Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phao-lô tổ chức quyên góp cứu trợ các thánh đồ

Phao-lô tổ chức quyên góp cứu trợ các thánh đồ

Phao-lô tổ chức quyên góp cứu trợ các thánh đồ

QUYỀN LỢI thiêng liêng là quan trọng nhất đối với tín đồ thật của Đấng Christ. Tuy nhiên, sự quan tâm đến sức khỏe thể chất của người khác cũng quan trọng không kém. Họ thường cung cấp vật chất cho các anh em bị khó khăn. Tình yêu thương anh em đã thúc đẩy các tín đồ Đấng Christ giúp đỡ anh em đồng đạo trong cơn túng ngặt.—Giăng 13:34, 35.

Tình yêu thương đối với anh chị em thiêng liêng đã thúc đẩy sứ đồ Phao-lô tổ chức quyên góp trong các hội thánh ở A-chai, Ga-la-ti, Ma-xê-đoan, và miền Tiểu Á. Tại sao cần quyên góp? Chương trình cứu trợ đã được tổ chức như thế nào và đã được hưởng ứng ra sao? Và tại sao chúng ta lại phải quan tâm đến những gì đã xảy ra?

Tình trạng của hội thánh ở Giê-ru-sa-lem

Sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, người Do Thái và những người mới vào đạo tại Lễ Ngũ Tuần vốn đến từ các nơi khác đã nán lại thêm một thời gian ở Giê-ru-sa-lem để học thêm về đức tin thật. Vì thế khi cần thiết, các anh em đồng đạo đã vui vẻ giúp đỡ để chia sẻ gánh nặng. (Công-vụ 2:7-11, 41-44; 4:32-37) Các anh em càng cần được giúp đỡ hơn nữa vì tình trạng bất ổn trong dân chúng do những người Do Thái yêu nước mưu toan nổi loạn và xúi dân bạo động. Tuy nhiên, để không ai trong những người theo Đấng Christ phải bị đói, các anh em đã phân phát các thức cần dùng hàng ngày cho các bà góa nghèo túng. (Công-vụ 6:1-6) Hê-rốt bắt bớ hội thánh dữ dội và vào giữa thập niên 40 CN, nạn đói hoành hành ở xứ Giu-đê. Đối với môn đồ của Chúa Giê-su, tất cả những tình trạng này có thể đã dẫn đến điều mà Phao-lô gọi là “những sự đau-đớn”, “gian-nan”, và “của-cải [họ] bị cướp”.—Hê-bơ-rơ 10:32-34; Công-vụ 11:27–12:1.

Khoảng năm 49 CN, tình hình vẫn còn nghiêm trọng. Do đó, sau khi đồng ý là Phao-lô sẽ tập trung vào việc rao giảng cho Dân Ngoại, Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đã dặn dò ông phải “nhớ đến kẻ nghèo-nàn”. Phao-lô đã cố gắng thực hiện điều này.—Ga-la-ti 2:7-10.

Tổ chức quyên góp

Phao-lô đã quản lý một quỹ dành cho các tín đồ nghèo ở Giu-đê. Khoảng năm 55 CN, ông bảo người Cô-rinh-tô: “Về việc góp tiền cho thánh-đồ, thì anh em cũng hãy theo như tôi đã định-liệu cho các Hội-thánh xứ Ga-la-ti. Cứ ngày đầu tuần-lễ, mỗi một người trong anh em khá tùy sức mình chắt-lót được bao nhiêu thì để dành tại nhà mình... [Rồi] tôi sẽ sai những kẻ mà anh em đã chọn cầm thơ tôi đi, đặng đem tiền bố-thí của anh em đến thành Giê-ru-sa-lem”. (1 Cô-rinh-tô 16:1-3) Năm sau đó Phao-lô cho biết hội thánh Ma-xê-đoan và A-chai cũng đã đóng góp. Khi tiền quyên góp được gửi về Giê-ru-sa-lem, sự hiện diện của những người được phái đến từ miền Tiểu Á dường như cho thấy là các hội thánh ở đó cũng đã đóng góp.—Công-vụ 20:4; 2 Cô-rinh-tô 8:1-4; 9:1, 2.

Không ai bị buộc phải đóng góp quá khả năng. Đúng hơn, đây là vấn đề san sẻ cho đồng đều để phần dư thừa có thể bù đắp cho khoản thiếu hụt trong vòng các thánh đồ ở Giê-ru-sa-lem và Giu-đê. (2 Cô-rinh-tô 8:13-15) Phao-lô nói: “Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn-nàn hay là vì ép-uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng của cách vui lòng”.—2 Cô-rinh-tô 9:7.

Phao-lô đã giúp người Cô-rinh-tô hiểu lý do chính đáng để tỏ lòng rộng rãi. Chúa Giê-su đã ‘vì họ mà tự làm nên nghèo, hầu cho họ được nên giàu’ về thiêng liêng. (2 Cô-rinh-tô 8:9) Hẳn là họ muốn bắt chước tinh thần ban cho của ngài. Hơn nữa, vì Đức Chúa Trời đã làm họ nên giàu cho “mọi cách bố-thí”, nên điều thích hợp là họ giúp cung cấp những thứ cần dùng cho các thánh đồ.—2 Cô-rinh-tô 9:10-12.

Thái độ của những người đóng góp

Chúng ta có thể học nhiều về sự ban cho tự nguyện bằng cách xem xét thái độ của những người đóng góp cho chương trình cứu trợ các thánh đồ ở thế kỷ thứ nhất. Sự quyên góp không chỉ thể hiện sự quan tâm đối với những anh em nghèo thờ phượng Đức Giê-hô-va. Nó còn cho thấy tình anh em gắn bó tín đồ Đấng Christ gốc Do Thái và anh em gốc Dân Ngoại. Ban cho và nhận lãnh những sự đóng góp thể hiện sự hợp nhất và tình bạn giữa những người Dân Ngoại và người Do Thái. Họ cùng chia sẻ về vật chất lẫn thiêng liêng.—Rô-ma 15:26, 27.

Có thể ban đầu Phao-lô đã không kêu gọi những tín đồ Đấng Christ ở Ma-xê-đoan đóng góp vì chính họ cũng quá nghèo khổ. Thế nhưng, họ đã ‘nài xin cho có phần vào sự giùm-giúp’. Vâng, mặc dù đang chịu “nhiều hoạn-nạn thử-thách”, nhưng họ đã vui mừng đóng góp “quá sức nữa”! (2 Cô-rinh-tô 8:1-4) Thử thách lớn họ phải chịu dường như bao gồm những lời kết tội họ là đang thực hành một tôn giáo bất hợp pháp dưới mắt người Rô-ma. Do đó chúng ta hiểu tại sao họ có sự đồng cảm với các anh em ở Giu-đê đang chịu những khốn khó tương tự.—Công-vụ 16:20, 21; 17:5-9; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:14.

Mặc dù Phao-lô đã dùng sự sốt sắng ban đầu của người Cô-rinh-tô trong việc quyên góp để khuyến khích anh em ở Ma-xê-đoan, nhưng sự nhiệt tình của họ đã giảm dần. Giờ thì Phao-lô nêu ra gương mẫu về lòng rộng rãi của anh em ở Ma-xê-đoan để thúc đẩy anh em ở Cô-rinh-tô. Ông thấy cần phải nhắc nhở họ đã đến lúc kết thúc công việc mà họ khởi sự năm trước. Điều gì đã xảy ra?—2 Cô-rinh-tô 8:10, 11; 9:1-5.

Tít đã khởi xướng việc quyên góp ở Cô-rinh-tô, nhưng những vấn đề nẩy sinh rất có thể đã phá hỏng các nỗ lực của ông. Sau khi bàn bạc với Phao-lô ở Ma-xê-đoan, Tít đã trở về cùng với hai người khác để củng cố hội thánh ở Cô-rinh-tô và hoàn tất việc quyên góp. Một số người có thể ám chỉ Phao-lô định lợi dụng anh em ở Cô-rinh-tô. Có lẽ đây là lý do tại sao ông đã phái ba người nam đến làm nốt việc quyên góp và nhắn nhủ từng người một trong họ. Phao-lô nói: “Chúng tôi nhờ đó tránh khỏi tiếng trách móc về sự dùng tiền góp nhiều như vậy; vì chúng tôi tìm-tòi điều lành, chẳng những ở trước mặt Chúa, mà cũng ở trước mặt người ta nữa”.—2 Cô-rinh-tô 8:6, 18-23; 12:18.

Giao lại của đóng góp

Đến mùa xuân năm 56 CN, tiền quyên góp đã được chuẩn bị sẵn để đưa về Giê-ru-sa-lem. Phao-lô sẽ đi cùng những người do các người đóng góp chọn. Công-vụ 20:4 viết: “Sô-ba-tê, con Bi-ru, quê thành Bê-rê, cùng đi với người, lại có A-ri-tạc và Sê-cun-đu quê thành Tê-sa-lô-ni-ca, Gai-út quê thành Đẹt-bơ và Ti-mô-thê; Ti-chi-cơ và Trô-phim đều quê ở cõi A-si”. Sự kiện cho thấy Lu-ca cũng có mặt trong số họ và có lẽ ông đại diện cho tín đồ thành Phi-líp. Vậy là có ít nhất chín người được phái đi.

Học giả Dieter Georgi nói: “Tổng số tiền quyên được phải là nhiều lắm, vì nếu không thì chẳng đáng cho Phao-lô và bao nhiêu người được phái đi phải chịu khó khăn và tốn kém”. Những người được sai đi không chỉ nhằm bảo đảm an toàn, mà còn để tránh tiếng không ngay thật cho Phao-lô. Những người này đại diện cho các hội thánh Dân Ngoại trước các thánh đồ ở Giê-ru-sa-lem.

Lẽ ra nếu đi tàu từ Cô-rinh-tô đến Sy-ri, đoàn đại biểu đã phải đến Giê-ru-sa-lem vào Lễ Vượt Qua. Thế nhưng, do có kẻ âm mưu giết Phao-lô nên kế hoạch đã phải thay đổi. (Công-vụ 20:3) Có thể các kẻ thù đã định giết Phao-lô trên biển.

Phao-lô có những mối lo khác. Trước khi ra đi, ông có viết cho các tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma, xin họ cầu nguyện cho ông được ‘thoát khỏi những người chẳng tin trong xứ Giu-đê, và của làm phước mà ông đem qua thành Giê-ru-sa-lem sẽ được các thánh-đồ vui lòng nhậm lấy’. (Rô-ma 15:30, 31) Mặc dù các thánh đồ chắc chắn sẽ rất biết ơn nhận lấy các của đóng góp, nhưng Phao-lô có thể đã lo rằng việc ông đến nơi sẽ gây rắc rối trong vòng những người Do Thái nói chung.

Sứ đồ Phao-lô hẳn nhớ đến những người nghèo. Kinh Thánh không cho biết khi nào các của đóng góp đã được giao đến nơi, nhưng việc phân phát này đã củng cố sự hợp nhất và giúp các tín đồ Đấng Christ Dân Ngoại bày tỏ lòng biết ơn đối với các anh em đồng đạo người Giu-đê về của cải thiêng liêng của họ giúp cho. Không bao lâu sau khi đến Giê-ru-sa-lem, sự xuất hiện của Phao-lô ở đền thờ đã gây nên một cuộc bạo loạn và khiến ông bị bắt. Nhưng điều này sau cùng đã cho ông cơ hội làm chứng cho các quan tổng đốc và các vua.—Công-vụ 9:15; 21:17-36; 23:11; 24:1–26:32.

Các phần đóng góp thời nay

Từ thế kỷ thứ nhất đến nay đã có nhiều thay đổi ngoại trừ các nguyên tắc căn bản. Các tín đồ Đấng Christ được thông báo đúng đắn các nhu cầu tài chính. Mọi sự đóng góp cho những người gặp khó khăn đều là tự nguyện, thúc đẩy bởi tình yêu thương Đức Chúa Trời và người đồng loại.—Mác 12:28-31.

Các biện pháp cứu trợ nhằm giúp các thánh đồ ở thế kỷ thứ nhất cho thấy việc quản lý các của đóng góp phải được tổ chức khéo léo và xử lý hết sức ngay thật. Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va hiểu rõ các nhu cầu, và cung cấp những thứ cần dùng cho các tôi tớ Ngài, để họ có thể chia sẻ tin mừng về Nước Trời với người khác bất chấp mọi khó khăn. (Ma-thi-ơ 6:25-34) Thế nhưng mọi người chúng ta đều có thể đóng góp tùy hoàn cảnh kinh tế. Như thế, “kẻ đã thâu nhiều cũng chẳng dư, kẻ thâu ít cũng chẳng thiếu chi”.—2 Cô-rinh-tô 8:15.