Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có cảm thấy bị hiểu lầm không?

Bạn có cảm thấy bị hiểu lầm không?

Bạn có cảm thấy bị hiểu lầm không?

ANTONIO cảm thấy bối rối. Bạn thân Leonardo bỗng dưng đâm ra lạnh nhạt với anh mà không rõ nguyên do. * Vào những dịp khác nhau, khi Antonio ngỏ lời chào, bạn ấy có vẻ không nghe thấy gì, và khi ở bên nhau thì dường như có một khoảng cách giữa họ. Anh Antonio bắt đầu nghĩ rằng mình đã nói hoặc làm điều gì khiến Leonardo hiểu lầm. Nhưng điều gì?

Việc hiểu lầm nhau thường xảy ra. Nhiều khi chỉ là sự hiểu lầm nhỏ nhặt dễ sửa chữa. Nhưng cũng có lúc nó rất phiền phức, đặc biệt khi sự hiểu lầm cứ dai dẳng bất kể những nỗ lực để xóa bỏ. Vì sao lại có sự hiểu lầm? Nó ảnh hưởng thế nào đến người trong cuộc? Bạn có thể làm gì khi bị người khác hiểu lầm? Nói cho cùng, cảm nghĩ của người khác về bạn có thật sự quan trọng lắm không?

Một hiện thực không thể tránh

Vì lẽ người khác không thể đọc được tư tưởng và ý nghĩ của chúng ta, nên chẳng sớm thì muộn sẽ có ai đó hiểu sai lời nói hoặc hành động của chúng ta. Có lắm việc để người ta hiểu lầm nhau. Đôi khi, vấn đề chẳng qua chỉ là diễn đạt thiếu minh bạch. Hoặc chung quanh chúng ta có tiếng ồn ào và những yếu tố khác khiến người khác khó tập trung hoàn toàn sự chú ý đến những gì chúng ta nói.

Một số cá tính và cử chỉ cũng dễ bị hiểu lầm. Chẳng hạn, một người nhút nhát có thể bị xem là lạnh lùng, lãnh đạm hoặc tự phụ. Những gì một người từng trải qua trong quá khứ có thể khiến người đó phản ứng theo cảm xúc thay vì theo lý trí trước một số tình huống. Vì văn hóa và ngôn ngữ bất đồng nên không phải đương nhiên mà người ta hiểu nhau. Còn phải nói đến việc thuật lại sai và thày lay, vậy chẳng lạ gì nếu đôi khi lời nói hoặc hành động của chúng ta bị hiểu khác với ý ban đầu của chúng ta. Dĩ nhiên, am hiểu tất cả những điều này chỉ an ủi được chút ít những ai cảm thấy đã bị người khác hiểu sai.

Thí dụ, chị Anna có lần đã nói về một người bạn đang vắng mặt rằng chị ấy được nhiều người thích. Tuy lời ấy không hàm ý trách móc nhưng đã bị người khác lặp lại không đúng cách, và rồi chị Anna hết sức kinh ngạc và chưng hửng khi trước mặt nhiều người chị bị người bạn ấy giận dữ vu oan rằng chị ghen tị chỉ vì bạn ấy được một bạn trai nào đó chú ý. Lời nói của chị Anna đã bị hiểu sai hoàn toàn, và dù cố phân trần là không có ác ý gì cả, nhưng vẫn vô hiệu. Tình huống đó đã gây nhiều phiền toái và phải mất nhiều thời gian sau chị Anna mới hoàn toàn cải chính được sự hiểu lầm.

Cách người khác nhận xét bạn thường tùy thuộc khái niệm họ có về ý bạn. Vậy, nếu như bạn cảm thấy buồn khi động lực của bạn bị người khác hiểu sai cũng chỉ là điều tự nhiên mà thôi. Có lẽ bạn bực tức, nghĩ rằng không ai có lý do gì để hiểu lầm bạn cả. Đối với bạn, việc nhận xét kiểu ấy là đầy định kiến, gắt gao hoặc hoàn toàn sai trái, và khiến bạn đau lòng lắm—đặc biệt nếu trước đây bạn thường xem trọng ý kiến của những người nay phê bình bạn một cách bất công.

Bạn có thể thấy khó chịu về cách người ta phê phán bạn, nhưng dù sao bạn cũng nên tôn trọng ý kiến của người khác. Tín đồ Đấng Christ không nên xem thường cảm nghĩ của người khác và chúng ta không bao giờ muốn những lời nói hoặc hành động của mình gây ảnh hưởng tai hại đối với họ. (Ma-thi-ơ 7:12; 1 Cô-rinh-tô 8:12) Vậy thỉnh thoảng có lẽ bạn cần phải cố gắng cải chính ý kiến lệch lạc của một người nào đó về bạn. Tuy nhiên, việc quá lo sao cho được người khác tán thành thì lại không tốt, ngược lại nó dẫn đến việc mất lòng tự trọng hoặc cảm giác bị ruồng bỏ. Suy cho cùng, chân giá trị của bạn không tùy thuộc vào cảm nghĩ của người khác.

Mặt khác, có lẽ bạn thừa nhận rằng người khác chỉ trích bạn một cách có căn cứ. Điều đó cũng có thể làm đau lòng đấy, nhưng nếu sẵn sàng và thành thật nhận ra khuyết điểm, bạn có thể biến những lời chỉ trích thành động lực tích cực thúc đẩy bạn đi đến những sự thay đổi cần thiết.

Hậu quả tiêu cực

Sự hiểu lầm có thể dẫn đến hậu quả trầm trọng hay không còn tùy ở cách xử trí. Chẳng hạn, nếu nghe một người nói oang oang trong một tiệm ăn, bạn có thể kết luận rằng hoặc đó là một người hướng ngoại, hoặc là một người thích phô trương. Bạn có thể sai đấy. Có lẽ người đó đang nói chuyện với một người bị lãng tai. Hoặc bạn thấy cô bán hàng dường như hơi khó chịu, nhưng biết đâu cô ấy cảm thấy không khỏe. Dù những sự hiểu lầm như thế gây ấn tượng tiêu cực, nhưng rất có thể sẽ không dẫn đến hậu quả trầm trọng hoặc lâu dài. Vậy mà đôi khi những sự hiểu lầm lại có thể dẫn đến đại họa. Ta hãy xem xét hai câu chuyện trong lịch sử Y-sơ-ra-ên xưa.

Khi vua Am-môn là Na-hách chết, Đa-vít phái sứ giả đi an ủi con trai ông là Ha-nun lên nối ngôi cha. Tuy nhiên, cuộc viếng thăm của các sứ giả đã bị hiểu sai là một cuộc do thám trá hình về đất đai người Am-môn, khiến Ha-nun làm nhục các sứ giả và rồi tuyên chiến với Y-sơ-ra-ên. Hậu quả là có ít nhất 47.000 người chết—tất cả chỉ vì một sự hiểu lầm ý tốt của người khác.—1 Sử-ký 19:1-19.

Trong buổi đầu lập quốc Y-sơ-ra-ên, một sự hiểu lầm khác đã xảy ra và được giải quyết một cách khác hẳn. Hai chi phái Ru-bên và Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se lập một bàn thờ lớn gần Sông Giô-đanh. Các chi phái khác của Y-sơ-ra-ên cho đó là một hành vi bất trung, một sự phản nghịch chống lại Đức Giê-hô-va. Do đó, họ kéo binh đến tấn công. Nhưng, trước khi làm lớn chuyện, họ phái sứ giả đến thông báo sự phẫn nộ của họ trước hành vi tưởng là bất trung kia. May là họ đã làm điều đó, vì sau đó mới vỡ lẽ là những người dựng bàn thờ không hề có ý xây khỏi sự thờ phượng thật. Trái lại, bàn thờ có công dụng làm chứng về sự trung thành của họ đối với Đức Giê-hô-va. Sự hiểu lầm ấy hẳn đã có thể dẫn đến sự xô xát đẫm máu, nhưng sự khôn ngoan đã giúp tránh khỏi hậu quả tàn khốc.—Giô-suê 22:10-34.

Làm sáng tỏ vấn đề trong tinh thần yêu thương

So sánh hai câu chuyện này thật là bổ ích. Hiển nhiên, làm sáng tỏ vấn đề là hành động khôn ngoan. Trong câu chuyện vừa thảo luận, biết bao nhiêu mạng người đã được cứu chỉ nhờ hai bên nói chuyện với nhau? Trong hầu hết các trường hợp, không đến nỗi phải mất mạng, nhưng mất bạn thì có, nếu không hiểu được rõ ý của một người nào. Vậy nếu có ai dường như xử sự không đúng với bạn, bạn có chắc đã hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao chưa, hay lại đi hiểu sai người ta? Người kia có động lực gì? Hãy hỏi thì biết. Phải chăng bạn cảm thấy bị hiểu lầm? Hãy nói về điều đó. Chớ để cho tính tự kiêu ngăn đường cản lối.

Chúa Giê-su đưa ra một lời khuyên bảo xuất sắc để giải quyết những vụ hiểu lầm: “Ấy vậy, nếu khi nào ngươi đem dâng của-lễ nơi bàn-thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của-lễ trước bàn-thờ, trở về giảng-hòa với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của-lễ”. (Ma-thi-ơ 5:23, 24) Vậy điều đúng nên làm là gặp riêng người trong cuộc, chứ đừng qua một người khác. Nếu bên có lỗi nghe lời than phiền của bạn qua miệng người khác thì không có lợi gì đâu. (Châm-ngôn 17:9) Bạn nên có mục tiêu làm hòa trong tinh thần yêu thương. Bằng những lời lẽ rõ ràng, giản dị và không lên án, hãy bình tĩnh đặt vấn đề. Giải thích cảm nghĩ của bạn về tình huống. Rồi hãy khách quan lắng nghe lời phân trần của bên kia. Chớ vội gán động lực xấu cho người kia. Chưa chắc người ta có ác ý, nên hãy tin tưởng họ. Nhớ rằng tình yêu thương “tin mọi sự”.—1 Cô-rinh-tô 13:7.

Dĩ nhiên, ngay cả sau khi làm sáng tỏ sự hiểu lầm rồi, vẫn còn có thể có sự tổn thương hoặc hậu quả tiêu cực dai dẳng. Ta có thể làm gì? Nếu cần, chắc chắn bên phạm lỗi nên thành thật xin lỗi rồi hành động thích hợp để dàn xếp ổn thỏa sự việc. Trong những tình huống như thế, bên bị xúc phạm nên nghe theo lời khuyên được soi dẫn: “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau: như Chúa đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy. Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu-thương, vì là dây liên-lạc của sự trọn-lành”.—Cô-lô-se 3:13, 14; 1 Phi-e-rơ 4:8.

Ngày nào chúng ta còn bất toàn, ngày ấy sẽ còn sự hiểu lầm và đau lòng. Ai cũng có thể lầm lỗi hoặc nói năng vô ý tứ hoặc thiếu nhã nhặn. Kinh Thánh nói rõ: “Chúng ta thảy đều vấp-phạm nhiều cách lắm. Nếu có ai không vấp-phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn-vẹn, hay hãm-cầm cả mình”. (Gia-cơ 3:2) Vì ý thức rất rõ điều này, nên Giê-hô-va Đức Chúa Trời khuyên chúng ta: “Chớ vội giận; vì sự giận ở trong lòng kẻ ngu-muội. Chớ để lòng về mọi lời người ta nói, e ngươi nghe kẻ tôi-tớ mình chửi-rủa mình chăng. Vì thường khi lòng ngươi cũng biết mình đã rủa kẻ khác”.—Truyền-đạo 7:9, 21, 22.

“Đức Giê-hô-va cân-nhắc cái lòng”

Nói sao nếu dường như bạn không thể làm gì được để xóa bỏ ấn tượng xấu của người khác về bạn? Xin chớ tuyệt vọng. Hãy làm đủ mọi cách để vun trồng và thể hiện những đức tính của tín đồ Đấng Christ. Hãy cầu nguyện, xin Đức Giê-hô-va giúp bạn cải thiện những thiếu sót. Nói cho cùng, chân giá trị của bạn không do người khác nhận xét. Chỉ có Đức Giê-hô-va mới “cân-nhắc cái lòng” một cách chính xác. (Châm-ngôn 21:2) Ngay cả Chúa Giê-su còn bị người ta xem thường và khinh miệt, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến quan điểm của Đức Giê-hô-va về ngài. (Ê-sai 53:3) Dù một số người có thể phán đoán sai lầm về bạn, nhưng bạn có thể “dốc đổ sự lòng mình ra” tâm sự với Đức Giê-hô-va, tin cậy rằng Ngài hiểu bạn, vì “Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn-thấy trong lòng”. (Thi-thiên 62:8; 1 Sa-mu-ên 16:7) Nếu bạn kiên trì làm điều lành, cuối cùng rồi những người có ấn tượng xấu về bạn sẽ nhận ra sai lầm và thay đổi ý kiến.—Ga-la-ti 6:9; 2 Ti-mô-thê 2:15.

Bạn còn nhớ anh Antonio nêu ra ở đầu bài này không? Anh đã thu hết can đảm để làm theo lời khuyên của Kinh Thánh và đi nói chuyện với anh bạn Leonardo để biết mình đã làm gì khiến bạn giận. Kết quả là gì? Anh Leonardo sửng sốt đến lặng người. Anh đáp rằng Antonio không có làm gì cả và anh cũng không cố ý lạnh nhạt với bạn mình chút nào. Nếu như anh có vẻ lạnh lùng, chẳng qua chỉ vì anh nhất thời đãng trí vì bận lo nghĩ đến chuyện khác mà thôi. Leonardo xin lỗi vì đã vô tình làm Antonio đau khổ và cám ơn Antonio đã lưu ý anh về vấn đề đó. Anh còn nói thêm là trong tương lai anh nhất định sẽ cẩn thận hơn để không tạo cảm tưởng đó với người khác. Thế là hết căng thẳng, và hai người trở lại tình bạn thân còn hơn trước nữa là đằng khác.

Bị hiểu lầm không bao giờ là điều thú vị. Tuy nhiên, nếu bạn làm đủ những bước tuần tự để vấn đề được sáng tỏ, và áp dụng những nguyên tắc Kinh Thánh về lòng yêu thương và tha thứ, rất có thể bạn cũng sẽ gặt hái cùng một kết quả tốt đẹp thôi.

[Chú thích]

^ đ. 2 Một số tên trong bài này đã được thay thế.

[Các hình nơi trang 23]

Làm sáng tỏ vấn đề trong tinh thần yêu thương và tha thứ có thể đưa đến những kết quả đáng mừng