Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những người trung dũng đắc thắng trước sự ngược đãi của Quốc Xã

Những người trung dũng đắc thắng trước sự ngược đãi của Quốc Xã

Đứng vững và toàn vẹn với niềm tin chắc

Những người trung dũng đắc thắng trước sự ngược đãi của Quốc Xã

“HỠI con, khá khôn-ngoan, và làm vui lòng cha, để cha có thế đáp lại cùng kẻ nào sỉ-nhục cha”. (Châm-ngôn 27:11) Lời kêu gọi nồng ấm này cho thấy các tạo vật thông minh của Đức Chúa Trời có thể làm vui lòng Đức Giê-hô-va khi trung thành với Ngài. (Sô-phô-ni 3:17) Tuy nhiên, Sa-tan, kẻ sỉ nhục, cương quyết phá vỡ lòng trung kiên của những người phụng sự Đức Giê-hô-va.—Gióp 1:10, 11.

Đặc biệt kể từ đầu thế kỷ 20 khi hắn bị quăng ra khỏi các từng trời xuống vùng phụ cận trái đất, cơn giận của Sa-tan đã bộc phát dữ dội đối với dân sự Đức Giê-hô-va. (Khải-huyền 12:10, 12) Thế nhưng, tín đồ thật của Đấng Christ đã đứng “vững và toàn vẹn với niềm tin chắc” và giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời. (Cô-lô-se 4:12, NW). Chúng ta hãy xem sơ qua một gương xuất sắc về lòng trung kiên như thế—gương của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Đức trước và trong thời Thế Chiến II.

Hoạt động sốt sắng dẫn đến những thử thách về lòng trung kiên

Trong các thập kỷ 1920 và 1930, các Bibelforscher, tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Đức, đã phân phát nhiều ấn phẩm giải thích Kinh Thánh. Từ năm 1919 đến năm 1933, bình quân họ đã để lại tám cuốn sách, sách mỏng hoặc tạp chí với mỗi gia đình ở Đức.

Vào thời ấy, Đức là một trong những xứ tập trung nhiều môn đồ được xức dầu của Đấng Christ. Thật thế, trong số 83.941 người ăn bánh uống rượu trên khắp thế giới vào Bữa Tiệc Thánh của Chúa năm 1933 thì có gần 30 phần trăm sống ở Đức. Chẳng bao lâu, các Nhân Chứng này ở Đức đã trải qua những thử thách gay go về lòng trung kiên. (Khải-huyền 12:17; 14:12) Các vụ đuổi việc, bất thần lục soát nhà cửa và đuổi học đã leo thang nhanh chóng đưa đến việc đánh đập, bắt giữ và giam cầm. (Hình 1) Hậu quả là trong những năm dẫn đến Thế Chiến II, số Nhân Chứng Giê-hô-va bị giam trong các trại tập trung chiếm tỷ lệ từ 5 đến 10 phần trăm.

Tại sao Quốc Xã ngược đãi Nhân Chứng

Nhưng tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va lại khiến chế độ Quốc Xã giận dữ đến thế? Trong sách Hitler—1889-1936: Hubris, giáo sư lịch sử Ian Kershaw ghi rằng các Nhân Chứng đã trở thành mục tiêu của sự ngược đãi vì họ từ chối “nhượng bộ yêu sách chuyên chế của chính quyền Quốc Xã”.

Sách Betrayal—German Churches and the Holocaust, do giáo sư lịch sử Robert P. Ericksen và giáo sư nghiên cứu về người Do Thái Susannah Heschel xuất bản, giải thích rằng các Nhân Chứng “từ chối tham gia vào những chuyện bạo động hay là dùng vũ lực... Các Nhân Chứng tin phải trung lập về chính trị, nên không bầu cho Hitler cũng không chào kiểu Hitler”. Theo hai tác giả trên, điều này đã khiến Quốc Xã nổi giận và các Nhân Chứng lâm vào thế rất nguy vì “Chủ Nghĩa Quốc Gia Xã Hội không thể nhân nhượng một sự từ chối như thế”.

Cả thế giới kháng nghị và cuộc phản công toàn lực

Vào ngày 9-2-1934, Joseph F. Rutherford, người dẫn đầu công việc rao giảng lúc ấy, qua một sứ giả đặc biệt đã gửi đến Hitler một bức thư kháng nghị về chính sách độc tài của Quốc Xã. (Hình 2) Vào ngày 7-10-1934, có khoảng 20.000 bức thư khác và điện tín do Nhân Chứng Giê-hô-va tại 50 nước, kể cả ở Đức, gửi đến Hitler để phản đối tiếp nối theo bức thư của Rutherford.

Quốc Xã đáp lại bằng cách tăng cường sự ngược đãi. Vào ngày 1-4-1935, các Nhân Chứng bị cấm đoán trên toàn quốc. Và vào ngày 28-8-1936, sở mật thám Gestapo dốc toàn lực tấn công họ. Thế nhưng, theo sách Betrayal—German Churches and the Holocaust, các Nhân Chứng vẫn “tiếp tục phân phối sách mỏng và giữ vững đức tin của họ bằng cách khác”.

Chẳng hạn, vào ngày 12-12-1936, khoảng 3.500 Nhân Chứng đã phân phát hàng chục ngàn bản của một tờ quyết nghị nói về những sự bạc đãi họ đang gánh chịu, và các mật thám Gestapo không kịp ngăn chặn. Tháp Canh tường trình về đợt phân phát này: “Đó là một chiến thắng lớn và một vố đau cho kẻ thù, đem lại niềm vui khôn xiết cho những người trung thành hoạt động”.—Rô-ma 9:17.

Sự ngược đãi thất bại!

Quốc Xã tiếp tục truy lùng Nhân Chứng Giê-hô-va. Đến năm 1939, thì có tới sáu ngàn người trong họ đã bị cầm tù và hàng ngàn người đã bị đày đi các trại tập trung. (Hình 3) Tình hình ra sao vào cuối Thế Chiến II? Khoảng 2.000 Nhân Chứng bị chết trong tù, hơn 250 người bị hành quyết. Thế nhưng, Giáo Sư Ericksen và Heschel viết: “Phần lớn Nhân Chứng Giê-hô-va giữ vững đức tin của họ trước sự khó khăn”. Kết quả là khi chế độ Hitler bị sụp đổ, có trên một ngàn Nhân Chứng đắc thắng trở về từ các trại tập trung.—Hình 4; Công-vụ 5:38, 39; Rô-ma 8:35-37.

Điều gì đã cho dân sự của Đức Giê-hô-va nghị lực để chịu đựng sự ngược đãi? Anh Adolphe Arnold, người sống sót trở về từ trại tập trung, giải thích: “Ngay dù mình bị kiệt lực, Đức Giê-hô-va vẫn thấy mình, biết mình đang trải qua điều gì, và Ngài ban nghị lực cần thiết để vượt qua tình huống và giữ sự trung thành. Tay Ngài không quá ngắn”.

Nhà tiên tri Sô-phô-ni tuyên bố: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ở giữa ngươi; Ngài là Đấng quyền năng sẽ giải-cứu ngươi: Ngài sẽ vui-mừng cả-thể vì cớ ngươi”. (Sô-phô-ni 3:17) Những lời này áp dụng đúng thay cho những tín đồ trung thành ấy của Đấng Christ! Mong sao tất cả những người thờ phượng Đức Chúa Trời thật ngày nay noi theo đức tin của các Nhân Chứng trung thành đó, tức là những người đã giữ vẹn lòng trung kiên trước sự ngược đãi của Quốc Xã và giống như họ, cũng làm vui lòng Đức Giê-hô-va.—Phi-líp 1:12-14.

[Nguồn tư liệu nơi trang 8]

Państwowe Muzeum Oświȩcim-Brzezinka, courtesy of the USHMM Photo Archives