúng ta về điều đó, khôn ngoan là nên cầu nguyện cụ thể về vấn đề đó và xin Đức Chúa Trời giúp sức để vượt qua những khuynh hướng đó.

13 Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta tập trung vào những điều công bình, thanh sạch, nhân đức và đáng khen. Thật thích hợp biết bao để khẩn thiết nài xin Ngài hầu “sự bình-an của Đức Chúa Trời” che chở lòng và ý tưởng chúng ta! (Phi-líp 4:6-8) Vì thế, chúng ta hãy cầu xin sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va để “tìm điều công-bình, tin-kính, đức-tin, yêu-thương, nhịn-nhục, mềm-mại”. (1 Ti-mô-thê 6:11-14) Với sự giúp đỡ của Cha trên trời, những sự lo lắng và cám dỗ sẽ không gia tăng đến độ vượt quá tầm kiểm soát của chúng ta. Thay vì thế, đời sống chúng ta sẽ có được sự bình an của Đức Chúa Trời.

Đừng làm buồn thánh linh

14. Tại sao thánh linh Đức Chúa Trời là một lực làm cho thanh sạch?

14 Những tôi tớ thành thục của Đức Giê-hô-va áp dụng lời khuyên này của Phao-lô: “Chớ dập tắt Thánh-Linh”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:19) Vì thánh linh Đức Chúa Trời là “thần-linh [“thánh linh”, NW] của thánh-đức”, nó trong sạch, tinh khiết và thánh. (Rô-ma 1:4) Vì vậy, khi hoạt động trên chúng ta, thánh linh là một lực làm cho thánh sạch. Nó giúp chúng ta giữ đời sống thanh sạch, được đánh dấu bởi sự vâng lời Đức Chúa Trời. (1 Phi-e-rơ 1:2) Bất kỳ một thực hành không thanh sạch nào cũng là một sự xem thường thánh linh, và điều đó có thể dẫn đến hậu quả tai hại. Tại sao?

15, 16. (a) Chúng ta có thể làm buồn thánh linh Đức Chúa Trời như thế nào? (b) Làm sao có thể tránh làm buồn thánh linh Đức Giê-hô-va?

15 Phao-lô viết: “Anh em chớ làm buồn cho Đức Thánh-Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ [thánh linh] anh em được ấn-chứng đến ngày cứu-chuộc”. (Ê-phê-sô 4:30) Kinh Thánh gọi thánh linh Đức Giê-hô-va là ấn chứng, hay sự “bảo đảm mọi điều Ngài hứa ban cho” những tín đồ xức dầu trung thành. Đó là sự sống bất tử trên trời. (2 Cô-rinh-tô 1:22, Bản Diễn Ý; 1 Cô-rinh-tô 15:50-57; Khải-huyền 2:10) Thánh linh Đức Chúa Trời có thể hướng dẫn những người được xức dầu và bạn đồng hành có hy vọng trên đất của họ sống trung thành và tránh xa những việc làm tội lỗi.

16 Sứ đồ cảnh cáo về khuynh hướng nói dối, trộm cắp, nói lời tục tĩu, v.v... Nếu để mình bị lôi cuốn phạm phải những điều đó, chúng ta sẽ đi ngược lại lời khuyên bảo được thánh linh Đức Chúa Trời soi dẫn. (Ê-phê-sô 4:17-29; 5:1-5) Như vậy, trong một chừng mực nào đó, chúng ta sẽ làm buồn thánh linh Đức Chúa Trời, và chắc chắn đó là điều chúng ta muốn tránh. Hơn nữa, nếu bất kỳ ai trong chúng ta bắt đầu lờ đi lời khuyên bảo của Đức Giê-hô-va, có thể bắt đầu phát triển những thái độ hoặc tính cách dẫn đến việc cố tình phạm tội và hoàn toàn đánh mất ân điển của Đức Chúa Trời. (Hê-bơ-rơ 6:4-6) Dù bây giờ chưa phạm tội, nhưng chúng ta có thể đang tiến dần đến đó. Khi đi ngược lại với sự dẫn dắt của thánh linh, chúng ta sẽ làm buồn thánh linh, và như vậy cũng chống lại và làm buồn lòng Đức Giê-hô-va, nguồn của thánh linh. Là những người yêu mến Đức Chúa Trời, chúng ta không bao giờ muốn làm điều đó. Trái lại, chúng ta nên cầu xin sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va hầu không làm buồn thánh linh nhưng làm thánh danh Ngài bằng cách tiếp tục chăm về thánh linh.

Hãy tiếp tục chăm về thánh linh

17. Chúng ta có thể đặt ra một số mục tiêu thiêng liêng nào, và tại sao làm vậy là khôn ngoan?

17 Một cách đáng chú ý để tiếp tục chăm về thánh linh là đặt ra những mục tiêu thiêng liêng và cố gắng đạt cho được. Tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh riêng, chúng ta có thể đặt ra những mục tiêu như cải thiện thói quen học hỏi, gia tăng thánh chức, hoặc vươn tới một đặc ân phụng sự nào đó, chẳng hạn như trở thành người truyền giáo trọn thời gian, phục vụ trong nhà Bê-tên, hay làm giáo sĩ. Điều này sẽ giúp giữ tâm trí chúng ta bận rộn với những lợi ích thiêng liêng và không qui phục sự yếu đuối của con người hoặc không bị thúc đẩy bởi những mục tiêu vật chất và những ham muốn trái với Kinh Thánh, là những điều đang phổ biến trong hệ thống mọi sự này. Đó chắc chắn là một lối sống khôn ngoan, vì Chúa Giê-su khuyến giục: “Chớ chứa của-cải ở dưới đất, là nơi có sâu-mối, ten-rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của-cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu-mối, ten-rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Vì chưng của-cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó”.—Ma-thi-ơ 6:19-21.

18. Tại sao tiếp tục chăm về thánh linh trong những ngày sau rốt này là điều vô cùng quan trọng?

18 Chăm về thánh linh và dẹp bỏ những ham muốn thế gian chắc chắn là lối sống khôn ngoan trong những “ngày sau-rốt” này. (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Suy cho cùng, “thế-gian với sự tham-dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”. (1 Giăng 2:15-17) Chẳng hạn, nếu một tín đồ trẻ theo đuổi mục tiêu phụng sự trọn thời gian, đặc ân đó có thể dẫn dắt em trong suốt những năm đầy thử thách của tuổi thanh thiếu niên. Khi bị áp lực thỏa hiệp, em sẽ thấy rõ điều mình muốn đạt được trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Một người có thiêng liêng tính như thế sẽ xem việc bỏ lỡ những mục tiêu thiêng liêng để đeo đuổi vật chất hoặc những vui thú mà tội lỗi hứa hẹn là điều thiếu khôn ngoan, thậm chí dại dột. Hãy nhớ rằng Môi-se, người có khuynh hướng thiêng liêng, đã “lựa chọn chịu đau khổ với dân Thiên Chúa hơn là hưởng vui thú tạm bợ tội-lỗi”. (Hê-bơ-rơ 11:24, 25, Trần Đức Huân) Dù già hay trẻ, chúng ta lựa chọn tương tự khi tiếp tục chăm về thánh linh, chứ không chăm về xác thịt tội lỗi.

19. Chúng ta sẽ vui hưởng những lợi ích nào nếu tiếp tục chăm về thánh linh?

19 “Sự chăm về xác-thịt nghịch với Đức Chúa Trời” còn “chăm về Thánh-Linh sanh ra sự sống và bình-an”. (Rô-ma 8:6, 7) Nếu tiếp tục chăm về thánh linh, chúng ta sẽ hưởng được sự bình an quý giá. Lòng và trí chúng ta sẽ được bảo vệ tốt hơn khỏi ảnh hưởng của bản chất tội lỗi. Chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn trong việc chống lại những cám dỗ xui mình làm điều xấu. Và chúng ta sẽ có được sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời để đương đầu với trận chiến không ngừng giữa xác thịt và thánh linh.

20. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng việc chiến thắng trong trận chiến giữa xác thịt và thánh linh là điều có thể làm được?

20 Bằng cách tiếp tục chăm về thánh linh, chúng ta duy trì mối liên lạc tối quan trọng với Đức Giê-hô-va, nguồn của cả sự sống và thánh linh. (Thi-thiên 36:9; 51:11) Sa-tan Ma-quỉ và các tay sai của hắn đang làm mọi cách để phá mối quan hệ của chúng ta với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Chúng tìm cách kiểm soát tâm trí chúng ta vì biết rằng nếu bỏ cuộc, cuối cùng chúng ta sẽ đi đến chỗ nghịch lại Đức Chúa Trời và chết. Nhưng chúng ta có thể chiến thắng trong trận chiến giữa xác thịt và thánh linh. Đó là kinh nghiệm của Phao-lô vì khi viết về trận chiến của chính mình, lúc đầu ông đã hỏi: “Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân-thể hay chết nầy?” Sau đó, ông reo lên cho thấy có sự giải cứu: “Cảm-tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus-Christ, là Chúa chúng ta!” (Rô-ma 7:21-25) Chúng ta cũng có lý do để cảm tạ Đức Chúa Trời qua Đấng Christ vì Ngài đã cung cấp những phương tiện giúp chúng ta đối phó với những yếu đuối của con người và tiếp tục chăm về thánh linh với hy vọng tuyệt diệu được sống vĩnh cửu.—Rô-ma 6:23.

Bạn còn nhớ không?

• Chăm về thánh linh có nghĩa gì?

• Làm thế nào chúng ta có thể để thánh linh Đức Giê-hô-va hoạt động trên chúng ta?

• Hãy giải thích vì sao trong trận chiến chống lại tội lỗi, điều tối quan trọng là phải học hỏi Kinh Thánh, vâng giữ luật pháp Đức Giê-hô-va, và cầu nguyện cùng Ngài.

• Đặt ra những mục tiêu thiêng liêng giúp giữ chúng ta như thế nào trong con đường sự sống?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 16]

Học hỏi Kinh Thánh giúp chúng ta đứng vững trước những tấn công về thiêng liêng

[Hình nơi trang 17]

Cầu xin Đức Giê-hô-va giúp vượt qua những ham muốn tội lỗi là điều chính đáng

[Các hình nơi trang 18]

Những mục tiêu thiêng liêng giúp chúng ta tiếp tục chăm về thánh linh