Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Người nào tìm đặng sự khôn-ngoan có phước thay!”

“Người nào tìm đặng sự khôn-ngoan có phước thay!”

“Người nào tìm đặng sự khôn-ngoan có phước thay!”

ÔNG là một thi sĩ, một kiến trúc sư, một vị vua. Với lợi tức hàng năm hơn 200 triệu đô la, ông giàu có hơn bất cứ vị vua nào khác trên thế giới. Ông cũng nổi tiếng là người khôn ngoan. Một nữ vương đến thăm ông đã cảm kích đến đỗi thốt lên: “Kìa, người ta chẳng nói đến được phân nửa! Sự khôn-ngoan và oai-nghi của vua trổi hơn tiếng-đồn tôi đã nghe”. (1 Các Vua 10:4-9) Đó chính là thân thế của Sa-lô-môn, vua nước Y-sơ-ra-ên xưa.

Vua Sa-lô-môn vừa giàu có lại khôn ngoan. Và điều đó đặc biệt khiến ông có đủ tư cách để quyết định điều gì thật sự thiết yếu: giàu có hoặc khôn ngoan. Ông viết: “Người nào tìm đặng sự khôn-ngoan, và được sự thông-sáng, có phước thay! Vì thà được nó hơn là được tiền-bạc, hoa-lợi nó sanh ra tốt hơn vàng ròng. Sự khôn-ngoan quí-báu hơn châu-ngọc, chẳng một bửu-vật nào con ưa-thích mà sánh kịp nó được”.—Châm-ngôn 3:13-15.

Dù vậy, người ta có thể tìm được sự khôn ngoan ở đâu? Tại sao sự khôn ngoan lại quý hơn sự giàu có? Sự khôn ngoan có những đặc điểm hấp dẫn nào? Chương 8 của sách Châm-ngôn trong Kinh Thánh, do Sa-lô-môn viết, trả lời những câu hỏi này một cách thú vị. Ở đó, sự khôn ngoan được nhân cách hóa, như thể nói và hành động được. Sự khôn ngoan tỏ ra có sức lôi cuốn cũng như có giá trị.

“Sự khôn-ngoan la lên”

Chương 8 của sách Châm-ngôn bắt đầu với câu hỏi gợi ý: “Sự khôn-ngoan há chẳng kêu lên sao? Sự thông-sáng há không vang tiếng mình ra ư?” * Có, sự khôn ngoan và sự thông sáng kêu lên, nhưng hoàn toàn không như một đàn bà vô luân nấp ở những nơi tối tăm và xì xào những lời quyến rũ vào tai một người trẻ lẻ loi một mình và thiếu kinh nghiệm. (Châm-ngôn 7:12) “Sự khôn-ngoan đứng trên chót các nơi cao, ngoài đường, tại các ngã-tư. Gần bên cửa thành, tại nơi vào thành, ở chỗ đông trong cửa thành, sự khôn-ngoan la lên”. (Châm-ngôn 8:1-3) Giọng nói của sự khôn ngoan mạnh mẽ và dạn dĩ, người ta nghe lớn và rõ ràng ở những nơi công cộng—nơi cửa thành, tại giao lộ, tại các lối vào thành. Người ta có thể dễ dàng nghe được giọng đó và đáp lại.

Ai có thể phủ nhận rằng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời trong Lời được soi dẫn của Ngài, Kinh Thánh, sẵn sàng đến với hầu hết mọi người trên khắp đất có lòng khao khát muốn nhận? Cuốn The World Book Encyclopedia có ghi: “Kinh Thánh là cuốn sách được nhiều người đọc nhất trong lịch sử”, và nói thêm: “Kinh Thánh là sách được phổ biến nhiều hơn bất cứ cuốn sách nào khác. Kinh Thánh cũng được dịch nhiều lần, sang nhiều ngôn ngữ hơn bất cứ cuốn sách nào”. Nhờ có Kinh Thánh toàn bộ hay từng phần trong hơn 2.100 ngôn ngữ và thổ ngữ, hơn 90 phần trăm gia đình nhân loại đọc được ít nhất một phần của Lời Đức Chúa Trời trong ngôn ngữ riêng của họ.

Nhân Chứng Giê-hô-va công khai công bố thông điệp của Kinh Thánh ở khắp nơi. Trong 235 xứ, họ đang tích cực rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời và dạy người ta lẽ thật trong Lời Đức Chúa Trời. Các tạp chí của họ dựa trên Kinh Thánh, Tháp Canh, xuất bản trong 140 ngôn ngữ, và Tỉnh Thức!, được in trong 83 ngôn ngữ, đều có số lượng lưu hành hơn 20 triệu cuốn mỗi loại. Điều chắc chắn là sự khôn ngoan vẫn tiếp tục kêu lên ở những nơi công cộng!

“Tiếng ta hướng về con-cái loài người”

Sự khôn ngoan được nhân cách hóa bắt đầu nói: “Hỡi loài người, ta kêu-gọi các ngươi, và tiếng ta hướng về con-cái loài người! Hỡi kẻ ngu-muội, hãy hiểu sự khôn-khéo; hỡi kẻ dại-dột, lòng ngươi khá nên thông-sáng”.—Châm-ngôn 8:4, 5.

Tiếng gọi của sự khôn ngoan phổ biến rộng rãi. Sự khôn ngoan lên tiếng mời gọi tất cả nhân loại. Ngay cả những kẻ ngu muội cũng được mời đến để nhận được sự khôn khéo, hoặc sự suy xét sáng suốt, và những kẻ ngu dại được thông sáng. Thật vậy, Nhân Chứng Giê-hô-va tin rằng Kinh Thánh là cuốn sách cho muôn dân và nỗ lực vô tư khuyến khích mọi người họ gặp hãy chăm chú xem Kinh Thánh để tìm ra những lời khôn ngoan.

‘Miệng ta nói điều chân-thật’

Sự khôn ngoan tiếp tục kêu gọi: “Hãy nghe, vì ta sẽ nói điều tốt-lành, ta hở môi ra mà dạy điều ngay-thẳng. Vì miệng ta sẽ nói chân-thật; còn môi ta ghét sự gian-ác. Các lời miệng ta đều xứng-hiệp sự công-bình, trong nó chẳng có điều chi cong-vạy hoặc gian-tà”. Đúng vậy, những dạy dỗ của sự khôn ngoan tuyệt diệu và ngay thẳng, chân thật và công bình. Chẳng có chi là xảo quyệt hay cong vẹo trong những sự dạy dỗ đó. “Thảy đều rõ-ràng cho người nào hiểu-biết, và ngay-thẳng cho người nào tìm được sự tri-thức”.—Châm-ngôn 8:6-9.

Thật thích hợp, sự khôn ngoan khuyến giục: “Khá nhận sự khuyên-dạy ta, chớ lãnh tiền-bạc, thà lãnh sự tri-thức hơn là vàng chọn-lựa”. Lời yêu cầu khẩn thiết này dễ hiểu, “vì sự khôn-ngoan có giá hơn châu-ngọc, và các vật mình ưa-thích hơn hết chẳng sánh bằng nó đặng”. (Châm-ngôn 8:10, 11) Nhưng tại sao? Điều gì làm cho sự khôn ngoan quý hơn sự giàu có?

“Bông-trái ta tốt hơn vàng”

Những món quà mà sự khôn ngoan dành cho người nghe quý hơn vàng, bạc, hoặc châu ngọc. Tuyên bố những món quà này là gì, sự khôn ngoan lên tiếng: “Ta, là sự khôn-ngoan, đồng ở với sự thông-minh, và tìm được sự hiểu-biết và sự dẽ-dặt [“khả năng suy nghĩ”, “NW”]. Sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là ghét điều ác; ta ghét sự kiêu-ngạo, xấc-xược, con đường ác, và miệng gian-tà”.—Châm-ngôn 8:12, 13.

Sự khôn ngoan cho người sở hữu nó sự thông biết và khả năng suy nghĩ. Người có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời cũng tôn sùng và kính sợ Ngài, vì “kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn-ngoan”. (Châm-ngôn 9:10) Bởi vậy, người ấy ghét những gì Đức Giê-hô-va ghét. Người đó sẽ lìa xa tính xấc xược, kiêu ngạo, hành động vô luân và miệng gian tà. Ghét những điều ác che chở người ấy khỏi ảnh hưởng thối nát của quyền lực. Đối với những người ở địa vị có trách nhiệm trong hội thánh tín đồ Đấng Christ, cũng như những chủ gia đình, việc tìm kiếm sự khôn ngoan thật quan trọng biết bao!

Sự khôn ngoan tiếp tục: “Mưu-luận và sự thông-thạo đều thuộc về ta; ta là sự thông-sáng; năng-lực vốn thuộc về ta. Nhờ ta, các vua cai-trị, và những quan-trưởng định sự công-bình. Nhờ ta, các quan-trưởng, người tước-vị, và các quan-xét thế-gian đều quản-hạt”. (Châm-ngôn 8:14-16) Bông trái của sự khôn ngoan là sự thông sáng, hiểu biết, và năng lực—những yếu tố rất cần thiết cho những người cai trị, giới chức cao cấp, và nhà quý tộc. Sự khôn ngoan thiết yếu cho những người có quyền lực và những người khuyên bảo kẻ khác.

Mọi người đều có thể có được sự khôn ngoan thật, nhưng không phải ai cũng tìm được nó. Một số người từ chối hoặc tránh né nó, ngay cả khi nó ở bên cạnh họ. Sự khôn ngoan nói: “Ta yêu-mến những người yêu-mến ta, phàm ai tìm-kiếm ta sẽ gặp ta”. (Châm-ngôn 8:17) Chỉ những ai sốt sắng tìm kiếm sự khôn ngoan mới tìm được nó.

Đường lối của sự khôn ngoan là ngay thẳng và công bình. Nó thưởng cho những người tìm kiếm nó. Sự khôn ngoan nói: “Sự giàu-có, sự tôn-trọng, của-cải bền lâu, và sự công-bình, đều ở nơi ta. Bông-trái ta tốt hơn vàng, đến đỗi hơn vàng ròng; hoa-lợi của ta quí hơn bạc cao. Ta đi trong con đường công-bình, giữa các lối ngay-thẳng, đặng làm cho kẻ yêu-mến ta hưởng được của-cải thật, và làm cho đầy-dẫy các kho-tàng của họ”.—Châm-ngôn 8:18-21.

Ngoài những đức tính và những đặc điểm tuyệt vời như sự suy xét sáng suốt, khả năng suy nghĩ, tính khiêm nhường, sự thông sáng, sự khôn ngoan thực tiễn, và sự hiểu biết, thì sự khôn ngoan còn đem lại những món quà như sự giàu có và tôn trọng. Một người khôn ngoan có thể được giàu có nhờ những phương tiện đúng đắn, và sẽ thạnh vượng về thiêng liêng. (3 Giăng 2) Sự khôn ngoan cũng khiến một người được tôn trọng. Ngoài ra, người đó thấy mãn nguyện về những thứ mình đạt được, và có bình an tâm trí và một lương tâm trong sạch đối với Đức Chúa Trời. Đúng vậy, người nào tìm đặng sự khôn ngoan thật có phước thay. Thật vậy, bông trái của sự khôn ngoan tốt hơn vàng ròng và bạc chọn lọc.

Lời khuyên này thật đúng lúc cho chúng ta, vì đang sống trong một thế gian duy vật chỉ chú trọng đến việc làm sao có được của cải bằng bất cứ cách nào và bất cứ giá nào! Mong sao chúng ta chớ bao giờ quên rằng sự khôn ngoan thật đáng giá biết bao hoặc dùng thủ đoạn để có được của cải. Chúng ta đừng bao giờ—chỉ vì muốn được giàu có—bỏ bê chính những sắp đặt cung cấp sự khôn ngoan: những buổi họp đạo Đấng Christ, học hỏi Kinh Thánh cá nhân và các sách báo do “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp.—Ma-thi-ơ 24:45-47.

“Ta đã được lập từ trước vô-cùng”

Việc nhân cách hóa sự khôn ngoan trong chương 8 của sách Châm-ngôn không phải chỉ đơn thuần nói đến một đức tính trừu tượng. Sự khôn ngoan cũng tượng trưng cho tạo vật quan trọng nhất của Đức Giê-hô-va. Sự khôn ngoan tiếp tục nói: “Trong buổi Đức Giê-hô-va khởi cuộc tạo-hóa, về thời thái-cổ, trước khi chưa dựng nên muôn vật thì Ngài đã có ta. Ta đã được lập từ trước vô-cùng, từ khi nguyên-thủy, trước khi dựng nên trái đất. Lúc chưa có vực sâu, chưa có nguồn chảy nước nhiều, thì ta đã sanh ra rồi. Trước khi núi-non chưa lập nên, và các gò-nổng chưa có; trước khi Đức Giê-hô-va chưa có dựng nên đất, đồng-ruộng, và tro-bụi đầu-tiên của thế-gian, thì ta đã sanh ra rồi”.—Châm-ngôn 8:22-26.

Sự mô tả trên đây về sự khôn ngoan được nhân cách hóa hoàn toàn tương xứng biết bao với những gì liên quan đến “Lời” trong Kinh Thánh! Sứ đồ Giăng viết: “Ban đầu có Lời, và Lời ở với Đức Chúa Trời, và Lời là thần”. (Giăng 1:1, NW) Theo nghĩa bóng, sự khôn ngoan được nhân cách hóa tượng trưng Con Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ, trước khi ngài làm người. *

Chúa Giê-su Christ là “Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên; vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được”. (Cô-lô-se 1:15, 16) Sự khôn ngoan được nhân cách hóa tiếp tục: “Khi Đức Chúa Trời lập các từng trời, và đặt cái vòng trên mặt vực sâu, thì có ta ở đó. Khi Ngài làm cho kiên-cố các từng mây trên cao, khiến các nguồn vực sâu vững-chắc, định bờ-cõi cho biển, để nước không tràn phạm điều-răn của Ngài, và khi Ngài lập nên trái đất, thì ta ở bên Ngài làm thợ cái, hằng ngày ta là sự khoái-lạc Ngài, và thường thường vui-vẻ trước mặt Ngài. Ta lấy làm vui-vẻ về chỗ có người ở trên trái đất của Ngài, và sự vui-thích ta ở nơi con-cái loài người”. (Châm-ngôn 8:27-31) Con sanh ra đầu hết của Đức Giê-hô-va ở ngay cạnh Cha ngài, tích cực làm việc với Ngài—Đấng Tạo Hóa vô song của trời và đất. Khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời tạo nên người đầu tiên, con Ngài cùng dự phần việc với Ngài, với vai trò là Thợ Cái. (Sáng-thế Ký 1:26) Vậy chẳng lạ gì, Con Đức Chúa Trời rất quan tâm đến con người, ngay cả vui thích nơi họ!

“Người nào nghe lời ta lấy làm có phước thay”

Là sự khôn ngoan được nhân cách hóa, Con Đức Chúa Trời nói: “Vậy bây giờ, các con ơi! hãy nghe ta; ai giữ đạo ta lấy làm có phước thay. Khá nghe lời khuyên-dạy, và ở khôn-ngoan, chớ nên từ-chối nó. Người nào nghe lời ta, hằng ngày tỉnh-thức tại nơi cửa ta, và chờ-đợi ở bên các trụ cửa ta, lấy làm có phước thay. Vì hễ ai tìm được ta, thì gặp sự sống, và sẽ được ơn của Đức Giê-hô-va; nhưng ai phạm đến ta, làm hại cho linh-hồn mình; còn kẻ nào ghét ta, ắt ưa-thích sự chết”.—Châm-ngôn 8:32-36.

Chúa Giê-su Christ chính là hiện thân sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. “Trong Ngài đã giấu-kín mọi sự quí-báu về khôn-ngoan thông-sáng”. (Cô-lô-se 2:3) Vậy thì, chúng ta hãy hết sức chăm chú lắng nghe và noi theo sát dấu chân ngài. (1 Phi-e-rơ 2:21) Từ chối ngài tức làm hại cho linh hồn chúng ta và ắt là ưa thích sự chết, vì “chẳng có sự cứu-rỗi trong Đấng nào khác”. (Công-vụ 4:12) Thật vậy, chúng ta hãy chấp nhận Chúa Giê-su là đấng Đức Chúa Trời cung cấp để cứu chuộc chúng ta. (Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 3:16) Như thế, chúng ta sẽ cảm nghiệm được hạnh phúc nhờ ‘tìm được sự sống và nhận được ơn của Đức Giê-hô-va’.

[Chú thích]

^ đ. 6 Từ Hê-bơ-rơ dịch là “khôn-ngoan” ở giống cái. Do đó, một số bản dịch dùng đại từ giống cái khi dịch từ khôn ngoan.

^ đ. 25 Sự kiện từ Hê-bơ-rơ dịch là “khôn-ngoan” luôn luôn ở giống cái không trái ngược với việc sử dụng từ khôn ngoan để tượng trưng Con Đức Chúa Trời. Từ Hy Lạp dịch là “sự yêu-thương” trong thành ngữ “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương” cũng ở giống cái. (1 Giăng 4:8) Tuy nhiên, thành ngữ này được dùng cho Đức Chúa Trời.

[Các hình nơi trang 26]

Sự khôn ngoan thiết yếu cho những ai có trách nhiệm

[Các hình nơi trang 27]

Chớ bỏ bê những sắp đặt cung cấp sự khôn ngoan