“Đạo Đức Chúa Trời tấn tới rất nhiều”
“Đạo Đức Chúa Trời tấn tới rất nhiều”
“Ngài ra lịnh mình trên đất, Lời của Ngài chạy rất mau”.—THI-THIÊN 147:15.
1, 2. Chúa Giê-su đã giao nhiệm vụ nào cho các môn đồ, và việc này bao gồm điều gì?
NƠI Công-vụ 1:8 ghi lại một trong những lời tiên tri Kinh Thánh đáng kinh ngạc nhất. Ít lâu trước khi lên trời, Chúa Giê-su nói với những môn đồ trung thành: “Khi Đức Thánh-Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền-phép, và làm chứng về ta... cho đến cùng trái đất”. Thật là một công việc lớn lao thay!
2 Đối với nhóm nhỏ các môn đồ, đảm nhiệm việc công bố đạo Đức Chúa Trời trên khắp đất hẳn là một nhiệm vụ vô cùng cam go. Hãy thử tìm hiểu nhiệm vụ đó. Họ phải giúp người ta hiểu biết tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 24:14) Làm chứng về Chúa Giê-su cũng đòi hỏi phải chia sẻ những dạy dỗ đầy quyền lực và giải thích vai trò của ngài trong ý định của Đức Giê-hô-va cho người khác biết. Ngoài ra, việc đào tạo môn đồ và làm báp têm cho họ phải được thực hiện trên khắp đất!—Ma-thi-ơ 28:19, 20.
3. Chúa Giê-su cam đoan gì với các môn đồ, và họ đáp ứng thế nào đối với công việc được giao?
3 Tuy nhiên, Chúa Giê-su cam đoan thánh linh sẽ ở cùng các môn đồ khi họ thi hành công việc ngài giao. Vì vậy, các môn đồ thời ban đầu của Chúa Giê-su đã hoàn thành công việc ngài chỉ đạo bất kể quy mô rộng lớn của nhiệm vụ được giao phó và các nỗ lực hung bạo và liên tục của những kẻ chống đối nhằm ngăn trở họ. Không ai có thể phủ nhận sự kiện lịch sử này.
4. Qua mệnh lệnh rao giảng và dạy dỗ người khác, Đức Chúa Trời đã thể hiện tình yêu thương của Ngài như thế nào?
4 Chiến dịch rao giảng và dạy dỗ trên khắp đất thể hiện tình yêu thương của Đức Chúa Trời cho những ai chưa biết Ngài, tạo cơ hội cho họ đến gần Đức Giê-hô-va và được tha tội. (Công-vụ 26:18) Nhiệm vụ rao giảng và dạy dỗ cũng cho thấy tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với những người mang thông điệp, qua đó họ biểu lộ sự tận tụy đối với Đức Giê-hô-va và thể hiện tình yêu thương với người đồng loại. (Ma-thi-ơ 22:37-39) Sứ đồ Phao-lô quý trọng thánh chức tín đồ Đấng Christ, xem đó như “của quí”.—2 Cô-rinh-tô 4:7.
5. (a) Lời tường thuật đáng tin cậy nhất về tín đồ Đấng Christ thời ban đầu được tìm thấy ở đâu, và miêu tả sự phát triển nào? (b) Tại sao sách Công-vụ có ý nghĩa đối với những tôi tớ của Đức Chúa Trời ngày nay?
5 Lời tường thuật đáng tin cậy nhất về hoạt động rao giảng của tín đồ Đấng Christ thời ban đầu được môn đồ Lu-ca ghi lại nơi sách Công-vụ được soi dẫn. Đó là lời tường thuật về một sự phát triển nhanh và đáng kinh ngạc. Phổ biến sự hiểu biết về đạo Đức Chúa Trời nhắc chúng ta nhớ đến Thi-thiên 147:15, nói rằng: “[Đức Giê-hô-va] ra lịnh mình trên đất, Lời của Ngài chạy rất mau”. Đối với chúng ta ngày nay, sự tường thuật về việc tín đồ Đấng Christ thời ban đầu được thánh linh thêm sức thật vô cùng khích lệ và ý nghĩa. Giống như họ, Nhân Chứng Giê-hô-va tham gia vào việc rao giảng và đào tạo môn đồ, chỉ khác là trên phạm vi rộng lớn hơn. Như các tín đồ đấng Christ thời ban đầu, ngày nay chúng ta cũng phải đương đầu với những vấn đề tương tự. Xem xét cách Đức Giê-hô-va ban ân phước và sức mạnh giúp tín đồ Đấng Christ thời ban đầu sẽ củng cố đức tin của chúng ta nơi sự trợ giúp của Ngài.
Số môn đồ gia tăng
6. Câu nào nói về sự phát triển đã được lặp lại ba lần trong sách Công-vụ, và câu ấy ám chỉ điều gì?
6 Việc xem xét câu “đạo Đức Chúa Trời tấn-tới rất nhiều” sẽ giúp chúng ta hiểu sự ứng nghiệm của Công-vụ 1:8. Câu này được dịch từ cụm từ Hy Lạp được lặp lại chỉ ba lần trong Kinh Thánh nơi sách Công-vụ, mỗi lần hơi khác một chút. (Công-vụ 6:7; 12:24; 19:20) “Đạo” hay “đạo Đức Chúa Trời” trong những đoạn này ám chỉ tin mừng—một thông điệp hào hứng về lẽ thật Đức Chúa Trời, sống động và mạnh mẽ, có khả năng thay đổi đời sống của những người chấp nhận thông điệp đó.—Hê-bơ-rơ 4:12.
7. Đạo Đức Chúa Trời phát triển đi liền với điều gì ghi nơi Công-vụ 6:7, và sự kiện nào đã xảy ra vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN?
7 Sự phát triển đạo Đức Chúa Trời lần đầu tiên được nhắc đến nơi Công-vụ 6:7 cho thấy: “Đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra, số môn-đồ tại thành Giê-ru-sa-lem thêm lên nhiều lắm. Cũng có rất nhiều thầy tế-lễ vâng-theo đạo nữa”. Ở đây, sự phát triển đi liền với sự gia tăng môn đồ. Trước đó, vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, Đức Chúa Trời đổ thánh linh trên khoảng 120 môn đồ tụ họp trong một phòng cao. Ngay trong ngày ấy, sau bài giảng hùng hồn của sứ đồ Phi-e-rơ, khoảng 3.000 người trong số những người nghe đã trở thành môn đồ. Quả là một sự kiện chấn động khi hàng ngàn người đổ xô đến các ao bên trong hoặc xung quanh thành Giê-ru-sa-lem để làm báp têm nhân danh Chúa Giê-su, người mà 50 ngày trước đó bị đóng đinh như một phạm nhân!—Công-vụ 2:41.
8. Trong những năm kế tiếp Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, số môn đồ gia tăng thế nào?
8 Dĩ nhiên, đó chỉ là sự khởi đầu. Các nhà lãnh đạo tôn giáo người Do Thái đã hoài công tìm cách làm ngưng trệ mọi hoạt động rao giảng. “Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội-thánh”, gây tức tối thêm cho các nhà lãnh đạo. (Công-vụ 2:47) Chẳng bao lâu “số tín-đồ lên đến độ năm ngàn”. Sau đó, “số những người tin Chúa càng ngày càng thêm lên, nam nữ đều đông lắm”. (Công-vụ 4:4; 5:14) Một thời gian sau, chúng ta đọc: “Ấy vậy, Hội-thánh trong cả xứ Giu-đê, xứ Ga-li-lê và xứ Sa-ma-ri được hưởng sự bình-an, gây-dựng và đi trong đường kính-sợ Chúa, lại nhờ Đức Thánh-Linh vùa-giúp, thì số của hội được thêm lên”. (Công-vụ 9:31) Nhiều năm sau, có lẽ khoảng năm 58 CN, Kinh Thánh nhắc đến “mấy vạn người... đã tin”. (Công-vụ 21:20) Lúc đó cũng có thêm nhiều người ngoại tin đạo nữa.
9. Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu được miêu tả thế nào?
9 Do sự cải đạo của nhiều người, số môn đồ tăng nhanh. Đạo tuy mới—nhưng rất năng động. Khác xa những thành viên thụ động của nhà thờ, đối với Đức Giê-hô-va và Lời Ngài, các môn đồ luôn tỏ ra tận tụy, đôi khi học lẽ thật từ những người bị ngược đãi dã man. (Công-vụ 16:23, 26-33) Sau khi sáng suốt quyết định, những người chấp nhận đạo thật Đấng Christ đã cải đạo. (Rô-ma 12:1) Họ được dạy dỗ theo đường lối Đức Chúa Trời; lẽ thật ở trong trí và lòng của họ. (Hê-bơ-rơ 8:10, 11) Vì tín ngưỡng, họ sẵn lòng chịu chết.—Công-vụ 7:51-60.
10. Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu nhận nhiệm vụ gì, và ngày nay chúng ta thấy có sự tương đồng nào?
10 Những người chấp nhận sự dạy dỗ của đạo Đấng Christ ý thức được trách nhiệm chia sẻ lẽ thật với người khác. Việc này trực tiếp góp phần gia tăng số lượng môn đồ. Một học giả Kinh Thánh nói: “Việc truyền bá đạo không được xem là độc quyền của những người rất sốt sắng, hoặc của những nhà truyền giáo được bổ nhiệm. Truyền bá Phúc Âm là một đặc quyền và là trách nhiệm của mỗi thành viên giáo hội... Ngay từ đầu, cả cộng đồng tín đồ Đấng Christ tự động rao giảng cho người khác, nhờ vậy đạo Đấng Christ đã được đẩy mạnh”. Ông nói thêm: “Việc truyền bá Phúc Âm là huyết mạch của đạo Đấng Christ thời ban đầu”. Điều này cũng đúng đối với những tín đồ thật của Đấng Christ ngày nay.
Mở rộng địa bàn hoạt động
11. Sự phát triển nào được nói đến nơi Công-vụ 12:24 , và đã diễn tiến ra sao?
11 Sự phát triển đạo Đức Chúa Trời được nhắc đến lần thứ nhì nơi Công-vụ 12:24: “Đạo Đức Chúa Trời tấn-tới rất nhiều, càng ngày càng tràn thêm ra”. Câu này gắn liền với việc mở rộng địa bàn hoạt động rao giảng. Bất chấp sự chống đối của nhà cầm quyền, công việc tiếp tục hưng thịnh. Tại Giê-ru-sa-lem, lần đầu tiên Đức Chúa Trời đổ thánh linh xuống và từ đó đạo nhanh chóng phát triển. Việc bắt bớ xảy ra trong thành Giê-ru-sa-lem làm các môn đồ tan lạc qua miền Giu-đê và xứ Sa-ma-ri. Kết quả ra sao? “Những kẻ đã bị tan-lạc đi từ nơi nầy đến nơi khác, truyền giảng đạo Tin-lành”. (Công-vụ 8:1, 4) Phi-líp được hướng dẫn đến làm chứng cho một người, sau khi làm báp têm người đó mang tin mừng về xứ Ê-thi-ô-bi. (Công-vụ 8:26-28, 38, 39) Lẽ thật nhanh chóng bén rễ ở Ly-đa, đồng bằng Sa-rôn và Giốp-bê. (Công-vụ 9:35, 42) Sau đó, sứ đồ Phao-lô vượt hàng ngàn kilômét đường thủy và đường bộ để thành lập hội thánh trong nhiều xứ ven Địa Trung Hải. Sứ đồ Phi-e-rơ đi Ba-by-lôn. (1 Phi-e-rơ 5:13) Trong vòng 30 năm sau ngày Đức Chúa Trời đổ thánh linh xuống vào Lễ Ngũ Tuần, Phao-lô viết rằng tin mừng đã được “giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời”, có lẽ ông muốn nói đến phần đất được biết đến thời bấy giờ.—Cô-lô-se 1:23.
12. Những người chống đối đạo Đấng Christ đã phải thừa nhận sự bành trướng địa bàn hoạt động của đạo Đức Chúa Trời như thế nào?
12 Ngay cả những kẻ chống đối đạo Đấng Christ cũng phải thừa nhận đạo Đức Chúa Trời Công-vụ 17:6 kể lại tại thành Tê-sa-lô-ni-ca, phía bắc Hy Lạp, những kẻ chống đối la lên: “Kìa những tên nầy đã gây thiên-hạ nên loạn-lạc, nay có đây”. Hơn nữa, vào đầu thế kỷ thứ hai, Pliny the Younger từ Bithynia viết thư cho Hoàng Đế La Mã Trajan than phiền về đạo Đấng Christ: “Đạo này không chỉ hạn chế trong các thành mà sự độc hại của nó còn lan rộng qua nhiều xứ và làng phụ cận”.
đã bén rễ khắp Đế Quốc La Mã. Thí dụ,13. Việc mở rộng địa bàn hoạt động đã phản ánh lòng yêu thương của Đức Chúa Trời đối với loài người như thế nào?
13 Việc mở rộng địa bàn hoạt động biểu lộ tình yêu thương sâu đậm của Đức Giê-hô-va đối với loài người được chuộc. Khi thấy người ngoại Cọt-nây được ban cho thánh linh Đức Chúa Trời, Phi-e-rơ nói: “Quả thật, ta biết Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”. (Công-vụ 10:34, 35) Thật vậy, tin mừng đã và vẫn là thông điệp dành cho mọi người ở khắp nơi, và việc đạo Đức Chúa Trời mở rộng địa bàn hoạt động tạo cơ hội để họ đáp ứng tình yêu của Ngài. Trong thế kỷ 21 này, đạo Đức Chúa Trời đã lan rộng khắp đất theo nghĩa đen.
Đạo đồn ra ngày càng được thắng
14. Công-vụ 19:20 miêu tả sự phát triển nào, và đạo Đức Chúa Trời chiến thắng điều gì?
14 Sự phát triển đạo Đức Chúa Trời được đề cập đến lần thứ ba nơi Công-vụ 19:20: “Nhờ quyền-phép của Chúa, đạo bèn đồn ra, càng ngày càng được thắng”. Từ Hy Lạp nguyên thủy dịch “thắng” hàm chứa ý “đầy quyền lực”. Những câu trước kể lại nhiều người trong thành Ê-phê-sô tin đạo, và số người thực hành ma thuật đã công khai đốt sách vở của họ trước mặt mọi người. Như vậy, đạo Đức Chúa Trời thắng thế hơn tín ngưỡng sai lầm. Tin mừng cũng thắng những trở ngại khác, như sự ngược đãi. Không gì có thể ngăn chặn được tin mừng. Sự kiện này một lần nữa cho thấy rõ ràng tình trạng tương tự trong đạo thật của Đấng Christ thời nay.
15. (a) Một sử gia Kinh Thánh đã viết gì về tín đồ Đấng Christ thời ban đầu? (b) Các môn đồ quy công trạng về sự thành công của họ cho ai?
15 Các sứ đồ và những tín đồ khác của Đấng Christ thời ban đầu sốt sắng rao truyền đạo Đức Chúa Trời. Một sử gia Kinh Thánh đã nhận xét: “Khi có ý định nói về Chúa của họ, họ tìm đủ mọi cách để thực hiện điều đó. Quả thực, chính động cơ thúc đẩy, chứ không phải là phương pháp làm việc của những người đàn ông và đàn bà này, đã gây ấn tượng nơi chúng ta”. Tuy nhiên, những tín đồ Đấng Christ thời ban đầu ý thức rằng sự thành công trong thánh chức không tùy vào nỗ lực riêng của họ. Họ phải thi hành nhiệm vụ do Đức Chúa Trời giao phó và được Ngài hỗ trợ để hoàn thành nhiệm vụ đó. Sự phát triển về phương diện thiêng liêng đến từ Đức Chúa Trời. Trong lá thư gửi hội thánh ở thành Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô thừa nhận điều này. Ông viết: “Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên. Vả, chúng 1 Cô-rinh-tô 3:6, 9.
tôi là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời”.—Thánh linh Đức Chúa Trời hoạt động
16. Điều gì cho thấy thánh linh Đức Chúa Trời đã giúp sức cho các môn đồ nói năng dạn dĩ?
16 Hãy nhớ lại lời cam đoan của Chúa Giê-su với các môn đồ rằng thánh linh sẽ đóng vai trò trong việc phát triển đạo Đức Chúa Trời và sẽ thêm sức cho các môn đồ trong hoạt động rao giảng. (Công-vụ 1:8) Việc này xảy ra như thế nào? Chẳng bao lâu sau khi Đức Chúa Trời đổ thánh linh trên các môn đồ vào Lễ Ngũ Tuần, Phi-e-rơ và Giăng đã bị gọi đến trước Tòa Công Luận Do Thái, tòa án tối cao trong xứ, gồm những quan án chịu trách nhiệm về việc hành hình Chúa Giê-su Christ. Các sứ đồ có run sợ trước hội đồng uy nghi và thù địch này không? Không! Thánh linh đã giúp sức cho Phi-e-rơ và Giăng nói năng dạn dĩ khiến kẻ thù của họ phải lấy làm lạ, và “nhận-biết hai người từng ở với Đức Chúa Jêsus”. (Công-vụ 4:8, 13) Thánh linh cũng giúp Ê-tiên làm chứng dạn dĩ trước Tòa Công Luận. (Công-vụ 6:12; 7:55, 56) Trước đó, thánh linh đã thúc đẩy các môn đồ dạn dĩ rao giảng. Lu-ca tường thuật: “Khi đã cầu-nguyện, thì nơi nhóm lại rúng-động; ai nấy đều được đầy-dẫy Đức Thánh-Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn-dĩ”.—Công-vụ 4:31.
17. Thánh linh Đức Chúa Trời giúp đỡ các môn đồ trong thánh chức bằng những cách nào khác?
17 Đức Giê-hô-va cùng với Chúa Giê-su phục sinh chỉ đạo hoạt động rao giảng qua thánh linh mạnh mẽ của Ngài. (Giăng 14:28; 15:26) Khi thánh linh đổ trên Cọt-nây, bà con và bạn thiết của ông, sứ đồ Phi-e-rơ ý thức rằng dân ngoại không chịu phép cắt bì có đủ tiêu chuẩn để làm báp têm nhân danh Chúa Giê-su Christ. (Công-vụ 10:24, 44-48) Sau đó, thánh linh đóng vai trò chủ yếu trong việc bổ nhiệm Ba-na-ba và Sau-lơ (sứ đồ Phao-lô) làm giáo sĩ và chỉ đạo nơi nào họ nên đến, nơi nào không. (Công-vụ 13:2, 4; 16:6, 7) Thánh linh hướng dẫn quyết định của các sứ đồ và trưởng lão tại thành Giê-ru-sa-lem. (Công-vụ 15:23, 28, 29) Thánh linh cũng hướng dẫn việc bổ nhiệm các giám thị trong hội thánh tín đồ Đấng Christ.—Công-vụ 20:28.
18. Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu thể hiện tình yêu thương như thế nào?
18 Ngoài ra, thánh linh Đức Chúa Trời biểu thị quyền năng nơi các tín đồ Đấng Christ, làm nảy sinh những đức tính của Đức Chúa Trời, như tình yêu thương chẳng hạn. (Ga-la-ti 5:22, 23) Tình yêu thương thúc đẩy các môn đồ chia sẻ lẫn nhau. Thí dụ, sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, một công quỹ được lập để đáp ứng nhu cầu vật chất cho các môn đồ trong thành Giê-ru-sa-lem. Kinh Thánh tường thuật: “Vì trong tín-đồ không ai thiếu-thốn cả, bởi những người có ruộng hay nhà, đều bán đi, bán được bao nhiêu tiền cũng đem đến đặt dưới chân các sứ-đồ; rồi tùy theo sự cần-dùng của mỗi người mà phát cho”. (Công-vụ 4:34, 35) Tình yêu thương này không những thể hiện đối với những người cùng đức tin mà còn đối với nhiều người khác qua việc chia sẻ tin mừng và cách cư xử tử tế. (Công-vụ 28:8, 9) Chúa Giê-su bảo các môn đồ ngài sẽ được nhận biết nhờ tình yêu thương vị tha. (Giăng 13:34, 35) Rõ ràng, trong thế kỷ thứ nhất cũng như ngày nay tình yêu thương là đức tính trọng yếu thu hút người ta đến gần Đức Chúa Trời và góp phần xây dựng sự phát triển đạo.—Ma-thi-ơ 5:14, 16.
19. (a) Trong thế kỷ thứ nhất đạo của Đức Giê-hô-va phát triển theo ba hình thức nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét gì trong bài tới?
19 Từ Hy Lạp nguyên thủy được dịch là “thánh linh” xuất hiện tổng cộng 41 lần trong sách Công-vụ. Hiển nhiên, sự phát triển của đạo thật Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất gắn chặt với quyền năng và sự hướng dẫn của thánh linh. Môn đồ ngày càng gia tăng, đạo Đức Chúa Trời được truyền bá rộng rãi và thắng thế hơn các tôn giáo và triết lý vào thời đó. Sự phát triển của đạo vào thế kỷ thứ nhất tương tự công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay. Trong bài tới chúng ta sẽ xem xét một sự phát triển khác không kém phần sâu sắc của đạo Đức Chúa Trời thời hiện đại.
Bạn còn nhớ không?
• Môn đồ thời ban đầu đã ngày càng gia tăng như thế nào?
• Địa bàn hoạt động của đạo Đức Chúa Trời được mở rộng theo cách nào?
• Trong thế kỷ thứ nhất, đạo Đức Chúa Trời thắng thế ra sao?
• Thánh linh đóng vai trò gì trong việc phát triển đạo Đức Chúa Trời?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 12]
Phi-líp rao giảng cho người Ê-thi-ô-bi, mở rộng địa bàn loan truyền tin mừng
[Hình nơi trang 13]
Thánh linh chỉ đạo các sứ đồ và trưởng lão trong thành Giê-ru-sa-lem
[Nguồn tư liệu nơi trang 10]
Góc phải, trên: Reproduction of the City of Jerusalem at the time of the Second Temple - located on the grounds of the Holyland Hotel, Jerusalem