Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có thể thành công bất kể môi trường dưỡng dục

Bạn có thể thành công bất kể môi trường dưỡng dục

Bạn có thể thành công bất kể môi trường dưỡng dục

NICHOLAS đã có khuynh hướng nổi loạn ngay từ thời thơ ấu. * Cuối cùng, những xung đột nội tâm đã khiến anh ta lạm dụng ma túy và nghiện rượu nặng. Nicholas giải thích: “Cha tôi nghiện rượu, ông đã làm khổ tôi và em gái tôi”.

Bề ngoài, cha mẹ của Malinda là những tín hữu chăm chỉ đi nhà thờ và đáng kính trọng trong cộng đồng. Nhưng ông bà cũng gắn bó chặt chẽ với một giáo phái nguy hiểm. Bây giờ Malinda, ở độ tuổi 30, than phiền: “Một số thực hành thuộc giáo phái này của họ đã xỉ nhục tôi và hủy hoại tâm hồn non trẻ của tôi”. Cô nói thêm: “Cảm giác bị cho là đứa con vô tích sự đã ảnh hưởng tôi kể từ thời tôi còn nhỏ”.

Ai có thể phủ nhận rằng thời thơ ấu của nhiều người đã bị bạo lực, sự ngược đãi, sự bỏ bê của cha mẹ và những yếu tố tiêu cực khác làm hại? Những vết thương của một thời thơ ấu bất hạnh có thể sâu đậm. Nhưng những vết thương như thế có khiến người đó không bao giờ nhận được lẽ thật trong Lời Đức Chúa Trời và tìm được một mức độ hạnh phúc đáng kể không? Bất kể môi trường dưỡng dục đã nhận được, Nicholas và Malinda có thể thành công làm những người trung kiên không? Trước hết, hãy xem gương của Giô-si-a, vua nước Giu-đa.

Một gương trong Kinh Thánh

Giô-si-a cai trị xứ Giu-đa 31 năm vào thế kỷ thứ bảy TCN (659-629 TCN). Vào thời Giô-si-a lên ngôi, sau khi cha ông bị ám sát, tình trạng xứ Giu-đa rất tồi tệ. Xứ Giu-đa và thành Giê-ru-sa-lem đầy những kẻ thờ Ba-anh và những kẻ chỉ thần chính của dân Am-môn là Minh-côm mà thề thốt. Sô-phô-ni, một nhà tiên tri của Đức Chúa Trời thời đó, nói các quan trưởng Giu-đa là “sư-tử gầm-thét”, và quan xét là “muông-sói ban đêm”. Do đó, bạo lực và lừa dối lan tràn khắp xứ. Nhiều người tự nhủ: “Đức Giê-hô-va sẽ chẳng xuống phước cũng chẳng xuống họa”.—Sô-phô-ni 1:3–2:3; 3:1-5.

Giô-si-a cho thấy ông là loại người cai trị nào? E-xơ-ra, nhà ghi chép sử ký Kinh Thánh, viết: “[Giô-si-a] làm điều thiện trước mặt Đức Giê-hô-va, và đi theo con đường của Đa-vít, tổ-phụ người, không xây về bên hữu hay là bên tả”. (2 Sử-ký 34:1, 2) Rõ ràng, Giô-si-a đã thành công trong việc làm điều công bình trước mắt Đức Chúa Trời. Nhưng gốc gác gia đình ông ra sao?

Thời thơ ấu được nuôi dưỡng hay bị ngược đãi?

Khi Giô-si-a chào đời năm 667 TCN, cha ông, A-môn, mới 16 tuổi, và ông nội là Ma-na-se đang cai trị xứ Giu-đa. Ma-na-se là vị vua độc ác nhất đã từng cai trị Giu-đa. Lập các bàn thờ cho Ba-anh, “người làm điều ác thái-quá tại trước mặt Đức Giê-hô-va”. Người đưa con cái mình qua lửa, dùng pháp thuật, bói toán, cổ động các thực hành đồng bóng và đổ nhiều huyết vô tội. Ma-na-se cũng đem tượng chạm trụ thánh mà mình đã làm vào đền của Đức Giê-hô-va. Ông quyến dụ Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, đến nỗi chúng “làm điều ác hơn các dân-tộc mà Đức Giê-hô-va đã hủy-diệt khỏi trước mặt dân Y-sơ-ra-ên”.—2 Sử-ký 33:1-9.

Ma-na-se làm ác đến nỗi Đức Giê-hô-va để cho người bị xiềng lại và đày đi Ba-by-lôn, một trong những cung thành của vua A-si-ri. Trong khi bị giam cầm, Ma-na-se ăn năn, hạ mình xuống, cầu xin Đức Giê-hô-va tha thứ. Đức Chúa Trời nhậm lời ông nài xin và phục hồi cho ông vương quyền tại Giê-ru-sa-lem. Sau đó, Ma-na-se đã thành công phần nào trong việc thực hiện một số cải cách.—2 Sử-ký 33:10-17.

Việc Ma-na-se làm điều ác rồi sau đó ăn năn có ảnh hưởng gì đối với A-môn, con trai ông? A-môn hóa ra rất độc ác. Khi Ma-na-se ăn năn và nỗ lực tẩy sạch nước khỏi sự ô uế mà trước đó chính ông đã khởi xướng, A-môn không hưởng ứng. Khi thừa kế ngôi vua lúc 22 tuổi, A-môn “làm điều ác tại trước mặt Đức Giê-hô-va, y như Ma-na-se, cha người, đã làm”. Thay vì hạ mình xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, “người càng thêm phạm tội”. (2 Sử-ký 33:21-23) Khi A-môn làm vua nước Giu-đa, Giô-si-a mới sáu tuổi. Hẳn là Giô-si-a có một thời thơ ấu thật khủng khiếp!

Triều đại độc ác của A-môn chấm dứt hai năm sau, khi các đầy tớ ông mưu phản và giết ông. Dầu vậy, dân sự của xứ lại giết những kẻ đã mưu phản giết vua A-môn và lập Giô-si-a, con trai ông, làm vua.—2 Sử-ký 33:24, 25.

Bất kể những hoàn cảnh bất lợi thuở thơ ấu, Giô-si-a tiếp tục làm điều thiện trước mắt Đức Giê-hô-va. Triều đại ông thành công đến nỗi Kinh Thánh nói: “Trước Giô-si-a, chẳng có một vua nào hết lòng, hết ý, hết sức mình, mà tríu-mến Đức Giê-hô-va, làm theo trọn-vẹn luật-pháp của Môi-se; và sau người cũng chẳng có thấy ai giống như người nữa”.—2 Các Vua 23:19-25.

Giô-si-a chứng tỏ là một gương đầy khích lệ cho những ai đã phải trải qua một thời thơ ấu khủng khiếp! Chúng ta học được gì qua gương của ông? Điều gì đã giúp Giô-si-a chọn đúng đường và tiếp tục bước đi trong đó?

Tìm biết Đức Giê-hô-va

Một ảnh hưởng tích cực nổi bật trong suốt những năm đầu đời Giô-si-a là ông nội Ma-na-se có lòng ăn năn. Kinh Thánh không nói hai ông cháu gần gũi với nhau tới mức nào và khi Ma-na-se sửa đổi đường lối mình thì Giô-si-a được bao nhiêu tuổi. Vì các gia đình Do thái khắng khít với nhau, có thể Ma-na-se đã cố gắng cứu cháu nội ông khỏi các ảnh hưởng đồi bại chung quanh bằng cách khắc ghi vào lòng cháu sự kính sợ Đức Chúa Trời thật là Đức Giê-hô-va, và lời Ngài. Bất cứ hạt giống lẽ thật nào Ma-na-se đã gieo được vào lòng Giô-si-a, có lẽ phối hợp với những ảnh hưởng tích cực khác, cuối cùng sinh bông trái tốt. Trong năm thứ tám trị vì Giu-đa, Giô-si-a lúc ấy 15 tuổi đã tìm biết và làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va.—2 Sử-ký 34:1-3.

Trong thời thơ ấu, một số người chỉ tiếp cận về phương diện thiêng liêng với một người bà con ở xa, một người quen biết hoặc một người láng giềng. Tuy nhiên, nếu được chăm sóc, những hạt giống đó sau này có thể sinh bông trái tốt. Malinda, được đề cập ở trên, có một người láng giềng tử tế, lớn tuổi, thường xuyên đem tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức! đến nhà chị. Thích thú nhớ đến ông, chị nói: “Điều gây ấn tượng nhất đối với tôi về người láng giềng là ông đã không ăn mừng các ngày lễ. Điều này quan trọng đối với tôi vì Halloween và một số ngày lễ khác là dịp cha mẹ tôi thực hành những nghi lễ theo ngoại giáo của họ”. Một thập niên sau, khi một người bạn mời Malinda tới dự một buổi họp đạo Đấng Christ tại Phòng Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va, chị nhớ đến người láng giềng này và sẵn sàng nhận lời. Điều đó đã giúp chị tìm kiếm lẽ thật.

Khiêm nhường trước mặt Đức Chúa Trời

Triều đại của Giô-si-a được đánh dấu bởi những cải cách to tát về tôn giáo trong xứ Giu-đa. Sau khi thực hiện một chiến dịch dài sáu năm chống lại việc thờ thần tượng và dọn sạch xứ Giu-đa, Giô-si-a tiến hành công việc sửa sang đền thờ Đức Giê-hô-va. Khi công việc đang tiến hành, thầy tế lễ thượng phẩm Hinh-kia đã phát hiện một điều thật quý giá! Ông tìm được bản gốc “sách luật-pháp của Đức Giê-hô-va”. Với sự tìm thấy kỳ diệu này, được Hinh-kia ủy thác, thư ký Sa-phan tường trình với vua điều đã xảy ra. Những thành quả ấy có khiến cho Giô-si-a 25 tuổi kiêu ngạo không?—2 Sử-ký 34:3-18.

E-xơ-ra viết: “Khi vua nghe các lời luật-pháp rồi, thì xé áo mình”. Điều đó biểu lộ sự buồn rầu từ đáy lòng vì ông nhận thức rằng tổ phụ mình đã không thi hành mọi điều răn của Đức Chúa Trời. Thật là một dấu hiệu khiêm nhường! Lập tức nhà vua truyền lệnh một phái đoàn năm người để cầu vấn Đức Giê-hô-va qua nữ tiên tri Hun-đa. Phái đoàn về báo cáo lại: ‘Tai vạ sẽ đến vì sự bất tuân Luật Pháp Đức Giê-hô-va. Nhưng vì ngươi, Vua Giô-si-a, đã hạ mình xuống, ngươi sẽ được chôn trong nơi bình an và sẽ không thấy tai vạ’. (2 Sử-ký 34:19-28) Đức Giê-hô-va hài lòng với thái độ của Giô-si-a.

Bất kể quá trình của chúng ta, chúng ta cũng có thể hạ mình trước mặt Đức Chúa Trời thật, Đức Giê-hô-va, và bày tỏ thái độ kính trọng Ngài, và Lời Ngài, Kinh Thánh. Nicholas, được đề cập ở đầu bài, đã làm thế. Anh nói: “Dù đời tôi thật bê bối vì lạm dụng ma túy và nghiện rượu, tôi chú ý đến Kinh Thánh và mong mỏi có được một mục đích trong đời sống. Rốt cuộc, tôi được dịp tiếp xúc với Nhân Chứng Giê-hô-va, thay đổi nếp sống và đón nhận lẽ thật”. Đúng vậy, chúng ta có thể có thái độ kính trọng Đức Chúa Trời và Lời Ngài bất kể môi trường chung quanh.

Được lợi ích nhờ sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va

Giô-si-a cũng kính trọng sâu xa các tiên tri của Đức Giê-hô-va. Không những ông cầu vấn nữ tiên tri Hun-đa mà còn nhận được nhiều ảnh hưởng từ các tiên tri khác vào thời ông. Chẳng hạn, cả Giê-rê-mi lẫn Sô-phô-ni đều bận rộn lên án những thực hành thờ hình tượng trong xứ Giu-đa. Hẳn là việc chú ý đến thông điệp của họ đã giúp ông mạnh sức khi ông mở một chiến dịch chống lại sự thờ phượng sai lầm!—Giê-rê-mi 1:1, 2; 3:6-10; Sô-phô-ni 1:1-6.

“Chủ” tức là Chúa Giê-su Christ, đã bổ nhiệm một nhóm các môn đồ được xức dầu của ngài—“đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”—để cung cấp thức ăn thiêng liêng đúng giờ. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Qua các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh và sự sắp đặt của hội thánh, lớp đầy tớ hướng sự chú ý đến các lợi ích nhờ nghe theo lời khuyên trong Kinh Thánh và cho những đề nghị thực tiễn về cách áp dụng lời khuyên đó trong đời sống hàng ngày. Thật là thích hợp biết bao khi áp dụng sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va để giúp chúng ta khắc phục bất cứ thái độ không lành mạnh nào đã bén rễ sâu! Vào thời thơ ấu, Nicholas rất ghét uy quyền. Ngay cả khi anh học lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời, sự yếu kém này cản trở sự tiến bộ của anh trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va trọn vẹn hơn. Thay đổi thái độ này không phải là dễ đối với anh. Nhưng với thời gian, anh đã thành công. Bằng cách nào? Nicholas giải thích: “Với sự giúp đỡ của hai trưởng lão thông cảm, tôi thừa nhận vấn đề của mình và bắt đầu áp dụng những lời khuyên đầy yêu thương dựa trên Kinh Thánh mà họ đưa ra”. Anh thêm: “Dù thỉnh thoảng tôi hơi nổi giận, nhưng bây giờ tôi đã kiểm soát được bản tính ương ngạnh của tôi”.

Malinda cũng tìm lời khuyên của các trưởng lão khi chị quyết định các vấn đề quan trọng trong đời mình. Khi đối phó với cảm giác vô vọng và vô dụng bắt nguồn từ thời thơ ấu, chị thấy nhiều bài trong các tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức! thật đặc biệt vô cùng quý giá! Chị nói: “Đôi khi chỉ một đoạn hoặc một câu—chỉ một mẩu—trong một bài báo cũng làm tôi cảm động. Cách đây khoảng chín năm, tôi bắt đầu cất giữ những bài báo đó trong một cuốn sổ kẹp giấy rời để tôi có thể sẵn sàng tham khảo”. Ngày nay, ba cuốn sổ như thế của chị gồm có khoảng 400 bài báo!

Không, dù xuất thân từ một gia đình có nếp sống tồi tệ, người ta không nhất thiết phải chịu ảnh hưởng suốt đời. Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va họ có thể thành công về thiêng liêng. Cũng như một môi trường dưỡng dục tốt không bảo đảm sự trung kiên của một người, một thời thơ ấu tồi tệ không cản trở một người học kính sợ Đức Chúa Trời.

Sau khi tìm thấy sách Luật Pháp trong lúc sửa sang đền thờ, Giô-si-a ‘lập giao-ước trước mặt Đức Giê-hô-va, hứa đi theo Đức Giê-hô-va, và hết lòng hết ý vâng lời Ngài’. (2 Sử-ký 34:31) Và ông giữ trọn niềm cương quyết này cho đến chết. Cũng vậy, Malinda và Nicholas cương quyết giữ lòng trung thành với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và thành công làm những người giữ lòng trung kiên. Mong sao bạn cũng kiên quyết gần gũi với Đức Chúa Trời và trung thành phụng sự Ngài. Bạn có thể tin chắc sẽ thành công vì Đức Chúa Trời đã hứa: “Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; chớ kinh-khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp-đỡ ngươi, lấy tay hữu công-bình ta mà nâng-đỡ ngươi”.—Ê-sai 41:10, 13.

[Chú thích]

^ đ. 2 Một số tên đã được thay đổi.

[Các hình nơi trang 26]

Bất kể một thời thơ ấu khủng khiếp, Giô-si-a tìm biết Đức Giê-hô-va và được thành công trong đời

[Hình nơi trang 28]

Các trưởng lão có thể giúp bạn khắc phục được một cá tính đã bén rễ sâu

[Hình nơi trang 28]

“Tháp Canh” và “Tỉnh Thức!” có thể giúp bạn giữ lòng trung kiên