Tin mừng về Nước Trời là gì?
Tin mừng về Nước Trời là gì?
Năm ngoái trong 235 xứ trên khắp thế giới, 6.035.564 người, cả già lẫn trẻ, đã dành 1.171.270.425 giờ để loan báo tin mừng. Ngoài việc rao truyền, họ còn phân phát hơn 700 triệu ấn phẩm cho công chúng để quảng bá và giải thích tin mừng. Cũng với mục đích này, hàng ngàn băng cassette và video đã được phân phối. Tin mừng đó là gì?
ĐÓ LÀ tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. Thật vậy, trong lịch sử nhân loại, ‘tin mừng nầy về nước Đức Chúa Trời’ chưa từng được rao truyền trong một phạm vi rộng lớn như ngày nay.—Ma-thi-ơ 24:14.
Tất cả những người làm công việc rao giảng và dạy dỗ này trên thế giới đều là người tình nguyện. Theo quan điểm người đời, thì những người này dường như không đủ khả năng để thực hiện công việc trên. Vậy, điều gì đã giúp họ dạn dĩ và thành công? Quyền lực của tin mừng Nước Trời, tin mừng về những ân phước sẽ đến cho nhân loại chính là nhân tố quyết định. Đây là những ân phước mà mọi người vẫn hằng ao ước—hạnh phúc, được thoát khỏi những khó khăn kinh tế, có một chính phủ tốt, hòa bình, an ninh, và một thứ khác mà phần đông người ta thậm chí không dám nghĩ tới, đó là sự sống vĩnh cửu! Quả là tin mừng cho những ai đang tìm kiếm ý nghĩa và mục đích đời sống. Thật thế, nếu tích cực hưởng ứng tin mừng về Nước Trời, bạn sẽ được hưởng tất cả những ân phước này và còn hơn thế nữa.
Nước Trời là gì?
Nhưng Nước Trời được công bố như một tin mừng đó là gì? Đó chính là Nước mà hàng triệu người đã được dạy cầu nguyện bằng những lời quen thuộc này: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh; Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời!”—Ma-thi-ơ 6:9, 10.
Nước đó đã được tiên tri Đa-ni-ên người Do Thái nói đến cách đây hơn 25 thế kỷ khi ông viết: “Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước không bao giờ bị hủy-diệt, quyền nước ấy không bao giờ để cho một dân-tộc khác; song nó sẽ đánh tan và hủy-diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời”.—Đa-ni-ên 2:44.
Vậy, tin mừng này báo về Nước, hay chính phủ mà Đức Chúa Trời thiết lập để loại trừ mọi sự gian ác và rồi cai trị toàn cầu trong hòa bình. Nước này sẽ hoàn thành ý định Sáng-thế Ký 1:28.
ban đầu của Đấng Tạo Hóa đối với nhân loại và trái đất.—“Nước thiên-đàng đã đến gần!”
Gần 2.000 năm trước đây, một người nhiệt thành có diện mạo và cung cách gây nhiều chú ý đã công bố tin mừng về Nước Trời lần đầu tiên. Đó là Giăng Báp-tít, con trai thầy tế lễ Do Thái Xa-cha-ri và vợ ông là bà Ê-li-sa-bét. Giăng mặc áo lông lạc đà, nịt lưng bằng dây da giống nhà tiên tri Ê-li, người làm hình bóng trước cho ông. Nhưng chính thông điệp của ông mới là điều khiến nhiều người chú ý. Ông công bố: “Các ngươi phải ăn-năn, vì nước thiên-đàng đã đến gần!”—Ma-thi-ơ 3:1-6.
Những người nghe Giăng nói đều là người Do Thái, một dân tộc tự cho mình là thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời thật. Họ đã được nhận giao ước Luật Pháp qua Môi-se trước đó khoảng 1.500 năm. Đền thờ nguy nga, nơi dâng tế lễ theo nghi thức Luật Pháp, vẫn tồn tại tại Giê-ru-sa-lem. Vì thế, người Do Thái tin chắc lối thờ phượng của họ là đúng trước mắt Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên, khi nghe Giăng nói, một số người bắt đầu nhận thức rằng tôn giáo của họ không đúng như những gì họ nghĩ. Văn hóa và triết lý Hy Lạp đã len lỏi vào những sự dạy dỗ của đạo Do Thái. Luật pháp mà Đức Chúa Trời ban cho qua Môi-se nay đã bị pha tạp, thậm chí vô hiệu hóa, bởi những niềm tin và truyền thống loài người. (Ma-thi-ơ 15:6) Bị lầm lạc bởi những nhà lãnh đạo tôn giáo cứng lòng và thiếu thương xót, phần đông người ta không còn thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách Ngài chấp nhận nữa. (Gia-cơ 1:27) Họ cần phải ăn năn những tội đã phạm cùng Ngài và trái với giao ước Luật pháp.
Lúc đó, nhiều người Do Thái đang trông đợi sự xuất hiện của Đấng Mê-si, hay Đấng Christ, được hứa trước và một số tự hỏi: “Giăng phải là Đấng Christ chăng”? Tuy nhiên, Giăng đã phủ nhận điều đó và hướng sự chú ý của họ đến một người khác mà ông nói: “Ta không đáng mở dây giày Ngài”. (Lu-ca 3:15, 16) Khi giới thiệu về Chúa Giê-su với các môn đồ mình, Giăng tuyên bố: “Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội-lỗi thế-gian đi”.—Giăng 1:29.
Đây quả là một tin mừng, vì Giăng đang chỉ cho mọi người biết con đường dẫn đến sự sống và hạnh phúc—đó là Chúa Giê-su, “Đấng cất tội-lỗi thế-gian đi”. Là con cháu của A-đam và Ê-va, cả nhân loại đều sanh ra dưới ách tội lỗi và sự chết. Rô-ma 5:19 giải thích: “Như bởi sự không vâng-phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng-phục của một người mà mọi người khác sẽ đều thành ra công-bình”. Như một con chiên hiến tế, Chúa Giê-su sẽ “cất tội-lỗi” và thay đổi hoàn cảnh đáng buồn của nhân loại. Kinh Thánh giải thích: “Tiền công của tội-lỗi là sự chết; nhưng sự ban-cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus-Christ, Chúa chúng ta”.—Rô-ma 6:23.
Với tư cách là người hoàn toàn, Chúa Giê-su—người vĩ đại nhất đã từng sống—đã thực hiện công việc truyền giảng tin mừng. Lời tường thuật của Kinh Thánh nơi Mác 1:14, 15 cho biết: “Sau khi Giăng bị tù, Đức Chúa Jêsus đến xứ Ga-li-lê, giảng Tin-lành của Đức Chúa Trời, mà rằng: Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn-năn và tin đạo Tin-lành [“tin mừng”, NW]”.
Những người hưởng ứng thông điệp của Chúa Giê-su và thực hành đức tin nơi tin mừng hưởng được nhiều ân phước. Giăng 1:12 nói: “Hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền-phép trở nên con-cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài”. Là con cái Đức Chúa Trời, họ có cơ hội nhận được phần thưởng sự sống vĩnh cửu.—1 Giăng 2:25.
Nhưng đặc ân nhận lãnh ân phước của Nước Trời không chỉ dành cho những người sống vào thế kỷ thứ nhất. Như đã nói ở trên, tin mừng về Nước Đức Chúa Trời hiện đang được rao truyền và dạy dỗ khắp nơi trên đất. Như vậy, ân điển của Nước Trời vẫn còn. Thế thì điều kiện để nhận lãnh những ân phước đó là gì? Bài tiếp theo sẽ giải thích.