Bạn còn nhớ không?
Bạn còn nhớ không?
Bạn có thích đọc những số Tháp Canh mới đây không? Hãy thử xem bạn có thể trả lời các câu hỏi sau đây không:
• Nơi Rô-ma 5:3-5 (NW), tại sao hy vọng lại được sứ đồ Phao-lô liệt kê ở cuối loạt điểm ông đang trình bày?
Phao-lô trình bày một chuỗi sự việc mà tín đồ Đấng Christ trải qua—hoạn nạn, nhịn nhục, được chấp nhận và hy vọng. “Hy vọng” này không phải là niềm hy vọng ban đầu khi một người mới học Kinh Thánh, mà là hy vọng ngày càng được củng cố, vững mạnh thêm, thấm sâu hơn nữa nơi lòng người tín đồ Đấng Christ.—15/12, trang 22, 23.
• Tại sao tín đồ Đấng Christ ngày nay nên quan tâm đến những trò thể thao tổ chức ở Hy Lạp cổ xưa?
Hiểu rõ bản chất và thông lệ của các trò thể thao ấy có thể làm sáng tỏ nhiều câu Kinh Thánh. Một số câu đó nói đến việc “đấu nhau theo lệ-luật”, ‘quăng hết gánh nặng và nhìn xem Đức Chúa Jêsus’, “chạy hết chặng đường”, và đoạt lấy vòng hoa, tức phần thưởng. (2 Ti-mô-thê 2:5; 4:7, 8, Tòa Tổng Giám Mục; Hê-bơ-rơ 12:1, 2; 1 Cô-rinh-tô 9:24, 25; 1 Phi-e-rơ 5:4)—1/1 trang 28-30.
• Vào tháng 1 năm 1914, phương tiện mới nào đã được dùng để rao truyền tin mừng?
“Kịch-Ảnh về sự sáng tạo” được ra mắt công chúng vào năm này. Nó là một kịch phẩm được trình chiếu làm bốn hồi, gồm phim điện ảnh và hàng trăm hình đèn chiếu có màu, phối hợp với lời giải thích thâu sẵn trên đĩa hát. Có hai mươi bộ Kịch này được sản xuất và sử dụng rộng rãi, nhằm giúp tìm hiểu về thông điệp Kinh Thánh.—15/1, trang 8, 9.
• Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương khác với một thực thể pháp lý như thế nào
Trong khi các giám đốc của thực thể pháp lý do các hội viên bầu lên, Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương không phải do người ta bổ nhiệm nhưng do chính Chúa Giê-su Christ bổ nhiệm. Các giám đốc của các thực thể do Nhân Chứng Giê-hô-va dùng không cần phải là thành viên của Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương. Tại phiên họp thường niên gần đây của Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania, các thành viên của Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương từng phục vụ với tư cách là giám đốc và viên chức đã tự nguyện thôi giữ chức vụ họ đang đảm nhiệm. Những anh thành thục thuộc lớp “chiên khác” lên thay thế. (Giăng 10:16) Nhờ vậy Hội Đồng Lãnh Đạo trung Ương có thể dành nhiều thời giờ hơn để sửa soạn đồ ăn thiêng liêng và chăm sóc cách khác cho nhu cầu thiêng liêng của đoàn thể anh em quốc tế.—15/1, trang 29, 31.
• Hai gương mẫu nào trong Kinh Thánh cần được xem xét để giúp đối phó với sự ngã lòng?
Gương đầu tiên là bà An-ne, mẹ của Sa-mu-ên. Bà đã có thể ngã lòng khi bị Hê-li, thầy tế lễ thượng phẩm của Y-sơ-ra-ên, hiểu lầm. Ngược lại, tuy bộc trực nhưng bà cũng kính cẩn phân trần với ông. Ngoài ra, An-ne không cưu mang hờn giận đối với Hê-li. Gương thứ hai là Mác. Ông hẳn đã ngã lòng khi Phao-lô từ chối cho đi cùng trong một chuyến đi truyền giáo. Thay vì nhụt chí vì bị mất đặc ân, ông tiếp tục đi cùng Ba-na-ba, phụng sự cách đắc lực.—1/2, trang 20-22.
• Tại sao tín đồ Đấng Christ nên thận trọng khi đưa hoặc nhận các bản sao chép những phần mềm vi tính?
Phần lớn những chương trình vi tính (kể cả các trò chơi) đều kèm theo giấy phép quy định rằng người mua hoặc người sử dụng chỉ được cài đặt chương trình vào một máy vi tính mà thôi. Sao chép chương trình để chuyền cho người khác, dù tặng miễn phí, thường là vi phạm luật bản quyền. Tín đồ Đấng Christ muốn tuân thủ luật pháp, hễ “vật chi của Sê-sa hãy trả lại cho Sê-sa”. (Mác 12:17)—15/2, trang 28, 29.
• Cyril và Methodius là ai, và họ đã cống hiến gì cho việc học hỏi Kinh Thánh?
Họ là hai anh em ruột, sinh ở Thessalonica, Hy Lạp, vào thế kỷ thứ chín. Họ sáng chế chữ viết cho các ngôn ngữ thuộc nhóm Slav và dịch phần lớn Kinh Thánh ra tiếng Slavonic.—1/3, trang 28, 29.
• Cụm từ “chăm về Thánh-Linh” có nghĩa gì?—Rô-ma 8:6.
Có nghĩa là được chi phối, dẫn dắt và thúc đẩy bởi sinh hoạt lực của Đức Giê-hô-va. Chúng ta có thể để cho thánh linh Đức Chúa Trời hoạt động trên chúng ta bằng cách đọc và học hỏi Kinh Thánh, hết lòng tuân theo luật pháp Đức Chúa Trời và bằng cách cầu nguyện xin Đức Chúa Trời ban thánh linh.—15/3, trang 15.
• Nếu cảm thấy bị hiểu lầm, chúng ta có thể làm gì?
Điều quan trọng là phải tìm cách làm sáng tỏ vấn đề trong tinh thần yêu thương. Nếu điều này dường như khó thực hiện, chớ tuyệt vọng. Hãy cầu nguyện xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ và ban cho sự hiểu biết, vì Ngài “cân-nhắc cái lòng”. (Châm-ngôn 21:2; 1 Sa-mu-ên 16:7)—1/4, trang 21-23.